Để tiếp tục chủ điểm Bài 1: Những gương mặt thân yêu, HỌC 247 đã biên soạn và tổng hợp nội dung bài giảng Đọc kết nối chủ điểm: Những chiếc lá thơm tho - Trương Gia Hòa thuộc sách Chân trời sáng tạo dưới đây. Nội dung bài giảng sẽ giúp các em thêm trân quý tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm, kí ức đẹp đẽ đối với ông bà. Mời các em cùng tham khảo. Chúc các em học tốt!
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả Trương Gia Hòa
a. Cuộc đời:
- Tên: Trương Gia Hòa.
- Sinh năm: 1975
- Quê quán: quê ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
- Trương Gia Hòa xuất hiện trên văn đàn từ giữa những năm 1990 khi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn – Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.
- Sau khi ra trường, Trương Gia Hòa làm Biên tập viên Nhà xuất bản Văn Nghệ, Biên tập viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, báo Pháp Luật. Sau vì lí do sức khỏe, chị làm việc tự do. Nhà thơ đã có nhiều bài thơ, tản văn và truyện ngắn in trên các báo và tạp chí, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM.
- Sau một thời gian làm xuất bản, Trương Gia Hòa chuyển sang làm báo đồng thời là cây bút viết tản văn rất có duyên. Vài năm nay trở lại đây Trương Gia Hòa bất ngờ gặp phải bệnh tật nhưng chị vẫn cố gắng viết, để phần nào giải tỏa nỗi lòng.
Nhà văn Trương Gia Hòa
b. Sự nghiệp sáng tác:
- Phong cách sáng tác: Mặc dù bất ngờ bị bệnh nhưng diễn ngôn của Trương Gia Hòa vẫn được thể hiện một cách tự nhiên, mạch lạc, quyến rũ và trữ tình, không chứa đựng bất kỳ cảm giác đau buồn nào, thậm chí đôi khi còn mang tính hóm hỉnh và lạc quan về tình yêu và cuộc sống.
- Tác phẩm tiêu biểu:
+ Tập thơ đầu tay “Sóng sánh mẹ và anh” của chị xuất bản năm 2005
+ Tập sách “Đêm nay con có mơ không?” là ấn phẩm thứ hai của Trương Gia Hòa, gồm 45 bài chọn lọc (tản văn, 2017).
+ Sài Gòn thềm xưa nắng rụng (tản văn, 2018)
1.1.2. Tác phẩm
a. Thể loại:
Tác phẩm Những chiếc lá thơm tho thuộc thể loại truyện ngắn.
b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
- Những chiếc lá thơm tho in trong Sài Gòn thềm xưa nắng rụng, NXB Văn hoá – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
- Năm xuất bản: 2017.
c. Bố cục văn bản:
- Đoạn 1. Từ đầu đến “trở về cát bụi”: Tuổi thơ trong tâm trí của nhân vật tôi.
- Đoạn 2: Tiếp đến “những đường gân lá”: Hình ảnh người bà trong quá khứ gắn liền với tuổi thơ của nhân vật tôi.
d. Tóm tắt tác phẩm:
“Những chiếc lá thơm tho” gắn liền với quãng thời gian tuổi thơ loanh quanh trong sân vườn của tác giả. Tác giả nhớ về bà về những chiếc lá về những kỉ niệm tuổi thơ. Tác giả nhớ cả về khoảng thời gian khi mình bị ốm, chính những chiếc lá này được bà nấu ra những nồi lá xông giúp cháu nhanh hết bệnh hơn. Sau này khi lớn lên có rất nhiều thứ thuốc tốt hơn rất nhiều và có các loại tinh dầu chữa khỏi ốm, nhưng vẫn không tốt bằng những loại lá mà được bà nấu khi xưa. Đôi khi không chỉ là nồi nước xông mà ở đó còn có cả sự chăm sóc, yêu thương của bà khi mà tác giả bị ốm. Những chiếc lá qua bàn tay của bà tạo nên những hương thơm, nó quanh quẩn trong tâm trí của tác giả và đi theo tác giả từ lúc còn nhỏ đến tận khi tác giả lớn lên. Người bà không chỉ đem những chiếc lá vào tuổi thơ êm đẹp của cháu mà còn mà còn dành nó đến cho người bạn đời của bà. Bà coi những chiếc lá như là thứ kỷ vật thơm tho, được bà trân trọng mang đến cho ông. Để khi ông mất, ông có thể được nằm trên những hương thơm, được thấy tình cảm sâu sắc của bà đang ở cạnh bên. Bà lặng lẽ phơi lá, lặng lẽ chuẩn bị tất cả mọi thứ tốt nhất cho ông.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Tuổi thơ trong tâm trí của nhân vật tôi
- Tuổi thơ của những đứa trẻ làng quê có lẽ luôn gắn liền với những thứ mộc mạc, giản dị - được ở bên bà:
+ Chơi cùng những chiếc lá với đủ màu sắc.
+ Những con cào cào, con chim sẻ, con rết thắt bằng lá dừa.
+ Những cái đèn lồng bằng lá cau kiểng.
+ …
=> Nhận xét: Người bà với bàn tay khéo léo của mình, chỉ cho nhân vật tôi cách làm con cào cào bằng lá dứa, lồng đèn bằng lá cau kiểng, lá xoài thì làm đầu trâu. Mỗi lá thì đều làm được những thứ đồ chơi thú vị.
Hình ảnh về người bà trong tâm trí của những đứa trẻ làng quê
1.2.2. Hình ảnh người bà trong quá khứ gắn liền với tuổi thơ của nhân vật tôi
a. Tác giả liệt kê rất nhiều loại lá, những loại lá đó cũng gắn liền với nhân vật tôi mỗi lúc bị ốm:
+ […] Nấu một nồi nước rồi cho dung dịch trong viên thuốc ấy vào nồi, hơi bốc lên cũng thơm hương sả, hương lá bưởi, lá chanh, cũng vã mồ hôi […]
+ Những ngày như thế, tôi thèm được ở gần bà, để nhõng nhẽo, để sụt sịt, rồi bà sẽ thương mình “đứt ruột” mà đi nhanh ra sau nhà, hái bảy, tám loại lá vào nấu cho tôi một nồi xông”.
=> Nhận xét: Nhân vật tôi thì được làm nũng với bà, được lau mồ hôi lên người bà. Chính nhờ tình yêu, sự quan tâm chăm sóc của bà mà cháu đã khỏi ốm. Để rồi tận khi đã lớn, cũng bị ốm nhưng lại không nhanh khỏi như khi ở bên cạnh bà. Không chỉ do những nồi lá xông của bà mà có lẽ, chính sự hiện hữu của bà lúc đó, sự ỷ lại vào bà cũng là một liều thuốc tinh thần giúp cháu nhanh khỏi ốm.
b. Những chiếc lá thơm của bà như là thứ kỉ niệm ngọt ngào xuyên suốt hành trình tuổi thơ của nhân vật tôi:
- Nó gắn với những kỉ niệm đẹp không chỉ giữa bà và cháu, mà bà còn mang những chiếc lá thơm với hành trình về cát bụi của ông nội.
- Ngay lúc ông sắp ra đi, bà đã dùng những cái lá tràm phơi khô. Bà tự tay làm tất cả, như là tình cảm giản dị mà sâu sắc bà muốn dành cho ông. Chắc khi ông ra đi cũng sẽ vui lắm, hạnh phúc vì có người bạn đời chăm lo ân cần cho mình.
- Nhân vật tôi ngưỡng mộ tình cảm mà bà dành cho ông.
=> Nhận xét: Sống với bà là những kỉ niệm không bao giờ quên, đó có lẽ là khoảng kí ức hạnh phúc và vui vẻ nhất. Hình bóng của bà sẽ đi theo trong suốt hành trình tuổi thơ của nhân vật tôi và để thấy rằng nhân vật yêu bà rất nhiều.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
Văn bản kể lại những kỉ niệm với bà thời thơ ấu, tác giả đã cho thấy tình yêu của người cháu đối với bà, bà là cả bầu trời tuổi thơ của cháu, dù cháu có lớn đến nơi đầy đủ phát triển thì bà vẫn luôn ở đó với sự ân cần, chu đáo. Đồng thời cũng thể hiện sự biết ơn của người cháu đối với bà của mình.
1.3.2. Về nghệ thuật
Tác giả sử dụng ngôn từ trong sáng, ấm áp thể hiện nỗi nhớ gắn liền với kỉ niệm tuổi thơ. Đồng thời cũng thể hiện sự biết ơn và tình cảm yêu thương dành cho người bà của mình.
Bài tập minh họa
Hãy chia sẻ với bạn một câu chuyện về tình cảm của cháu đối với ông bà mà em biết hoặc em đã trải qua?
Phương pháp giải:
Chia sẻ cảm nhận của em về những câu chuyện em đã được nghe về ông bà hoặc chính em là người trong câu chuyện mình sắp kể.
Lời giải chi tiết:
Hồi nhỏ, em sống với bà bởi bố mẹ bận đi làm kiếm tiền đóng học, nuôi gia đình. Khi em lên mười tuổi nhà em chuyển lên thành phố sống, em xa bà, em nhớ bà vô cùng. Kể từ ấy em không còn được nghe bà kể những câu chuyện thường ngày, không được bà hướng dẫn cách trồng rau, đan chổi và làm việc nhà nữa. Em thích nhất lúc bà hướng dẫn em nấu cơm, món đầu tiên bà dạy em làm là rán trứng, bà hướng dẫn em đánh trứng bông lên, cuộn trứng lại cho đẹp mắt. Thành quả là món trứng rán của em trông rất đẹp mắt, thơm phức. Em vui lắm, bà cũng cười khen em giỏi.
Lời kết
Học xong bài Những chiếc lá thơm tho - Trương Gia Hòa, các em cần:
- Nhận biết và phân tích được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, bố cục, mạch cảm xúc.
- Nhận biết và phân tích được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản.
Soạn bài Những chiếc lá thơm tho - Trương Gia Hòa - Ngữ văn 8 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Bài thơ Những chiếc lá thơm tho nói về kỉ niệm tuổi thơ của cháu cùng câu chuyện về những chiếc lá bên bà. Để nắm được nội dung và ý nghĩa của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn bài đầy đủ Những chiếc lá thơm tho - Trương Gia Hòa
- Soạn bài tóm tắt Những chiếc lá thơm tho - Trương Gia Hòa
Hỏi đáp bài Những chiếc lá thơm tho - Trương Gia Hòa - Ngữ văn 8 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Những chiếc lá thơm tho - Trương Gia Hòa
Qua bài thơ Những chiếc lá thơm tho, những kỉ niệm của cháu khi được bà bày cách làm đồ chơi bằng những chiếc lá, kỉ niệm về những lần bị ốm với nồi thuốc lá xong và cả những kỉ niệm buồn vui cuộc đời ùa về trong tâm trí tác giả. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247