YOMEDIA

Đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ văn - Trường THPT Đào Duy Từ

Tải về
 
NONE

Xin giới thiệu tới các em đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn của trường THPT Đào Duy Từ được sưu tầm bởi HOC247, đề có đáp án chi tiết kèm thang điểm cụ thể. Hy vọng tài liệu sẽ giúp các em làm quen với nhiều dạng để mới để có sự chuẩn bị tốt nhất khi trước khi bước vào kì thi quan trọng.

ADSENSE
YOMEDIA

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÁI NGUYÊN                       ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
   TRƯỜNG  THPT ĐÀO DUY TỪ                                                   NĂM HỌC: 2019-2020
                                                                                                              MÔN: Ngữ Văn

                                                                                                            ( Đề gồm 02 trang )

I. ĐỌC - HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4.

(1) Vụ chiếc tàu Titanic bị chìm ngoài khơi Bắc Đại Tây Dương đêm 15- 4 – 1912 làm hơn 1500 người thiệt mạng đã không ngừng làm đề tài cho bao tác phẩm văn chương nghệ thuật. Titanic có nghĩa là vĩ đại. Đặt tên như thế cho con tàu, con người muốn nói lên niềm kiêu hãnh cho một công trình có một không hai vào thời bấy giờ. Nhưng cái vĩ đại mà con người tưởng mình có thể đạt được trong tiến bộ khoa học kĩ thuật ấy không là gì trước sức mạnh thiên nhiên.

(2) Sau khi chiếc tàu vĩ đại ấy bị đắm, một tờ báo xuất bản ở Anh đã đăng kề nhau hai bức ảnh minh họa có nội dung như sau: Trong bức ảnh thứ nhất, người ta thấy chiếc tàu chạm vào tảng băng, bên dưới có dòng chữ: “Sự yếu đuối của con người và sức mạnh của thiên nhiên”. Còn bức ảnh thứ hai, người ta lại thấy một người đàn ông nhường chiếc phao cấp cứu của mình cho người đàn bà đang bế con trên tay. Lần này bức ảnh được chú thích bằng dòng chữ: “Sự yếu đuối của thiên nhiên và sức mạnh của con người.”

(3) Sức mạnh, sự vĩ đại đích thực của con người hẳn không nằm trong khả năng chinh phục hay chế ngự thiên nhiên, mà chính là trong khả năng chế ngự được bản thân, vượt thắng sự ích kỷ. Mahatma Gandhi, người giành độc lập cho Ấn Độ bằng cuộc đấu tranh bất bạo động, đã nói: “Sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay chính là tình yêu.”

(Tương quan, Phép màu nhiệm của đời, NXB trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2004, tr. 72-73)

Câu 1. Theo văn bản, Titanic đặt tên như thế cho con tàu con người muốn nói lên điều gì?  (0,5đ)

Câu 2. Văn bản có 3 đoạn, hãy nêu nội dung của đoạn (2)? (0,5đ)

Câu 3. Theo anh/ chị, thông điệp sâu sắc nhất của văn bản trên là gì? (1,0đ)

Câu 4. Anh/ chị hiểu như thế nào về “sức mạnh của con người” trong dòng chữ chú thích dưới bức ảnh thứ hai? (1,0đ)

II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến sau: “Sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay chính là tình yêu thương.”

(Mahatma Gandhi).

Câu 2. (5,0 điểm)

Cho hai đoạn thơ sau:

Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?

Mình về có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son ...

Và đoạn:

Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu - Ngữ văn 12, Tập một)

Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng người đi, kẻ ở và nhận xét tính dân tộc đậm đà trong hai đoạn thơ trên. 

                ...............HẾT................

                             HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1: “Titanic” có nghĩa là vĩ đại. Đặt tên như thế cho con tàu, con người muốn nói lên niềm kiêu hãnh cho một công trình có một không hai vào thời bấy giờ.

Câu 2: Nội dung đoạn (2) kể về hai bức ảnh minh họa và lời chú thích được đăng trên tờ báo xuất bản ở Anh sau vụ đắm tàu.

Câu 3: Có thể lựa chọn 1 trong những thông điệp sau:

+ Tiến bộ khoa học giúp con người chinh phục thiên nhiên nhưng không thể chế ngự được nó, sức mạnh của con người không là gì trước sức mạnh của tự nhiên. 

+ Thiên nhiên có thể phá hủy những công trình vĩ đại con người làm ra nhưng không thể hủy diệt được sức mạnh tinh thần, sức mạnh tình yêu nơi con người.

Câu 4: “Sức mạnh của con người” trong dòng chữ chú thích dưới bức ảnh thứ hai có thể hiểu là sức mạnh của lòng vị tha, tình yêu thương, của sự vượt thắng bản năng để nhường cơ hội sống cho người khác.

II. LÀM VĂN

Câu 1: Đoạn văn tham khảo

Bình an và hạnh phúc sẽ đến với những người có tâm hồn trong sáng và tình yêu thương. Quả đúng như vậy, tình yêu thương là tình cảm xuất phát từ lòng yêu mến, đồng cảm, cảm thông và quý mến đối với đồng loại và mọi điều xung quanh. Tình thương yêu có sức mạnh rất lớn, nó giúp người khác vững tin hơn trong cuộc sống, giúp người khác vượt qua gian khổ, nó cảm hóa và làm thay đổi những người sống chưa tốt. Ví như tình yêu thương chân thành của Thị Nở đã chạm đến trái tim cằn khô, sỏi đá của Chí Phèo và thức dậy trong anh những giây phút người nhất. Tình yêu thương làm cuộc đời này đẹp hơn. Tình yêu thương của ta đưa người khác đến đỉnh cao của thành công và đưa ta vượt lên trên những điều tầm thường. Tình yêu thương là điều quý giá nhất trên đời mà người với người có thể trao tặng nhau. Rất nhiều người hối hận vì chưa kịp nói lời yêu thương với người thân khi người thân của họ còn sống. Vì vậy đừng ngại nói lời yêu thương với những người mà ta quý mến họ. Đôi khi cuộc sống nhiều mâu thuẫn, hiểu nhầm, hận thù và nó chỉ được hóa giải khi xuất hiện sự tha thứ và tình yêu thương vĩ đại. Khi bên trong bạn có tình yêu thương, bạn sẽ lan tỏa tình yêu thương ra cho mọi người xung quanh, vì “bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Một người chủ động trao tặng tình yêu thương thì bên trong họ tràn đầy tình yêu thương. Muốn có tình yêu thương thì trước hết, ta phải trao tặng tình yêu thương cho thế giới. Ta cũng cần phê phán những kẻ sống vô cảm, ích kỷ, hận thù. Và nhiệm vụ của chúng ta là hãy cảm hoá họ, vì chỉ có tình yêu thương mới có thể biến thế giới đầy khổ đau này thành biển cả của hoà bình và hạnh phúc.

Câu 2: Dàn bài tham khảo

a. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, khái quát cảm hứng chủ đạo bài thơ, dẫn vào đoạn thơ

b. Thân bài: Hai đoạn thơ là lời đối thoại tâm tình giữa người ở lại và người ra đi trong phút chia tay đầy lưu luyến:

- Người ở lại: Câu hỏi thiết tha: Mình đi, mình có nhớ những ngày, điệp khúc khiến câu thơ hóa thành lời nhắn nhủ, lời nhắc nhở người ra đi đừng quên một quá khứ chiến đấu gian khổ mà vinh quang của dân tộc mỗi câu hỏi đánh thức khơi gợi nỗi nhớ kỉ niệm:

+ Kỉ niệm trải dài suốt dòng thời gian kháng chiến chồng chất thiếu thốn gian khổ , hi sinh . Hình ảnh: mây nguồn, suối lũ, mây mù ... Khí hậu khắc nghiệt miền sơn cước và bao nhiêu gian nan thử thách. Họ vượt qua tất cả để hoàn thành sứ mạnh nặng nề thiêng liêng: “Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai”

+ Cội nguồn làm nên sức mạnh của con người Việt Nam chính là lòng yêu nước , tinh thần đoàn kết tình cảm ấy được thể hiện qua sự gắn bó yêu thương của đồng bào miền Bắc dành cho cách mạng , cho kháng chiến . Là nỗi nhớ nhung, lưu luyến trào dâng lòng người ôm trùm cả không gian rừng núi. Con người, thiên nhiên thẩn thờ thương nhớ: “Mình về rừng núi nhớ ai ... măng mai để già” Từ ngữ cấu trúc đối khắc sâu ấn tượng về miền quê nghèo khó thăm thiết tình người “Hắt hiu lau xám , đậm đà lòng son ”. Đây là những giá trị bền vững thiêng liêng nhất một thời kháng chiến.

- Người ra đi: 

+ Khẳng định tình cảm gắn bó thủy chung và lòng biết ơn sâu nặng dành cho quê hương Việt Bắc:

“Ta với mình, mình với ta / Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh”

+ Trong tâm trí người ra đi, hình ảnh con người và thiên nhiên Việt Bắc hòa nguyện trong nỗi nhớ niềm thương da diết

+ Hình ảnh sâu đậm nhất trong nối nhớ là những con người bình thường giản dị mà anh hùng thủy chung, ân nghĩa họ hiện về trong nỗi nhớ qua hình ảnh người đan nón khéo léo, tài hoa “chuốt từng sợi giang ”cô em gái chịu thương chịu khó “ hái măng một mình” người mẹ tần tảo , lăm lũ “ địu con ... ” đôi bàn tay lao động cần cù , nhẫn nại , đức hy sinh , người dân chiến khu trở thành điểm tựa vững chắc cho cách mạng qua kháng chiến . Họ chính là linh hồn của Việt Bắc

- Tính dân tộc đậm đà trong thơ Tố Hữu:

+ Thơ Tố Hữu nói chung và Việt Bắc nói riêng đậm đà tính dân tộc cả nội dung và hình thức nghệ thuật .

+ Ngợi ca nghĩa tính cách mạng của quân và dân trong cách mạng kháng chiến . 

+ Sử dụng nhuần nhiễn thể thơ lục bát, kiểu cấu tứ của ca dao, cặp đại từ nhân xưng biến đổi linh hoạt . 

+Tận dụng tối đa các hình thức tiểu đối trong thơ lục bát để tạo nên âm điệu nhịp nhàng, cấu trúc hài hòa. Ngôn từ thơ giàu nhạc điệu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, giản dị quen thuộc, giàu sức gợi.

c. Kết bài: 

+ Đoạn trích cũng như bài thơ Việt Bắc đã thể hiện thành công tình nghĩa cách mạng nghĩa chung sâu nặng của con người Việt Nam thời chống Pháp và tính dân tộc đậm đà của hồn thơ Tố Hữu. 

+ Việt Bắc xứng đáng là đỉnh cao trên con đường thơ Tố Hữu và một trong những thành tựu lớn của thơ ca cách mạng Việt Nam.

Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn của trường THPT Đào Duy Từ. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào HỌC247. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề thi thử cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi THPT QG sắp tới. 

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPTQG năm 2020 môn Ngữ Văn trường THPT Minh Quang

                                                                                   ---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF