Đề thi HK1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2018-2019, Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu do Học247 giới thiệu sẽ giúp cho các em ôn luyện lại những kiến thức đã học về phương thức biểu đạt chính của văn bản, về ý nghĩa của việc xác lập mục tiêu trong cuộc sống và cảm nhận về đoạn thơ được trích trong tác phẩm Việt Bắc. Chúc các em thành công trong học tập!
SỞ GD&ĐT BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2018-2019
NGỮ VĂN LỚP 12
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Những quyết định đúng đắn là chất xúc tác giúp biến ước mơ của chúng ta thành hiện thực. Điều vô cùng tuyệt vời là nguồn sức mạnh tiềm ẩn vô song ấy không phải là đặc quyền của riêng ai. Tất cả chúng ta đều đang sở hữu và được toàn quyền sử dụng nếu như quyết tâm đánh thức nó.
… Ed Roberts, một người “tầm thường” phải ngồi xe lăn, đã trở thành một người đặc biệt như thế nào khi quyết định sẽ hành động vượt lên những hạn chế của bản thân. Ed Roberts bị liệt từ cổ trở xuống từ khi ông 14 tuổi. Ông sử dụng một thiết bị trợ giúp hô hấp để sống một cuộc đời “bình thường” như bao người, rồi hàng đêm ông lại phải dùng đến một lá phổi nhân tạo. Sống với chứng bệnh bại liệt suốt đời, nhiều lần Ed gần như sắp lìa xa cuộc sống. Dĩ nhiên, ông có thể lựa chọn tập trung vào nỗi đau của mình, nhưng thay vào đó ông đã có một quyết định khác hẳn giúp thay đổi cuộc đời mình và cuộc đời của biết bao người.
Vậy ông đã làm gì? Trong 15 năm cuối đời, ông quyết định đấu tranh để nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật. Bỏ qua những lời đồn đoán về sự hạn chế khả năng thể chất, Ed truyền đạt cho cộng đồng và đưa ra nhiều ý tưởng về những đường dốc dành riêng cho xe lăn, nơi đỗ xe đặc biệt giúp người khuyết tật có thể đu vào các thanh xà... Ông trở thành người bị liệt cả tay chân đầu tiên tốt nghiệp Đại học California, Berkeley; sau đó ông giữ chức giám đốc Phòng Hồi phục chức năng bang California và trở thành người tiên phong trong vị trí này.
Ed Roberts là một bằng chứng đầy sức thuyết phục cho thấy không phải nơi bạn bắt đầu mà chính quyết định lựa chọn đích đến mới là điều trọng yếu. Mọi hành động của ông đều nảy sinh từ một khoảnh khắc quyết định mạnh mẽ, tận tâm và dứt khoát. Vậy, bạn có thể làm gì cho cuộc đời mình nếu bạn thực sự tự chủ trong các quyết định?
(Anthony Robbins - Đánh thức con người phi thường trong bạn,
NXB TP Hồ Chí Minh, 2016, tr.32,33)
Câu 1. Cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Ed Roberts đã nỗ lực làm gì trong 15 năm cuối đời để thay đổi cuộc đời của mình?
Câu 3. Theo tác giả: “Không phải nơi bạn bắt đầu mà chính quyết định lựa chọn đích đến mới là điều trọng yếu.”, anh/ chị có đồng tình với quan điểm đó hay không? Vì sao?
Câu 4. Anh/chị rút ra bài học gì có ý nghĩa cho bản thân từ văn bản trên?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc xác lập mục tiêu trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cho đoạn thơ:
- Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu - Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2018, tr.109)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên, từ đó nhận xét tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
----------HẾT----------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2. Ed Roberts đã nỗ lực để thay đổi cuộc đời mình bằng các hành động: ông quyết định đấu tranh để nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật; truyền đạt cho cộng đồng và đưa ra nhiều ý tưởng về những đường dốc dành riêng cho xe lăn, nơi đỗ xe đặc biệt giúp người khuyết tật có thể đu vào các thanh xà…
Câu 3. Học sinh có thể đưa ra những quan điểm riêng nhưng cách lí giải phải hợp lí, nghiêm túc và thuyết phục.
Câu 4. Học sinh có thể rút ra bài học khác nhau nhưng phải hợp lí, nghiêm túc và thuyết phục.
(Gợi ý các bài học: ý chí và nghị lực của con người vượt lên số phận; phải luôn đặt mục tiêu cho cuộc sống;…)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc xác lập mục tiêu trong cuộc sống.
- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
- Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
- Ý nghĩa của việc xác lập mục tiêu trong cuộc sống.
- Triển khai vấn đề cần nghị luận
- Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ vấn đề ý nghĩa của việc xác lập mục tiêu trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
- Giải thích: Từ nội dung trong văn bản Đọc hiểu thì từ mục tiêu được hiểu là ý tưởng, mục đích mà con người đặt ra để nỗ lực hướng tới, đạt được.
- Ý nghĩa việc xác lập mục tiêu:
- Giúp con người làm việc có động lực, định hướng, khoa học, hiệu quả,…
- Đánh thức được sức mạnh đam mê, ý chí, quyết tâm vươn tới của con người.
- Giúp con người luôn năng động, tự chủ, hoàn thiện mình và sống có giá trị.
- Bài học nhận thức và hành động của bản thân.
- Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ vấn đề ý nghĩa của việc xác lập mục tiêu trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
- Chính tả, dùng từ, đặt câu
- Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Sáng tạo
- Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
Câu 2: Cảm nhận đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu từ đó nhận xét về tính dân tộc trong bài thơ.
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
- Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
- Cảm nhận đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu từ đó nhận xét về tính dân tộc trong bài thơ.
- Triển khai vấn đề cần nghị luận
- Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý sau:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.
- Phân tích, cảm nhận đoạn thơ:
- Nội dung:
- Bốn câu đầu: Lời ướm hỏi, khơi gợi kỉ niệm về một thời kháng chiến và một vùng kháng chiến với bao ân tình, gợi nhắc về cội nguồn, truyền thống đạo lí dân tộc. Qua đó, ta thấy được tâm trạng của người Việt Bắc: lưu luyến, gắn bó,… với người cán bộ về xuôi.
- Bốn câu thơ tiếp: Tiếng lòng của người về xuôi với bao nỗi bâng khuâng, lưu luyến, bịn rịn,… chưa đi đã thấy nhớ, chưa xa đã buồn.
- Đoạn thơ diễn tả xúc động tình cảm gắn bó giữa nhân dân Việt Bắc và người cán bộ về xuôi - đó là chất tình ca của Việt Bắc.
- Nghệ thuật: sáng tạo cảnh chia tay có kẻ ở và người đi; lối kết cấu đối đáp, xưng hô mình - ta; các biện pháp nghệ thuật như câu hỏi tu từ, điệp từ, hoán dụ; tiểu đối; giọng thơ tâm tình, ngọt ngào tha thiết…
- Nội dung:
- Nhận xét tính dân tộc trong bài Việt Bắc:
- Tính dân tộc là nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Tố Hữu đã kế thừa và vận dụng sáng tạo các giá trị thơ ca truyền thống mà trước nhất là ca dao trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
- Ở phương diện nội dung: tiếp nối những truyền thống đạo lý tốt đẹp có từ ca dao đó là lối sống tình nghĩa, đạo lí thủy chung.
- Ở phương diện nghệ thuật: nhà thơ phát huy tối đa hiệu quả biểu đạt của thể thơ lục bát với giọng thơ tâm tình tha thiết: kết cấu đối đáp của ca dao, sáng tạo lối xưng hô mình ta quen thuộc, ngôn ngữ thơ bình dị, cặp hình ảnh quen thuộc gắn với làng quê Việt Nam: cây đa - mái đình; sông - nguồn,…
- Qua tính dân tộc, ta thấy được thái độ trân trọng của Tố Hữu đối với các giá trị văn hóa truyền thống.
- Tính dân tộc là nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Tố Hữu đã kế thừa và vận dụng sáng tạo các giá trị thơ ca truyền thống mà trước nhất là ca dao trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
- Khái quát lại vấn đề.
- Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý sau:
- Chính tả, dùng từ, đặt câu
- Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Sáng tạo
- Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm: