YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Tôn Đức Thắng

Tải về
 
NONE

Nhằm giúp các em học sinh lớp 12 nắm được cấu trúc đề thi THPT QG môn Ngữ văn một cách chính xác và đầy đủ nhất HOC247 xin gửi đến Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Tôn Đức Thắng. Hi vọng tài liệu sẽ giúp các em học tập thật tốt.

ADSENSE

TRƯỜNG THPT TÔN ĐỨC THẮNG

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

“Có bao giờ bạn cảm thấy bực bội vì một người nào đó không? Cảm giác bất an và khó chịu nặng nề cứ đeo đẳng bên mình vì không thể thay đổi được họ?

Có một người đàn ông đã thử đủ mọi cách để diệt đám cỏ dại trong bồn hoa nhà mình. Thế nhưng, dù làm cách nào thì đám cỏ dại ấy vẫn cứ sinh sôi phát triển. Sau cùng, ông ta đành chịu thua và viết thư lên Bộ Nông nghiệp để xin một lời khuyên, kèm theo đó là bảng liệt kê tất cả những cách mà ông ta đã thử. Vài ngày sau ông ta nhận được thư trả lời, chỉ với một dòng rất ngắn: “Chúng tôi khuyên ông nên tập yêu thương bọn cỏ dại ấy”.

Trong hôn nhân và tình bạn, đôi khi chúng ta cũng cảm thấy như thế. Chúng ta có thể cảm thấy vô cùng bực tức vì những sai lầm và khí chất của người khác. Chúng ta tin rằng mối quan hệ sẽ tốt đẹp hơn nếu họ chịu từ bỏ thói quen khó ưa kia hoặc xem lại các hành vi gây khó chịu cho người khác. Vì vậy chúng ta thực hiện chiến dịch “nhổ cỏ dại” để làm thay đổi những người mà ta quan tâm. Chúng ta có thể chì chiết, cương quyết, áp đặt hoặc thậm chí van nài, dỗ ngọt. Chúng ta dùng mọi cách nhằm thay đổi họ theo ý ta. Và rồi cuối cùng, nỗi uất giận dâng cao khi cảm thấy họ vẫn y như thế, không hề thay đổi.

Vấn đề là chúng ta không thể và cũng không nên tìm cách nhổ hết “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác. Chúng ta không thể thay đổi người khác mà chỉ có thể thay đổi chính bản thân chúng ta. Người khác cũng vậy, họ chỉ thay đổi khi tự bản thân họ muốn. Bởi vậy, thay vì buộc họ phải thay đổi cho phù hợp với ta, hãy tập cách yêu thương họ, với tất cả những thứ “cỏ dại” tồn tại trong bản thân họ. Đó mới là điều cần thiết để làm cho các mối quan hệ của mình trở nên tốt đẹp hơn, để cho cây hoa đời trong mỗi con người trở nên tươi xinh, rạng rỡ hơn cùng với đám cỏ dại bên mình.”

(Trích “Học cách yêu thương” - Kỳ Thư tổng hợp và biên dịch)

Câu hỏi:

Câu 1. Việc tác giả đưa câu chuyện người đàn ông vào trong đoạn trích nhằm mục đích gì?

Câu 2. Theo tác giả, vì sao “chúng ta không thể và cũng không nên tìm cách nhổ hết “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác”?

Câu 3. Anh/chị hãy giải thích ý nghĩa của hình ảnh “cỏ dại” được nói tới trong đoạn trích?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “hãy tập cách yêu thương họ, với tất cả những thứ “cỏ dại” tồn tại trong bản thân họ” không? Lí giải?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được… Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm để đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa…

Đế Thích: Ông có biết ông quyết định điều gì không? Ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Rồi đây, ngay cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa.

