Mời các em học sinh lớp 10 cùng tham khảo tài liệu Thuyết minh đoạn 1 bài Phú sông Bạch Đằng dưới đây đã được Học247 biên soạn và tổng hợp bao gồm: Sơ đồ tóm tắt gợi ý, dàn bài chi tiết cùng bài văn mẫu nhằm giúp các em học sinh rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết được bài văn thuyết minh về một tác phẩm văn học đã học hay và đặc sắc nhất. Chúc các em sẽ có được những bài văn thật hay nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Phú sông Bạch Đằng.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu đôi nét về tác giả Trương Hán Siêu, tác phẩm Phú Sông Bạch Đằng.
- Tiêu biểu trong tác phẩm là đoạn 1 để lại giá trị về nội dung và nghệ thuật.
b. Thân bài:
* Đôi nét về Phú sông Bạch Đằng
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài phú chưa rõ được sáng tác năm nào, khoảng vào 50 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên thắng lợi.
- Bố cục: gồm 4 phần
+ Phần 1. Từ đầu đến “Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”: Cảm xúc của nhân vật “khách” khi du ngoạn sông Bạch Đằng.
+ Phần 2. Tiếp theo đến “Nghìn xưa ca ngợi”: Cuộc gặp gỡ và trò chuyện của các bô lão.
+ Phần 3. Tiếp theo đến “Nhớ người xưa chừ lệ chan”: Lời bình luận của các bô lão về chiến công xưa.
+ Phần 4. Còn lại. Lời khẳng định về đức độ của con người.
- Nội dung chính: Phú sông Bạch Đằng đã thể hiện lòng yêu nước và niềm từ dân tộc trước chiến công trên sông Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam.
- Nghệ thuật: đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam.
* Thuyết minh về đoạn 1 bài Phú sông Bạch Đằng
- Vị trí: Đoạn nằm ở phần đầu tiên của tác phẩm, từ “Khách có kẻ” đến “Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!”.
- Giá trị nội dung của đoạn trích: Cảm xúc của nhân vật “khách” khi du ngoạn sông Bạch Đằng.
- Giá trị nghệ thuật: hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, cảm xúc đa dạng…
c. Kết bài:
- Đánh giá giá trị của đoạn 1 bài Phú sông Bạch Đằng.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn thuyết minh đoạn 1 bài Phú sông Bạch Đằng.
GỢI Ý LÀM BÀI
3.1. Bài văn mẫu số 1
Trương Hán Siêu (? - 1354), tự là Thăng Phú, người làng Phúc Am, huyện Yên Ninh (nay thuộc thành phố Ninh Bình). Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là Phú sông Bạch Đằng.
Bài “Phú sông Bạch Đằng” chưa rõ được viết năm nào, có thể vào khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên thắng lợi. Bài phú viết về sông Bạch Đằng, một con sông ghi dấu nhiều chiến công hiển hách trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, từ thời Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán đến nhà Trần chiến thắng Mông – Nguyên, đều là những đạo quân xâm lược hùng mạnh của phương Bắc. Bài phú đã thể hiện lòng yêu nước và niềm từ dân tộc trước chiến công trên sông Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Phú sông Bạch Đằng được coi là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam.
Nổi bật trong bài phú là đoạn một nằm ở phần đầu của tác phẩm. Nội dung chính của đoạn này là khắc họa cảnh sắc thiên nhiên của sông Bạch Đằng. Đồng thời tác giả cũng cho thấy cảm xúc của nhân vật “khách” khi du ngoạn sông Bạch Đằng.
Đoạn một của bài thơ bắt đầu từ “Khách có kẻ” đến “Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!”:
Đầu tiên, Trương Hán Siêu đã giới thiệu về nhân vật “khách”. Hình ảnh “khách” hiện lên là con người phóng khoáng, thích ngao du sơn thủy:
“Khách có kẻ:
Giương buồm giong gió chơi vơi
Lướt bể chơi trăng mải miết
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt"
Các địa danh nổi tiếng được nhắc đến vốn là những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử quen thuộc, từ đó, người đọc nhận ra một đặc điểm khác của nhân vật “khách”: một tâm hồn nghệ sĩ ưa tự do, phóng khoáng, một bậc tri thức ham du ngoạn, trước là để chiêm ngưỡng, hai là mở rộng, nâng cao tầm hiểu biết. Dẫu đi nhiều mà khát vọng bốn phương vẫn còn tha thiết:
“Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết
Bèn giữa dòng chừ buông chèo
Học Tử Trường chừ thú tiêu dao”
Khách muốn học theo Tử Trường nghĩa là muốn học ở bậc sử gia nổi tiếng này sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc. Tiếp đó, tác giả đưa người đọc đến với cảnh thực, cũng là điều hút hồn khách khi đến với sông Bạch Đằng:
“Bát ngát sóng kình muôn dặm
Thướt tha đuôi trĩ một màu
Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu
Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô”
Dòng sông hiện lên với nhiều dáng vẻ, vừa hùng dũng, thướt tha, lại có vẻ ảm đạm, hoang vắng. Vì vậy, “khách” mang trong mình tâm trạng với nhiều sắc thái khác nhau: vui, buồn, tự hào, nhớ tiếc:
“Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”
Ở đoạn một, tác giả đã sử dụng thể phú tự do, không bị gò bó về hình thức, kết hợp tài tình giữa tự sự và trữ tình tăng khả năng biểu cảm, phong phú đa dạng về hình ảnh. Kết cấu chặt chẽ, thủ pháp liên ngâm tác giả đã cho thấy được tài năng trong ngòi bút và cách tư duy sâu sắc của mình. Khổ thơ đầu bài Phú sông Bạch Đằng đã gợi lên trong người đọc những mạch cảm xúc đan quyện vào nhau, vừa như được mở rộng tầm mắt bởi non kỳ thủy tú của giang sơn, vừa tha thiết lắng sâu với sự hy sinh của người chiến sĩ hào hùng đã ngã xuống vì dân tộc.
Đọc đoạn một của bài phú nói riêng, và cả bài phú nói chung tác giả Trương Hán Siêu không chỉ ca ngợi truyền thống anh hùng kiên cường bất khuất của dân tộc mà còn thể hiện niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương đất nước.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Khi nhắc đến Trương Hán Siêu, không thể không nhắc đến tác phẩm “Phú sông Bạch Đằng”. Trong đó, nổi bật nhất là đoạn một trong bài phú đã khắc họa cảm xúc của nhân vật “khách” khi du ngoạn sông Bạch Đằng.
Bạch Đằng là một nhánh sông đổ ra biển Đông, nằm giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, nơi ghi dấu nhiều chiến công trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Đánh nhớ nhất là cuộc kháng chiến năm 938 của Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán, cuộc kháng chiến năm 1288 của Trần Quốc Tuấn đánh bại quân Nguyên Mông. Bài phú chưa rõ được sáng tác năm nào, khoảng vào 50 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên thắng lợi. Tác phẩm được viết theo thể phú - một thể văn có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi, dùng để tả cảnh vật, phong tục, kể sự việc, bàn chuyện đời… Phú sông Bạch Đằng có bố cục bốn phần, phần đầu khắc họa cảm xúc của nhân vật “khách” khi du ngoạn sông Bạch Đằng. Phần hai là cuộc gặp gỡ và trò chuyện của các bô lão. Phần 3 là lời bình luận của các bô lão về chiến công xưa. Cuối cùng phần 4 là lời khẳng định về đức độ của con người. Bài phú đã thể hiện lòng yêu nước và niềm từ dân tộc trước chiến công trên sông Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Phú sông Bạch Đằng được coi là đỉnh cao của thể phú trong nền văn học Việt Nam trung đại.
Đoạn một của bài Phú sông Bạch Đằng nằm ở phần đầu tiên của tác phẩm:
Khách có kẻ:
Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt.
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt.
Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.
Bèn giữa dòng chừ buông chèo,
Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.
Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,
Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều.
Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời một sắc, phong cảnh: ba thu.
Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô.
Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!
Tác giả đã hóa thân vào nhân vật khách trong một tâm thế dạo chơi, thưởng thức phong cảnh của đất nước. Tác giả đã nêu ra những địa danh của Việt Nam như: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng… và cả những địa danh của Trung Quốc: Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Tam Ngô…. Cho thấy vốn hiểu biết sâu rộng cùng với lòng tự hào, tình yêu của Trương Hán Siêu đối với đất nước.
Nhân vật “khách” chính là lời tự xưng của tác giả, tạo ra được lối đối đáp của “chủ - khách” thường dùng trong thể phú. Trương Hán Siêu đã khắc họa tâm thế của nhân vật khách: giương buồm, giong gió, lướt bể, chơi trăng. Còn mục đích dạo chơi thiên nhiên: thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên, tìm hiểu cảnh trí đất nước. Tác giả còn nhắc đến các địa danh được lấy từ trong điển cố của Trung Quốc: sông Nguyên, sông Tương, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, Đầm Vân Mộng - “Khách” đi qua nhờ trí tưởng tượng, hay sách vở; Hoặc địa danh nổi tiếng của Việt Nam: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng - “Khách” tự họa bức chân dung tinh thần của mình với một hồn thơ tha thiết với đất nước. Bức tranh thiên thiên nhiên sông Bạch Đằng hiện lên nhiều vẻ: Có hùng vĩ, hoành tráng: “Bát ngát sóng kình muôn dặm”, cũng có trong sáng, nên thơ: “Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu”, cả sự ảm đạm, hiu hắt và hoang vu: “Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu/Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô”. Qua cảnh sắc thiên nhiên đó, tác giả đã cho thấy tâm trạng của “khách”: lòng tự hào trước bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, cũng như sự buồn thương, nuối tiếc trước vẻ đẹp ảm đạm, hắt hiu khi thời gian xóa nhòa.
Trương Hán Siêu đã sử dụng thể phú tự do, không bị gò bó về hình thức, kết hợp tài tình giữa tự sự và trữ tình tăng khả năng biểu cảm, phong phú đa dạng về hình ảnh. Kết cấu chặt chẽ, thủ pháp liên ngâm tác giả đã cho thấy được tài năng trong ngòi bút và cách tư duy sâu sắc của mình.
Như vậy, đoạn một là một trong những đoạn thơ tiêu biểu của bài Phú sông Bạch Đằng.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----