YOMEDIA
NONE

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong cuộc sống - Ngữ văn 7 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo


Bài 6, các em đã được tiếp cận và trau dồi kĩ năng viết bài văn nghị luận về một vấn đề. Tiếp tục trong bài này, các sẽ tìm hiểu thêm về cách làm bài nghị luận những câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về các vấn đề trong đời sống. HOC247 mời các em cùng tham khảo bài học Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong cuộc sống dưới đây. Chúc các em học tập vui vẻ!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Kiểu bài

- Bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống: thuộc thể nghị luận xã hội. Trong đó, người viết đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề gợi ra từ các hiện tượng, sự việc trong đời sống, hoặc một vấn đề thuộc về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người. Ở bài này, các em sẽ tiếp tục nghị luận những câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về các vấn đề trong đời sống.

1.2. Cách làm

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định đề tài

- Thu thập tài liệu

- Để xác định đúng yêu cầu của đề bài, em có thể:

+ Tìm đọc những câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về các vấn đề trong đời sống

+ Chọn một câu tục ngữ hoặc danh ngôn mà em tâm đắc hoặc gợi cho em nhiều suy ngẫm

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

- Tìm ý

- Liệt kê bất cứ suy nghĩ nào của em về câu tục ngữ hoặc danh ngôn mà em đã chọn

- Lập dàn ý

- Đọc lại những ý đã tìm được đồng thời đối chiếu với yêu cầu của đề bài và cân nhắc, chọn lựa, sắp xếp những ý kiến tiêu biểu thành dàn ý (có thể tham khảo sơ đồ dàn ý đã học ở bài 6)

- Dàn ý cần đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Lí lẽ phong phú, xác đáng để giúp người đọc hiểu vì sao em lại có ý kiến như vậy về câu tục ngữ/ danh ngôn này

+ Bằng chứng đa dạng, thuyết phục để có thể làm rõ lí lẽ

+ Các lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo một trình tự hợp lí

Bước 3: Viết bài

Khi viết bài, em cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Mỗi đoạn văn chỉ nên trình bày một ý. Các ý phải tập trung vào chủ đề là câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống mà em đã chọn.

- Cần sử dụng các từ ngữ có chức năng chuyển ý để tạo liên kết trong bài.

- Có thể sử dụng các câu chuyện từ thực tế, các trích dẫn từ sách, báo hoặc từ người lớn tuổi, có kinh nghiệm để tăng tính thuyết phục.

Bài tập minh họa

Bài tập: Em hãy viết bài văn nghị luận về đạo lí biết ơn của con người qua câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn".

Hướng dẫn giải:

- Học sinh có thể sácg tạo bài văn nghị luận của mình dựa trên yêu cầu kiểu bài và hiểu biết các nhân

- Có thể tham khảo những nội dung cơ bản sau:

a. Giải thích câu tục ngữ “ uống nước nhớ nguồn”

- “Uống nước”: là thành quả, là kết quả của người khác, chỉ việc hưởng thụ mà không làm gì hết

- “Nguồn”: là nơi bắt nguồn của nguồn nước, chúng ta có thể hiểu từ dùng để thể hiện cho sự bắt nguồn của thành quả mà mình hưởng được.

=> Câu tục ngữ như nhắc nhở chúng ta biết ơn những thành quả của thế hệ đi trước hay những người khác để lại.

b. Lí do cần phải uống nước nhớ nguồn

- Trong cuộc sống hằng ngày, trong xã hội thì các thành công và thành quả không có cái nào là không có nguồn gốc, không do sức lao động của con người tạo nên.

- Của cải do bàn tay ta lao động tạo nên, con cái do cha mẹ tạo nên, đất nước trở nên giàu đẹp là do cha ông ta đã giữ gìn và xây dựng.

- Lòng biết ơn là một đức tính tốt, ta cần phải có lòng biết ơn.

c. Cần làm gì để có được lòng biết ơn

- Chúng ta cần tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc.

- Ra sức bảo vệ và tích cực học tập, lao động góp phần xây dựng đất nước.

- Có ý thức gìn giữ bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình và đồng thời tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài.

- Có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người.

d. Phê phán những người đi ngược lại với đạo lí, sống với sự vô ơn.

Lời giải chi tiết:

Đoạn văn mẫu 1:

Con người Việt Nam ta từ xưa đến nay được biết đến với nhiều truyền thống quý báu, luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ người khác. Một trong những đức tính, truyền thống tốt đẹp mà ta phải nhắc đến đó chính là đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”.

Câu tục ngữ vô cùng đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Nguồn theo nghĩa đen được hiểu là thượng nguồn, nơi bắt đầu của dòng sông, còn ý nghĩa của nguồn trong câu tục ngữ này là cội nguồn, là tổ tiên, thế hệ đi trước của con người chúng ta. Câu nói mang ý nghĩa khuyên nhủ con người được hưởng nền độc lập, những thành tựu bây giờ thì phải luôn nhớ về và biết ơn thế hệ đi trước đồng thời có những hành động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng xã hội phát triển hơn để thế hệ mai sau có điều kiện phát triển.

Biểu hiện của hành động uống nước nhớ nguồn của đồng bào ta được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đầu tiên là việc chúng ta biết ơn, trân trọng những thành tựu của thế hệ trước để lại bằng những tình cảm tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó là việc chúng ta cố gắng học tập, lao động để có cuộc sống tốt đẹp và xây dựng đất nước phát triển văn minh hơn; gây dựng một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau. Để tưởng nhớ những vị anh hùng, thế hệ đi trước, chúng ta có những hành động thiết thực để tưởng nhớ, khắc ghi công lao của họ như: tổ chức lễ hội, đặt tên các con đường theo tên vị anh hùng,… việc uống nước nhớ nguồn mang lại cho chúng ta ý nghĩa vô cùng to lớn: nó khơi gợi lòng biết ơn trong mỗi con người và lan tỏa tình cảm đó ra cộng đồng; tạo nên những thông điệp tích cực và truyền thống biết ơn. Bên cạnh đó, điều này còn giúp cho con người trong đất nước thêm đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Việc uống nước nhớ nguồn cũng góp phần xây dựng cho con người những đức tính quý báu khác.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người sống lạnh lùng, thờ ơ và vô ơn đối với những gì bản thân đang được hưởng, họ coi đó là những điều có sẵn, chỉ việc hưởng thụ. Lại có những người chạy theo lối sống phương Tây mà bỏ quên đi những truyền thống văn hóa dân tộc,… những người này đáng bị phê phán và chỉ trích.

Mỗi chúng ta đều có cội nguồn, có tổ tiên. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có hành động đền ơn đáp nghĩa, biết ơn tổ tiên của mình và phát triển bản thân mình mạnh mẽ hơn nữa, gây dựng tương lai tươi sáng cho bản thân và trở thành công dân tốt cho xã hội.

Đoạn văn mẫu 2:

Tục ngữ là kho tàng quý báu của dân tộc ta, là túi khôn chứa đựng bao bài học trí tuệ sâu sắc của người xưa. Từ đó ta tìm thấy những kinh nghiệm sống trong thực tế, những bài học đạo đức giúp ta hoàn thiện nhân cách. Ông ta đã nhắc nhở thế hệ sau phải biết ơn những người đã tạo ra thành quả cho mình qua cây tục ngữ:

“Uống nước nhớ nguồn.”

Trước tiên ta hiểu “nguồn” là nơi xuất phát của dòng nước, từ núi, từ rừng đổ ra suối rồi ra sông, ra biển. Đây là thứ nước trong khiết, mát lành nhất. Bởi vậy khi uống nước làm vơi đi cơn khát chúng ta phải biết suy ngẫm đến nơi xuất phát dòng nước ấy. Đằng sau đó, ông cha ta còn gửi gắm một bài học ý nghĩa sâu sắc: chúng ta phải biết ơn những người đã tạo dựng thành quả cho mình trong cuộc sống.

Trong cuộc sống này, không có thứ gì mà tự nhiên sinh ra cả. Những gì mà chúng ta được hưởng thụ ngày hôm nay phần lớn đều là do công sức lao động của những người đi trước. Để tạo ra thành quả đó,họ đã phải đổ mồ hôi công sức, thậm chí là hi sinh nhiều thứ đáng giá. Trong khi đó, những người thế hệ sau như chúng ta lại có thể hưởng thụ mà không cần bỏ ra chút công sức nào. Chính vì thế ta phải biết ơn họ như là một cách để đền đáp phần nào những gì họ bỏ ra.

Không chỉ vì vậy, lòng biết ơn còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta gắn bó với cha anh, tạo lên một khối đoàn kết. Khi chúng ta biết ơn người đã làm ra thành quả cho ta hưởng thụ thì ta sẽ càng biết trân trọng những cống hiến đó, sử dụng nó vào những công việc có ích. Khi ấy, những công sức mà người đi trước bỏ ra sẽ không bị uổng phí. Con người biết sống ân nghĩa sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng. Ví dụ như để có được cuộc sống hòa bình hiện nay đã phải đánh đổi bằng bao nhiêu hi sinh của các chiến sĩ. Họ đã dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì bảo vệ Tổ quốc, đem ánh sáng tự do đến cho dân tộc ta, giúp ta có cuộc sống độc lập, ấm no như bây giờ. Chính bởi vậy, ta cần luôn ghi nhớ công ơn của họ để lấy nó làm động lực ngày càng cố gắng vươn lên xây dựng đất nước tươi đẹp hơn để xứng đáng với công sức các anh bỏ ra. Khi đó ta cũng không thấy thẹn với lòng.

Ngược lại, nếu như sống mà không biết biết ơn những người đã tạo ra thành quả cho ta hưởng thụ thì con người sẽ dần trở nên ích kỷ, vô trách nhiệm, bị mọi người chê trách mỉa mai, xa lánh trở thành người thừa trong xã hội.

Lòng biết ơn là một phẩm chất đạo đức mà ai cũng cần có, là đạo lí của dân tộc, là lẽ sống tốt đẹp từ bao đời nay. Trong kho tàng văn học dân gian, không phải một lần ông cha ta nhắc nhở chúng ta phải biết sống ân nghĩa: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Ai mà phụ nghĩa quên công, thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm” hay “Đường mòn ân nghĩa chẳng mòn”... Bởi vậy, chúng ta, những thế hệ sau cần phải kế thừa và tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy.

Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” đã đưa ra lời khuyên sâu sắc đối với mỗi chúng ta về lòng biết ơn trong cuộc sống. Thế nhưng hiện nay vẫn còn những kẻ vô ơn, sống vô trách nhiệm, coi những điều mà mình đang có là hiển nhiên. Những con người ấy cần phải lên án nghiêm khắc. Mỗi chúng ta cần nhận thức được rằng lòng biết ơn là một phẩm chất tốt đẹp mà mọi người phải có. Chúng ta cần hiểu rõ những thành quả người khác làm ra, ghi nhớ công của họ, trân trọng thành quả đó và ra sức cố gắng phát triển nó để không uổng phí công sức của người khác.

Trải qua bao nhiêu năm tháng, câu tục ngữ vẫn giữ nguyên giá trị. Mỗi chúng ta cần tiếp nhận bài học mà ông cha ta đã nhắn nhủ, sống và làm việc xứng đáng với đạo lí và truyền thống dân tộc.

Lời kết

- Học xong bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống, các em cần nắm:

+ Quy trình khi viết bài nghị luận những câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về các vấn đề trong đời sống

+ Vận dụng kiến thức viết bài nghị luận những câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về các vấn đề trong đời sống cụ thể

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Bài học Viết bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống sẽ giúp các em củng cố và trau dồi kĩ năng viết văn nghị luận xã hội về những câu tục ngữ, thành ngữ. Từ đó có những bài văn thật hay cho riêng mình. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:

--------------------------(Đang cập nhật)---------------------

Hỏi đáp bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON