YOMEDIA

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Đình Chiểu

Tải về
 
NONE

Tài liệu Thuyết minh về tác giả Nguyễn Đình Chiểu dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một tác giả văn học hay và sáng tạo nhất. Cùng Học247 tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Thuyết minh về trò chơi bịt mắt bắt dê.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của dân tộc.

- Ông đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm văn chương có giá trị.

- Ông còn là người có lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc.

- Ông luôn nêu cao tinh thần bất khuất trước kẻ thù, giữ trọn lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân.

b. Thân bài:

* Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu:

- Ông sinh năm 1822 và mất năm 1888.

- Quê cha: xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Quê mẹ: làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP Hồ Chí Minh).

- Năm 1843 (21 tuổi): ông thi đỗ tú tài. 6 năm sau, ông bị mù.

- Nguyễn Đình Chiểu về Gia Định dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân.

- Khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ, ông tích cực tham gia phong trào kháng chiến bằng cách cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn bạc việc đánh giặc và sáng tác thơ văn khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân.

- Khi Nam Kì rơi vào tay giặc, ông về sống tại Ba Tri, Bến Tre. Ông luôn giữ trọn lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân cho đến lúc mất.

* Sự nghiệp sáng tác: Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã để lại nhiều áng văn chương có giá trị:

- Truyện Lục Vân Tiên

- Dương Từ – Hà Mậu

- Chạy giặc

- Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

- Thơ điếu Trương Định

c. Kết bài:

- Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương cho mọi người noi theo.

- Các tác phẩm của ông có giá trị truyền bá đạo lý làm người, cổ vũ lòng yêu nước, ý chí cứu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, sẵn sàng hi sinh vì dân, vì nước.

- Ông đã cho em bài học quý về đạo lý làm người, về ý chí nghị lực phi thường, về lòng căm thù giặc và lòng yêu nước.

- Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông mãi mãi sống trong lòng người dân đất Việt.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Đình Chiểu.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc phòng Cầu Kho, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Thân sinh nhà thơ là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên là Thơ lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định.

Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ. Những cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc bị triều đình Huế đàn áp, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã gây ra những bão táp kinh hoàng trực tiếp đến gia đình Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Huy bỏ trốn ra Huế, bị cách chức, sau đó trở vào Nam đón Nguyễn Đình Chiểu, đem gửi cho một người bạn để ăn học. Cuộc sống 8 năm ở Huế đã giúp ông nhận rõ hơn sự thối nát và phức tạp của triều đình, đồng thời có điều kiện để tiếp thu truyền thống văn hóa dân tộc ở đất kinh đô.

Cuộc đời ông là một tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, sự bất khuất trước quân thù. Tuy không nhìn thấy ánh sáng, không thể trực tiếp tham gia kháng chiến chống giặc ngoài chiến trường nhưng ông vẫn luôn bàn bạc việc nước với Đốc binh và trao đổi thư tín với Trương Định. Khi tản cư về Ba Tri (Bến Tre), Nguyễn Đình Chiểu vẫn trao đổi với các chí sĩ yêu nước và thường sáng tác những bài thơ phục vụ cho kháng chiến, động viên tinh thần chiến đấu của các anh chiến sĩ bộ đội ngoài sa trường. Mặc dù, nhiều lần ông bị bọn thực dân Pháp dụ dỗ mua chuộc nhưng ông vẫn luôn cự tuyệt và tiếp tục tham gia vào cuộc kháng chiến.

Trước khi ra đi, ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm nổi bật, mang đậm tư tưởng đạo lí, bản sắc văn hóa dân tộc. Các tác phẩm tiêu biểu như là: “Dương Từ-Hà Mậu”, “Lục Vân Tiên”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”,… đã góp phần tạo nên tên tuổi của ông như ngày hôm nay. Đặc biệt nhất là tác phẩm “Lục Vân Tiên” là một tuyệt tác đã để lại nhiều ấn tượng cho người đọc. Nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện cũng chính là hình ảnh ẩn dụ của nhà văn Nguyễn Đình Chiểu và cuộc đời đầy truân chuyên, sóng gió của chàng Lục Vân Tiên cũng chính là cuộc đời của ông ngoài đời thực. Dưới ngòi bút tài ba của Nguyễn Đình Chiểu, các nhân vật từ chính đến phụ, phản diện hay chính diện trong truyện đều được ông khắc họa một cách tinh tế, manh những màu sắc rất riêng biệt và đa dạng. Các tác phẩm của ông đều truyền đến cho đọc giả những giá trị đạo đức, đạo lý làm người trong cuộc sống.

Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây, ông tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và lực lượng kháng chiến. Khi được tin Trương Định hy sinh (19-8-1864), nhà thơ xúc động, viết bài Văn tế và Mười hai bài thơ liên hoàn điếu người anh hùng. Mười bài thơ điếu Đốc binh Phan Tòng hy sinh trong trận Giồng Gạch (1868) vốn gốc là hương sư, bạn bè thân thiết với ông, lời lẽ rất thống thiết, có những câu thơ tâm huyết như lời thề tạc vào đá: "Tinh thần hai chữ pha sương tuyết, khí phách ngàn thu rỡ núi non". Khi Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử sau khi để mất 3 tỉnh miền Tây, ông làm thơ điếu họ Phan với ít nhiều ngụ ý phê phán.

Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc. Nổi bật là thiên hùng bút Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh. Tất cả tâm huyết của nhà thơ như dồn vào những câu đau xé lòng người: "Dân sa nước lửa bấy chầy, giặc ép mỡ dầu hết sức". Đồng bào ở đây kể lại rằng chính ông đứng ra làm lễ tế những nghĩa sĩ Lục tỉnh ngay tại chợ Ba Tri. Khi đọc xong bài điếu, nước mắt chảy ràn rụa và ông lăn kềnh ra nằm bất tỉnh.

Nguyễn Đình Chiểu sẽ luôn là một nhà thơ lớn của dân tộc ta và những áng thơ của ông luôn mang một tầm ảnh hưởng nhất định đến người dân Việt. Ông và những tuyệt tác của ông sẽ luôn sống mãi với thời gian trong trái tim mỗi người Việt Nam.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Trong nền văn học Việt Nam, hiếm có nhà thơ nào vừa tài năng vừa đức độ như Nguyễn Đình Chiểu. Ông là một nhà thơ lớn của dân tộc ta với những áng văn chương bất hủ mang đậm giá trị văn học Việt Nam.

Nguyễn Đình Chiểu (hay được gọi là cụ Đồ Chiểu) sinh năm 1822 trong một gia đình phong kiến tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định và mất vào năm 1888. Tuy là một nhà thơ lớn của dân tộc nhưng cuộc đời ông lại lắm những gian truân, lận đận ngược xuôi. Là con đầu lòng trong một gia đình đông con, lại là con của vợ lẽ nên từ bé cuộc sống của ông đã cơ cực, vất vả. Năm lên 11, khi Nam Kì bị chiếm, cha gửi ông ra Huế ở nhờ nhà người bạn. Sau 8 năm, theo học tại nơi đây, ông trở lại miền Nam chăm lo đèn sách chờ ngày thi hương. Năm 1843, ông đỗ tú tài khi ấy ông mới 21 tuổi. Năm 1846,ông lại quay về Huế ôn thi hội. Ba năm sau đó, vừa đúng lúc ngày thi cận kề thì cũng là lúc ông nhận được tin mẹ mình qua đời. Ông lập tức về Nam chịu tang mẹ, bỏ dở dang việc thi cử. Trên đường về quê, ông bị ốm. Vì đường xá xa xôi, tiết trời oi bức, bệnh ông càng trở nặng, lại thêm nỗi đau vừa mất mẹ, thương khóc quá nhiều nên chẳng may ông bị mù cả hai mắt. Thế là giấc mộng công danh đã không thành, thân lại còn mang khiếm khuyết. Những tưởng tương lai, cuộc đời ông đến đây là chấm hết, cánh cửa cuộc đời như khép lại. Thế nhưng, ông quyết không đầu hàng số phận, bằng chính nghị lực và ý chí của bản thân, ông đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ biến đau thương thành động lực tiếp tục phấn đấu, vươn lên làm chủ số phận mình. Sau đó, ông về Gia Định vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho người dân.

Nguyễn Đình Chiểu gặp rất nhiều bất hạnh trong cuộc đời riêng, ở tuổi thanh xuân, ông đã từng ôm ấp lý tưởng cao đẹp trí quân trạch dân, tức là phò vua giúp nước để thỏa chí nam nhi. Nhưng những tai ương dồn dập trút xuống khiến ông không thể thực hiện được lí tưởng ấy. Mẹ mất, đường công danh dang dở, vợ sắp cưới bội ước, bản thân lại mù lòa… Một con người bình thường khó có thể đứng vững trước ngần ấy chuyện không may liên tục xảy ra trong một thời gian ngắn, nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua tất cả bằng một nghị lực phi thường, bằng tình yêu cuộc sống mãnh liệt.

Có thể nói cuộc đời của nhà thơ mù Đồ Chiểu gắn bó chặt chẽ với cuộc đời của nhân dân lao động nghèo khổ. Ông vừa dạy chữ vừa dạy đạo lý làm người, vừa chữa thân bệnh vừa chữa tâm bệnh cho dân. Trái tim ông đập theo nhịp đập trái tim dân chúng, thông cảm và chia sẻ nỗi đau, nỗi nhục bị áp bức và nô lệ trong tình cảnh đất nước rơi vào tay giặc ngoại xâm. Nhờ vậy mà ông phát hiện ra những phẩm chất cao quý ẩn giấu trong hình thức lam lũ của người lao động. Tất cả những cái đó tạo nên tầm cao trong tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp sáng tác của ông. Tấm lòng nhân ái sâu xa, rộng lớn của Nguyễn Đình Chiểu đã được đáp đền một cách chân thành, nồng hậu. Nhân dân Nam Bộ dành cho ông tình cảm yêu thương, tôn kính đặc biệt. Ngày tiễn đưa ông về với tổ tiên, cả cánh đồng Ba Tri rợp trắng khăn tang của hàng ngàn người mến mộ. Tên tuổi, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu sống mãi trong lòng nhân dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Bến Tre không phải là nơi sinh của nhà thơ, nhưng lại là nơi vinh hạnh được ông chọn để sống, hoạt động trong suốt 26 năm đầy biến cố phức tạp vào giai đoạn cuối đời và đã vĩnh viễn gởi xương cốt tại đây. Người ta kể lại rằng ngày đưa đám ma ông, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những bạn bè, học trò, con cháu xa gần, những thân chủ được ông chữa khỏi bệnh và những đồng bào quanh vùng hoặc đã chịu ơn ông, hoặc vì mến mộ, cảm phục một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.

Hơn một phần tư thế kỷ, sống trên đất Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân ở đây một ảnh hưởng to lớn và một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Thơ văn của ông đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ con người Bến Tre và ngưng đọng lại ở đó, biến thành một sức mạnh vật chất giúp họ có thể chiến thắng được mọi gian nguy, thử thách gay go và khốc liệt nhất.

Trong tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, nước với dân là một. Tình yêu thương nhân dân tha thiết chính là cơ sở vững chắc của lòng yêu nước dạt dào, mãnh liệt của ông. Suốt một đời sống hoà đồng, gắn kết với nhân dân, ông đã phát hiện ở họ những phẩm chất quý giá, những quan niệm nhân sinh giản dị mà có giá trị vĩnh hằng và lấy đó làm cơ sở cho triết lý sống của bản thân.

Với những cống hiến to lớn cho dân tộc, cho nền văn học nước nhà, Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu, kính phục của nhân dân dành cho ông. Nhận xét về Nguyễn Đình Chiểu, nhà lý luận phê bình văn học Hoài Thanh viết: "Sự gắn bó sâu xa với quần chúng là đặc điểm nổi bật trong cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, là nhân tố chủ yếu đào tạo nên con người, sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu".

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF