Với các định hướng, gợi ý giải bài tập chi tiết, tài liệu hướng dẫn soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc dưới đây sẽ giúp các em nắm được nội dung khái quát của bài học, thuận tiện hơn trong quá trình chuẩn bị bài cũng như vận dụng kiến thức đã học vào thực hành bài tập.
2. Tóm tắt nội dung bài học
2.1. Về nội dung
- Phạm Văn Đồng đã làm sáng tỏ mối quan hệ khăng khít giữa các tác phẩm thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu với hoàn cảnh Tổ quốc lúc bấy giờ với thời đại hiện nay.
- Tác giả ngợi ca Nguyễn Đình Chiểu, một người trọn đời dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu cho dân, cho nước.
2.2. Về nghệ thuật
- Là bài phê bình văn học đặc sắc: nghị luận xác đáng, chặt chẽ và xúc động.
- Nhiều hình ảnh, ngôn từ đặc sắc.
3. Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc chương trình chuẩn
Câu 1: Tìm các luận điểm chính của bài viết. Anh (chị) thấy cách sắp xếp các luận điểm đó có gì khác với trật tự thông thường?
a. Các luận điểm chính của bài viết:
- Phần mở bài: Luận điểm 1 ⇒ Khái quát vị trí của Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc.
- Phần thân bài gồm 3 luận điểm:
- Luận điểm 2 ⇒ Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước.
- Luận điểm 3 ⇒ Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.
- Luận điểm 4 ⇒ Đánh giá về Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu.
- Phần kết bài: Luận điểm 5 ⇒ Khẳng định lại địa vị và tác dụng của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đối với văn học nghệ thuật.
b. Cách sắp xếp luận điểm của Phạm Văn Đồng theo trình tự:
- Khẳng định vị trí, ý nghĩa cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ⇒ Nêu lên giá trị của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ⇒ Chứng minh bằng tác phẩm.
- Thông thường, trong bài văn nghị luận về một tác giả văn học nào đó, người ta thường phân tích các tác phẩm chính của tác giả, sau mới đánh giá về con người , vai trò của nhà văn. Nhưng ở bài viết này, tác giả Phạm Văn Đồng làm ngược lại, trình bày con người – quan điểm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu trước, sau đó mới trình bày về các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu.
- Bài viết cũng không trình bày các luận điểm theo trật tự thời gian (tác phẩm sáng tác trước thì trình bày trước). Ở đây, tác phẩm Lục Vân Tiên được sáng tác trước thì lại được Phạm Văn Đồng đưa vào cuối bài viết.
⇒ Với trật tự này, Phạm Văn Đồng muốn nhấn mạnh Nguyến Đình Chiểu là con người đặc biệt, để hiểu thơ văn ông trước hết phải hiểu con người ông, văn thơ ông gắn liền với thực tế, vận mệnh dân tộc.
Câu 2: Vì sao tác giả cho rằng văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như "những vì sao có ánh sáng khác thường", "con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy"?
- Vì:
- Lâu nay ta có thói quen nhìn các nhà thơ ở bình diện nghệ thuật theo kiểu trau chuốt, gọt giũa lời lẽ hoa mĩ…Văn chương Nguyễn Đình Chiểu không óng mượt, nõn nà mà chân chất, có chỗ tưởng như thô kệch. Vì lẽ đó mà phải chăm chú nhìn thì mới có thể càng nhìn càng sáng.
- Những vì sao có ánh sáng khác thường có nghĩa là: vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, dân dã của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu - vẻ đẹp của văn chương hướng về đại chúng, gắn bó máu thịt với nhân dân, phục vụ nhân dân, mang tính nhân dân sâu sắc.
- Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đẹp bởi tư tưởng, tình cảm nồng hậu, cao quý của nhân dân. Vẻ đẹp khác thường này càng đáng quý hơn bội phần khi ta biết nhà thơ đã sáng tác trong hoàn cảnh mù lòa, cuộc sống gặp nhiều khó khăn và bất hạnh.
- Nhận xét:
- Cách nhìn nhận của tác giả mới mẻ, đúng đắn, sâu sắc, khoa học.
- Cách nhìn nhận này có ý nghĩa điều chỉnh định hướng cho việc nghiên cứu và tiếp cận thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.
Câu 3: Tác giả đã giúp chúng ta nhận ra những "ánh sáng khác thường" nào của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam?
- Tác giả Phạm Văn Đồng đã cho chúng ta thấy được:
- Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng chói về tinh thần yêu nước cháy bỏng và lòng căm thù giặc sâu sắc.
- Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ mù, cuộc đời gặp nhiều bất hạnh và khó khăn nhưng vẫn giàu nghị lực vượt khó để vươn lên phi thường, Dùng văn thơ ghi lại tâm huyết với dân tộc , ghi lại thời kì lịch sử khổ nhục – vĩ đại , làm vũ khí chiến đấu.
- Quan niệm sáng tác đúng đắn và tiến bộ: thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu dùng để chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng Đối với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút, viết văn là một thiên chức, ông khinh miệt bọn lợi dung văn chương để làm việc phi nghĩa.
- Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhằm phục vụ đắc lực cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc:
- Tái dựng sống động không khí kháng Pháp oanh liệt , bền bỉ của nhân dân Nam Bộ :
- ca ngợi những người anh hùng cứu nước ; khóc than tiếc thương những liệt sĩ tận trung, trọn nghĩa với dân với nước, Khúc ca của những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang” .
- Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu có tính nghệ thuật cao:
- Văn chương trữ tình đạo đức: vẻ đẹp thơ văn tiềm ẩn trong tầng sâu cảm xúc, suy ngẫm.
- Bút pháp trữ tình xuất phát từ cõi tâm trong sáng, nhiệt tình
- Đậm đà sắc thái Nam Bộ: ngôn ngữ mộc mạc, giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân Nam Bộ
- Lối thơ thiên về kể mang màu sắc diễn xướng rất phổ biến trong văn học dân gian nam Bộ.
- Truyện Lục Vân Tiên
- Là tác phẩm ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quí ở đời, ca ngợi những con người trung nghĩa.
- Hình tượng nhân vật không khô cứng theo khuôn mẫu của văn học Nho gia mà gần gũi, giản dị, sống động.
- Lối văn nôm na giản dị, là văn nói, văn kể.
- Nhiều người thuộc, nhớ, truyền miệng nhau tác phẩm, nhân dân miền Nam say sưa tác phẩm.
- Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng chói về tinh thần yêu nước cháy bỏng và lòng căm thù giặc sâu sắc.
Câu 4: Vì sao tác giả lại cho rằng ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa không chỉ thời ấy, mà còn cả trong thời đại hiện nay?
- Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu đáng lẽ ra phải sáng tỏ hơn nữa, vì:
- Có một số người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn. Còn rất ít người biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.
- Trong khi đó, với những phẩm chất đạo đức và những thành công nghệ thuật, hiệu quả mà văn chương yêu nước của ông đưa lại, có thể khẳng định Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là lá cờ đầu của thơ ca chống Pháp, cần được dương cao hơn nữa trong thời đại của ông và ngay cả thời đại ngày nay.
- "Phải sáng tỏ hơn nữa trong thời đại hiện nay" để khôi phục lại giá trị đích thực của nhà thơ yêu nước miền Nam từng có tác dụng to lớn và sâu rộng trong nhân dân ta, không chỉ trong thời bấy giờ mà ngay cả trong cuộc sống hiện nay.
Câu 5: Bài nghị luận này không hề khô khan mà đầy sức hấp dẫn, lôi cuốn là nhờ những yếu tố sau đây:
- Bài viết có sự kết hợp hài hòa giữa lí lẽ xác đáng và tình cảm nồng hậu của người viết đối với nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Bài văn có sức lôi cuốn mạnh mẽ do cách nghị luận vừa xác đáng, chặt chẽ vừa xúc động, thiết tha với nhiều hình ảnh ngôn từ đặc sắc.
- Cách nhìn mới mẻ, có giá trị phát hiện của tác giả đã lôi cuốn người đọc vào bài viết của mình.
- Có sự kết hợp giữa cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu với công việc chống Pháp lúc bấy giờ của nhân dân Nam Bộ. Nhờ vậy bài viết rõ ràng, , mạch lạc dễ hiểu, vừa tác động đến lí trí lại thấm sâu vào tình cảm người đọc tạo nên sức thuyết phục lớn.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo
bài giảng Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc để nắm vững hơn về kiến thức của bài học.
4. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Thuyết minh về nhà văn Nguyễn Đình Chiểu.
Trả lời:
Nguyễn Ðình Chiểu là người mở đầu cho giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XIX, tên tuổi ông là tượng trưng cho lòng yêu nước của nhân dân miền Nam và thơ văn ông là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta.(*)
Nguyễn Ðình Chiểu sinh ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương phủ Tân Bình, Gia Ðịnh và mất ngày 3-7-1888 tại Ba Tri, Bến Tre. Cuộc đời Nguyễn Ðình Chiểu sớm trải qua những chuỗi ngày gia biến và quốc biến hải hùng đã tác động đến nhận thức của ông.
Ngay từ nhỏ, Nguyễn Ðình Chiểu đã theo cha chạy giặc. Từ một cậu ấm con quan, bỗng chốc trở thành một đứa trẻ thường dân sống trong cảnh chạy loạn, trả thù, chém giết. Lớn lên, bị bệnh mù mắt, bị gia đình giàu có bội ước, công danh dang dở. Mặc dù cuộc đời Nguyễn Ðình Chiểu gặp nhiều bất hạnh nhưng lúc nào ông cũng gắn bó với nhân dân. Tuy sống trong cảnh mù lòa nhưng Nguyễn Ðình Chiểu đã tiến thân thành danh bằng con đường hành đạo của mình. Ông đã mở lớp dạy học, viết văn và hốt thuốc chữa bệnh cho dân. Lúc nào ông cũng quan tâm lo lắng cho chiến sự. Ở đâu ông cũng làm cùng một lúc ba nhiệm vụ của ba người tri thức để cứu dân, giúp đời.
Nguyễn Ðình Chiểu có nhiều nghị lực và phẩm chất, phải có nghị lực phi thường và khí phách cứng cỏi thì Nguyễn Ðình Chiểu mới vượt qua những bất hạnh của cá nhân và thời cuộc để đứng vững trước cơn binh lửa hãi hùng của lịch sử mà không sờn lòng, nản chí. Nguyễn Ðình Chiểu là hiện thân của nhiều phẩm chất cao đẹp làm người. Trong ứng xử cá nhân, Ðồ Chiểu là tấm gương sáng về đạo hiếu nghĩa nhân từ. Tất cả cô đúc lại thành khí tiết của nhà nho yêu nước Việt Nam tiêu biểu cho giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.
Văn chương chưa phải là toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Ðùnh Chiểu. Sự nghiệp của ông còn lớn hơn nhiều. Ông không chỉ là nhà văn mà còn là nhà giáo, người thầy thuốc và là một nhà tư tưởng. Nhưng văn chương của ông đồ sộ đủ đứng thành sự nghiệp riêng. Nguyễn Ðình Chiểu bắt đầu viết văn sau khi mù, hầu hết các tác phẩm đều viết bằng chữ Nôm. Căn cứ vào nội dung có thể chia ra thành hai thời kỳ sáng tác: Trước khi Pháp xâm lược Nam Kỳ: Tác phẩm Lục Vân Tiên là tác phẩm đầu tay, có tính chất tự truyện. Pháp xâm lược Nam Kỳ: Tác phẩm Dương Từ-Hà Mậu có ý kiến cho rằng tác phẩm được viết trước khi Pháp xâm lược cũng có ý kiến ngược lại, mục đích của tác giả là dạy đạo Khổng cho học trò và sau này được sửa lại cho phù hợp với tình hình. Tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp chủ yếu nói về các phương thuốc và nghề làm thuốc nhưng tràn đầy tinh thần yêu nước.
Các bài thơ Ðường luật, các bài hịch, văn tế… tiêu biểu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc(1861), Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Ðịnh(1864), Mười bài thơ điếu Phan Tòng(1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh(1874), Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây, Hịch đánh chuột chưa xác định thời điểm sáng tác. Với những tác phẩm nổi tiếng của mình, Nguyễn Ðình Chiểu trở thành người có uy tín lớn. Bọn thực dân nhiều lần tìm cách mua chuộc ông nhưng ông vẫn một mực từ chối các ân tứ. (Có nhiều giai đoạn về thái độ bất hợp tác của Nguyễn Ðình Chiểu với kẻ thù).
Cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà thơ mù Nam Bộ là một bài học lớn về lòng yêu nước, về việc sử dụng ngòi bút như một vũ khí đấu tranh sắc bén. Tấm gương Nguyễn Ðình Chiểu theo thời gian vẫn không mờ đi chút nào. Nguyễn Ðình Chiểu tuy không nghị luận về văn chương nhưng ông có quan điểm văn chương riêng. Quan điểm văn dĩ tải đạo của ông khác với quan niệm của nhà nho, càng khác với quan niệm chính thống lúc bấy giờ. Nhà nho quan niệm Ðạo là đạo của trời, còn Ðồ Chiểu cũng nghĩ đến nhưng có khác:
Ðạo trời nào phải ở đâu xa
Gẫm ở lòng người mới thấy ra
Trên nguyên tắc đạo trời được đề cao nhưng trong thực tế đạo làm người đáng quý hơn nhiều. Ðó là quan niệm bao trùm văn chương Ðồ Chiểu. Quan điểm văn chương Ðồ Chiểu tuy không được tuyên ngôn nhưng đây là quan điểm tiến bộ và gần gũi với văn chương dân tộc: Văn chương chiến đấu, vị nhân sinh, đầy tinh thần tiến công và tinh thần nhân ái.
5. Một số bài văn mẫu về văn bản Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc quả là một bài nghị luận văn học có giá trị. Ngoài việc chứa đựng những khám phá đáng trân trọng đối với thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, nó còn mang tính chất của một lời kêu gọi hướng về tầng lớp văn nghệ sĩ, mong họ hết lòng đem ngòi bút của mình phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Để biết cách trình bày một bài phân tích hoàn chỉnh về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-
Vì sao Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trên bầu trời
Tại sao Phạm Văn Đồng lại khẳng định cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ của dân tộc ?
-
Hướng dẫn soạn Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
Hướng dẫn soạn bài " Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc" - Văn lớp 12