Trong Học kì 1 lớp 8, các em đã được tiếp cận đặc trưng của các thể loại văn học như: Thơ sáu chữ, bảy chữ, Văn bản thông tin, Văn bản nghị luận, Truyện cười, Hài kịch,... Đồng thời các em còn được tìm hiểu đặc điểm và chức năng của các từ loại như: từ tượng thanh, từ tượng hình, trợ từ, thán từ, từ Hán Việt,... Nhằm giúp các em hệ thông hóa lại các kiến thức đã học trong học kì vừa qua, HỌC247 đã biên soạn và tổng hợp nội dung bài giảng Ôn tập Học kì 1 thuộc sách Chân trời sáng tạo dưới đây. Mời các em cùng tham khảo
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu
- Trong lời mẹ hát - Trương Nam Hương: Bài thơ chính là sự khẳng định, niềm tin về tương lai của người con khi phải lớn lên và tự một mình đối diện với cuộc đời dài rộng.
- Nhớ đồng - Tố Hữu: Bài thơ là tiếng lòng da diết đối với cuộc sống bên ngồi của người chiến sĩ cộng sản. Nỗi nhớ ấy thể hiện khát vọng tự do, tình yêu nhân dân, đất nước, yêu cuộc sống của chính mình.
- Những chiếc lá thơm tho - Trương Gia Hòa: Văn bản kể lại những kỉ niệm với bà thời thơ ấu, tác giả đã cho thấy tình yêu của người cháu đối với bà, bà là cả bầu trời tuổi thơ của cháu, dù cháu có lớn đến nơi đầy đủ phát triển thì bà vẫn luôn ở đó với sự ân cần, chu đáo.
- Chái bếp - Lý Hữu Lương: Bài thơ nói về kỉ niệm tuổi thơ cùng cha mẹ bên chái bếp thân thương.
- Bạn đã biết gì về sóng thần?: Văn bản thuyết minh về sóng thần, giúp người đọc có thêm hiểu biết về sóng thần và những gì sóng thần gây ra cho cuộc sống loài người.
- Sao băng là gì và những điều bạn cần biết về sao băng: Văn bản giải thích và trình bày cơ chế, nguyên nhân dẫn đến sao băng và mưa sao băng.
- Mưa xuân II - Nguyễn Bính: Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, đất trời trong một chiều mưa xuân. Tác giả miêu tả sự sống bừng tỉnh, sinh sôi nảy nở của muôn loài qua một buổi mưa xuân.
- Những điều bí ẩn trong tập tính di cư của các loài chim: Văn bản giải thích lí do loài chim có tập tính di cư và trả lời câu hỏi tại sao loài chim khi di cư lại bay theo đội hình.
- Bức thư của thủ lĩnh da đỏ: Qua bức thư trả lời yêu cầu mua đất của Tổng thống Mĩ Phreng – klin, thủ lĩnh người da đỏ Xi-át-tơn, đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa toàn nhân loại: Con người phải sống hòa hợp với thiên nhiên, phải chăm lo bảo vệ môi trường và thiên nhiên như bảo vệ mạng sống của chính mình.
- Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu: Văn bản là lời cảm nhận sâu sắc của tác giả Vũ Nho đối với thiên nhiên và hồn người trong bài thơ Sang Thu. – Hữu Thỉnh.
- Bài ca Côn Sơn - Nguyễn Trãi: Bài thơ là bức tranh thiên nhiên và con người giao hòa. Ca ngợi vẻ đẹp thanh tĩnh, nên thơ của Côn sơn, qua đó bộc lộ cốt cách thanh cao, tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Trãi.
- Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI: Văn bản bàn về lối sống đơn giản và lợi ích mà lối sống đơn giản đem đến cho con người.
- Vắt cổ chày ra nước: Câu chuyện phê phán tính keo kiệt, bủn xỉn và ích kỷ của người chủ nhà, cũng như của biết bao người khác, tận dụng tối đa để không phải bỏ tiền ra. Đồng thời thấy được sự khổ sở, bị bóc lột tận cùng của những người lao động nghèo khó.
- May không đi giày: Tác phẩm nói về sự hà tiện bủn xỉn của người chủ nhà và ông hà tiện. Đồng thời phản ánh những người có tính keo kiệt, bủn xỉn quá mức.
- Khoe của: Văn bản phê phán thói hư tật xấu của một số người, đó là thói khoe khoang, khoác lác.
- Con rắn vuông: Truyện phê phán những kẻ có tính khoác lác, khoe khoang. Câu chuyện là một lớp đối thoại lí thú giữa người chồng có tính khoác lác với người vợ thông minh có chủ tâm trêu chọc chồng.
- Tiếng cười có lợi ích gì?: Văn bản nhấn mạnh lợi ích và vai trò của tiếng cười trong đời sống con người.
- Văn hay: Câu chuyện kể về việc một ông chồng cứ ngỡ rằng mình viết đẹp, văn hay, vui vì người vợ đã phát hiện ra tài năng của mình nhưng sự thật thì người vợ đang trêu trọc, châm biếm chồng.
- Ông Giuốc - Đanh mặc lễ phục: Tác phẩm châm biếm, đả kích thói dởm đời, thích hư danh của bọn trưởng giả lỗi thời, đã dốt nát lại còn thích học đòi.
- Cái chúc thư - Vũ Đình Long: Tác giả muốn phê phán mãnh liệt bản chất giả dối và sự lố lăng, đồi bại của xã hội ngày ấy. Vì tiền mà bất chấp tất cả bất chấp tình thương, tình cảm anh em chỉ để trục lợi cho mình.
- Loại vi trùng quý hiếm - A-zít Nê-xin: Tác phẩm châm biếm chứ không hoàn toàn ca ngợi bởi đã là vi trùng thì nó sẽ gây hại cho môi trường và thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
- Thuyền trưởng tàu viễn dương - Lưu Quang Vũ: Văn bản phê phán những người mắc bệnh sĩ vì háo danh mà phát động cuộc thay trời đổi đất dù ông chỉ học hết lớp 4, khoe khoang người con rể tương lai đóng giả thuyền trưởng tàu viễn dương.
1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt
* Từ tượng hình và từ tượng thanh:
- Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ của sự vật, chẳng hạn: gập ghềnh, khẳng khiu, lom khom…
- Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh trong thực tế, chẳng hạn: khúc khích, róc rách, tích tắc…
- Từ tượng hình và từ tượng thanh mang giá trị biểu cảm cao; có tác dụng gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, âm thanh một cách sinh động và cụ thể; thường được sử dụng trong các sáng tác văn chương và lời ăn tiếng nói hằng ngày.
* Đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp:
- Đoạn văn diễn dịch: là đoạn văn có câu chủ đề mang ý khái quát đứng đầu đoạn; các câu còn lại triển khai cụ thể ý của cây chủ đề, bổ sung, làm rõ cho câu chủ đề.
- Đoạn văn quy nạp: là đoạn văn được trình bày đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ các ý chi tiết đến ý khái quát. Theo cách trình bày này, câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn.
- Đoạn văn song song: là đoạn văn mà các câu triển khai nội dung song song nhau. Mỗi câu trong đoạn văn nêu một khía cạnh của chủ đề đoạn văn, làm rõ cho nội dung đoạn văn.
- Đoạn văn phối hợp: là đoạn văn có câu chủ đề ở đầu đoạn và cuối đoạn.
* Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt:
- Trong tiếng Việt có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt để cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt.
- Phần lớn các yếu tố Hán Việt không được dùng độc lập như từ mà chỉ dùng để tạo từ ghép.
- Có nhiều yếu tố Hán Việt đồng âm nhưng nghĩa khác xa nhau.
* Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu:
- Nghĩa tường minh là phần thông báo được thể hiện trực tiếp bằng từ ngữ trong câu, là loại nghĩa chúng ta có thể nhận ra trên bề mặt câu chữ.
- Nghĩa hàm ẩn là phần thông bảo không được thể hiện trực tiếp bằng tử ngữ trong câu mà được suy ra từ câu chữ và ngữ cảnh. Đây là loại nghĩa mà người nói, người viết thật sự muốn để cập đến.
* Từ ngữ toàn dân và từ ngữ địa phương:
- Từ ngữ toàn dân là tử ngữ được toàn dân biết, chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong giao tiếp.
- Từ ngữ địa phương là từ ngữ chỉ được sử dụng ở một hoặc một số địa phương nhất định.
* Đặc điểm và chức năng của trợ từ, thán từ:
- Trợ từ là những từ chuyên dùng để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá của người nói với người nghe hoặc với sự việc được nói đến trong câu.
- Thán từ là những từ dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói hoặc dùng để gọi đáp.
Bài tập minh họa
Đọc câu tục ngữ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước.
a. Tìm từ tượng thanh có trong câu tục ngữ trên và cho biết từ tượng thanh ấy có tác dụng gì.
b. Xác định nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ trên.
Lời giải chi tiết:
a.
- Từ tượng thanh: “uôm uôm”
- Tác dụng: Mô phỏng tiếng kêu của ếch, giúp người đọc hình dung được âm thanh của đối tượng.
b.
- Nghĩa tường minh: Mô phỏng tiếng kêu của ếch vào tuổi tối và mực nước của ao (cái lu nước ngoài trời)
- Nghĩa hàm ẩn: “Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước” có nghĩa là 1 câu tục ngữ ám chỉ về thời tiết, khi mà lúc ếch kêu uôm uôm vào tối hôm đó thì tối đó ắt hẳn trời sẽ mưa và mưa lớn khiến cho ao chuôm để ngoài trời có thể đầy nước. Đồng thời đây là 1 câu tục ngữ được cha ông ta đúc kết từ xa xưa răn dạy con cháu biết cách tích trữ nước để phục vụ việc sinh hoạt – đời sống vì khi xưa hệ thống nước uống – tưới tiêu không như ngày nay.
Lời kết
Học xong bài Ôn tập Học kì 1, các em cần nắm:
- Nắm được nội dung chính về văn bản đã học.
- Vận dụng được các kiến thức phần Tiếng Việt áp dụng vào viết văn bản.
- Nắm được quy trình viết một bài văn nghị luận và trình bày ý kiến về một vấn đề cụ thể trong đời sống, xã hội cụ thể.
Soạn bài Ôn tập Học kì 1 Ngữ văn 8 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Bài học Ôn tập Học kì 1 nhằm giúp các em củng cố và hệ thống hóa lại những kiến thức đã học. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
-
Soạn bài tóm tắt Ôn tập Học kì 1
Hỏi đáp bài: Ôn tập Học kì 1 Ngữ văn 8 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247