YOMEDIA
NONE

Soạn bài Ôn tập Học kì 1 - Ngữ văn 10 Tập 1 Kết Nối Tri Thức

Sau một học kì, các em cần hệ thống tất cả kiến thức về văn bản đọc hiểu với đặc trưng các thể loại như thần thoại, sử thi, văn nghị luận và phần tiếng Việt, từ đó áp dụng vào các bài thi và bài tập về sau. Bài soạn Ôn tập Học kì 1 thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây sẽ hỗ trợ các em trong quá trình tổng hợp kiến thức. Chúc các em sẽ có được một tiết học thật thú vị nhé!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu

- Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới

- Tản Viên từ Phán sự lục - Nguyễn Dữ

- Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân

- Chùm thơ hai-cư Nhật Bản

- Thu hứng - Đỗ Phủ

- Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử

- Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư - Chu Văn Sơn

- Hiền tài là nguyên khí của quốc gia - Thân Nhân Trung

- Yêu và đồng cảm - Phong Tử Khải

- Chữ bầu lên nhà thơ - Lê Đạt

- Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác - Hô-me-rơ

- Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời

- Xúy Vân giả dại

- Huyện đường

- Múa rối nước hiện đại soi bóng tiền nhân

1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt

- Từ Hán Việt

- Lỗi dùng từ và trật tự từ

- Lỗi mạch lạc và liên kết trong đoạn văn, văn bản

- Sử dụng trích dẫn, cước chú và đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản

2. Soạn bài Ôn tập Học kì 1 Ngữ văn 10 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Câu 1: Lập bảng tổng hợp hay vẽ sơ đồ tư duy về danh mục các loại, thể loại và nhan đề các văn bản đọc trong Ngữ Văn 10, tập một.

Trả lời:

STT

Loại/Thể loại

Nhan đề

1

Thần thoại

Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới

2

Truyền kì

Tản Viên từ Phán sự lục

3

Truyện ngắn

Chữ người tử tù

4

Thần thoại

Tê-dê

5

Thơ Hai-cư

Chùm thơ hai-cư Nhật Bản

6

Thơ  Đường luật

Thu hứng (Cảm xúc mùa thu)

7

Thơ mới

Mùa xuân chín

8

Thơ

Cánh đồng

9

Nghị luận

Hiền tài là nguyên khí quốc gia

10

Nghị luận

Yêu và đồng cảm

11

Nghị luận

Chữ bầu lên nhà thơ

12

Nghị luận

Thế giới mạng và tôi

13

Sử thi

Héc – to từ biệt Ăng-đrô- mác

14

Sử thi

Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời

15

Sử thi

Ra-ma buộc tội

16

Chèo

Xúy Vân giả dại

17

Tuồng

Huyện đường

18

Múa rối nước

Múa rối nước- hiện đại soi bóng tiền nhân

19

Tuồng

Hồn thiêng đưa đường

Câu 2: Trình bày khái quát những kiến thức thu nhận được về đặc điểm từng loại, thể loại văn bản đọc đã học trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập một theo bảng gợi ý sau:

STT

Loại, thể loại

Đặc điểm (nội dung và hình thức)

1

Sử thi

 

2

   

Trả lời:

STT

Loại, thể loại

Đặc điểm (nội dung và hình thức)

1

Thần thoại

- Về nội dung: Thể hiện quan niệm về vũ trụ và khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên của con người thời nguyên thủy

- Về hình thức:

+ Mang tính nguyên hợp: chứa đựng các yếu tố nghệ thuật, tôn giáo, triết học, lịch sử...

+ Có cốt truyện đơn giản: có thể là cốt truyện đơn tuyến, tập trung vào một nhân vật hoặc là một tổ hợp nhiều cốt truyện đơn (tạo thành một “hệ thần thoại)

+ Nhân vật chính: là các vị thần/những con người có nguồn gốc thần linh...được miêu tả với hình dạng khổng lồ, hoặc với sức mạnh phi thường...

+ Câu chuyện trong thần thoại gắn liền với thời gian phiếm chỉ, mang tính ước lệ và không gian vũ trụ với nhiều cõi khác nhau
+ Lối tư duy hồn nhiên, chất phác, ý tưởng bay bổng, lãng mạn.

2

Truyện truyền kì

- Về nội dung:

+ Kể về những câu chuyện kì lạ

+ Có nguồn gốc từ Trung Quốc

+ Khi về Việt Nam thì các tác giả trung đại Việt Nam đã sử dụng một cách sáng tạo thể loại truyền kì để phản ánh những vấn đề thiết yếu của con người, thời đại

- Về hình thức:

+ Sử dụng nhiều yếu tố kì ảo

+ Xây dựng các nhân vật có hành trạng khác thường

3

Thơ Hai-cư

- Về nội dung:

Biểu hiện những rung cảm của con người trước thiên nhiên bằng những hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng nhưng cũng đậm tính tượng trưng

- Về hình thức:

+ Bài thơ Hai-cư trong tiếng Nhật chỉ gồm 3 dòng (dòng 1 và dòng 3 có năm âm tiết, dòng 2 có bảy âm tiết)

+ Thơ Hai-cư hiện đại có những đặc điểm riêng về bút pháp trong khi đó vẫn bảo lưu một số nguyên tắc quan trọng của tư duy và mĩ cảm của thơ Hai-cư truyền thống:

  • Được cấu từ quanh một phát hiện mang tính chất “bùng ngộ” về mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng, về sự tương thông đầy bí ẩn giữa thế giới và con người
  • Thiên về khơi gợi hơn là miêu tả và diễn giải

+ Kiệm lời mà vẫn gợi nhiều cảm xúc và suy tưởng

4

Thơ Đường Luật

- Về dạng: Thơ Đường luật có 3 dạng chính:

+Thơ bát cú (8 câu)

+ Thơ tuyệt cú (4 câu)

+ Thơ bài luật (dạng kéo dài của thơ Đường Luật)

- Về bố cục:

+ Một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật gồm 4 cặp câu (liên thơ), tương ứng với bốn phần: đề - thực – luận – kết.

+ Bài thơ chỉ gieo 1 vần (là vần bằng) ở các câu 1-2-4-6-8 (chữ cuối của câu thứ nhất có thể gieo vần hoặc không).

+ Về luật bằng trắc: Có quy định về sự hòa thanh trong từng câu và trong các bài để đảm bảo sự cân bằng, hài hòa cho âm hưởng của toàn bộ bài thơ.

+ Về đối: Đối ở câu thực và câu luận

- Tứ thơ: xây dựng theo các mối quan hệ tương đồng hay là đối lập, tả ít gợi nhiều, tả gián tiếp hơn là trực tiếp.

5

Thơ mới

- Về nội dung: Bộc lộ những tình cảm, cảm xúc cá nhân cũng như ý thức cá tính của con người với nhiều biểu hiện đa dạng, độc đáo

- Về hình thức:

+ Đột phá mạnh mẽ khỏi những nguyên tắc thi pháp chi phối mười thế kỉ thơ trung đại trước đó

+ Bài thơ được tổ chức theo dòng chảy tự nhiên của cảm xúc thay vì theo mô hình luật thơ đã định sẵn từ trước.

+ Câu thơ, các phương thức gieo vần, ngắt nhịp, tạo nhạc điệu trở nên linh hoạt, tự do hơn

+ Hình ảnh thơ bộc lộ rõ nét dấu ấn chủ quan trong cách quan sát, cảm nhận và tưởng tượng về thế giới

6

Văn bia

- Về nội dung: Ghi chép những sự kiện quan trọng hoặc tên tuổi, sự nghiệp của những người có công đức lớn để lưu truyền hậu thế

- Về hình thức:

+ Là loại văn được khắc trên bia đá

+ Gồm nhiều thể khác nhau

+ Là những áng văn nghị luận độc đáo, giàu hình tượng, chứa đựng giá trị tư tưởng, nhân văn sâu sắc.

7

Sử thi

- Về nội dung: 

+Xoay quanh những biến cố trọng đại liên quan đến vận mệnh của toàn thể cộng đồng như chiến tranh hay công cuộc chinh phục thiên nhiên để ổn định và mở rộng địa bàn cư trú.

+ Không chỉ lưu dấu những biến cố quan trọng trong lịch sử của một cộng đồng, mà còn phản ánh diện mạo đời sống tinh thần, hệ giá trị, niềm tin của cộng đồng ấy.

- Về hình thức: Là thể loại tự sự sài
+ Dung lượng đồ sộ

+ Ra đời vào thời cổ đại

+ Nhân vật sử thi: Là người anh hùng đại diện cho sức mạnh, phẩm chất lí tưởng và khát vọng chung của cộng đồng, có thể bao quát cả thế giới thần linh và con người.

+ Thời gian sử thi là quá khứ thiêng liêng, thuộc về một thời đại xa xưa được cộng đồng ngưỡng vọng

+ Lời kể trong sử thi: thành kính, trang trọng, nhịp điệu chậm rãi, trần thuật tỉ mỉ, lặp đi lặp lại những từ ngữ khắc họa đặc điểm cố định của nhân vật, sự vật thường xuyên sử dụng thủ pháp so sánh trùng điệp, mang tính khoa trương, cường điệu.

8

Chèo

- Về đặc điểm:

+ Là một loại kịch hát dân gian, phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ

+ Nghệ thuật chèo mang tính tổng hợp, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nói, hát, múa với sự hỗ trợ của các đạo cụ, nhạc khí dân tộc độc đáo, trên cơ sở một tích trò (còn gọi là tích truyện, chèo bán hay đơn giản là tích có sẵn)

+ Tích trò: Là yếu tố đầu, là điểm tựa cho toàn bộ hoạt động biểu diễn, tuy có tính ổn định nhưng vẫn có thể thêm thắt, bổ sung cho diễn viên.

+ Nhân vật của chèo: gồm nhiều hạng người trong xã hội, có địa vị, nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác khác nhau. Gồm 2 loại chính: vai chín (tích cực) và vai lệch (tiêu cực). Mỗi nhân vật thường tự biểu hiện mình bằng một số làn điệu hát và động tác múa đặc trưng.

9

Tuồng

- Về đặc điểm:

+ Là một loại hình kịch hát cổ truyền của dân tộc, bao gồm 2 loại chính khác biệt nhau là: tuồng cung đình và tuồng dân gian.

+ Nghệ thuật tuồng: mang tính tổng hợp, phối hợp cả văn học, ca nhạc và vũ đạo. Tích tuồng dân gian giàu yếu tố hài, hướng tới châm biếm các thói hư tật xấu hay đả kích một số hạng người nhất định trong xã hội. Một tích tuồng thường có nhiều dị bản (do được bổ sung, nắn chỉnh thường xuyên trong quá trình biểu diễn, lưu truyền)

Câu 3: Tổng hợp các nội dung thực hành Tiếng Việt đã thực hiện trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập một theo bảng gợi ý sau:

STT

Nội dung thực hành

Ý nghĩa của hoạt động thực hành

1

   

2

   

Trả lời:

STT

Nội dung thực hành

Ý nghĩa của hoạt động thực hành

1

Sử dụng từ Hán Việt

- Giúp học sinh nhận biết được từ Hán Việt

- Giúp học sinh giải thích được nghĩa của các từ ngữ Hán Việt

- Nhận biết được ý nghĩa của việc sử dụng từ Hán Việt

- Khiến học sinh lưu ý khi dùng từ Hán Việt (đảm bảo đúng ý nghĩa, ngữ cảnh).

2

Lỗi dùng từ, lỗi về trật tự từ và cách sửa

- Giúp học sinh nhận biết được lỗi sai khi dùng từ và sửa lỗi sai đó

- Giúp học sinh nhận biết được các lỗi về trật tự từ và sửa lỗi sai 

- Đưa ra được các phương án sửa lỗi sai phù hợp.

3

Lỗi về liên kết và mạch lạc trong đoạn văn, văn bản: Dấu hiệu nhận biết và cách chỉnh sửa

- Giúp học sinh hiểu thế nào là liên kết và mạch lạc trong đoạn văn, văn bản

- Nhận biết được dấu hiệu của sự mạch lạc

- Thấy được những lỗi sai khi liên kết, diễn đạt

- Đưa ra được các phương án sửa lỗi sai đó.

4

Sử dụng trích dẫn, cước chú và cách đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản

- Giúp học sinh hiểu ý nghĩa của việc trích dẫn, cước chú và cách đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản

- Nâng cao kỹ năng sử dụng trích dẫn

- Giáo dục cho học sinh sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Câu 4: Liệt kê các kiểu bài viết đã thực hiện trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập một và nêu vắn tắt yêu cầu của từng kiểu bài theo bảng gợi ý sau:

STT

Kiểu bài viết

Yêu cầu của kiểu bài viết

1

Văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

 

2

   

Trả lời:

STT

Kiểu bài viết

Yêu cầu của kiểu bài viết

1

Văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

    Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện (chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật)

+ Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện (nhan đề, tên tác giả,...) và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm

+ Tóm tắt tác phẩm truyện (vừa đủ để người đọc nắm được nội dung chính)

+ Phân tích cụ thể, rõ ràng về tác phẩm truyện (chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng) với những cứ liệu sinh động

+ Đánh giá về tác phẩm truyện dựa trên các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục

+ Khẳng định giá trị của tác phẩm truyện.

2

Văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

+ Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ được chọn 

+ Chỉ ra và phân tích được những đặc sắc độc đáo của bài thơ 

+ Đánh giá giá trị của bài thơ về phương diện nghệ thuật cũng như ý nghĩa nhân sinh.

3

Bài luận thuyết phục

   Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm

+ Nêu được thói quen hay quan niệm cần từ bỏ

+ Chỉ ra được các biểu hiện hoặc khía cạnh của thói quen hay quan niệm cần từ bỏ

+ Phân tích tác động tiêu cực của thói quen hay quan niệm đó đối với cá nhân và cộng đồng

+ Nêu những giải pháp mà người đọc được thuyết phục có thể thực hiện để từ bỏ một thói quen hay quan niệm không phù hợp.

4

Báo cáo nghiên cứu

    Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề

+ Nêu được đề tài và vấn đề nghiên cứu được đặt ra trong báo cáo

+ Trình bày được kết quả nghiên cứu thông qua hệ thống các luận điểm sáng rõ, thông tin xác thực.

+ Khai thác được các nguồn tham khảo chính xác, đáng tin cậy, sử dụng các trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ phù hợp, thể hiện sự minh bạch trong việc kế thừa những kết quả nghiên cứu đã có.

5

Báo cáo nghiên cứu

   Viết báo cáo nghiên cứu 

+ Nêu được vấn đề muốn nghiên cứu về sân khấu dân gian Việt Nam

+ Biết sử dụng những phương pháp nghiên cứu phù hợp

+ Xây dựng được hệ thống luận điểm sáng rõ, làm nổi bật được các kết quả nghiên cứu với những cứ liệu minh họa cụ thể, sát hợp

+ Sử dụng ngôn ngữ khách quan, khoa học để trình bày kết quả nghiên cứu và thể hiện quan điểm đánh giá riêng

+ Khái quát được ý nghĩa của vấn đề sân khấu dân gian đã chọn nghiên cứu.

+ Thể hiện được thái độ trung thực khi kế thừa kết quả nghiên cứu của những người khác.

Câu 5: Nhớ lại các nội dung của hoạt động nói và nghe đã thực hiện trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập một và cho biết:

- Nội dung nói và nghe nào đã từng quen ở cấp học Trung học cơ sở? Yêu cầu nâng cao đối với các nội dung nói và nghe đó là gì?

- Nội dung nói và nghe nào lần đầu được thực hiện với sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập một? Nêu những thách thức của nội dung nói và nghe đó.

Trả lời:

Nội dung nói và nghe nào đã từng quen ở cấp học Trung học cơ sở:

Nội dung nói và nghe đã học ở cấp THCS

Yêu cầu nâng cao của các nội dung đó

Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện

+ Trình bày được các nhận định, đánh giá về tác phẩm truyện một cách thuyết phục

+ Nêu luận điểm rõ ràng, phối hợp hợp lí phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ làm nổi bật nội dung thuyết trình

Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ

+ Làm rõ được niềm hứng thú của bản thân đối với những nét đặc sắc về nội dung và hình thức của một tác phẩm thơ

+ Nêu lên quan điểm cá nhân về vấn đề thuyết trình, thuyết phục được người nghe và đặt câu hỏi để gợi những thảo luận xa hơn

+ Thể hiện được sự tôn trong cách cảm nhận, đánh giá đa dạng đối với một tác phẩm thơ.

Thảo luận về một vấn đề đời sống có ý nghĩa khác nhau

+ Bao quát được diễn biến của cuộc thảo luận (những ý kiến đã nêu, những điều đã được làm rõ, những điều cần được trao đổi thêm...)

+ Thể hiện được thái độ tán thành hay phản đối trước những ý kiến đã phát biểu

+ Tôn trọng người đối thoại để cùng tìm tiếng nói chung về vấn đề

Nội dung nói và nghe nào lần đầu được thực hiện với sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập một

Nội dung lần đầu được đưa vào chương trình Ngữ Văn 10

Những thách thức của nội dung nói và nghe đó

Trình bày báo cáo nghiên cứu về một vấn đề

+ Khai thác được các nguồn tham khảo chính xác, đáng tin cậy, sử dụng các trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ phù hợp, thể hiện sự minh bạch trong việc kế thừa những kết quả nghiên cứu đã có.

Lắng nghe và phản hồi về nội dung của 1 bài thuyết trình kết quả nghiên cứu (Báo cáo về kết quả nghiên cứu)

+ Xây dựng được hệ thống luận điểm sáng rõ, làm nổi bật được các kết quả nghiên cứu với những cứ liệu minh họa cụ thể, sát hợp

+ Sử dụng ngôn ngữ khách quan, khoa học để trình bày kết quả nghiên cứu và thể hiện quan điểm đánh giá riêng

+ Khái quát được ý nghĩa của vấn đề sân khấu dân gian đã chọn nghiên cứu.

+ Thể hiện được thái độ trung thực khi kế thừa kết quả nghiên cứu của những người khác.

Các em có thể tham khảo bài giảng để củng cố hơn nội dung bài học

3. Hướng dẫn luyện tập

3.1. Đọc

Ghi vào vở chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 3)

Câu 1: Văn bản thuộc loại nào?

A. Văn bản văn học

B. Văn bản thông tin

C. Văn bản nghị luận

D. Văn bản đa phương thức

Đáp án C: Văn bản nghị luận

Câu 2: Câu nào trong bài viết khái quát đầy đủ đặc trưng của cảnh vật được gợi lên ở bài thơ Thiên Trường vãn vọng?

A. Bài thơ tả một cảnh thôn quê như muôn vàn cảnh thôn quê lúc chiều xuống.

B. Cảnh giản đơn, đạm bạc, quê mùa mà sức chưa đựng lớn lao, kì vĩ.

C. Không thể nào khác là một cảnh thanh bình, yên ả, phơn phớt chút tươi vui hiền lành, thầm lặng phát ra từ một cuộc sống có phần ấm no, hạnh phúc.

D. Chiều đã tà nhưng xóm thôn chưa đi vào hoàng hôn hẳn.

Đáp án C. 

Câu 3: Bài viết được triển khai theo trình tự nào?

A. Phân tích lần lượt từng câu thơ một.

B. Giải nghĩa từ ngữ trước, sau đó đi vào phân tích ý nghĩa các câu thơ và bài thơ.

C. Phân tích văn bản thơ, tiếp đó mở rộng liên hệ tới hoàn cảnh sáng tác và vị thế của tác giả bài thơ.

D. Nêu cảm nhận chung về bài thơ, phân tích bài thơ, đánh giá ý nghĩa bài thơ.

Đáp án C. Phân tích văn bản thơ, tiếp đó mở rộng liên hệ tới hoàn cảnh sáng tác và vị thế của tác giả bài thơ

Làm bài tập

Câu 1: Tìm trong văn bản những câu cho thấy tác giả Lê Trí Viễn thường xuyên đặt bài thơ vào bối cảnh ra đời của nó để thẩm bình, đánh giá.

Trả lời:

Những câu cho thấy tác giả Lê Trí Viễn thường xuyên đặt bài thơ vào bối cảnh ra đời của nó để thẩm bình, đánh giá là:

- Nhà thơ là thiền sư, con mắt thế tục nhưng tâm thiền.

- Mọi sự náo loạn, đốt phá, cướp bóc, giết chóc hủy diệt dã man của giặc đã qua.

- Từng đôi có trống, có mái chứ không tán loạn, tan tác như thời còn giặc.

- Chuẩn bị sẵn sàng, kín đáo cho no ấm và cho hạnh phúc sinh sôi.

- Không núi cao sông rộng, không thời gian “nghìn năm mây trắng còn bay”, không không gian “vạn lý thiền”, chỉ một khoảnh khắc chiều tà, một góc xóm nhà dân giữa dăm vạt ruộng nương vậy mà là âm vang của cả non sông, đất nước hồi sinh sau khi sạch bóng quân thù – một quân thù khét tiếng, đến đâu là ở đó cỏ cũng không còn mọc nữa.

- “Ở đất nước này, vừa qua, đúng là để có được một bước chân trâu đi thanh bình phải trả bằng bao nhiêu xương máu, xương máu dân, cả xương máu mình”.

Câu 2: Những hiểu biết về con người và vị thế xã hội của Trần Nhân Tông đã giúp tác giả khám phá được giá trị nổi bật gì của Thiên Trường vãn vọng?

Trả lời:

Những hiểu biết về con người và vị thế xã hội của Trần Nhân Tông đã giúp tác giả khám phá được giá trị nổi bật của Thiên Trường vãn vọng là:

- Đây là bài thơ vẽ nên bức tranh cảnh vật làng quê trầm lặng mà không đìu hiu.

- Thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau một cách nên thơ.

- Tác giả của bài thơ Thiên Trường vãn vọng là người có mối quan hệ gắn bó máu thịt với cuộc sống bình dị. Mặc dù là vua nhưng Người luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân.

Câu 3: Những yếu tố nào của thơ nói chung đã được đặc biệt lưu ý xem xét, phân tích trong văn bản này?

Trả lời:

Những yếu tố của thơ nói chung đã được đặc biệt lưu ý xem xét, phân tích trong văn bản là:

- Hình thức tổ chức ngôn từ

- Mô hình thi luật

- Nhịp điệu thơ

- Nhân vật trữ tình

- Hình ảnh thơ

3.2. Viết

Câu hỏi: Câu nào trong bài viết khái quát đầy đủ đặc trưng của cảnh vật được gợi lên từ bài thơ Thiên Trường vãn vọng.

Trả lời:

Câu văn khái quát đầy đủ đặc trưng của cảnh vật được gợi lên từ bài thơ Thiên Trường vãn vọng: “Không thể nào khác là một cảnh thanh bình, yên ả, phơn phớt chút tươi vui hiền lành, thầm lặng phát ra từ một cuộc sống có phần ấm no, hạnh phúc.”

Đề: Hãy viết bài văn nghị luận phân tích/đánh giá một tác phẩm văn học mà bạn yêu thích.

Trả lời:

     Không biết đã từng có, sẽ còn có bao nhiêu bài viết về Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải? Vậy điều gì đã làm nên sức sống lâu bền cho bài thơ? Mỗi người sẽ có một cách lý giải không hoàn toàn giống nhau, nhưng chắc chắn sẽ gặp nhau ở một điểm chung cơ bản là: chính sự chân thành, giản dị của cảm xúc đã làm nên sức sống cho tác phẩm này!

    Trước hết cần phải khẳng định rằng, Thanh Hải hoàn toàn có quyền tự hào về cái “tôi” đã sống hết “công suất” từ tuổi 17 đến tuổi 50 của mình. Thông thường, khi con người biết chắc chắn rằng, mình đang sống trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời thì bao giờ người ta cũng tự soát xét lại nhân cách của mình một cách nghiêm khắc nhất. Vì thế, lúc nằm trên giường bệnh, Thanh Hải mới thấm thía nỗi cô đơn, bất lực của một cá nhân khi đang dần dần bị tách ra khỏi cộng đồng, một con người đang bị tước dần quyền làm việc. Chính tình cảm bị nén chặt đã bùng nổ thành khát vọng, thành bệ phóng cho sự sáng tạo. Nếu bản chất của sự sáng tạo là sự bất tử thì đây chính là khoảnh khắc thăng hoa tất cả những gì mà Thanh Hải đã chiêm nghiệm để viết thành bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Và khổ thơ đầu đã xuất hiện thật tự nhiên:

                              Mọc giữa dòng sông xanh

                              Một bông hoa tím biếc

                              Ơi con chim chiền chiện

                              Hót chi mà vang trời

                              Từng giọt long lanh rơi

                              Tôi đưa tay tôi hứng

     Khi Thanh Hải viết “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc” thì đây không chỉ là ngoại cảnh hay tâm cảnh, mà còn mang dáng dấp của một triết lí sống và sự bất tử. Dòng sông xanh vừa là chính nó và cũng vừa là một hình tượng về thời gian. Đó là dòng chảy vô thủy vô chung, vô tận và lạnh lùng của thời gian. Nó vừa là tác nhân tạo dựng, nâng niu “Một bông hoa tím biếc”, đồng thời cũng là một tác nhân bào mòn, hủy diệt tất cả. “Bông hoa tím biếc” đang hiện hữu kia sẽ trở thành hòai niệm để ngày mai sẽ có một bông hoa khác, cùng loài. Dòng sông thì vĩnh cửu, còn bông hoa dù có rực rỡ đến đâu chăng nữa thì cuối cùng cũng trở thành dĩ vãng. Cũng như mỗi đời người, dù có chói sáng đến đâu chăng nữa, rốt cuộc vẫn phải ra đi theo quy luật sinh tử của muôn đời.

     Thông qua các hình tượng nghệ thuật, chúng ta có thể cảm nhận được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, ngay trong mạch cảm xúc buồn nhớ mênh mông, trong tâm tưởng của ông vẫn vang lên những âm thanh reo vui của cuộc sống: “Ơi con chim chiền chiện / Hót chi mà vang trời”. Tiếng chim hót là âm thanh của tự nhiên nhưng nó đã cộng hưởng với tiếng reo vui trong tâm hồn của nhà thơ, đó là tiếng reo vui của niềm tự hào về cái “tôi” trọn vẹn và thanh thản. Một bông hoa có thể sẽ tàn nhưng vẻ đẹp của nó thì vẫn còn ám ảnh lâu bền trong tâm trí con người. Một con người có thể sẽ phải ra đi vĩnh viễn, nhưng những đóng góp có giá trị về tinh thần của con người ấy thì có thể sẽ còn mãi với thời gian. Với niềm tự hào chân thành ấy, nhà thơ dường như đã bứt hẳn ra khỏi tâm trạng man mác hư vô để hòa mình vào không khí rộn rã, náo nức của mùa xuân; để cảm nhận và thâu nhận được cái “hồn vía” tưởng như rất vô hình của không gian và thời gian đang thấm đẫm sắc xuân, hương xuân: “Từng giọt long lanh rơi / Tôi đưa tay tôi hứng”. Chúng ta đã từng bất lực trước một “tiếng huyền” trong Thơ duyên của Xuân Diệu, một “vị xa xăm” trong Quê hương của Tế Hanh, nay có lẽ cũng sẽ bất lực trước “Từng giọt long lanh rơi” của Thanh Hải? Bất lực vì không thể giải thích một cách tường minh xem “tiếng huyền” là tiếng gì, “vị xa xăm” là vị gì và “từng giọt” là giọt gì, nhưng vẫn có thể cảm nhận bằng linh giác, bằng trí tưởng tượng... về cái hay, về vẻ đẹp và sự độc đáo của các hình tượng đa nghĩa này. Nếu “tiếng huyền” là những âm thanh xao xuyến ngân vang trong tâm hồn để trở thành âm hưởng chủ đạo cho “một cõi yêu đương”, “vị xa xăm” là hoài niệm về một thời thăm thẳm thì “từng giọt” có thể là những niềm vui lớn có khả năng làm hồi sinh lòng ham sống của một con người đang ý thức rất sâu sắc về cái chết không sao cưỡng nổi đang đến với mình từ từ, lạnh lùng và tàn nhẫn! Hiểu như thế chúng ta mới có thể đồng cảm và xúc động trước một hành động tha thiết hướng tới sự sống của nhà thơ: “Tôi đưa tay tôi hứng”!

