Bài giảng Thực hành tiếng Việt trang 14 thuộc SGK Chân trời sáng tạo được HOC247 biên tập và tổng hợp giới thiệu đến các em học sinh lớp với các kiến thức cần nhớ về khái niệm, đặc điểm và một số loại liên kết trong văn bản. Đồng thời, các bài tập minh họa giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu kiến thức mới. Hi vọng tài liệu sẽ giúp ích cho các em!
Tóm tắt bài
1.1. Khái niệm về liên kết trong văn bản
- Liên kết là một trong những tính chất quan trọng của văn bản, có tác dụng làm cho văn bản trở nên mạch lạc, hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức.
1.2. Đặc điểm và một số loại liên kết trong văn bản
Đặc điểm của một văn bản có tính liên kết:
- Nội dung các câu, các đoạn thống nhất và gắn bó chặt chẽ với nhau.
- Các câu, các đoạn được kết nối với nhau bằng các phép liên kết thích hợp.
Một số phép liên kết thường dùng:
- Phép lặp từ ngữ: lặp lại ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước.
- Phép thế: sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước.
- Phép nối: sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước.
- Phép liên tưởng: sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước.
Bài tập minh họa
Bài tập: Hãy đọc đoạn văn sau:
“Trước mặt cô giáo, con đã thiếu lễ độ với mẹ. Bố nhớ, cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con! Hãy nghĩ xem, En-ri-cô à! Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con! Thôi, trong một thời gian con đừng hôn bố."
a) Theo em, nếu bố En-ri-cô chỉ viết như vậy thì En-ri-cô có thể hiểu được điều bố muốn nói chưa?
b) Nếu En-ri-cô chưa hiểu được điều bố muốn nói thì tại sao?
c) Vậy, muốn cho đoạn văn có thể hiểu được thì nó phải có phẩm chất gì?
Hướng dẫn giải:
a) Đặt mình vào nhân vật người bố, đọc lá thư và trả lời
b) Hãy xem xét các lí do sau:
+ Vì có câu văn viết chưa đúng ngữ pháp
+ Vì có câu văn nội dung chưa thật rõ ràng
+ Vì các câu văn chưa gắn bó với nhau, liên kết lỏng lẻo
c) Các câu trong đoạn văn, nếu tách rời, đều là những câu hoàn chỉnh, nội dung rõ ràng mới có thể hiểu được
Lời giải chi tiết:
a) Nếu chỉ có đoạn văn đó En-ri-cô sẽ không thể hiểu được điều bố muốn nói.
b) Vì các câu văn chưa gắn bó với nhau, liên kết lỏng lẻo.
c) Các câu trong đoạn văn, nếu tách rời, đều là những câu hoàn chỉnh, nội dung rõ ràng. Nhưng cả đoạn, với sự nối kết các câu lỏng lẻo, thì ý nghĩa không được biểu đạt rõ ràng. Muốn để người khác hiểu được ý của mình, ngoài việc tạo ra những câu đúng, người viết (nói) còn phải tổ chức mối liên kết chặt chẽ giữa các câu.
Lời kết
- Học xong bài Thực hành tiếng Việt trang 14, các em cần:
+ Nắm được khái niệm, đặc điểm và một số loại liên kết trong văn bản
+ Vận dụng giải bài tập về sự liên kết trong văn bản
Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 14 Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Bài học Thực hành tiếng Việt trang 14 sẽ giúp các em có thêm kiến thức về khái niệm, đặc điểm và một số loại liên kết trong văn bản, vận dụng kiến thức để giải các bài tập cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo:
Hỏi đáp bài Thực hành tiếng Việt trang 14 Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247