Bài học giúp các em củng cố và nâng cao nhận thức về một số phép tu từ cú pháp (phép lặp cú pháp, phép liệt kê và phép chêm xen). Rèn kĩ năng phân tích phép tu từ cú pháp trong văn bản và biết sử dụng chúng khi cần thiết.
Tóm tắt bài
2.1. Khái niệm biện pháp tu từ cú pháp
- Biện pháp tu từ cú pháp là cách phối hợp sử dụng các kiểu câu trong một ngữ cảnh rộng (trong chỉnh thể trên câu, trong đoạn văn và trong văn bản trọn vẹn) nhằm đem lại ý nghĩa biểu cảm và cảm xúc cho những mảnh đoạn của lời nói do chúng cấu tạo nên.
2.2. Một số biện pháp tu từ cú pháp thường gặp
a. Phép lặp cú pháp
- Là biện pháp tu từ tạo ra những câu văn đi liền nhau trong văn bản với cùng một kết cấu nhằm nhấn mạnh ý và tạo sự nhịp nhàng, cân đối cho văn bản.
b. Biện pháp liệt kê
- Là biện pháp tu từ chỉ sự sắp xếp đặt các đơn vị lời nói cùng loại kế tiếp nhau để gây một ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh, cảm xúc.
c. Biện pháp chêm xen (Thành phần phụ chú)
- Là chêm vào câu một cụm từ không trực tiếp có quan hệ đến quan hệ ngữ pháp trong câu, nhưng có tác dụng rõ rệt để bổ sung thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc. Thường đứng sau dấy gạch nối hoặc trong ngoặc đơn.
- Tác dụng: giải thích rõ nghĩa cho thành phần câu.
- Dấu hiệu: tách bởi dấu ngoặc đơn, dấu phảy, gạch ngang.
Bài tập minh họa
Ví dụ 1:
“Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một”.
(Hồ Chí Minh)
- Lặp cú pháp "...là một"
⇒ Khẳng định hùng hồn, đanh thép về sự đoàn kết, thống nhất ý chí của nhân dân ta.
Ví dụ 2:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
(Sóng – Xuân Quỳnh)
- Lặp cú pháp "con sóng..."
⇒ Khắc họa hình ảnh mọi con sóng (mọi người) đều đang ở trong tâm trạng nhớ thương day dứt, khôn nguôi.
Ví dụ 3:
“Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích!
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)”
(Quê hương – Giang Nam)
- Bộ phận chêm xen: "có ai ngờ", "thương thương quá đi thôi".
⇒ Bộc lộ tình cảm, cảm xúc: ngạc nhiên, xúc động, yêu mến,… một cách kín đáo.
Ví dụ 4:
Hắn (tên hàng xóm) đang ăn cơm.
- Bộ phận chêm xen: "tên hàng xóm"
⇒ Nhấn mạnh chủ thể được nói đến.
Ví dụ 5:
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
(Người con gái Việt Nam – Tố Hữu)
- Liệt kê: "Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung."
⇒ Diễn tả hành động tra tấn dã man của bọn giặc đối với chị Lý.
Ví dụ 6:
Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, để trong khay khảm khói bay nghi ngút, tráp đồi mồi chữ nhật để mở, trong ngăn bạc đầy những trầu vàng, cau đậu, rể tía, hai bên nào ống thuốc bạc, nào đồng hồ vàng, nào chuôi dao ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông trông mà thích mắt […] Ngoài kia tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch, nghiêm trang lắm […].
(Sống chết mặc bay – Phạm Duy Tốn)
- Liệt kê các đồ vật bày biện quanh quan lớn một cách tỉ mỉ, chi tiết: "bát yến hấp đường phèn, tráp đồi mồi, trầu vàng, cau đậu, rể tía, nào ống thuốc bạc, nào đồng hồ vàng, nào chuôi dao ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông".
⇒ Nhấn mạnh sự sa đọa, an nhàn, sung sướng của quan khi đi hộ đê.
4. Soạn bài Thực hành một số phép tu từ cú pháp
Để nắm vững một số phép tu từ cú pháp, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
5. Hỏi đáp về bài Thực hành một số phép tu từ cú pháp
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 12 HỌC247