      Từ hành động tha thiết hướng tới sự sống ấy, tác giả đã tái hiện cuộc sống lao động và chiến đấu sôi nổi, háo hức mà mình từng gắn bó suốt đời:

                                     Mùa xuân người cầm súng

                                     Lộc giắt đầy trên lưng

                                     Mùa xuân người ra đồng

                                     Lộc trải dài nương mạ

                                     Tất cả như hối hả

                                     Tất cả như xôn xao...

      Đây là niềm vui được bắt nguồn từ niềm tin sắt đá vào tương lai của đất nước:

                                     Đất nước bốn nghìn năm

                                     Vất vả và gian lao

                                     Đất nước như vì sao

                                     Cứ đi lên phía trước

     Đất nước hình thành, tồn tại và phát triển trong chiều dài của “bốn ngàn năm” lịch sử và chiều sâu của những nghĩ suy trăn trở để tỏa sáng “như vì sao” trong kí ức của mỗi con dân đất Việt. Chính “vì sao” ấy là vầng hào quang của quá khứ và cũng là điểm tựa tinh thần cho hiện tại. Như mọi công dân chân chính khác, trong cái “Vất vả và gian lao” của đất nước, tác giả cũng có phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình, đó là phần đóng góp tự nguyện như một lẽ sống:

                            Ta làm con chim hót

                            Ta làm một cành hoa

                            Ta nhập vào hòa ca

                            Một nốt trầm xao xuyến

      Cái “tôi” của nhà thơ như một dòng suối nhỏ khiêm nhường đã hòa vào cái “ta” của “dòng sông xanh” trên quê hương, đất nước mình. Từ vị thế của cái “ta, chúng ta”, tức là vị thế của người trong cuộc, nhà thơ đã chân thành tâm sự với bạn bè, đồng chí của mình về một lẽ sống thật giản dị.

     Bài thơ ra đời vào tháng 11 năm 1980, đó là một năm trong thập kỷ (1976 – 1986) khi đất nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt gay gắt. Làm sao Thanh Hải lại không buồn về những điều đó? Nguyễn Duy “giật mình” trước “đột ngột vầng trăng tròn” thi Thanh Hải chắc cũng giật mình khi chợt nghe tiếng chim hót, bông hoa nở... thì đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại; đó là những giá trị vĩnh cửu; đó là cái đẹp vĩnh cửu... Thế còn cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người? Trong quan hệ giữa cái “tôi” với cái “ta”? Liệu có vĩnh cửu không? Thanh Hải không trả lời trực tiếp câu hỏi này mà thay vào đó bằng một lời nhắn nhủ. Ông đã nhắn nhủ điều gì? “Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến”. Làm con chim thì phải có tiếng hót riêng. Làm bông hoa thì phải có hương sắc riêng. Nhưng những cái riêng ấy chỉ được xác lập giá trị trong quan hệ với cái chung, tức là với những cá thể cùng loài xung quanh. Không thể và cũng không nên so sánh giữa tiếng hót của con chim với hương sắc của bông hoa, cái nào có ích hơn, cái nào quan trong hơn?... Mỗi người cũng vậy, có một giá trị riêng không thể so sánh. Vì thế trong bản “hòa ca” đoàn kết, nên có người ở vị trí khiêm tốn như một “nốt trầm”. Nhưng một “nốt trầm” ấy phải có bản sắc riêng của mình như tiếng hót riêng của mỗi con chim và hương sắc riêng của mỗi bông hoa bởi đó là bản “hòa ca” có “nhạc luật” chứ đâu phải là “hòa tan”: một cách vô vị, nhạt nhẽo?

       Nếu mùa xuân của đất nước là một mùa xuân lớn thì mùa xuân lớn lại được kết dệt bởi muôn vàn những mùa xuân nhỏ khác, đó là mùa xuân của mỗi đời người:

                                 Một mùa xuân nho nhỏ

                                 Lặng lẽ dâng cho đời

                                 Dù là tuổi hai mươi

                                 Dù là khi tóc bạc

       Mỗi đời người lại giống như một dòng suối nhỏ lặng lẽ góp nước cho một dòng sông lớn để dòng sông lớn ấy góp nước cho đại dương. Cái sự “góp nhặt” ấy cứ lặp đi lặp lại tới muôn đời, cho dù là có tự giác hay không tự giác thì nó vẫn cứ diễn ra như vậy, không thể nào khác! Điều quan trọng là ở chỗ sự “góp nhặt” ấy phải kiên trì, bền bỉ trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc đời để cuối cùng nó vượt lên hoàn cảnh như một đức hi sinh cao cả: “Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”. Đó chính là phẩm chất cao quý của ý thức tự nguyện hi sinh cái “tôi” cho cái “ta” bao la của mùa xuân đất nước:

                              Mùa xuân – ta xin hát

                              Câu Nam ai, Nam bình

                              Nước non ngàn dặm mình

                              Nước non ngàn dặm tình

                              Nhịp phách tiền đất Huế

      Mùa xuân đẹp quá khiến ta bất giác cất lên lời. Tất cả đều xao xuyến, bồi hồi trong giai điệu buồn của câu “Nam ai” và chất trữ tình của câu “Nam bình”; trong “nhịp phách tiền” rất đỗi thân quen nhưng dường như bỗng trở nên da diết như một lời chào tiễn biệt? Trong cái mênh mông của “Nước non ngàn dặm”, nơi nào mà chẳng thấm đẫm tình bạn, tình người và tình yêu? Nơi nào mà ta chăng lưu luyến, bâng khuâng? Vì thế mà nỗi nhớ nhung cũng mênh mông không bến bờ! Giờ đây, nằm trên giường bệnh, ta dường như đang trôi trong vầng hào quang của hoài niệm... Cuộc đời ồn ào náo động xa dần, mơ hồ, văng vẳng...nhưng dường như càng xa nó càng trở nên cồn cào hơn, tha thiết hơn!

3.3. Nói và nghe

Câu hỏi: Chọn thực hiện theo nhóm học tập các nội dung nói và nghe sau đây:

Nội dung 1: Thảo luận về một vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn, dựa trên những hiểu biết và trải nghiệm riêng của mình (chú ý sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ).

Nội dung 2: Giới thiệu và đánh giá về một tác phẩm văn học (thơ trữ tình, truyện thần thoại, sử thi, kịch bản chèo, tuồng dân gian....) theo danh mục được gợi ý trong các phần củng cố, mở rộng sau mỗi bài học.

Nội dung 3: Lớp học của bạn đã có những hoạt động trải nghiệm gì trong thời gian qua? Hãy lập đề cương cho bản báo cáo kết quả hoạt động trải nghiệm đó và trình bày trước nhóm học tập.

Trả lời:

Chọn nội dung 1: VD: Bàn về thơ, nhà phê bình văn học Belinsky (1811- 1848) cho rằng: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó là nghệ thuật. Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

1. Mở bài: Dẫn dắt và trích dẫn câu nói cần nghị luận, nêu vấn đề nghị luận: Giá trị của thơ.

2. Thân bài

- Giải thích ý nghĩa câu nói: Vai trò của cuộc đời với thơ ca, giá trị của thơ ca là cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

- Thơ trước hết là cuộc đời:

  + Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của văn chương là gắn bó sâu sắc với cuộc sống và vì cuộc sống - giá trị nhân đạo.

  + Thơ được kết tinh bởi những rung động và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ với thế giới xung quanh nên chất liệu thơ chính là những chất liệu từ cuộc sống. Đó có thể là những sự vật hoặc từ chính cuộc đời nhà thơ.

  + Lấy dẫn chứng phân tích: Sang thu, Tây Tiến... phân tích chất liệu cuộc đời được sử dụng để sáng tạo bài thơ.

  + Đánh giá lại giá trị của thơ.

- Thơ là nghệ thuật:

  + Nếu cuộc đời bước vào trong thơ mà không được trau chuốt sẽ thô sơ và không có tính nghệ thuật.

  + Tất cả chất liệu cuộc sống được phát hiện và chọn lựa đều phải được mài giũa mới trở thành hình ảnh thơ.

  + Nhà thơ thường sử dụng các biện pháp nghệ thuật để đưa cuộc sống bình thường vào những bài thơ dạt dào cảm xúc

  + Dẫn chứng: thơ Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Huy Cận...

3. Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa câu nói và rút ra bài học tiếp nhận văn học.

4. Hỏi đáp về bài Ôn tập Học kì 1 Ngữ văn 10 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF