YOMEDIA

Nêu cảm nghĩ bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ

Tải về
 
NONE

Bài văn mẫu văn biểu cảm nêu cảm nghĩ bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá - Đỗ Phủ mà Học247 giới thiệu sau đây sẽ giúp các em tập làm quen, biết cách lập dàn bài và viết bài văn biểu cảm đối với dạng đề nêu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn lớp 7, tập 1. 

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Bài ca nhà tranh bị gió thu phá để hiểu được sâu sắc hơn về bài thơ.

 

ADSENSE
YOMEDIA

A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

cảm nghĩ về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá - Đỗ Phủ

B. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

  • Giới thiệu sơ lược
    • Tác giả Đỗ Phủ.
      • Đỗ Phủ (712-770) là nhà thơ nổi tiếng đời Đường bên Trung Quốc. Tên chữ là Tử Mĩ, bút hiệu là Thiếu Lăng, quê ở tỉnh Hà Nam.
      • Ông đỗ đạt muộn, ra làm quan trong một thời gian rất ngắn.
      • Năm 759, ông từ quan về quê, sống trong cảnh nghèo khổ cùng gia đình.
    • Bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”.
      • Hoàn cảnh sáng tác: Được sáng tác trong thời gian ông về quê, sống cảnh nghèo khổ cùng gia đình.
      • Cảm nhận chung
        • Phản ánh cuộc sống cơ cực của gia đình
        • Thể hiện lòng nhân ái cao cả của Đỗ Phủ trước những cảnh đời bất hạnh như mình.

2. Thân bài

a. Nỗi khổ tâm của nhà thơ trước cảnh căn nhà tranh bị gió thu thổi tốc mái

  • Hình ảnh ngôi nhà tan hoang

Tháng tám thu cao gió thét già,

Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta...

Thời gian là cuối thu (Thu cao), gió thổi rất mạnh (gió thét già), cả mái nhà bị gió thu thổi bay (cuộn mất ba lớp tranh..). Mảnh treo trên ngọn cây cao trong rừng xa, mảnh rơi vào mương nước trước mặt...

  • Tâm trạng đau xót và bất lực của nhà thơ
    • Trước cảnh lũ trẻ lao vào cướp những tấm tranh lợp nhà, nhà thơ đau lòng nhưng

Môi khô miệng cháy gào chẳng được,

Chống gậy quay về lòng ấm ức.

→ Tình cảnh khốn, khổ của gia đình nhà thơ trong đêm mưa lạnh

⇒ Gió gào thét, màn đêm buông xuống cùng cơn mưa rả rích suốt đêm đã đẩy vợ chồng, cha con nhà thơ vào cảnh ngộ đáng thương: Nằm co quắp trong đống chăn đệm cũ nát, lạnh ngắt, dưới trời mưa dầm dề, giá buốt.

  • Những hình ảnh tả thực gây xúc động:

Trời thu mịt mịt, đêm đen đặc,

Dày hạt mưa mưa, mưa chẳng dứt,

Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt...

Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu...

  • Nhà thơ vốn ít ngủ từ khi thời thế lâm vào cảnh binh đao, loạn lạc. Suốt đêm mưa lạnh, ông trằn trọc, thao thức, mong trời mau sáng. Ước mơ cao cả xuất phát từ tấm lòng nhân ái của nhà thơ
    • Trong cảnh bị mưa dập, gió vùi, nhà thơ đau lòng nghĩ đến bao nhiêu kẻ sĩ nghèo khó cũng lâm vào cảnh ngộ khốn khổ như mình.
    • Ông ước có được ngôi nhà rộng muôn ngàn gian để che chở cho họ:

Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,

Che khắp thiên hạ kể sĩ nghèo đểu hân hoan...

→ Nếu ước muốn ấy thành sự thực thì dù: “Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!”

⇒ Quên mình vì người, đó là lòng nhân ái cao cả của nhà thơ.

3. Kết bài

  • Ấn tượng chung về bài thơ và tác giả
    • Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” là tác phẩm nổi tiếng của Đỗ Phủ.
    • Nguyễn Du, nhà thơ kiệt xuất của nước ta đã tôn vinh Đỗ Phủ là “Bậc thầy muôn đời của vãn chương muôn đời”.

Bài văn mẫu

Đề bài: Nêu cảm nghĩ sau khi học xong bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” của Đỗ Phủ.

Gợi ý làm bài

Bài mẫu 1

     Đời Đường - Trung Quốc trong khoảng những năm 618 - 907 thi ca nghệ thuật phát triển vô cùng mạnh mẽ và thu được những thành tựu rực rỡ. Với hơn 2.300 thi sĩ và khoảng hơn 48.000 bài, thơ Đường được liệt vào hàng thơ ca ưu tú nhất của nhân loại. Trong số đó không thể không kể đến Đỗ Phủ (712 - 770) nhà thơ giàu lòng yêu nước thương dân, được tôn vinh là "thi thánh". Tính hiện thực và tinh thần nhân đạo là chủ đề xuyên suốt trong thơ. Bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” là một trong những bài thơ như vậy.

Bài thơ này được xem là một trong những bài thơ hay nhất trong số 100 bài tiêu biểu của Đỗ Phủ được sáng tác vào những năm cuối đời sống ở Thành Đô. Cùng thời gian đó loạn An Lộc Sơn vẫn chưa dứt, bài thơ lấy gốc sâu xa từ điệu dân ca cổ. Đã có rất nhiều nhà thơ có cách viết thế ca này: “Thu Phô ca” (Lý Bạch), “Trường hận ca” (Bạch Cư Dị).

      Mở đầu bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” như kể lại về trận gió thu. Đây không phải là cơn gió heo may mát lành mà đây là một trận bão tố, cơn lốc vào tháng tám gió thét gào.

Tháng tám, thu cao, gió thét gào,

Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta

Tranh bay sang sông rải khắp bờ,

Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa

Mảnh thấp quay lộn vào mương sa.

Căn nhà lợp tranh yếu ớt bị cơn thu phong lật tung cuộn bay khắp nơi. Có tấm tranh bay rải khắp bờ sông. Có tấm bay tận rừng xa, có tấm rơi nơi mương nước ... Việc lặp lại từ “tranh” đến 2, 3 lần chứng tỏ trận bão tố rất ghê gớm. Căn nhà được bạn bè giúp đỡ để nương thân qua ngày giờ đây tan thương.

Ngước nhìn từng tấm tranh theo gió bay đi mà lòng xót xa, bất lực. Tiếng thơ như lời than thở, khóc lóc cho cảnh sống khổ cực của thi nhân.

Sự đau đớn xót xa được thể hiện sâu sắc hơn ở khổ thơ kế tiếp. Nhà thơ phải chứng kiến sự phá phách căn nhà của mình cùng với trận bão tố mà nhà thơ gọi là "đạo tặc".

-- Để tham khảo được tài liệu một cách đầy đủ, thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Học247 để xem và tải tài liệu về máy --

Qua bài thơ trên ta thấy Đỗ Phủ mang nặng tấm lòng nhân ái bao la của một con người trải qua nhiều bất hạnh giữa thời loạn lạc. Ông mong mỏi, và khao khát hạnh phúc cho muôn dân. Bài thơ chất chứa chất nhân văn cao cả của bậc vĩ nhân quên đi bản thân mình mà lo cho dân cho nước.

Bài mẫu 2

     Đỗ Phủ (712 - 770), nhà thơ nổi tiếng đời Đường ở Trung Quốc. Tên chữ của ông là Tử Mĩ, bút hiệu là Thiếu Lăng, quê ở tỉnh Hà Nam. Sau khi đỗ đạt, ông có ra làm quan trong một thời gian ngắn. Tướng An Lộc Sơn nổi dậy chống triều đình, Đỗ Phủ tình nguyện xin nhà vua cho đi đánh dẹp nhưng không được nhà vua tín nhiệm. Năm 759, ông từ quan, đưa gia đình về vùng Tây Nam. Sống trong cảnh đói nghèo, bệnh tật. Mùa đông năm 770, nhà thơ qua đời trên một chiếc thuyền nhỏ cắm sào bên dòng sông Tương (tỉnh Hồ Nam).

Thời gian ở Thành Đô, Đỗ Phủ được bạn bè giúp đỡ dựng cho một căn nhà tranh bên khe Cán Hoa. Mới ở được mấy tháng thì căn nhà đã bị gió thu thổi mạnh làm cho tốc mái. Xuất xứ bài thơ là từ sự việc đó.

“Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” phản ánh cuộc sống cơ cực của gia đình nhà thơ và thể hiện lòng nhân ái, vị tha đáng quý của nhà thơ trước những cảnh đời bất hạnh như mình:

Tháng tám, thu cao, gió thét già,

Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta.

Tranh bay sang sông rải khắp bờ,

Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa,

Mảnh thấp quay lộn vĩ/i mương sa.

Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,

Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,

Cắp tranh đi tuốt vào lũy tre

Môi khô miệng cháy gào chẳng được,

Quay về, chống gậy lòng ấm ức!

Giây lát, gió lặng, mây tối mực,

Trời thu mịt mịt đêm đen đặc.

Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt,

Con nằm xấu nết đạp lót nát

Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu

Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt.

Từ trải cơn loạn ít ngủ nghè

Đêm dài ướt át sao cho trót

Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,

Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,

Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch hàn!

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!

     Bài thơ gồm có bốn phần. Phần một tả cảnh gió thu cuốn mất mấy lớp tranh lợp nhà. Phần hai là sự bất lực của nhà thơ khi lũ trẻ con hùa nhau cướp những tấm tranh. Phần ba tả nỗi khổ của gia đình Đỗ Phủ trong đêm mưa. Phần bốn là ước mơ và tấm lòng nhân ái của nhà thơ.

Phần đầu bài thơ tả cảnh ngôi nhà đơn sơ bị gió thu tàn phá:

Tháng tám, thu cao, gió thét già,

Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta,

Tranh hay sang sông rải khắp bờ,

Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa,

Mảnh thấp quay lộn vào mương sa.

Đỗ Phủ đã dùng bút pháp miêu tả kết hợp với kế chuyện để nói lên nỗi khổ ghê gớm nhất của một đời người đó là cảnh sống không nhà hoặc phải ở trong một căn nhà chật hẹp, rách nát. Gió thu mạnh như thét, như gào, thổi tốc mái, cuốn những tấm tranh bay vung vãi khắp nơi. Nhiều tấm bay tít sang bên kia sông. Có tấm treo tận ngọn cây cao trong rừng xa. Có tấm rơi xuống mương sâu. Nhìn mái nhà tan nát, lòng nhà thơ cũng nát tan.

Phần hai của bài thơ tả tình thế bối rối, bất lực của vị chủ nhà đáng thương:

Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,

Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,

Cắp tranh đi tuốt vào lũy tre

Môi khô miệng cháy gào chẳng được,

Quay về, chống gậy lòng ấm ức!

Nhà thơ kể lại diễn biến sự việc bằng giọng điệu ngậm ngùi, chua xót. Bất chấp sự ngăn cản, van xin của ông lão già yếu, lũ trẻ trong thôn hùa nhau cướp giật những tấm tranh rồi chạy tuốt vào lũy tre đầu làng. Không làm gì được, không còn hơi sức đế kêu gào, nhà thơ đành ấm ức chống gậy quay về, đứng run rẩy ngậm ngùi trước căn nhà tốc mái tan hoang. Đằng sau sự mất mát về vật chất là nỗi đau nhân tình thế thái. Cuộc sống cơ cực đã biến lũ trẻ thành những đứa bé hư đốn, nhẫn tâm, không biết xót thương.

Phần ba tả nỗi khổ của gia đình Đỗ Phủ trong đêm mưa. Đây là phần cảm động nhất của bài thơ:

Giây lát, gió lặng, mây tối mực,

Trời thu mịt mịt đèm đen dặc.

Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt,

Con nằm xấu nết đạp lót nát

Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu

Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt.

Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê

Đêm dài ướt át sao cho trót?

Cuồng phong đã lặng. Màn đêm ập xuống, tối đen như mực. Cả gia đình khốn khổ nằm co quắp trong đống chăn đệm cũ rách, lạnh ngắt như sắt. Buổi chiều, gió nối làm tốc mái tranh. Đến đêm, mưa lại đổ xuống rỉ rả không ngừng. Nhà dột khắp nơi, chẳng biết tránh đâu. Lũ con thơ vừa đói vừa rét cứ lục đục hoài, nằm không yên chỗ. Cảnh tình thật đáng thương!

Nhà thơ miêu tả và kể chuyện theo trình tự thời gian. Chỉ vài chi tiết: “Trời thu mịt mịt đêm đen đặc”... “Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt”, nhà thơ đã làm nổi bật được đặc điểm của mưa thu là dai dẳng và lạnh lẽo.

Suốt đêm dài, nhà thơ thao thức, trằn trọc, chỉ mong trời mau sáng. Từ độ loạn lạc tới giờ, Đỗ Phủ ít ngủ. Đêm nay, bao nhiêu nỗi khổ dồn dập đến với nhà thơ: Nhà dột, mưa ướt dầm dề, các con đói lạnh...! “Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê” là một nét nhấn làm nổi bật nỗi khổ tinh thần của Đỗ Phủ. Ông lo cho mình một phần, lo cho thiên hạ muôn phần, ông hiểu rằng tình cảnh gia đình mình đã khổ, nhưng nhiều người khác còn khổ hơn.

Phần bốn phản ánh ước mơ cao cả của nhà thơ. Trong cảnh bị mưa vùi gió dập, trái tim nhà thơ quặn thắt không phải chỉ vì chuyện lều ta rách nát mà còn vì cảnh không nhà của hàng ngàn kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ. Từ hiện thực đau khổ của cuộc sống cá nhân, nhà thơ đã thốt lên lời ao ước thiết tha: Có được ngôi nhà rộng rãi, vững bền để có thể che gió che mưa cho tất cả những kẻ sĩ bần hàn:

Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,

Che khắp thiên hạ kể sĩ nghèo đều hân hoan,

Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn!

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!

Lòng nhân ái của Đỗ Phủ đã đến mức xả thân. Ông chấp nhận riêng mình chịu khổ, miễn sao mọi người được hạnh phúc. Ước mơ của Đỗ Phủ tuy mang màu sắc ảo tưởng song nó đẹp đẽ, cao quý, làm xúc động trái tim người đọc.

Giả thử không có năm dòng thơ cuối, trước mắt ta vẫn là một bài thơ hay, có giá trị biểu cảm cao bởi vì nhà thơ đã phản ánh chân thực nỗi khổ của một người nghèo trước cảnh căn nhà bị gió thu phá nát.

Tuy nhiên, nhờ có năm dòng thơ cuối mà nỗi khổ đau của một con người, một gia đình mới trở thành tấm gương phản chiếu nỗi khổ đau của muôn người, muôn nhà.

Đỗ Phủ không dừng lại ở mức miêu tả nỗi thống khổ của bản thân mà thông qua đó để thế hiện sự thống khố của tất cả kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ, từ đó phản ánh hiện thực ảm đạm của xã hội.

Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” là một tác phẩm nổi tiếng của Đỗ Phủ. Bút pháp hiện thực cũng như tinh thần nhân đạo cao cả của nhà thơ đã ảnh hưởng khá sâu rộng đến thơ ca Trung Quốc đời sau.

     Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực lớn nhất trong lịch sử thơ ca cổ điển Trung Quốc. Thơ ông được mệnh danh là “thi sử” (sử bằng thơ) vì đã phản ánh chân thực, sâu sắc bộ mặt lịch sử đường thời. Nhà thơ Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng của nước ta đã tôn vinh Đỗ Phủ là “Bậc thầy muôn đời của văn chương muôn đời”.

Trên đây là sơ đồ tóm tắt gợi ý, dàn bài chi tiết cùng một phần bài văn mẫu Nêu cảm nghĩ sau khi đọc bài thơ "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá" của Đỗ Phủ. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em làm quen với dạng bài văn biểu cảm. Cụ thể ở đây là văn biểu cảm bàn về một tác phẩm văn học.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Cách làm bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học để ôn lại kiến thức một cách khái quát hơn đối với dạng bài văn biểu cảm.

-- MOD Ngữ văn HỌC247 (tổng hợp và biên soạn)

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF