Đề thi giữa HK2 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2018-2019, Trường THPT Thăng Long đã được Học247 tổng hợp và giới thiệu đến các em. Với đề thi này, các em có thể làm bài thi thử và đúc kết cho bản thân những kiến thức cần nắm vững hơn về tác phẩm Vợ nhặt và Những đứa con trong gia đình. Chúc các em thi thật tốt!
ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2018-2019
TRƯỜNG THPT THĂNG LONG NGỮ VĂN LỚP 12
I. Phần đọc hiểu: ( 5 điểm).
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
“Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:
- Ai đấy nhỉ? ... Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?
- Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.
- Quái nhỉ?
Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc.
- Hay là vợ anh cu Tràng? Ừ, khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.
- Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?
Họ cùng nín lặng.”
(Trích Vợ nhặt - Kim Lân)
1. (1 điểm). Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
2. (1 điểm). Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì ?
3. (1 điểm). Câu văn Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ được sử dụng biện pháp tu từ gì? Tác dụng của biện pháp tu từ đó?
4. (2 điểm). Từ nội dung đoạn văn trên, viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) về lòng nhân ái của con người ?
II. Làm văn: ( 5.0 điểm).
Cảm nhận của anh (chị) về nhân vật Việt qua tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.
----------HẾT----------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. Phần đọc hiểu: ( 5 điểm).
1. Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
2. Đoạn văn kể về những lời bàn tán của dân xóm ngụ cư khi nhân vật Tràng dẫn thị (người vợ nhặt) về.
3. Câu văn sử dụng biện pháp tu từ đối lập: khuôn mặt hốc hác u tối - rạng rỡ; đói khát, tăm tối - lạ lùng và tươi mát. Ý nghĩa nghệ thuật: Nhà văn khẳng định: chính khát vọng sống còn và khát vọng hạnh phúc trước mọi ý thức tuyệt vọng và tê liệt vì nạn đói, có tác dụng làm cho tâm hồn của người dân đói khổ, chết chóc đã rạng rỡ hẳn lên.
4. Đoạn văn cần đảm bảo các ý:
- Dẫn ý bằng chính nội dung đoạn trích: người dân xóm ngụ cư kẻ mừng người lo khi thấy nhân vật Tràng dẫn thị về
- Lòng nhân ái là gì?
- Biểu hiện của lòng nhân ái?
- Vai trò, tác dụng của lòng nhân ái đối với cuộc sống con người?
- Phê phán lối sống thực dụng đèn nhà ai nhà nấy rạng và nêu hậu quả.
- Bài học nhận thức và hành động?
- Liên hệ bản thân
II. Làm văn: ( 5.0 điểm).
- Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận văn học theo thể loại.
- Kết cấu bài viết chặt chẽ, bố cục mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý sau đây:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Cảm nhận chung về nhân vật Việt.
- Việt: Là một thanh niên mới lớn, rất hồn nhiên (không sợ chết nhưng lại rất sợ ma, hay tranh giành với chị, đi chiến đấu vẫn mang súng cao su trong người,…);
- Có một tình yêu thương gia đình sâu đậm, một tính cách anh hùng, tinh thần chiến đấu gan dạ, kiên cường.
- Trong anh có dòng máu của những con người gan góc, sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc (còn nhỏ mà dám tấn công kẻ giết cha, xin đi tòng quân và chiến đấu rất dũng cảm…)
- Nghệ thuật
- Chi tiết được chọn lọc vừa cụ thể vừa giàu ý nghĩa, gây ấn tượng mạnh. Ngôn ngữ bình dị, phong phú, giàu giá trị tạo hình và đậm sắc thái Nam Bộ.
- Giọng văn chân thật, tự nhiên, nhiều đoạn gây xúc động mạnh…
- Khẳng định lại vấn đề.
- Chiến và Việt là hai khúc sông trong dòng sông truyền thống của gia đình. Hai chị em là sự tiếp nối thế hệ của chú Năm và má, song lại mang dấu ấn riêng của thế hệ trẻ Miền Nam thời kì chống Mỹ - cứu nước.
- Lưu ý: Chỉ cho điểm tối đa khi học sinh đạt được cả yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, bài làm phải có dẫn chứng minh họa.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm: