YOMEDIA

Đề cương ôn tập HK1 môn Ngữ văn 10 CTST năm 2023-2024

Tải về
 
NONE

HOC247 giới thiệu đến các em học sinh lớp 10 tài liệu Đề cương ôn tập HK1 môn Ngữ văn 10 CTST năm 2023-2024 được HOC247 biên soạn và tổng hợp giúp các em ôn tập kiến thức Ngữ văn 10 CTST và củng cố kĩ năng làm bài tập. Hi vọng tài liệu này giúp các em ôn tập hoàn thành tốt bài kiểm tra trong kì thi học kì 1 sắp tới. Chúc các em học tập tốt!

ATNETWORK

1. Lý thuyết

1.1. Văn bản

a. Thể loại thần thoại

Nhận biết:

- Nhận biết được không gian, thời gian trong truyện thần thoại.

- Nhận biết được đặc điểm của cốt truyện, câu chuyện, nhân vật trong truyện thần thoại.

- Nhận biết được đề tài, các chi tiết tiêu biểu, đặc trưng của truyện thần thoại.

- Nhận biết được bối cảnh lịch sử - văn hoá được thể hiện trong truyện thần thoại.

Thông hiểu:

- Tóm tắt được cốt truyện.

- Hiểu và phân tích được nhân vật trong truyện thần thoại; lí giải được vị trí, vai trò, ý nghĩa của nhân vật trong tác phẩm.

- Nêu được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.

- Lí giải được tác dụng của việc chọn nhân vật người kể chuyện; lời người kể chuyện, lời nhân vật, ... trong truyện thần thoại.

- Lí giải được ý nghĩa, tác dụng của đề tài, các chi tiết tiêu biểu, đặc trưng của truyện thần thoại.

Vận dụng:

- Rút ra được bài học về cách nghĩ, cách ứng xử do văn bản gợi ra.

- Nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với nhận thức, tình cảm, quan niệm của bản thân.

Vận dụng cao:

- Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử – văn hoá được thể hiện trong văn bản để lí giải ý nghĩa, thông điệp của văn bản.

- Đánh giá được ý nghĩa, giá trị của thông điệp, chi tiết, hình tượng,… trong tác phẩm theo quan niệm của cá nhân.

b. Thể loại truyện

Nhận biết

- Nhận biết được người kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyện ngôi thứ nhất, điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật.

- Nhận biết đề tài, bối cảnh, chi tiết tiêu biểu trong truyện.

- Nhận biết được nhân vật, cốt truyện, câu chuyện trong truyện.

- Chỉ ra được nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Thông hiểu

- Tóm tắt được cốt truyện và lí giải được ý nghĩa, tác dụng của cốt truyện.

- Phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện.

- Phân tích, đánh giá được đặc điểm của nhân vật và vai trò của nhân vật với việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

- Phân tích, lí giải được chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

Vận dụng

- Rút ra được bài học về cách nghĩ, cách ứng xử do văn bản gợi ra.

- Nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với nhận thức, tình cảm, quan niệm của bản thân.

Vận dụng cao:

- Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử - văn hoá được thể hiện trong văn bản để lí giải ý nghĩa, thông điệp của văn bản.

- Đánh giá được ý nghĩa, giá trị của thông điệp, chi tiết, hình tượng, những đặc sắc về nghệ thuật trong tác phẩm theo quan niệm của cá nhân.

c. Thơ trữ tình

Nhận biết:

- Nhận biết được thể thơ, từ ngữ, vần, nhịp, đối và các biện pháp tu từ trong bài thơ.

- Nhận biết được bố cục, những hình ảnh tiêu biểu, các yếu tố tự sự, miêu tả được sử dụng trong bài thơ.

- Nhận biết được nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình trong bài thơ

- Nhận biết được nhịp điệu, giọng điệu trong bài thơ.

Thông hiểu:

- Hiểu và lí giải được tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện trong bài thơ.

- Phân tích được giá trị biểu đạt, giá trị thẩm mĩ của từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp và các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ.

- Nêu được cảm hứng chủ đạo, chủ đề, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.

Vận dụng:

- Trình bày được những cảm nhận sâu sắc và rút ra được những bài học ứng xử cho bản thân do bài thơ gợi ra.

Vận dụng cao:

- Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử - văn hoá được thể hiện trong bài thơ để lí giải ý nghĩa, thông điệp của bài thơ.

- Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn riêng về con người, cuộc sống; qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu.

1.2. Tiếng Việt

a. Biện pháp tu từ từ vựng:

- So sánh: Giúp sự vật, sự việc được miêu tả sinh động, cụ thể tác động đến trí tưởng tượng, gợi hình dung và cảm xúc

- Ẩn dụ: Cách diễn đạt mang tính hàm súc, cô đọng, giá trị biểu đạt cao, gợi những liên tưởng ý nhị, sâu sắc.

- Nhân hóa: Làm cho đối tượng hiện ra sinh động, gần gũi, có tâm trạng và có hồn gần với con người

- Hoán dụ: Diễn tả sinh động nội dung thông báo và gợi những liên tưởng ý vị, sâu sắc

- Điệp từ/ngữ/cấu trúc: Nhấn mạnh, tô đậm ấn tượng – tăng giá trị biểu cảm, tạo âm hưởng nhịp điệu cho câu văn, câu thơ.

- Nói giảm: Làm giảm nhẹ đi ý muốn nói (đau thương, mất mát) nhằm thể hiện sự trân trọng

- Thậm xưng: Tô đậm, phóng đại về đối tượng.

- Câu hỏi tu từ: Bộc lộ, xoáy sâu cảm xúc (có thể là những băn khoăn, ý khẳng định…)

- Đối : Tạo sự cân đối, đăng đối hài hòa cho sự diễn đạt, nhằm thể hiện ý nghĩa nào đó.

- Đảo ngữ: Nhấn mạnh, gây ấn tượng sâu đậm về phần được đảo lên.

b. Biệp pháp tu từ cú pháp:

- Phép lặp cú pháp: Lặp cú pháp là tạo ra những câu hoặc những đoạn câu có chung một kiểu cấu tạo cú pháp, làm cho câu văn có tính chất cân đối, với dụng ý tác động về nhận thức hoặc về tình cảm.

- Phép liệt kê: Liệt kê là cách sắp xếp nối tiếp những đơn vị cú pháp đồng loại (nhưng khác nhau về từ ngữ) nhằm tạo ra những ý nghĩa bổ sung về mặt nhận thức hoặc thể hiện cách đánh giá, cảm xúc chủ quan về các sự vật được đưa ra.

- Phép chêm xen: Chêm xen là cách đưa thêm từ ngữ (có khi là một tổ hợp từ có dạng một câu trọn vẹn) vào câu, nhưng không thiết lập quan hệ ngữ pháp với phần câu chứa chúng, nhằm chi tiết hóa sự việc, làm cho lời văn linh hoạt, nêu nhận xét của người thuật chuyện, bổ sung những tin mang những mục đích rất khác nhau.

2. Bài tập luyện tập

Câu 1: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể.

Lời giải chi tiết:

Ngay từ thời nguyên thủy, để phục vụ cho đời sống sinh hoạt và quá trình lao động, con người đã quan sát, suy ngẫm về các hiện tượng tự nhiên có liên quan mật thiết tới mình. Từ quá trình quan sát kết hợp với trí tưởng tượng hồn nhiên, họ đã sáng tạo ra những câu chuyện thần thoại nhằm giải thích hiện tượng tự nhiên và thể hiện ước mơ khám phá, chinh phục chúng. "Thần Trụ Trời" thuộc nhóm thần thoại suy nguyên, tác phẩm được coi như truyện mở đầu cho thần thoại về các vị thần. Sau này có thêm nhiều tác phẩm thần thoại về các vị thần khác như: Thần Mưa, thần Gió, thần Biển, thần Mặt Trời,...; tiếp đó là các truyện về thần sáng tạo ra muôn vật và loài người.

Qua thần thoại "Thần Trụ Trời", người Việt cổ muốn lý giải quá trình phân chia trời, đất và sự hình thành các dạng địa hình. Các dân tộc anh em khác trên thế giới cũng có nhiều truyện thú vị lý giải về sự hình thành thế giới buổi ban đầu như vậy. Trong nhận thức của con người cổ, thế giới được hình thành dưới sự sắp xếp của các vị thần.

"Thần Trụ Trời" là một tác phẩm thần thoại tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam. Kết cấu truyện "Thần Trụ Trời" cũng giống như các tác phẩm khác, gồm ba phần: mở đầu, diễn biến, kết thúc. Yếu tố không gian và thời gian được nhắc tới ngay khi mở đầu tác phẩm. Không gian âm u, tĩnh lặng "trời và đất" dính liền vào nhau, không gian vũ trụ không thể hiện một điểm cụ thể. Thời gian trong tác phẩm chưa xác định rõ ràng, thể hiện rõ "tính chất cổ xưa". Nhân vật thần Trụ Trời được khắc họa có vóc dáng lớn lao cùng sức mạnh phi thường nhằm thực hiện công việc phân chia trời đất và tạo ra các dạng địa hình.

