YOMEDIA
NONE

Ôn tập Bài 7 - Ngữ văn 7 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo


Ở Bài 7: Trí tuệ dân gian (Tục ngữ) các văn bản giúp các em hiểu hơn về nội dung, ý nghĩa các câu tục ngữ về thời tiết, lao động và con người. Đồng thời, rèn luyện kĩ năng nghị luận về vấn đề đời sống trong những câu tục ngữ, thành ngữ. Bài học Ôn tập Bài 7 thuộc sách Chân trời sáng tạo dưới đây sẽ giúp các em học sinh hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức đã học và lên kế hoạch phù hợp để ôn tập. Chúc các em học tập vui vẻ!

ADSENSE
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Ôn lại kiến thức về tục ngữ

- Tục ngữ là một trong những thể loại sáng tác dân gian. Đó là những câu được sử dụng trong lời nói hằng ngày. Về nội dung, tục ngữ thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao động sản xuất, con người và xã hội. Về hình thức, tục ngữ có các đặc điểm: 

- Thường ngắn gọn (câu ngắn nhất gồm 4 chữ, câu dài có thể trên dưới 16 chữ) 

- Có nhịp điệu, hình ảnh. 

- Hầu hết đều có vần và thường là vần lưng. Vần lưng trong tục ngữ có thể được gieo ở hai tiếng liền nhau (gọi là “vần sát”) : 

Ví dụ: 

Bút sa gà chết

Một điều nhịn chín điều lành. 

Hoặc gieo ở hai tiếng cách nhau (gọi là “vần cách”) 

Ví dụ: 

Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng

Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông. 

- Thường có hai vế trở lên. Các vế đối xứng nhau cả về hình thức lẫn nội dung. 

- Thường đa nghĩa nhờ sử dụng các biện pháp tu từ, nhất là tục ngữ về con người và xã hội. 

1.2. Ôn lại kiểu bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống

1.2.1. Kiểu bài

- Bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống: thuộc thể nghị luận xã hội. Trong đó, người viết đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề gợi ra từ các hiện tượng, sự việc trong đời sống, hoặc một vấn đề thuộc về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người. Ở bài này, các em sẽ tiếp tục nghị luận những câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về các vấn đề trong đời sống.

1.2.2. Cách làm

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định đề tài

- Thu thập tài liệu

- Để xác định đúng yêu cầu của đề bài, em có thể:

+ Tìm đọc những câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về các vấn đề trong đời sống

+ Chọn một câu tục ngữ hoặc danh ngôn mà em tâm đắc hoặc gợi cho em nhiều suy ngẫm

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

- Tìm ý

- Liệt kê bất cứ suy nghĩ nào của em về câu tục ngữ hoặc danh ngôn mà em đã chọn

- Lập dàn ý

- Đọc lại những ý đã tìm được đồng thời đối chiếu với yêu cầu của đề bài và cân nhắc, chọn lựa, sắp xếp những ý kiến tiêu biểu thành dàn ý (có thể tham khảo sơ đồ dàn ý đã học ở bài 6)

- Dàn ý cần đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Lí lẽ phong phú, xác đáng để giúp người đọc hiểu vì sao em lại có ý kiến như vậy về câu tục ngữ/ danh ngôn này

+ Bằng chứng đa dạng, thuyết phục để có thể làm rõ lí lẽ

+ Các lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo một trình tự hợp lí

Bước 3: Viết bài

Khi viết bài, em cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Mỗi đoạn văn chỉ nên trình bày một ý. Các ý phải tập trung vào chủ đề là câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống mà em đã chọn.

- Cần sử dụng các từ ngữ có chức năng chuyển ý để tạo liên kết trong bài.

- Có thể sử dụng các câu chuyện từ thực tế, các trích dẫn từ sách, báo hoặc từ người lớn tuổi, có kinh nghiệm để tăng tính thuyết phục.

Bài tập minh họa

Bài tập: Hãy viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Hướng dẫn giải:

- Tìm hiểu về nội dung, ý nghĩa câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

- Kết hợp hiểu biết cá nhân viết bài nghị luận

- Có thể tham khảo những nội dung chính sau:

a. Giải thích câu tục ngữ

- “gỗ”: chất lượng của đồ vật (ý chỉ phẩm chất bên trong của con người); “nước sơn”: hình thức bên ngoài.

- “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”: chất lượng bên trong quan trọng hơn hình thức bên ngoài.

=> Khẳng định rằng vẻ đẹp bên trong quan trọng hơn hình thức bên ngoài.

b. Ý nghĩa của câu tục ngữ

- Bất cứ đồ vật nào cũng nên xem xét chất lượng, đừng để vẻ bên ngoài hấp dẫn. Hình thức phải gắn liền với chất lượng.

- Đánh giá con người nên coi trọng nội dung bên trong (bản chất) hơn là hình thức bên ngoài vì:

+ Con người có đạo đức tốt, có năng lực cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nếu có hình thức tốt nữa (dáng vẻ, quần áo, đầu tóc, ngôn ngữ, tác phong...) thì giá trị càng tăng.

+ Con người dù có hình thức bên ngoài đẹp đẽ mà trình độ, năng lực kém cỏi, tư cách không tốt thì cũng chỉ là loại người vô dụng.

Lời giải chi tiết:

Bài văn mẫu 1:

Tục ngữ đúc kết kinh nghiệm của ông cha ta trong cuộc sống. Một trong số đó là câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” ngắn gọn nhưng để lại bài học sâu sắc và, giàu giá trị.

Đầu tiên xét về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là màu được tô vẽ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm phần màu sắc và thẩm mỹ. Khi lựa chọn một sản phẩm, chúng ta nên chú trọng chất lượng, chứ không nên chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài. Xét về nghĩa bóng, “gỗ” là nói tới chất lượng bên trong còn “nước sơn” là hình thức bên ngoài. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rộng ra lời khuyên từ câu tục ngữ là nên coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua hình thức bên ngoài.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một lời khuyên giàu giá trị. Chúng ta có thể khẳng định rằng hình thức bên ngoài cũng rất quan trọng. Một món đồ có hình thức đẹp đẽ sẽ khiến người khác cảm thấy yêu thích. Cũng như một người có vẻ ngoài đẹp đẽ, sẽ dễ dàng gây thiện cảm cho mọi người xung quanh. Nhưng hình thức bên ngoài lại không quyết định tất cả. Nhiều món đồ bên ngoài rất đẹp, nhưng chất lượng lại không được tốt. Rất nhiều người có hình thức đẹp đẽ, ăn mặc sang trọng nhưng họ lại là một người xấu xấu, ích kỉ. Bởi vậy, chúng ta nên chú trọng vào chất lượng, vẻ đẹp bên trong.

Đối với mỗi học sinh cần hiểu được ý nghĩ của câu tục ngữ, để tích cực nâng cao tri thức, rèn luyện phẩm chất. Hãy nhớ rằng, hình thức bên ngoài chỉ gây được ấn tượng ban đầu.

Tóm lại, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã đem đến cho mỗi người lời khuyên giá trị. Từ đó, chúng ta hãy tích cực rèn luyện để bản thân trở thành một người đẹp đẽ từ bên ngoài đến bên trong.

Bài văn mẫu 2:

Từ xưa đến nay, ông cha ta đã gửi gắm những kinh nghiệm quý báu của mình vào những câu ca dao, tục ngữ. Một trong số đó là câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Câu tục ngữ có hai lớp nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng. Đầu tiên về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là màu được tô vẽ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm phần màu sắc và thẩm mỹ. Còn nếu xét về nghĩa bóng, “gỗ” là nói tới chất lượng bên trong của đồ vật còn “nước sơn” là hình thức bên ngoài. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Suy rộng ra có thể hiểu lời khuyên từ câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua vẻ bề ngoài của người đó.

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta sử dụng những đồ vật được làm bằng gỗ. Nếu làm bằng loại gỗ tốt thì sẽ sử dụng được lâu bền. Còn nếu làm bằng gỗ xấu thì mau hư mục, cho dù được sơn phết đẹp đẽ. Điều đó cũng phù hợp khi đánh giá một con người. Con người có đạo đức tốt, có năng lực cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nếu có hình thức tốt nữa (dáng vẻ, quần áo, đầu tóc, ngôn ngữ, tác phong...) thì giá trị càng tăng. Nhưng con người dù có hình thức bên ngoài đẹp đẽ (tốt mã) mà trình độ, năng lực kém cỏi, tư cách không tốt thì cũng chỉ là loại người vô dụng.

Chính vì vậy, mỗi học sinh cần chú ý rèn luyện bản thân từ tri thức cho đến kĩ năng hay đạo đức. Vẻ bề ngoài chỉ có thể gây ấn tượng cho người khác trong một thời gian ngắn. Cái chinh phục phải đến từ tâm hồn tốt đẹp bên trong.

Như vậy, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một lời khuyên giàu ý nghĩa. Hình thức bên ngoài rất quan trọng, nhưng tâm hồn bên trong, nhân cách tốt đẹp mới khiến người khác yêu mến, kính phúc.

Lời kết

- Học xong bài Ôn tập Bài 7, các em cần:

+ Nắm được kiến thức về nội dung và ý nghĩa các câu tục ngữ đã học

+ Nắm được quy trình viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trong tục ngữ và thành ngữ

Soạn bài Ôn tập Bài 7 Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Bài học Ôn tập Bài 7 nhằm hệ thống hóa lại những kiến thức đã học trong Bài 7: Trí tuệ dân gian (Tục ngữ). Đồng thời, các em hiểu được yêu cầu và quy trình viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trong những câu tục ngữ, thành ngữ. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:

Hỏi đáp bài Ôn tập Bài 7 Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF