Qua bài soạn giúp các em thấy được số phận bất hạnh, chìm nổi của những người nông dân và những người phụ nữ xưa thông qua việc phân tích môt số bài ca dao than thân tiêu biểu. Ngoài ra, bài soạn còn giúp các em giải quyết bài tập 1 trong SGK một cách đầy đủ và chi tiết.
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nghệ thuật
- Dùng thể thơ lục bát
- Các hình ảnh so sánh, ẩn dụ là các sự vật, con vật gần gũi, nhỏ bé, đáng thương để diễn tả tâm trạng, thân phận con người.
- Từ ngữ mang tính truyền thống ( lên thác xuống ghềnh, thương thay, thân em)
1.2. Nội dung
- Diễn tả thân phận, cuộc đời của con người lao động trong xã hội cũ, phản kháng tố cáo Xã hội Phong kiến.
2. Soạn bài Những câu hát than thân
2.1. Soạn bài tóm tắt
2.2. Soạn bài chi tiết
Câu 1. Trong ca dao, người nông dân thời xưa thường mượn hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận của mình. Em hãy sưu tầm một số bài ca dao để chứng minh điều đó và giải thích vì sao?
a. Một số bài ca dao mà trong đó người nông dân thời xưa thường dùng hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận của mình
"Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con."
"Trời mưa
Quả dưa vẹo vọ
Con ốc nằm co
Con tôm đánh đáo
Con cò kiếm ăn."
"Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo dưa chồng tiếng khóc nỉ non".
b. Lý do người nông dân hay mượn hình ảnh con cò để nói về mình
- Do:
- Con cò thường kiếm ăn nơi đồng ruộng, cho nên hình ảnh con cò thường gần gũi với người nông dân.
- Con cò cũng chịu khó, vất vả lặn lội kiếm sông. Nó có nhiều đặc điểm giống cuộc đời, phẩm chất của người nông dân.
Câu 2. Ở bài 1, cuộc đời lận đận, vất vả của cò được diễn tả như thế nào? Ngoài nội dung than thân, bài ca dao này còn có nội dung nào khác?
a. Cách diễn tả
- Dùng phương pháp ẩn dụ, dùng hỉnh ảnh con cò để nói về cuộc đời con người và sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật khác.
- Từ láy “lận đận” và thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” làm cho nỗi cơ cực và vất vả của cuộc đời cò tăng lên gấp bội lần.
- Biện pháp đối lập: Đây là đặc trưng nổi bật của bài ca dao này, xuất hiện ở cả 4 dòng thơ.
- "Nước non" > < "một mình": Đối lập giữa cái mênh mông rộng lớn và cái nhỏ bé cô đơn, lẻ loi của thân cò.
- "Thân cò" > < "thác ghềnh"; "lên" > < "xuống": Đối lập giữa cái nhỏ bé yếu ớt của thân cò và sự dữ dội khốc liệt của thiên nhiên.
- "Bể kia đầy" > < "ao kia cạn": Thái cực của tạo hóa đầy – vơi. Bể kia đã rộng lại còn đầy, còn chiếc ao kia nơi cò kiếm ăn hằng ngày đã bé lại còn cạn. Bởi vậy dù cho cò tần tảo, nhặt nhảnh, bươn chải, thân cò vẫn cứ gầy guộc mong manh.
- Câu hỏi tu từ (hai câu cuối) là lời than thở của thân cò – lời than, lời hỏi không có lời giải đáp.
b. Những nội dung khác
- Nội dung than thân phản kháng.
- Than thân: Người nông đã dùng hình ảnh thân cò để nói lên sự đắng cay, cơ cực, vất vả, gian truân của cuộc đời mình. Cho nên đây không chỉ là tâm sự của cuộc đời cò mà còn là tâm sự của cuộc đời, của thân phận con người “Mỗi dòng thơ là một tiếng than, tiếng thở dài chua xót”.
- Phản kháng: Câu hỏi tu từ ở cuối bài ca dao còn thể hiện thái độ bất bình phản kháng đối với kẻ đã làm cho người nông dân phải lận đận, lên thác, xuống ghềnh. "Ai" ở đây chính là giai cấp phong kiến, thống trị lúc bấy giờ.
Câu 3. Em hiếu cụm từ “thương thay” như thế nào? Hãy chỉ ra những ý nghĩa của sự lặp lại cụm từ này trong bài 2?
a. Ý nghĩa từ “thương thay”
- “Thương thay” là thương rất nhiều, đến quặt thắt.
→ Đây là tình thương của sự đồng cảm chia sẻ giữa những người cùng khổ.
b. Ý nghĩa của sự lặp lại cụm từ “thương thay”
- “Thương thay” được lặp lại tới 4 lần trong bài ca dao, nằm ở vị trí mở đầu ở mỗi câu lục, mỗi lần gặp lại là một cảnh ngộ, một thân phận được hiện ra.
→ Sự lặp lại đó tăng thêm nỗi cực nhọc của những cuộc đời cay đắng và thể hiện sâu sắc hơn, thấm thía hơn nỗi niềm thương cảm.
Câu 4. Phân tích những nỗi thương thân của người lao động qua các hình ảnh ẩn dụ trong bài 2.
a. Nhận xét chung
- Hình ảnh những con vật nhỏ bé, bèo bọt: "con tằm", "lũ kiến", "chim hạc", "con cuốc"
→ Dùng để ẩn dụ về cuộc đời cơ cực, nhọc nhằn của người lao động.
- Hình ảnh cụ thể
- "Con tằm": Tằm ăn lá dâu, rồi từ ruột nó, người ra lấy ra những sợi tơ vàng làm nên những tấm vải rất đẹp, rất quý, tơ bị rút hết thì mạng sống của tằm cũng chấm dứt → Hình ảnh con tằm là ẩn dụ về người lao động bị giai cấp thống trị bóc lột, bòn sút sức lao động cạn kiệt đến tận gan ruột, đến chết để làm giàu cho chúng.
- "Lũ kiến": hàm nghĩa chỉ số đông – "li ti" rất bé nhỏ, thường bị coi thường, chẳng đáng gì. Bé thế ăn chẳng là bao, thế mà suốt ngày đi kiếm ăn → Đó là hình ảnh ẩn dụ về những người lao động thấp cổ bé họng trong xã hội cũ suốt đời suốt kiếp nai lưng quần quật làm việc vất vả ngược xuôi mà vẫn không đủ sống, vẫn cứ đói nghèo.
- "Chim hạc" cánh chim bay mỏi không có nơi đứng → Hình ảnh ẩn dụ nói về cuộc đời phiêu bạt và những cố gắng vô vọng của người lao động trong xã hội cũ.
Câu 5. Em hãy sưu tầm một số bài ca dao mở đầu bằng cụm từ “thân em”. Những bài ca dao ấy thường nói về ai, về điều gì, và thường giống nhau như thế nào về nghệ thuật?
a. Những bài ca dao mở đầu bằng “thân em”
"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"
"Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa"
"Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày"
"Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen"
"Thân em như giếng giữa đàng
Người thanh rửa mặt kẻ phàm rửa chân".
- Các bài ca dao trên thường nói về thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ: họ bị phụ thuộc, không có quyền tư chủ, bị đối xử không công bằng.
- Về nghệ thuật
- Thường mở đầu bằng cụm từ:Thân em…
- Thường dùng các biện pháp so sánh, ẩn dụ.
Câu 6. Bài 3 nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hình ảnh so sánh ở bài này có gì đặc biệt? Qua đây em thấy cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến như thế nào?
- Nhận xét về hình ảnh so sánh
- "Trái bần": vừa chua vừa chát, hơn nữa đã rụng – gợi ta liên tưởng những thân phận nghèo hèn lắm khổ đau – câu ca mang đậm màu sắc Nam Bộ.
- "Gió dập, sóng dồi": hình ảnh các thế lực đen tối hợp lực vào nhau đè bẹp, nhấn chìm cuộc sống của những con người lương thiện.
- Nỗi khổ người phụ nữ: Qua bài ca dao ta thấy được người phụ nữ trong xã hội phong kiến dật dờ, trôi nổi, luôn gặp những khổ đau, bất hạnh.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Những câu hát than thân để củng cố toàn bộ nội dung bài học.
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1. Em hãy nêu những đặc điểm chung về nội dung và nghệ thuật của 3 bài ca dao.
- Đặc điểm chung về nội dung
- Cả 3 bài đều nói về nỗi khổ đau, bất hạnh của người nông dân nhất là người phụ nữ → Bài ca Tiếng than về thân phận khổ đau.
- Đó là lời tố cáo và sự phản kháng đối với xã hội bất công tàn bạo.
- Đặc điểm nghệ thuật
- Sử dụng thể thơ lục bát.
- Sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh và câu hỏi tu từ.
- Những sự vật đưa ra để so sánh đều nhỏ bé, tội nghiệp, đáng thương và gần gũi với đời sống của người lao động.
Câu 2. Học thuộc ghi nhớ, các bài ca dao, nếu được thì cả những bài đọc thêm.
4. Một số bài văn mẫu về văn bản Những câu hát than thân
Ca dao là tiếng tơ lòng muôn điệu, trải dài với những cung bậc cảm xúc, tâm tư và tình cảm của người lao động bình dân. Lắng đọng và trữ tình là những câu hát than thân thường mở đầu bằng mô típ “ thân em”. Qua đó, phản ánh một cách sâu sắc số phận của người phụ nữ đầy bi kịch, oan trái trong xã hội phong kiến mục nát, suy tàn – tạo cho độc giả sự đồng cảm, chia sẻ và trân trọng! Để hiểu được những điều này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
5. Hỏi đáp về văn bản Những câu hát than thân
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.