YOMEDIA
NONE

Soạn bài Thực hành phép tu từ Ẩn dụ và Hoán dụ - Ngữ văn 10

Học 247 mời các em tham khảo bài soạn Thực hành phép tu từ Ẩn dụ và Hoán dụ để chuẩn bị bài được tốt hơn trước khi đến lớp. Mong rằng với những gợi ý dưới đây các em sẽ học hỏi thêm được nhiều kiến thức bổ ích, trau dồi thêm những kĩ năng cần thiết khi làm bài tập về hai phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

Thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ

2. Soạn bài Thực hành phép tu từ Ẩn dụ và Hoán dụ

2.1. Phần 1: Ẩn dụ

Câu 1: Đọc những câu ca dao sau và trả lời câu hỏi

(1) Thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

(2) Trăm năm đành lỗi hẹn hò,

Cây đa bến cũ, con đò khác đưa

a. Anh (chị) có nhận thấy trong hai câu ca dao trên, những từ thuyền, bến, cây đa, con đò,... không chỉ là thuyền, bến,... mà còn mang một nội dung ý nghĩa hoàn toàn khác không? Nội dung ý nghĩa ấy là gì?

  • Trong hai câu ca dao trên, những từ thuyền, bến, cây đa, con đò,... không chỉ là thuyền, bến,... mà còn mang một nội dung ý nghĩa hoàn toàn khác, nội dung ý nghĩa ấy là
    • Thuyền: vật di chuyển - ẩn dụ chỉ người ra đi - người con trai
    • Bến: vật cố định, đứng một chỗ - ẩn dụ chỉ người ở lại - người con gái
  • Bài ca dao (1) là một lời khẳng định tấm lòng thủy chung, son sắt của người con gái
    • Cây đa bến cũ: kỉ niệm cũ
    • Con đò: di chuyển → ẩn dụ chỉ người ra đi
  • Tình cảm giữa hai người bị chia cắt, xa nhau, bài ca dao (2) là lời than tiếc vì lỗi hẹn

b. Thuyền, bến (câu 1) và cây đa bến cũ, con đò (câu 2) có gì khác nhau?

  • Thuyền, bến (câu 1) là chỉ về hai đối tượng yêu nhau, gắn bó thủy chung, son sắt. Còn cây đa, bến cũ, con đò (câu 2) là chỉ về con người có quan hệ gắn bó nhưng vì điều kiện nào đó phải xa nhau, vì thế câu ca dao (2) thể hiện tâm trạng nuối tiếc.

Làm thế nào để hiểu đúng nội dung hàm ẩn trong hai câu đó?

  • Để hiểu được nội dung hàm ẩn trong hai ca dao trên, cần phải so sánh ngầm để liên tưởng tìm ra những nét tương đồng giữa sự việc với nhau, từ đó cắt nghĩa và hiểu ý nghĩa mà câu ca dao muốn nói đến.

Câu 2: Tìm và phân tích phép ẩn dụ trong những đoạn trích sau

(1) Dưới trăng quyên đã gọi hè,

Đầu đường lửa lựu lập lòe đơm bông

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

  • Hình ảnh ẩn dụ: lửa lựu (hoa lựa đỏ như lửa nên gọi là lửa lựu). Cách nói ấn dụ này đã miêu tả được cảnh sắc rực rỡ của cây lựu, đồng thời nói lên sức sống mãnh liệt của cảnh vật ngày hè.

(2) Vứt đi những thứ văn nghệ ngòn ngọt, bày ra sự phè phỡn thỏa thuê hay cay đắng chất độc của bệnh tật, quanh quẩn vài tình cảm gầy gò của cá nhân co rúm lại. Chúng ta muốn có những cuốn tiểu thuyết, những câu thơ thay đổi được cả cuộc đời người đọc - làm thành người, đẩy chúng ta lên một sự sống kia chỉ đứng xa nhìn thấp thoáng.

(Nguyễn Đình Thi, Nhận đường)

  • Biện pháp ẩn dụ được dùng là: thứ văn nghệ ngòn ngọt, sự phè phỡn thỏa thuê, cay đắng chất độc của bệnh tật, tình cảm gầy gò, cá nhân co rúm. Ý nói đến thứ văn nghệ mơ mộng, trốn tránh thực tế, hoặc không phản ánh đúng bản chất hiện thực (… thứ văn nghệ ngòn ngọt bày ra sự phè phỡn thỏa thuê hay cay đắng chất độc của bệnh tật), sự thể hiện tình cảm nghèn nàn, thiếu sáng tạo (tình cảm gầy gò) của những tác giả chỉ mãi đi theo lối mòn, không dám đổi mới (những cá nhân co rúm lại).

(3) Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ)

  • "Giọt" âm thanh của tiếng chim chiền chiện, ý nói sức sống của mùa xuân

(4) Thác bao nhiêu thác cũng qua,

Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời

(Tố Hữu, Nước non ngàn dặm)

  • Thác: những cản trở trên đường đi (ý nói những trở lực, khó khăn trên con đường cách mạng); "chiếc thuyền ta": con thuyền cách mạng. → Ý cả câu: dẫu con đường cách mạng có nhiều khó khăn, gian khổ nhưng sự nghiệp cách mạng dân tộc vẫn luôn vững tiến.

(5) Xưa phù du mà nay đã phù sa,

Xưa bay đi mà nay không trôi mất

(Chế Lan Viên, Nay đã phù sa)

  • Phù du: Một loại sâu bọ sống ở nước, có cuộc sống ngắn ngủi. Dùng hình ảnh con phù du để chỉ cuộc sống tạm bợ, trôi nổi, không có ích; phù sa: chất màu mỡ, chỉ cuộc sống có ích.

Câu 3: Quan sát một vật gần gũi quen thuộc, liên tưởng đến một vật khác có điểm giống với vật đó và viết câu văn có dùng phép ẩn dụ.

  • Các em tự đặt câu văn. Tuy nhiên, các em nên chú ý mối quan hệ giữa sự vật được liên tưởng và sự vật liên tưởng sao cho thật tự nhiên và hợp lí.

2.2. Phần 2: Hoán dụ

Câu 1: Đọc những câu sau và trả lời câu hỏi

(1) Đầu xanh đã tội tình gì,

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

(2) Áo nâu liền với áo xanh,

Nông thôn liền với thị thành đứng lên.

(Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có Đảng)

a. Dùng những cụm từ đầu xanh, má hồng, nhà thơ Nguyễn du muốn nói điều gì và ám chỉ nhân vật nào trong truyện Kiều? Cũng như vậy, dùng những cụm từ áo nâu, áo xanh, Tố Hữu muốn chỉ lớp người nào trong xã hội ta?

  • Dùng những cụm từ đầu xanh, má hồng, nhà thơ Nguyễn du muốn nói: 
    • Đầu xanh: tóc còn xanh, ý nói người còn trẻ.
    • Má hồng: Gò má người con gái thường ửng hồng rất đẹp, dùng hình ảnh đó để nói đến người phụ nữ trẻ đẹp.
  • Ở trong văn cảnh câu thơ này, Nguyễn Du dùng các cụm từ đó để chỉ nhân vật Thúy Kiều.
  • Dùng những cụm từ áo nâu, áo xanh, Tố Hữu muốn chỉ lớp người:
    • Áo nâu: Người nông dân xưa kia thường nhuốm áo màu nâu để mặc, ở đây dùng áo màu nâu để chỉ người nông dân.
    • Áo xanh: Màu áo thường thấy của công nhân, ở đây dùng áo màu xanh để chỉ chung tầng lớp công nhân.

b. Làm thế nào để hiểu đúng một đối tượng khi nhà thơ thay đổi tên gọi của đối tượng đó?

  • Để hiểu đúng một đối tượng khi nhà thơ thay đổi tên gọi của đối tượng đó cần phải dựa vào quan hệ gần nhau giữa hai sự vật hiện tượng hay nói cách khác chúng ta cần chúng ta phải chú ý xem tác giả đã chọn cái gì để thay thế các đối tượng ấy. Cái được tác giả chọn để thay thế thường là một bộ phận, một tính chất, một đặc điểm nào đó... tiêu biểu. Phương thức chuyển đổi nghĩa này là phép tu từ hoán dụ. Nó giúp cho việc gọi tên sự vật, hiện tượng... trở nên phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn.

Câu 2: 

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào.

(Nguyễn Bính, Tương tư)

a. Câu thơ trên có cả hoán dụ và ẩn dụ. Anh (chị) hãy phân biệt hai phép tu từ đó.

  •  Phép hoán dụ: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Dùng "thôn Đoài" để chỉ người ở thôn Đoài, "thôn Đông" để chỉ người ở thôn Đông (lấy tên địa danh để chỉ người ở địa danh đó).
  • Phép ẩn dụ: "Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào". Dùng hình ảnh cau và trầu để chỉ hai nhân vật trữ tình đang yêu nhau, bởi vì mối quan hệ giữa hai người yêu nhau cũng có những nét tương đồng với mối quan hệ giữa trầu và cau, đều là mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời và khi kết hợp lại thì rất thắm thiết. Cách nói lấp lửng trầu không thôn nào thực chất là ám chỉ người ở thôn Đông. Nó tạo cho câu thơ nét duyên dáng, ý nhị.
  • Phân biệt hai phép tu từ
    • Ẩn dụ: để nói về những liên tưởng giống nhau, thường có sự quy chiếu theo một khung nhất định.
    • Hoán dụ: không có sự liên tưởng để so sánh, nhưng dựa vào những liên tưởng cận kề, cũng dựa vào những hệ quy chiếu.

b. Cùng bày tỏ nỗi nhớ người yêu, nhưng câu Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông khác với câu ca dao Thuyền ơi có nhớ bên chăng... ở những điểm nào?

  • Cùng là bày tỏ nỗi nhớ người yêu nhưng câu ca dao "Thuyền ơi có nhớ bến chăng…?" sử dụng những liên tưởng có phần sáo mòn, theo khuôn mẫu, cấu trúc có sẵn còn câu thơ của Nguyễn Bính "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông" lại có những liên tưởng vô cùng mới mẻ. Những liên tưởng này tạo ra nét đẹp riêng và sự thích thú, hấp dẫn cho mỗi câu thơ.

Câu 3: Quan sát một sự vật, nhân vật quen thuộc và thử đổi tên gọi của chúng theo phép ẩn dụ hoặc hoán dụ để viết một đoạn văn về sự vật, nhân vật đó.

  • Các em tự viết
  • Dưới đây là đoạn văn các em gợi ý:

"Áo dài" của lớp tôi vừa học giỏi vừa dịu dàng. Làm toán, làm lý, các nàng không bao giờ chịu thua cánh con trai chúng tôi. Mỗi khi tranh luận về một bài tập nào đó, các nàng luôn bảo vệ ý kiến mình. Lời lẽ nhỏ nhẹ nhưng lại chặt chẽ vô cùng. Vậy nhưng trong quan hệ với bạn bè, các nàng lại rất dễ thương. Các nàng cỗ vũ chúng tôi đá banh, mang cho chúng tôi những ly nước chanh mát lạnh, chăm sóc vết thương cho các "chân sút" trong lớp. Bọn con trai chúng tôi vừa nể vừa quý các nàng. Còn tụi con trai các lớp khác luôn bảo: "Con gái A5 là nhất!".

  • Áo dài: Đồng phục của nữ sinh. Lấy tên trang phục của nữ sinh để chỉ nữ sinh (biện pháp hoán dụ).
  • Chân sút: Chân đá banh, chỉ các cầu thủ của lớp. Lấy bộ phận của người để chỉ người (biện pháp hoán dụ).

Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Thực hành phép tu từ Ẩn dụ và Hoán dụ để ôn lại những kiến thức lí thuyết cần nắm của bài học.

3. Hỏi đáp về bài Thực hành phép tu từ Ẩn dụ và Hoán dụ

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF