-
Câu 1:
Mã câu hỏi: 59249
Phần 1: Đọc - hiểu (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Đứng một mình không dễ. Không những nó có thể làm ta không được ưa thích, khi một mình, nhà văn Đan Mạch Dorthe Nors viết, chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé. Cần lòng dũng cảm để không lẩn tránh chúng. Đổi lại, điều ta nhận được là một sự vững vàng mà không phải bám víu vào sự tung hô của người khác. Một mình nhưng không cô đơn. Triết gia thế kỷ 19 Henry David Thoreau viết: “Tôi không cô đơn hơn một cây mao nhị hay bồ công anh trên một đồng cỏ, hay một lá đậu, hay một cây chua me đất, hay một con mòng, hay một con ong nghệ. Tôi không cô đơn hơn ngôi sao Bắc Đẩu, hay một ngọn gió nam, hay một cơn mưa tháng tư, hay băng tan tháng giêng”.
Cuối cùng, một mình không có nghĩa là tách khỏi người khác một cách vật lí. Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập, nó không được đo bởi khoảng cách vật lí giữa một cá nhân với những người xung quanh. Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi. Họ vẫn ở trong xã hội, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới. Họ tự do trước những con sóng của đám đông để có thể quan tâm đến cộng đồng một cách sâu sắc hơn, đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn. Vẻ đẹp của người đứng một mình là vẻ đẹp tự tại, với một niềm vui tự thân. Niềm vui mà như nhà tu hành David Steindl – Rast diễn tả, không phụ thuộc vào những điều đang xảy ra.
(Đặng Hoàng Giang, Bức xúc không làm ta vô can, Nxb Hội Nhà văn, năm 2016, tr 79-80)
-
Câu 2:
Mã câu hỏi: 59251
Tìm trong đoạn trích 03 lí do để thấy rằng “Đứng một mình không dễ”.
Xem đáp án
- 03 lí do để thấy rằng “Đứng một mình không dễ”:
- Đứng một mình có thể làm ta không được ưa thích.
- Chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta.
- Chúng ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé.
-
Câu 3:
Mã câu hỏi: 59253
Các câu văn gạch chân trong đoạn trích trên liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào? Phân tích vai trò của từ “Họ” trong các câu văn đó.
Xem đáp án
- Xác định các phép liên kết và vai trò của từ “Họ” ở các câu văn gạch chân:
- Phép liên kết: Phép thế, phép lặp
- Tác dụng: Từ “Họ” thứ nhất thay thế cho “Các ẩn sĩ hiện đại” ở câu trước, rút ngắn độ dài văn bản. Từ “Họ” ở câu 2 lặp lại câu trước, tạo ra sự liên kết câu chặt chẽ;
-
Câu 4:
Mã câu hỏi: 59255
Anh/chị hiểu “niềm vui tự thân” của người đứng một mình là như thế nào?
Xem đáp án
- “Niềm vui tự thân” của người đứng một mình: Là niềm vui từ trong nội tại bản thân mình, không phụ thuộc vào những điều đang xảy ra hay những tác động từ bên ngoài, từ người khác.
-
Câu 5:
Mã câu hỏi: 59257
Anh/chị có đồng ý với quan điểm của tác giả: “Một mình nhưng không cô đơn” không? Vì sao?
Xem đáp án
- Về ý kiến của tác giả: “Một mình nhưng không cô đơn”:
- Học sinh bày tỏ chính kiến rõ ràng: có thể đồng ý hoặc không đồng ý
- Lí giải thuyết phục ý kiến của mình
-
Câu 6:
Mã câu hỏi: 59259
Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)
(2.0 điểm)
“Đứng một mình” nên hay không nên? Viết đoạn văn ngắn bày tỏ ý kiến của anh/chị về vấn đề này.
Xem đáp án
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội, dung lượng khoảng 200 chữ, bố cục chặt chẽ, lí lẽ xác đáng, diễn đạt trong sáng, giàu cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…
- Yêu cầu về kiến thức:
- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ các ý cơ bản sau:
- Giải thích
- “Đứng một mình” là thái độ sống độc lập, không phụ thuộc vào người khác.
- “Đứng một mình” không được đo bởi khoảng cách vật lí giữa một cá nhân với những người xung quanh. Cũng không phải là tách biệt với xã hội hoặc cố tình tạo ra sự khác biệt nhằm khẳng định cá nhân một cách cực đoan
- Bàn luận, mở rộng
- “Đứng một mình” có nhiều ưu điểm song cũng có nhiều hạn chế. Ưu điểm là, con người không bị lệ thuộc vào đám đông, có nhiều cơ hội để suy nghĩ, nhận thức thấu tháo về một vấn đề; tạo thói quen tư duy độc lập; tạo cơ hội sáng tạo và thành công. Hạn chế là, con người có thể phải đối diện với sự cô đơn, thành kiến của xã hội, thói đố kị và sự kì thị…
- “Đứng một mình” nên hay không nên tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Nếu cảm thấy “đứng một mình” vẫn có thể thành công, cần đứng một mình để suy nghĩ, đưa ra những quyết định hệ trọng… thì nên đứng một mình. Còn nếu công việc cần sự hợp tác, hỗ trợ của người khác … thì không nên đứng một mình vì một thực tế cho thấy biết làm việc nhóm, làm việc tập thể rất hiệu quả
- Bàn mở rộng: Phê phán những con người có thói quen hùa theo đám đông một cách dễ dãi, hời hợt, thiếu suy nghĩ,…bởi điều đó có thể nguy hại cho công đồng và cản trở sự phát triển của xã hội. Đồng thời cũng phê phán những kẻ luôn tách mình ra khỏi xã hội, sống “cuộc sống không biết gì hết ở bên ngưỡng cửa nhà mình”.
- Bài học Sống một mình có nhiều ưu điểm nhưng cũng có hạn chế. Vì vậy mỗi người hãy sáng suốt lựa chọn lối sống phù hợp cho mình.
-
Câu 7:
Mã câu hỏi: 59264
Cảm nhận về thiên nhiên Tây Bắc trong đoạn thơ sau:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một Nxb Giáo dục, năm 2017)
Liên hệ với khổ thơ sau trong bài Tràng giang của Huy Cận để thấy điểm tương đồng trong nghệ thuật tả cảnh của hai tác giả:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vắng chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”
(Trích Tràng giang, Huy Cận, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, năm 2017)
(5.0 điểm)
Xem đáp án
- Cảm nhận về thiên nhiên Tây Bắc trong đoạn trích bài thơ “Tây Tiến” và liên hệ với khổ thơ trong “Tràng giang” của Huy Cận
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài dẫn dắt hợp lí, nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề nghị luận.
- Diễn đạt rõ ràng trong sáng, văn viết có hình ảnh, cảm xúc.
- Yêu cầu về kiến thức:
- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:
- Giới thiệu chung:
- Tác giả Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến.
- Đoạn trích là một trong những đoạn thơ thể hiện đậm nét phong cách thơ Quang Dũng. Đoạn thơ đã đặc tả vẻ đẹp hùng vĩ và dữ dội; êm đềm và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc với bút pháp nghệ thuật điêu luyện.
- Cảm nhận về thiên nhiên Tây Bắc trong đoạn thơ:
- Thiên nhiên Tây Bắc được tái hiện qua nỗi nhớ: Tiếng gọi mở đầu cùng với “nhớ chơi vơi” cho thấy thiên nhiên Tây Bắc để lại dấu ấn đậm nét trong tâm trí nhà thơ.
- Thiên nhiên Tây Bắc mang vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội:
- Các địa danh: Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, gợi ấn tượng về sự xa xôi, heo hút.
- Địa hình hiểm trở: Dốc lên thì “khúc khuỷu” gập gềnh, dốc xuống thì “thăm thẳm” như dẫn đến vực sâu, đỉnh núi mù sương cao vút.
- Thiên nhiên Tây Bắc mang vẻ đẹp thơ mộng, êm đềm
- Cảnh người lính Tây Tiến đi trong hơi sương mờ ảo, lãng mạn.
- Có cảnh người lính Tây Tiến đi trong “mưa xa khơi” gợi cảm giác nhẹ nhàng, êm đềm, bình yên.
- Thiên nhiên Tây Bắc làm phông nền để tôn lên vẻ đẹp của người lính Tây Tiến: ý chí quyết tâm, tâm hồn tươi trẻ, lạc quan, yêu đời.
- Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn trường thiên, bút pháp tả thực kết hợp với lãng mạn. Sử dụng đắc địa các từ láy, hình ảnh mới lạ, phép tiểu đối, tạo câu thơ có nhiều thanh bằng, thanh trắc, …
- Liên hệ điểm tương đồng trong nghệ thuật tả cảnh của Quang Dũng và Huy Cận
- Giới thiệu sơ lược tác giả Huy Cận và nội dung khổ thơ trong Tràng giang: Là bức tranh sông nước đẹp nhưng cô liêu, hiu hắt và rợn ngợp.
- Điểm tương đồng trong nghệ thuật:
- Cả hai đoạn trích thơ đều là bức tranh thiên nhiên đẹp: đoạn thơ của Quang Dũng miêu tả vẻ đẹp đẹp thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở, thơ mộng còn khổ thơ của Huy Cận miêu tả không gian bao la, cô quạnh đến rợn ngợp của sông Hồng về chiều.
- Cả hai tác giả đều rất tài hoa trong nghệ thuật miêu tả thiên nhiên: quan sát tinh tế, ngôn từ giàu chất tạo hình, sử dụng nghệ thuật tương phản đối lập để phác họa ra bức tranh thiên nhiên phù hợp với cảm xúc, cảm hứng của mình. Dẫn chứng từ khổ thơ trong bài Tràng giang…
- Qua bức tranh thiên nhiên, cả hai nhà thơ đều bày tỏ sự gắn bó, tình yêu của mình với thiên nhiên đất nước.