Hồn Trương Ba: Tôi hiểu. Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ ! Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi ! Còn lấy lí lẽ gì để khuyên thằng con tôi đi vào con đường ngay thẳng được? Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai? Họa chăng chỉ có lão lí trưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc ! Đúng, chỉ bọn khốn kiếp là lợi lộc.

Đế Thích: Tôi không phải là kẻ khốn kiếp… Tôi quý mến ông… Tôi sẽ chẳng bao giờ được đánh cờ với ông nữa ư? Nhờ ông đánh cờ với tôi, người trên trời dưới đất mới biết tôi cao cờ như thế nào ! Ngoài ông ra, không ai dám đọ cờ với tôi. Ông chính là lẽ tồn tại của tôi.

Hồn Trương Ba: Vì để chứng minh ông tồn tại mà tôi cứ phải tiếp tục cuộc sống không phải là tôi ư? Không, ông phải tự tồn tại lấy chứ !

Đế Thích: Nhưng không đánh cờ, Đế Thích sẽ không còn là Đế Thích.

Hồn Trương Ba: Người ta đánh cờ là để rèn luyện tâm trí, để sảng khoái minh mẫn hơn mà sống ! Còn ông đánh cờ chỉ để chứng tỏ ông là tiên cờ ! Nói thật với ông: Nếu còn tiếp tục sống, tôi cũng chẳng thích đánh cờ với ông nữa ! Đánh cờ với ông chán lắm ! Không có gì chán bằng đánh cờ với tiên !

Đế Thích: (suy nghĩ) Con người dưới hạ giới các ông thật kì lạ.

Hồn Trương Ba: Ông hãy trả lời đi ! Ông có giúp tôi không? Nếu ông từ chối, tôi sẽ… Tôi đã nhất quyết ! Ông phải giúp tôi!

Đế Thích: Trả thân xác này cho anh hàng thịt… và thế là…

Hồn Trương Ba: Không còn cái vật quái gở mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt nữa”.

(Trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Lưu Quang Vũ)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. Đáp án phần đọc hiểu

Câu 1. Hình ảnh người đàn ông nhổ cỏ dại trong bồn hoa là một ẩn dụ, qua đó tác giả nhằm nhấn mạnh thông điệp: con người không thể “dọn dẹp” hết tất cả những thói hư tật xấu trong cuộc đời này, mà đôi lúc cần phải tập cách chung sống với chúng, yêu thương chúng.

Câu 2. “Chúng ta không thể và cũng không nên tìm cách nhổ hết “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác” vì:

- Thứ nhất, mỗi con người sinh ra đều mang trong mình những khí chất khác nhau, thứ “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác có thể lại là ưu điểm của họ, chỉ vì ta hay lấy ta làm tiêu chuẩn nên mới nhìn ra như thế.

- Thứ hai, không ai có thể thay đổi được bản thân người khác nếu như họ không muốn thay đổi.

Câu 3. Hình ảnh “cỏ dại” là ẩn dụ để nói về những thói hư tật xấu trong một con người, nó cũng có thể là những thứ chướng tai gai mắt mà ta nhìn thấy ở người khác.

Câu 4. Học sinh tự do bày tỏ quan điểm, lí giải hợp lí. Gợi ý:

- Đồng tình: vì ai cũng có trong mình những tật xấu, chúng ta không thể yêu cầu một ai đó trở nên một con người hoàn hảo được.

- Không đồng tình: vì nếu chúng ta thỏa hiệp với những tật xấu từ người khác, thì sẽ không bao giờ giúp họ cải thiện bản thân và trở nên tiến bộ.

II. Đáp án phần làm văn

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

- Phải suy tư về bản thân để hiểu ra đâu là những thứ “cỏ dại” mà ta cần nhổ bỏ

- Phải tập luyện cho mình những thói quen tốt, để nó lấn át những cái xấu (giống như trồng hoa để diệt cỏ vậy)

- Lắng nghe những sự góp ý đúng đắn từ người khác để thay đổi.

- Phải có quyết tâm cao, lòng kiên trì để loại bỏ những thói hư tật xấu mà mình mắc phải.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Sự thiếu trung thực sẽ ảnh hưởng đến bản thân ta rất nhiều: Sự thiếu trung thực trong kinh doanh, những mối quan hệ của doanh nhân cũng trở nên hời hợt, dẫn đến thiếu vắng những tình cảm chân thành, những điều giá trị hơn trong cuộc sống; Sự thiếu trung thực trong học tập làm người học sinh trở nên coi thường kiến thức, coi thường giá trị của sự khổ công trong học tập, rèn giũa của mình, mà chỉ còn chú ý đến những con điểm, đến những mánh khóe để đạt được điểm cao; Sự thiếu sự trung thực trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến sự mất niềm tin lẫn nhau của mọi thành viên, là một nguy cơ làm gia đình tan rã… Thói quen thiếu trung thực dần dần khiến con người cũng phải tự lừa dối chính mình, huyễn hoặc mình, và không còn nhìn thấy những nguy cơ, thách thức sắp đến nên không có phản ứng kịp lúc và nhấn chìm mình trong sai lầm triền miên. (…) Chính vì vậy, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, trái với lương tâm của mình, bạn hãy nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho bạn không thể bù đắp được “cái giá” mà bạn và những người xung quanh phải trả.

(2) Mỗi người đều có một “la bàn” cho chính mình, đó không phải là tài năng, không phải là ước mơ, nó không chỉ cho bạn cái đích cần đến, nhưng nó giữ cho bạn đi đúng hướng và không bị lạc đường, không bị sa ngã. Chiếc la bàn ấy là thứ tối quan trọng để bạn có thể “lãnh đạo chính mình”, nó được cất trong tim mỗi người, luôn sẵn sàng cho bạn, chỉ tùy thuộc vào bạn có đủ dũng khí sử dụng nó hay không thôi. Chiếc la bàn ấy có tên là Trung thực.

(Nhóm tác giả Nguyễn Thành Thân, Nguyễn Hoàng Sơn, Lương Dũng Nhân – Thắp ngọn đuốc xanh – NXB Trẻ, 2018, Tr 96,97)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2: Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ điều gì? (0,5 điểm)

Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1) (1,0 điểm)

Câu 4: Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Tại sao? (1,0 điểm)

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc sống trung thực.

Câu 2 (5,0 điểm)

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể


Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2018)

Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ trên. Theo anh/ chị những suy nghĩ của Xuân Quỳnh về tình yêu trong đoạn thơ trên có còn phù hợp với giới trẻ hôm nay?

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận (0,5 điểm)

Câu 2:

Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho không thể bù đắp được “cái giá” mà chúng ta và những người xung quanh phải trả. (0,5 điểm)

Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1) (1,0 điểm). HS có thể nêu một trong hai biện pháp tu từ sau:

a. Phép điệp cấu trúc ngữ pháp (Sự thiếu trung thực trong….) (0,5 điểm)

- Tác dụng: tạo nhịp điệu cho câu văn; nhấn mạnh tác hại của việc sống thiếu trung thực. (0,5 điểm)

b. Phép liệt kê (...trong kinh doanh, trong học tập, trong đời sống gia đình...) (0,5 điểm)

- Tác dụng: diễn tả một cách đầy đủ, cụ thể, sâu sắc những biểu hiện của sự thiếu trung thực, qua đó nhấn mạnh tác hại của lối sống này. (0,5 điểm)

Câu 4:

Học sinh nêu thông điệp và lý giải. Có thể có những thông điệp khác nhau. (1,0 điểm).

- Nêu thông điệp: 0.25 điểm

- Lí giải: 0,75 điểm

Giáo viên tùy thuộc vào sự lý giải của học sinh để cho điểm phù hợp.

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: Nghị luận xã hội (2,0 điểm)

a) Yêu cầu:

- Về kĩ năng: Học sinh biết viết đoạn văn nghị luận xã hội, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc.

- Về hình thức:

+ Không tách dòng (Tách dòng: - 0,5 điểm).

+ Số chữ theo quy định, được phép + 3 dòng.

- Yêu cầu về nội dung: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực, biết cách vận dụng các thao tác nghị luận.

b) Gợi ý:

HS biết cách viết đoạn văn nghị luận, vận dụng tốt thao tác lập luận, có những ý cơ bản sau:

- Xác định được vấn đề nghị luận: ý nghĩa của sự trung thực trong đời sống.

- Giải thích sự trung thực: Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mắc khuyết điểm.

- Ý nghĩa của việc sống trung thực: Trung thực giúp có ý thức tốt trong học tập, trong công việc; Giúp có được tình cảm của mọi người và dần có chỗ đứng trong xã hội; Giúp sửa chữa được sai lầm để bản thân thành người tốt, hoàn thiện nhân cách. Trung thực khiến người khác tin tưởng, được giao phó những công việc quan trọng, có ý nghĩa trong cuộc sống. Trung thực sẽ giúp cho xã hội trong sạch, văn minh, phát triển hơn.

- Phê phán những người sống thiếu trung thực.

- Bài học: Học sinh cần rèn luyện đức tính trung thực để có hiệu quả học tập tốt nhất, thành công bằng chính lực học, kiến thức của bản thân.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

Trung thực rất tinh tế và khó phân biệt qua lời nói hay hành động. Đôi khi đức tính trung thực bị xem là đã “lỗi thời”, chỉ còn trên sách vở, không thực tế hoặc chẳng hay ho gì để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.Tuy nhiên, trung thực là yếu tố căn bản để có sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh. Trước đây, tôi từng cho rằng bình an là giá trị quan trọng nhất, nhưng giờ tôi thấy trung thực mới chính là nền tảng của tất cả giá trị khác.

Gần đây tôi có gặp một phụ nữ trẻ, xinh đẹp, có ba người con rất đáng yêu. Giỏi giang, thông minh và giàu có nhưng chị tâm sự chị không hài lòng chút nào về bản thân. Chị luôn so sánh mình với hai người chị dâu, là những nữ doanh nhân cực kì sắc sảo và thành đạt. Chị đánh giá mình chỉ là một người phụ nữ vô tích sự, chẳng làm được trò trống gì, đã thế lại còn thất nghiệp. Thực ra, chị đã không trung thực với chính mình khi chỉ nhìn vào những điểm mạnh của những người chị dâu, và đánh giá họ hoàn toàn dựa trên những cái mình không có. Trung thực trong lòng giúp ta đánh giá lại mình một cách chính xác và thực tế: biết và đánh giá cao ưu điểm của mình bên cạnh việc nhận ra nhược điểm của bản thân.

(Trích Lăng kính tâm hồn- Trish Summerfield, NXB Tổng hợp tp Hồ Chí Minh,tr.82)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Nêu giá trị của đức trung thực được nói tới trong đoạn trích.

Câu 2. Trong văn bản tác giả đã chỉ ra sai lầm nào của người phụ nữ khi nhận thức về bản thân?

Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả: Trung thực là yếu tố căn bản để có được sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh?

Câu 4.

Anh /chị có cho rằng: Thiếu sự trung thực với chính mình sẽ đồng nghĩa với việc nhận thức sai về bản thân hay không? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ ý nghĩa của đoạn trích phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị của lòng trung thực trong mối quan hệ với chính mình và với người khác.

Câu 2 (5.0 điểm)

Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng công hình tượng con Sông Đà độc đáo qua nhiều trang văn đặc sắc, trong đó có hai đoạn văn sau:

Đoạn 1:

…“Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò chỗ ấy, đang mùa hè mà cũng cảm thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”

Đoạn 2:

…“Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phết vào bản đồ lai chữ.”

(Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, tập 1,NXB Giáo dục Việt Nam, 2005, tr 186,và 191)

Phân tích hình tượng con sông Đà qua hai đoạn văn trên, từ đó rút ra những thông điệp thẩm mĩ mà nhà văn muốn gửi gắm qua việc xây dựng hình tượng nghệ thuật này.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

PHẦN 1. Đọc hiểu

Câu 1: Trung thực là yếu tố căn bản để có sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh.

Câu 2: Sai lầm của người phụ nữ: không trung thực với chính mình chỉ toàn nhìn vào điểm mạnh của người chị dâu, và đánh giá họ dựa trên những cái mình không có.

Câu 3:

- Trung thực là yếu tố quan trọng để mỗi người nhận thức đúng về mình.

- Câu nói đề cao tầm quan trọng sự trung thực với chính mình.

Câu 4:

- HS nêu quan điểm: đồng tình; không đồng tình…

- Kiến giải hợp lí, thuyết phục về quan điểm của mình

Phần 2. Làm Văn

Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ về vấn đề: Giá trị của tính trung thực trong mối quan hệ với chính mình và với người khác.

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn:

* Giải thích khái niệm: Trung thực là một giá trị sống và là phẩm chất cần thiết của con người. trung thực là luôn nói đúng sự thật, không có mâu thuẫn trong suy nghĩ, lời nói và hành động tạo nên sự hài hòa thống nhất giữa biểu hiện bên ngoài và suy nghĩ bên trong.

* Trung thực với bản thân:

- Giúp con người thấy lòng thanh thản

- Tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp

- Nhận thức đúng về bản thân. Không đánh giá quá cao hoặc quá thấp về giá trị của bản thân.

* Trung thực với người khác:

- Đánh giá đúng về người khác

- Giúp họ sống tốt hơn, phát huy những thế mạnh, giúp họ nhận thức, sửa chữa khuyết điểm, hoàn thiện mình.

=> Trung thực giúp xây dựng xã hội công bằng, phát triển và nhân văn.

* Phản biện:

- Trung thực không có nghĩa phải thổ lộ hết lòng mình cho tất cả mọi người biết. Hoặc đôi khi có thể chấp nhận sự không nói thật để tránh làm tổn thương người khác.

* Liên hệ: trong xã hội hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ con người sống giả tạo, thói đạo đức giả, thiếu sự trung thực với mình và người khác.

(Đánh giá cao những bài viết có phản biện và liên hệ thực tế)

d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt

Câu 2. Phân tích 2 đoạn văn bản trong tùy bút Người lái đò sông Đà

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: phân tích hai đoạn văn bản để rút ra những thông điệp thẩm mĩ về hình tượng con sông Đà. c. Triển khai các luận điểm nghị luận

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

* Phân tích 2 đoạn trích

+ Đoạn 1:

- Vị trí: phần đầu của văn bản. Góp phần khắc họa hình tượng con sông Đà hung bạo

- Hình ảnh: Cảnh đá bờ sông “dựng vách thành”

(HS tập trung phân tích những câu văn cụ thể)

=> Đoạn văn độc đáo, thú vị. Thể hiện óc sáng tạo và trường liên tưởng phong phú của Nguyễn Tuân.

+ Đoạn 2:

- Vị trí: Trích gần phần đầu miêu tả hình tượng con sông Đà trữ tình.

- Từ trên cao nhìn xuống nhà văn đã thấy dòng chảy uốn lượn của con sông như mái tóc của người thiếu nữ kiều diễm. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân sông Đà hiện lên như một người thiếu nữ Tây Bắc.

- Nhìn ngắm sông Đà ở thời gian và không gian khác nhau màu sắc đa dạng của dòng sông.

=>Qua đoạn văn tác giả thể hiện tình cảm yêu mến và niềm tự hào về vẻ đẹp con sông xứ sở.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Tôn Đức Thắng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF