YOMEDIA

Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Trại Cau có đáp án

Tải về
 
NONE

Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Trại Cau dưới đây nhằm giúp các em nắm được những kiến thức cơ bản đã học, đồng thời chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Hoc247 mời các em tham khảo bộ đề thi dưới đây nhé. Chúc các em học tâp tốt và thành tích cao trong học tập.

ADSENSE

TRƯỜNG THPT TRẠI CAU

ĐỀ KIỂM TRA HK1

MÔN NGỮ VĂN 12

NĂM HỌC 2020-2021

 

1. ĐỀ SỐ 1

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi ưa nói, ưa tranh luận, nhưng khi tôi 17 tuổi nếu tôi giơ tay phát biểu trước lớp về một vấn đề không đồng ý với quan điểm của thầy cô, tôi bị dòm ngó, tẩy chay, cười mỉa... Hình như ở Việt Nam, người ta rất khó chấp nhận chuyện người nhỏ hơn mình “sửa sai” hay tranh luận thẳng thắn với người lớn.

Khi lớn, tôi có đọc “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của GS Trần Ngọc Thêm, ông có giải thích về văn hóa của người Việt là làng xã, văn hóa trọng người lớn tuổi, “sống lâu lên lão làng”... Tôi không rõ lắm, nhưng nói như vậy để thấy 17 tuổi tôi không được ủng hộ cho chuyện được nói lên suy nghĩ của bản thân, nếu tôi nói khác với số đông, tôi lập tức là “cá biệt” mà không cần biết đúng hay sai.

Còn ở nhà, 17 tuổi tôi phải nhất nhất làm theo tất cả những gì bố mẹ sắp đặt, nếu tôi dám tranh luận lại (dù là tranh luận rất nhỏ nhẹ và lễ phép), lập tức bị khép vào “hỗn hào và bất hiếu”.

Bao giờ mới trưởng thành?   

Cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi thật sự thấy mình đã trưởng thành (22 tuổi mới thấy trưởng thành, có lẽ khá muộn so với độ tuổi của bạn bè trên thế giới), khi đã có công việc và tự lập với thu nhập kiếm được. Tôi nghĩ có lẽ cuộc sống của mình đã “dễ thở” hơn. Đó cũng là lúc tôi thấy con đường mà tôi đã đi như ý gia đình là không sai, nhưng thật tình như bạn nói: rất tẻ nhạt.

Tôi luôn có cảm giác không được sống đúng với sở thích, cá tính của bản thân. Nói đến đây, chắc rất nhiều bạn hỏi sao tôi không đấu tranh, không đủ dũng khí sống với cá tính, đam mê của mình mà lúc nào cũng nhất nhất nghe theo gia đình. Cũng “khởi nghĩa” vài lần, nhưng kết quả thì lần nào cũng thất bại, vì bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý.

.... Đừng nói là 17 tuổi, đến 27 tuổi tôi vẫn chẳng thể tự do quyết định cuộc sống của mình. Và tôi biết có rất nhiều bạn trẻ giống tôi.

Tất cả những sự thay đổi trong tư tưởng đều cần rất nhiều thời gian. Tôi sẽ không thể thay đổi mình, thay đổi hoàn cảnh năm tôi 17 tuổi, nhưng tôi hi vọng thế hệ sau tôi có được điều đó, khi các em có được những người bố, người mẹ là chúng tôi.

                                    (Đặng Anh, Sống đúng là mình, Tuoitre.vn, 9/9/2013)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2. Khi viết văn bản này, người viết mong muốn điều gì?

Câu 3. Vì sao tác giả lại cho rằng trong xã hội của người Việt bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý?

Câu 4. Theo anh/chị, người nhỏ tuổi nên hay không khi sửa sai hay tranh luận thẳng thắn với người lớn? Vì sao?

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tư duy áp đặt được đề cập đến trong văn bản phần Đọc hiểu.

----HẾT----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương thức biểu đạt: Nghị luận

Câu 2:

Khi viết văn bản này, người viết mong muốn thế hệ sau sẽ được thay đổi (không phải chịu sự áp đặt từ cha mẹ hay người lớn).

Câu 3:

Tác giả cho rằng trong xã hội của người Việt bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý bởi vì:

- Văn hóa của người Việt là làng xã, văn hóa trọng người lớn tuổi, vậy nên con cái thường phải làm theo tất cả những gì bố mẹ sắp đặt, không dám (hoặc ít khi) làm ngược lại, hay thay đổi.

- Nếu dám tranh luận lại (dù là tranh luận rất nhỏ nhẹ và lễ phép), lập tức bị khép vào hỗn hào và bất hiếu.

Câu 4:

- Nếu HS trả lời theo hướng đồng thuận (nên) thì cần lập luận:

+ Vì đôi khi người lớn không phải lúc nào cũng đúng. Tranh luận giúp người khác nhận ra sai lầm để sửa chữa là việc nên làm.

+ Qua việc tranh luận, người nhỏ tuổi được bộc lộ quan điểm, suy nghĩ, bản thân cũng trưởng thành hơn. Tuy nhiên cần phải thái độ lễ phép, lập luận khéo léo, thuyết phục…

- Nếu HS trả lời theo hướng không đồng thuận (không nên) thì cần lập luận:

+ Người lớn tuổi thường giàu kinh nghiệm, ít khi sai.

+ Người nhỏ tuổi chưa đủ tri thức cũng như kinh nghiệm sống để phản bác hay sửa sai cho người lớn nên cần tôn trọng, lắng nghe và học hỏi từ người lớn…

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN

a. Xác định đúng vấn đề nghị luận: tư duy áp đặt.

b. Học sinh có thể trình bày theo cách của mình nhưngcơ bản cần đạt được các ý sau:

• Giải thích:  Tư duy áp đặt là kiểu tư duy luôn cho mình là đúng, bắt buộc người khác phải suy nghĩ và hành động theo quan điểm của mình.

• Phân tích, bình luận:

- Tư duy áp đặt là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp lúa nước, là lối tư duy của chế độ phong kiến, mang tính gia trưởng vẫn tồn tại khá sâu sắc trong không ít gia đình Việt (dẫn chứng).

- Mặt tích cực: tránh cho người trẻ những vấp ngã, sai lầm không đáng có do sự nông nổi, thiếu chín chắn (dẫn chứng).

- Mặt hạn chế:

+ Với người mang tư duy áp đặt: luôn có cái nhìn phiến diện, một chiều, không tiếp thu cái mới, không khắc phục được khuyết điểm, hạn chế của bản thân…

+ Với người bị áp đặt: không dám sống với suy nghĩ, sở thích, cá tính của riêng mình, luôn cảm thấy không được là chính mình, thấy cuộc sống tẻ nhạt....

+ Với xã hội: sự áp đặt của người lớn lên suy nghĩ và hành động của thế hệ trẻ sẽ tạo ra những lớp người thụ động, lười nhác trong suy nghĩ và làm việc, thích dựa dẫm, ngại sáng tạo đổi mới, làm cho xã hội, đất nước trì trệ, tụt hậu…

- Mở rộng, nâng cao vấn đề, rút ra bài học:

+ Cần phân biệt tư duy áp đặt với sự quyết đoán cần thiết trong những tình huống cụ thể và dám chịu trách nhiệm về quyết định của chính mình.

+ Người trẻ cần có thái độ lễ phép, trân trọng tiếp thu hợp lí ý kiến người lớn tuổi, người đi trước; mạnh dạn trao đổi, khéo léo thuyết phục khi đưa ra chủ kiến hay tranh luận.

c. Đảm bảo kết cấu đoạn văn chặt chẽ, trình bày rõ ràng, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp…

2. ĐỀ SỐ 2

I.ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

tôi yêu

chất người đầu tiên

những giọt sương lặn vào lá cỏ

qua nắng gắt qua bão tố

vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh

vẫn long lanh bình thản trước vầng dương

trong mờ mịt mưa giăng tôi trở lại mùa màng

mà tiếng nói chúng ta là hạt giống

không ai dám đùa với niềm hi vọng

thao thức trên bàn tay người thợ gieo trồng

ta đâu phải kẻ há miệng chờ sung

nhưng con đường đến trái chín

chưa bao giờ đơn giản

và tôi biết

những tượng đài những vinh quang dễ dãi

thật xa lạ với người tù thủa ấy

ta sẽ có những bài hát khác

xin nhớ lại

giai điệu đầu tiên

lối mòn

những chồi non

hoa

hơi thở

những bàn tay

tia sáng dò đường

tiếng huýt sáo dội vào vách núi

chợt mỉm cười khoảnh khắc thấy trời xanh…

(Sự bùng nổ của mùa xuân – Thanh Thảo)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên.

Câu 3: Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ.

những giọt sương lặn vào lá cỏ

qua nắng gắt qua bão tố

vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh

vẫn long lanh bình thản trước vầng dương

Câu 4: Sự bùng nổ của mùa xuân được thể hiện qua những hình ảnh nào? Thông điệp cảm xúc tác giả muốn gửi gắm qua những hình ảnh đó.

II. LÀM VĂN

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về bài học từ những hạt giống được nêu ở phần Đọc hiểu:

nhưng con đường đến trái chín

chưa bao giờ đơn giản

----HẾT----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 2:

- Giữa cuộc đời đầy chông gai, sóng gió, con người vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, vẫn tha thiết yêu đời, vẫn cháy bỏng niềm tin yêu và hy vọng. Giữa vô vàn khó khăn, khốc liệt của hoàn cảnh, cái đẹp vẫn đơm hoa, sự sống vẫn nảy mầm…

Câu 3:

- Ẩn dụ: giọt sương lặn vào lá cỏ, nắng gắt, bão tố

Giọt sương lặn vào lá cỏ: ẩn dụ cho cái đẹp bình dị, khiêm nhường của đời sống quanh ta.

+ Nắng gắt, bão tố: ẩn dụ để chỉ những khó khăn, thử thách của cuộc đời.

- Lặp cấu trúc: Qua…vẫn…vẫn: nhấn mạnh vẻ đẹp vững bền, bất biến của những giọt sương qua bao khắc nghiệt của tự nhiên, bao thăng trầm của đời sống.

Câu 4:

- Hình ảnh thể hiện sự bùng nổ của mùa xuân:

+ Những giọt sương lặn vào lá cỏ

+ Cái mát lành đầy sức mạnh

+ Long lanh bình thản trước vầng dương

+ Hạt giống

+ Những chồi non

- Thông điệp: Từ một hiện tượng trong thiên nhiên, Thanh Thảo gợi mở cho ta nhiều suy ngẫm về con người, cuộc sống:

+ Sức sống bền bỉ, mãnh liệt của thiên nhiên, và cũng chính là sức sống bền bỉ, mãnh liệt của con người trước sóng gió cuộc đời.

+ Cách nhìn nhận, khám phá cái đẹp của đời sống: Đời sống vẫn luôn tiềm ẩn những vẻ đẹp kì diệu. Có những sự vật bề ngoài tưởng chừng mong manh, những con người thoạt nhìn rất nhỏ bé, khiêm nhường (như giọt sương, lá cỏ) nhưng lại ẩn chứa một sức mạnh lớn lao, một vẻ đẹp kì diệu (Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh, Vẫn long lanh, bình thản trước vầng dương).

-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----

3. ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối, ta sẽ nghe được nhiều tiếng động xung quanh đang diễn ra, dù đó có là tiếng thở dài não ruột của một người đang ở nơi xa, hay ngay cả “tiếng vô thanh” của dòng sông và ngọn đồi. Cuộc sống luôn hối hả vội vàng, nên dễ khiến ta quên dần thói quen lắng nghe sâu sắc bằng trái tim. Nhiều khi người kia đã nói rất rõ ràng mà ta còn chưa chịu hiểu, huống hồ họ chỉ nói nửa câu hay im lặng để ta tự suy ngẫm. Vì có những niềm đau đã giấu kín trong lòng thì không thể dễ dàng nói ra nếu người nghe không biểu lộ được sự rung cảm chân thành từ nơi trái tim… Cho nên, phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới nghe và thấu hiểu được những kẻ khác. Vậy từ bây giờ ta hãy tìm cho mình một không gian tĩnh lặng để tập nghe rõ lại từng bước chân và hơi thở của mình.  Đó là những âm thanh rất gần gũi và quan trọng mà ta đã quên lãng từ lâu. Ngoài ra, ta hãy cố gắng tập im lặng lắng nghe từng dòng cảm xúc nhớ nhung hay khát khao, từng ý niệm giận hờn hay ganh ghét, những quyết định sai lầm hay những lần tự mãn, và ngay cả khi tâm tư hoàn toàn vắng lắng để ta nhận ra từng thái độ sống của mình. Chỉ cần im lặng lắng nghe mà đừng vội can thiệp hay phán xét, để ta có cơ hội hiểu hết những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn… Nhờ đó, ta sẽ có nhiều cơ hội làm chủ chính mình. Làm chủ được chính mình cũng chính là làm chủ được cuộc đời mình. Khi làm chủ được cuộc đời mình, ta mới đủ bản lĩnh mời người khác cùng tham dự mà không gây khổ lụy cho nhau, đủ sức dắt nhau đi qua những quãng đời gian khó.

(Trích “Hiểu về trái tim”, Minh Niệm, NXB Trẻ 2013)

Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt nào?

Câu 2. Theo tác giả, khi nào người ta sẽ nghe được cả “tiếng động” và “tiếng vô thanh” của đời sống?

Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào là “lắng nghe chính mình”?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả: phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới nghe và thấu hiểu được những kẻ khác không? Vì sao?

II.LÀM VĂN

Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về giá trị của sự im lặng.

----HẾT----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích gồm: nghị luận, biểu cảm.

Câu 2:

- Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối ta sẽ nghe được “tiếng động” và “tiếng vô thanh” của đời sống

Câu 3:

“Lắng nghe chính mình” có thể hiểu là:

- Lắng nghe để biết, để biết bản thân mong gì, muốn gì.

- Lắng nghe chính mình để sống thành thực với những cảm xúc của bản thân.

- Lắng nghe chính minh cũng là cách bạn hiểu được giá trị của bản thân với thế giới.

Câu 4:

- Đồng tình với quan điểm của tác giả

- Lí giải: Thấu hiểu bản thân là điều vô cùng khó khăn, bởi chúng ta luôn có xu hướng tự che giấu, tự bao biện cho những mong muốn hoặc sai lầm của bản thân. Bởi vậy, chỉ khi thực sự hiểu bản thân cần gì, muốn gì thì khi ấy mới có thể hiểu người khác muốn gì.

-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----

4. ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Mỗi người đều phải leo lên những bậc thang đời mình. Có những mơ ước xa: đến đỉnh cao nhất. Có người ước mơ gần: một hai bậc, rồi sau đó, một hai bậc tiếp theo. Có người cứ lặng lẽ tiến bước theo mục tiêu của mình, gạt bỏ mọi thị phi. Có người đi chu du một vòng thiên hạ, nếm đủ đắng cay rồi mới chịu trở về với ước mơ ban đầu. Nhưng cũng có người lỡ bay xa quá và không thể điều khiển đời mình được nữa, chỉ còn buông xuôi và tiếc nuối. Tôi nhận ra rằng, ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.

Có lẽ chúng ta cần một cái nhìn khác. Rằng chẳng có ước mơ nào tầm thường. Và chúng ta học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rúng này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.

Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. (…)

Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn; Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn; 2017)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Theo tác giả, vì sao chúng ta “không thèm khát vị thế cao sang này rẻ rúng công việc bình thường khác”? 

Câu 3: Anh/Chị hiểu thế nào về ý kiến: học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào?

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: Chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.

----HẾT----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phướng thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2:

- Vì: mỗi người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận.

Câu 3:

- “Học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào”

- Học là phương tiện tốt nhất để mỗi chúng ta có được công việc mình yêu thích và mong muốn.

- Khi tích lũy đủ tri thức, lại có thêm những kĩ năng khác tất yếu ta sẽ nhận được mức thu nhập cao nhất, xứng đáng với công sức mình bỏ ra.

Câu 4:

- Đồng ý với quan điểm của tác giả

- Vì:

+ Mỗi nghề đều có một vị trí, ý nghĩa trong xã hội, không có nghề nào là cao quý, nghề nào là thấp hèn. Chỉ cần chúng ta lao động chân chính bằng sức của mình thì ấy chính là nghề cao quý nhất.

+ Phải quyết tâm, tâm huyết với nghề mình đã chọn, nỗ lực không ngừng để đạt được thành quả cao nhất, vươn đến đỉnh cao của nghề

-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Trại Cau. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt!

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF