Nội dung tài liệu Chuyên đề giải bài tập kim loại tác dụng với axit môn Hóa học 9 năm 2021-2022 gồm các công thức cần nhớ và bài tập có lời giải chi tiết để các em có thể ôn tập và củng cố các kiến thức về sự điện ly trong chương trình Hóa 9. Mời các em tham khảo.
Chúc các em học sinh lớp 9 thi tốt, đạt kết quả cao!
1. TỔNG QUAN KIẾN THỨC
Kim loại + Axit loại → Muối + H2
Điều kiện:
- Kim loại là kim loại đứng trước H trong dãy hoạt động hoá học
- Dãy hoạt động hoá học
K, Na, Ba, Ca, Mg, Al, Zn, Fe, Ni, Sn, Pb, H, Cu, Hg, Ag, Pt, Au
Ví dụ:
Mg + HCl →MgCl2 + H2
Fe + H2SO4 → FeSO4 + H2
1.1. Axit tác dụng vừa đủ với axit
Dữ kiện cho: Cho số mol kim loại hoặc số mol của axit.
Phương pháp giải:
- Bước 1: Đổi dữ kiện của đề bài đã cho ra số mol.
- Bước 2: Viết PTHH xảy ra.
- Bước 3: Tìm tỉ lệ số mol của các chất tham gia, các chất tạo thành.
- Bước 4: Từ tỉ lệ số mol theo PTHH tìm số mol có liên quan, rồi tính toán theo yêu cầu của đề bài và kết luận.
Ví dụ 1: Cho m g Fe tác dụng vừa đủ với 200ml dung dịch HCl 1M thấy khí H2 thoát ra. Tính giá trị của m.
Ta có: nHCl = V.CM = 0,2.1 = 0,2 (mol)
PTHH: Fe + 2HCl → FeCl2 + H2
Tỉ lệ 1 2 1 1
P/ư 0,1 0,2
Từ PTHH → nFe= 0,1 (mol)
→ m = nFe. MFe = 0,1 .56 = 5,6 (g)
1.2. Kim loại dư hoặc axit dư
Dữ kiện cho: Cho số mol của kim loại và axit.
Phương pháp giải:
- Bước 1: Đổi dữ kiện của đề bài đã cho ra số mol.
- Bước 2: Viết PTHH xảy ra.
- Bước 3: Tìm tỉ lệ số mol của các chất tham gia, các chất tạo thành. Từ đó xác định chất dư, chất phản ứng hết.
- Bước 4: Tìm số mol có liên quan theo số mol chất phản ứng hết, rồi tính toán theo yêu cầu của đề bài và kết luận.
Ví dụ 2: Cho 2,6 g Zn tác dụng với 50 g dung dịch H2SO4 9,8%. Thấy V lít khí H2 thoát ra. Tính giá trị của V.
Ta có: nZn = \( \frac{2,6}{65} = 0,04\) (mol)
mH2SO4 = C%. mdd H2SO4 = \( \frac{9,8}{100}. 50 = 4,9 (g)\) → nH2SO4 = \( \frac{4,9}{98}= 0,05\) (mol)
PTHH: Zn + H2SO4 → ZnSO4 + H2
Tỉ lệ 1 1 1 1
Có 0,04 0,05
P/ư 0,04 0,04 0, 04
Ta thấy H2SO4 dư → nH2 = nZn = 0,04 (mol)
→ V= VH2 = 0,04 . 22,4 = 0,896 (l)
1.3. Hỗn hợp 2 kim loại tác dụng với axit.
Dữ kiện cho: Cho khối lượng hỗn hợp kim loại, số mol axit phản ứng.
Phương pháp giải:
- Bước 1: Đổi dữ kiện của đề bài đã cho ra số mol.
- Bước 2: Viết PTHH xảy ra.
- Bước 3: Đặt số mol của từng kim loại lần lượt là x, y → Khối lượng hỗn hợp kim loại theo x, y. => pt (*)
- Bước 4: Từ tỉ lệ số mol theo PTHH tìm số mol của axit theo x, y. => pt (**)
- Bước 5: Giải hệ pt (*) (**) => tìm được x, y. Rồi tính toán theo yêu cầu của đề bài và kết luận.
Ví dụ 3: Cho 13,9 gam hỗn hợp Fe, Al tác dụng vừa đủ mới 700ml dung dịch H2SO4 loãng 0,5 M. Tính thành phần phần trăm của hỗn hợp kim loại ban đầu?
Ta có: nH2SO4 = V. CM = 0,7. 0,5 = 0,35 (mol)
Gọi số mol của Fe, Al trong hỗn hợp ban đầu lần lượt là x, y (mol)
PTHH:
Fe + H2SO4 → FeSO4 + H2 (1)
Tỉ lệ : 1 1 1 1
P/ư: x x x
2Al + 3H2SO4 → Al2(SO4)3 + 3H2 (2)
Tỉ lệ : 2 3 1 3
P/ư: 2y 3y y 3y
Ta có : mhh Kl = mFe + mAl = 56x + 27y = 13,9 (g) (*)
nH2SO4 = nH2SO4 (1) + nH2SO4 (2) = x + \( \frac{3}{2}\)y = 0,35 (mol) (**)
Giải hệ phương trình (3) và (4) → x = 0,2 ; y = 0,1
Trong hỗn hợp ban đầu:
mFe = 0,2. 56 = 11,2 (g)
mAl = 13,9 – 11,2 = 2,7 (g)
%Fe = \( \frac{m_{Fe}}{m_{hh}}\).100% = 80,58(%)
%Fe = 100% - 80,568 = 19,42%
1.4. Hỗn hợp 3 kim loại trở lên tác dụng với axit.
Dữ kiện cho: Cho khối lượng muối khan hoặc khối lượng kim loại. Số mol axit hoặc số mol H2 sinh ra.
Phương pháp giải
- Bước 1: Đổi dữ kiện của đề bài đã cho ra số mol.
- Bước 2: Viết PTHH xảy ra.
- Bước 3: Tính khối lượng các chất có thể tính. Biết :
nH2SO4 = nH2 ; nHCl = ½ nH2
- Bước 4: Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng, rồi tính toán theo yêu cầu đề bài và kết luận.
mKL + maxit = mmuối + mhidro
Ví dụ 4: Hòa tan hoàn toàn 33,1g hỗn hợp Mg, Fe, Zn vào trong dung dịch H2SO4 loãng dư thấy có 13,44 lít khí (đktc) và dung dịch X. Cô cạn dung dịch X được m gam muối khan. Tính giá trị của m.
Ta có : nH2 = \( \frac{13,44}{22,4}= 0,6\) (mol)
Mg + H2SO4 → MgSO4 + H2
Fe + H2SO4 → FeSO4 + H2
Zn + H2SO4 → ZnSO4 + H2
Theo PTHH ta thấy: nH2SO4 p/ư= nH2 = 0,6 (mol)
→ mH2SO4 p/ư = 0,6. 98 = 58,8 (g ) ; mH2 = 0,6.2 = 1,2 (g)
Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng:
mKL + maxit = mmuối + mhidro
→ mmuối = mKL + maxit - mhidro = 33,1 + 58,8 – 1,2 = 90,7 (g)
1.5. Xác định công thức kim loại
Dữ kiện cho: Khối lượng của kim loại; số mol axit phản ứng. Xác định CT oxit.
Phương pháp giải:
- Bước 1: Gọi hóa trị của kim loại trong muối (n) .Tính số mol các chất đã biết.
- Bước 2: Viết PTHH.
- Bước 3: Tìm tỉ lệ số mol của các chất tham gia, các chất tạo thành. Từ đó tính số mol kim loại.
- Bước 4. Tìm khối lượng mol của kim loại theo n → MKL → Tên kim loại.
Ví dụ 5 : Hoà tan hoàn toàn 6,5g một kim loại A chưa rõ hoá trị vào dung dịch axit HCl, thì thu được 2,24 lit H2 (đktc). Xác định kim loại A.
Ta có: nH2 = \( \frac{2,24}{22,4}= 0,1 \) (mol)
PTHH: 2A + 2nHCl → 2ACln + nH2
Tỉ lệ 2 2n 2 1
P/ư \(\frac{0,2}{n}\) 0,1
Ta có : MA = \( \frac{m_A}{n_A}= \frac{6,5}{\frac{0,2}{n}} \) = 32,5n
Ta có bảng sau:
Hóa trị (n) |
1 |
2 |
3 |
MA |
32,5 (loại) |
65 → Kẽm (Zn) |
97,5 (loại) |
Vậy khi n = 2 thì MA = 65 → A là kim loại kẽm (Zn)
2. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
Bài 1: Hòa tan 1,44g kim loại Mg tác dụng vừa đủ với dung dịch HCl 3,65% thu được V lít khí H2 (đktc)
a) Tính giá trị của V và khối lượng dung dịch HCl cần dùng.
b) Nếu dùng thể tích khí H2 trên khử hoàn toàn mg CuO tạo thành kim loại đồng. Tính khối lượng CuO bị khử.
Bài làm:
Ta có: nMg = \( \frac{1,44}{24} = 0,06\) (mol)
PTHH: Mg + 2HCl → MgCl2 + H2
Tỉ lệ 1 2 1 1
P/ư 0,06 0,06 0, 06
a) Theo PTHH:
nH2 = nMg = 0,06 (mol) → V= VH2 = 0,06 . 22,4 = 1,344 (l)
nHCl = 2nMg = 0,06.2 = 0,12 (mol)→ mHCl = 0,12 .36,5 = 4,38 (g)
→ mdd HCl = mHCl : C% = 4,38 : \( \frac{3,65}{100}\) = 120 (g)
b) PTHH : CuO + H2 → Cu + H2O
Tỉ lệ 1 1 1 1
P/ư: 0,06 0,06 0,06
Theo PTHH: nCuO = nH2 = 0,06 (mol)
→ mCuO = 0,06.80 = 4,8 (g)
Bài 2: Hòa tan hoàn toàn 5,4 g Al vào dung dịch 500ml dung dịch H2SO4 1M . Sau phản ứng thu được dung dịch X và V lít khí H2 (đktc)
a) Tính V.
b) Tính nồng độ mol từng chất trong dung dịch X , coi thể tích dung dịch trước và sau phản ứng thay đổi không đáng kể.
Bài làm:
Ta có: nAl = \( \frac{5,4}{27} = 0,2\) (mol)
nH2SO4 = V. CM = 0,5.1 = 0,5 (mol)
PTHH: 2Al + 3H2SO4 → Al2(SO4)3 + 3H2 (2)
Tỉ lệ : 2 3 1 3
Có 0,2 0,5
P/ư 0,2 0,3 0,1 0,3
a) Ta thấy H2SO4 dư → nH2 = \(\frac{3}{2}\) nAl = 0,3 (mol)
→ V= VH2 = 0,3 . 22,4 = 6,72 (l)
b) Trong dung dịch X gồm:
nAl2(SO4)3 = 0,1 (mol)
nH2SO4 dư = 0,5 – 0,3 = 0,2 (mol)
CM Al2(SO4)3 = \( \frac{n}{V} = \frac{0,1}{0,5}\) = 0,2 (M)
CM H2SO4 = \( \frac{n}{V} = \frac{0,2}{0,5}\) = 0,4 (M)
Bài 3: Hòa tan hoàn toàn 15,4 g hỗn hợp Mg và Zn trong dung dịch HCl dư thấy có 6,72 lít (đktc) khí thoát ra và dung dịch A. Cô cạn dung dịch A thu được a gam muối khan.
a) Xác định thành phần phần trăm hỗn hợp kim loại ban đầu.
b) Tính giá trị của a.
Bài làm:
Ta có: nH2 = \( \frac{6,72}{22,4}\) = 0,3 (mol)
Gọi số mol của Mg, Zn trong hỗn hợp ban đầu lần lượt là x, y (mol)
PTHH:
Mg + 2HCl → MgCl2 + H2 (1)
Tỉ lệ : 1 2 1 1
P/ư: x 2x x x
Zn + 2HCl → ZnCl2 + H2 (2)
Tỉ lệ : 1 2 1 1
P/ư: y 2y y y
a) Ta có : mhh Kl = mMg + mZn = 24x + 65y = 15,4 (g) (*)
nH2 = nH2(1) + nH2 (2) = x + y = 0,3 (mol) (**)
Giải hệ phương trình (3) và (4) → x = 0,1 ; y = 0,2
Trong hỗn hợp ban đầu:
mMg = 0,1. 24 = 2,4 (g)
mZn = 15,4 – 2,4 = 13 (g)
%Mg = \( \frac{m_{Mg}}{m_{hh}}\).100% = 15,6(%)
%Fe = 100% - 15,6% = 84,4%
b) Dung dịch A gồm 2 muối : MgCl2( 0,1 mol) ; ZnCl2 (0,2 mol)
mMgCl2 = 0,1. 95 = 9,5 (g)
mZnCl2 = 0,2.136= 27,2 (g)
→ mA = mMgCl2 + mZnCl2 = 9,5 + 27,2 = 36,7 (g)
Bài 4: Hòa tan hoàn toàn 1,45g kim loại Zn, Mg, Fe vào dung dịch HCl dư thu được 0,896 lít khí H2 (đktc). Cô cạn dung dịch ta được m gam muối khan, tính giá trị của m.
Bài làm:
Ta có : nH2 = \( \frac{0,896}{22,4}= 0,04\) (mol)
Mg + 2HCl → MgCl2 + H2
Zn + 2HCl → ZnCl2 + H2
Fe + 2HCl → FeCl2 + H2
Theo PTHH ta thấy: nHCl p/ư= 2nH2 = 0,04.2= 0,08 (mol)
→ mHCl p/ư = 0,08. 36,5 = 2,92 (g ) ; mH2 = 0,04.2 = 0,08 (g)
Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng:
mKL + maxit = mmuối + mhidro
→ mmuối = mKL + maxit - mhidro = 1,45 + 2,92 – 0,08 = 4,29 (g)
Bài 5: Hòa tan hoàn toàn m g hỗn hợp kim loại Al, Fe, Zn vào dung dịch HCl dư thu được 13,44 lít khí H2 (đktc).Cô cạn dung dịch sau phản ứng thu được 60,8 (g) muối khan. Tính giá trị của m.
Bài làm:
Ta có : nH2 = \( \frac{13,44}{22,4}= 0,6\) (mol)
2Al + 6HCl → 2AlCl3 + 3H2
Zn + 2HCl → ZnCl2 + H2
Fe + 2HCl → FeCl2 + H2
Theo PTHH ta thấy: nHCl p/ư= 2nH2 = 0,6.2= 1,2 (mol)
→ mHCl p/ư = 1,2 . 36,5 = 43,8 (g ) ; mH2 = 1,2 .2 = 2,4 (g)
Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng:
mKL + maxit = mmuối + mhidro
→ mKL = mmuối + mhidro - maxit = 60,8 + 2,4 – 43,8 = 19,4 (g)
Vậy m = 19,4 (g)
Bài 6: Hoà tan hết 25,2g kim loại R trong dung dịch axit HCl, sau phản ứng thu được 10,08 lit H2 (đktc). Xác định kim loại R.
Bài làm:
n H2 = 1,008 : 22,4 = 0,45 (mol)
Gọi hóa trị của kim loại R là n (n Є N*)
PTHH: 2R + 2nHCl → 2RCln + nH2
Tỉ lệ 2 2n 2 1
P/ư \(\frac{0,9}{n}\)- 0,45
Ta có : MA = \( \frac{m_R}{n_R}= \frac{25,2}{\frac{0,9}{n}} \) = 28n
Ta có bảng sau:
Hóa trị (n) |
1 |
2 |
3 |
MR |
28 (loại) |
56 → Sắt (Fe) |
84 (loại) |
Vậy khi n = 2 thì MR = 56 → R là kim loại sắt (Fe)
---Hết---
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Chuyên đề giải bài tập kim loại tác dụng với axit môn Hóa học 9 năm 2021-2022. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.