Bằng trí tưởng tượng phong phú, các tác giả dân gian đã khiến chúng ta hình dung ra không gian hoang sơ của trái đất khi chưa xuất hiện muôn loài và sự ra đời của thần Trụ Trời. Trời đất tăm tối, không có sự sống: "Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm, lạnh lẽo", "Thuở ấy, chưa có thế gian, cũng chưa có muôn vật và loài người". Chính lúc vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, thần Trụ Trời xuất hiện "Bỗng nhiên, một vị thần khổng lồ xuất hiện". Sự ra đời của thần là cách các tác giả dân gian giải thích về quá trình tạo lập thế giới dựa trên những hiểu biết giản đơn và nguyên sơ.

Thần Trụ Trời được khắc họa một cách ấn tượng qua những chi tiết kì ảo. Khi vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, thần xuất hiện. Ngoại hình của thần Trụ Trời nổi bật với vóc dáng khổng lồ "Chân thần dài không thể tả xiết. Thần bước một bước là có thể qua từ vùng này đến vùng nọ, hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác". Không chỉ vậy, thần còn có sức vóc mạnh mẽ, điều này được thể hiện qua những hành động "Bỗng có một lức thần đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên, rồi tự mình đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời", "Thần hì hục vừa đào vừa đắp". Quá trình phân chia trời đất và tạo ra dạng địa hình của thần Trụ Trời được diễn tả hết sức đặc biệt: Thần "ngẩng đầu đội trời", sau đó, tự mình đào đất, đập đá dựng nên một cái cột chống trời. Chẳng bao lâu sau, dưới sự chống đỡ của trụ trời, trời đất được phân đôi. Đến khi trời trở nên "đã cao và đã khô", thần bỗng nhiên phá cột đi, lấy đá ném khắp nơi tạo thành những hòn núi, hòn đảo. Nơi thần đào đất làm cột trụ trời trở thành biển rộng mênh mông. Sau này, người ta gọi vị thần đó là "Trời" hay "Ngọc Hoàng" - vị thần này làm nhiệm vụ trông coi mọi việc trên trời dưới đất. Các vị thần khác cũng nối tiếp làm nhiệm vụ còn dang dở để xây dựng thế gian như: thần Sao, thần Sông, thần Biển,...

Kết thúc truyện là một bài vè độc đáo và giàu ý nghĩa: "Ông Đếm cát/ Ông Tát bể (biển)/ Ông Kể sao/ Ông Đào sông/ Ông Trồng cây/ Ông Xây rú (núi)/ Ông Trụ trời.". Với ca từ dễ nhớ, dễ thuộc, bài vè dễ dàng đi vào trái tim người nghe. Các vị thần tiếp tục hoàn thiện nhân gian được liệt kê và đúc kết lại bằng câu "Ông Trụ Trời" nhằm thể hiện sự biết ơn công lao của thần Trụ Trời trong quá trình tạo ra trời đất và các dạng địa hình trong cuộc sống.

Qua thần thoại "Thần Trụ Trời", chúng ta hiểu thêm về tư duy của người Việt cổ trong việc giải thích quá trình phân chia trời, đất và hình thành các dạng địa hình tự nhiên. Đồng thời, ta cũng cảm nhận được sự ngây thơ trong tâm hồn và ước mơ khám phá thế giới của con người nguyên thủy.

Câu 2: Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội.

Lời giải chi tiết:

Mỗi chúng ta được xuất hiện trên cõi đời với hình hài khỏe mạnh là một diễm phúc. Thế nhưng, không phải ai cũng có may mắn sở hữu một cơ thể lành lặn. Họ phải chịu những khiếm khuyết và những di chứng bệnh tật đến suốt đời. Tuy nhiên, những khiếm khuyết đó không thể đánh gục được họ. Thay vì chấp nhận và đầu hàng với số phận của mình, họ luôn tìm cách vươn lên trong cuộc sống như những bông hoa hướng dương luôn hướng về ánh mặt trời.

Vượt lên số phận của chính mình là dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống, luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân, biến những khiếm khuyết của bản thân thành điểm mạnh. Những tấm gương vượt lên trên số phận thường được ví như những cây xương rồng trên sa mạc. Dù đất có cằn cỗi, khí hậu có khắc nghiệt thì xương rồng vẫn mạnh mẽ sống và vươn lên. .

Những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần đã rèn luyện cho họ ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước gian nan để trở thành một cây xương rồng gai góc. Họ thường phải đối diện với những ánh mắt khinh bỉ, coi thường của mọi người khi sinh ra đã bị thiếu một bộ phận trên cơ thể. Chính vì vậy, họ buộc phải đối diện với nỗi sợ hãi trong chính bản thân để vượt lên trên số phận. Bên cạnh đó, sự giúp sức, động viên của gia đình, người thân chính là động lực to lớn giúp họ có thể đứng vững bằng sức lực của mình.

Họ là những thanh âm trong trẻo, nghị lực cất lên từ số phận bất hạnh và đau khổ nhưng vẫn giữ được tinh thần lạc quan, tràn đầy sức sống. Họ không nản chí, đầu hàng trước mọi khó khăn, luôn kiên định với mục tiêu mình đề ra và nỗ lực tìm cách khắc phục những yếu điểm của bản thân để tiếp thêm sức mạnh cho những mảnh đời kém may mắn. Và hơn hết, họ tự ý thức sâu sắc về số phận và quyết tâm vượt lên hoàn cảnh để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, gia đình, cộng đồng. .

Có lẽ, câu chuyện cảm động về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã khiến cho bao bạn đọc phải cảm thấy khâm phục vì tài năng và sức mạnh phi thường của thầy. Thầy bị bại liệt cả hai tay từ nhỏ, thuở đi học thường bị bạn bè chê cười nhưng thầy đã dùng đôi chân của mình để "viết số phận", chẳng những vậy mà thầy còn viết chữ rất đẹp. Chắc hẳn các bạn đã từng nghe qua câu chuyện "Người hùng chinh phục đỉnh Phan - xi - păng cùng chiếc nạng gỗ"? Đó chính là anh Nguyễn Sơn Lâm, một người mắc hội chứng loãng xương từ nhỏ, bị teo cả hai chân nhưng đã trở thành một diễn giả nổi tiếng và đã chinh phục được đỉnh Phan - xi - păng cùng chiếc nạng gỗ của mình. Chúng ta là một người khỏe mạnh nhưng việc chinh phục "nóc nhà Đông Dương" là một điều rất khó khăn vì nó đòi hỏi con người phải có sức khỏe và sự kiên trì. Anh Nguyễn Sơn Lâm đã tạo nên chiến tích của chính cuộc đời mình, anh chỉ nặng 27 kg và không thể di chuyển bằng hai chân như người bình thường nhưng anh đã làm nên một điều phi thường.

Vượt lên trên số phận của chính mình sẽ giúp cho bạn trở thành một phiên bản tốt nhất có thể, từ đó thấy được rằng này cuộc sống này sẽ vô cùng ý nghĩa và đáng sống. Những tấm gương vượt lên số phận của chính mình là những người truyền lửa, họ đem đến cho chúng ta niềm tin, niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Khi bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình cũng chính là lúc bạn thấy rằng chân trời phía trước luôn rộng mở để chào đón bạn khám phá.

Thế nhưng, bên cạnh những tấm gương sáng về nghị lực vượt lên trên số phận của chính mình thì vẫn còn một bộ phận nhỏ những người sống không có ý chí nghị lực, thấy khó khăn đã vội chùn bước. Chúng ta cần phê phán những người luôn giữ trong mình những suy nghĩ tiêu cực, không dám hành động và sống không có ước mơ.

Cuộc sống của chúng ta luôn ẩn chứa vô vàn điều thú vị cho nên bạn hãy thật mạnh dạn để thoát ra khỏi chiếc vỏ bọc của chính mình. Hãy trở thành người dám nghĩ dám làm, dám ước mơ thì chắc chắn bạn sẽ nhận được những thành quả xứng đáng. Bạn cần cảm thấy may mắn khi mình là một người "bình thường" cho nên nhất định không nên kì thị mà phải biết giúp đỡ những người kém may mắn hơn trong cuộc sống. Bạn hãy vạch ra cho mình những mục tiêu cần hoàn thành và không được ỷ lại vào người khác khi bản thân có thể làm được, khi đó thành công sẽ mỉm cười với chính bạn.

"Không có số phận, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi". Quả đúng là như vậy, những tấm gương vượt lên số phận chính mình chính là những tấm gương sáng mà chúng ta cần noi theo. Chính những suy nghĩ và hành động đúng đắn của những tấm gương vượt lên trên số phận đã giúp họ khẳng định giá trị của bản thân mình rằng họ không thua kém bất kì ai trong thế giới rộng lớn này.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề cương ôn tập HK1 môn Ngữ văn 10 CTST năm 2023-2024. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON