YOMEDIA
NONE

Em hãy viết bài văn nghị luận về đoạn trích Chiếc lá cuối cùng

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Thế giới này được tạo ra bởi những lan tỏa và sẻ chia. Có những điều khi cho đi ta còn nhận được nhiều hơn là mất. Có những tình cảm được chia nhỏ, lan tỏa và hàn gắn lại thế giới. Đó là tình yêu thương. Tình cảm ấy nằm trong những cái ôm, những lời nói, những cử chỉ, và đôi khi là trong cả ... chiếc lá. Tình đời trong chiếc lá được O.Henry thể hiện độc đáo trong đoạn trích: “Chiếc lá cuối cùng”.

     O.Henry được biết đến là nhà văn truyện ngắn nổi tiếng của Mĩ. Truyện của ông hấp dẫn với tình tiết ngẫu nhiên, có lúc khắc nghiệt hoặc oái oăm, hoặc mỉa mai, nhiều lúc khôi hài hoặc dở khóc dở cười. Để rồi kết thúc trong bất ngờ, làm người đọc thích thú nhưng không quá sướng thỏa, hoặc bâng khuâng nhưng không quá nặng nề. Với ông, “Từ mọi nơi. Mọi thứ đều mang câu chuyện”. Những câu chuyện được lấy trong cuộc sống hằng ngày, những tình huống được lấy ngay từ cuộc đời nóng hổi để đem đến những bài học chẳng bao giờ là xa vời hay khó hiểu. Điều đó cũng được thể hiện trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”. Câu chuyện diễn ra ở một một khu nhỏ phía tây công viên Washington nơi các nghệ sĩ nghèo thường đến thuê phòng với giá rẻ. Phòng của hai nữ họa sĩ trẻ Jonhsy và Siu ở trên tầng thượng, phía cuối là nơi ở của cụ Behrman gần 60 tuổi, nghiện rượu nặng. Đã hơn 40 năm nay, ngòi bút của cụ chưa với tới gấu áo của vị nữ thần nghệ thuật. Cụ luôn có ý định vẽ một bức tranh kiệt tác để đời nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Mùa đông năm ấy, bị chứng viêm phổi hoành hành, Jonhsy mười phần chỉ hi vọng được một. Cô chấp nhận buông xuôi, ngồi đếm những chiếc lá thường xuân trên tầng đối diện và tin rằng chiếc lá cuối cùng rụng cũng là lúc cô ra đi. Siu thương em, tận tình chăm sóc và chia sẻ chuyện đó với cụ Behrman. Qua đêm mưa tuyết lạnh lẽo, chiếc lá thường xuân vẫn trụ lại đã đem lại sức sống cho Johnsy chữa khỏi bệnh nhưng cụ Behrman đã chết vì bệnh viêm phổi. Và chiếc lá cuối cùng kia chính là tác phẩm của cụ trong đêm đông ấy.

    Câu chuyện giản dị mà bất ngờ. Ở đó, có tình chị em gắn bó, hết lòng, có ý chí nghị lực vươn lên của một cô gái. Và hơn hết, ở đó là tình người, tình người gói trong chiếc lá thường xuân bé nhỏ kia. Hình tượng chiếc lá cuối cùng là một biểu tượng nghệ thuật bất ngờ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

    Chiếc lá thường xuân bé nhỏ, tầm thường do người bàn tay của người nghệ sĩ “thường thường bậc trung” vẽ giống y như thật, khiến cho con mắt chuyên môn tinh tế của Johnsy cũng không nhận ra được. Nó được vẽ ra trong một đêm mưa rét khủng khiếp với dụng cụ chỉ là một chiếc đèn bão, một bọ quần áo ướt sũng và vài bảng màu.

    Nhưng nó đã cứu sống một con người. Chiếc lá xuất hiện kịp thời đem lại niềm tin và sức sống cho Johnsy, khơi bùng lên ngọn lửa tình đời sắp lụi tàn nơi trái tim người đồng nghiệp trẻ, khiến cô chiến thắng gã viêm phổi dai dẳng, hiểm ác. Nghị lực và mầm sống lại hồi sinh để hi vọng một ngày nào đó được làm nên những tác phẩm nghệ thuật.

    Chiếc lá không chỉ được vẽ bằng tài năng nghệ thuật mà còn bằng cả tình yêu thương con người của một người họa sĩ chân chính. Chiếc lá cuối cùng đã rụng, còn lại mãi trên tường không phải là một thần dược mà là một tác phẩm nghệ thuật. Dù phải đánh đổi cả mạng sống của mình, người nghệ sĩ ấy vẫn không suy nghĩ, sẵn sàng hi sinh để đem lại sự sống cho một con người. Bức tranh của họa sĩ Behrman là một kiệt tác nghệ thuật chân chính, vì nó hướng tới con người. Tình yêu thương là nguồn sức mạnh để người họa sĩ hướng ngòi bút của mình để hoàn thành tác phẩm mang thiên chức “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Người nghệ sĩ ấy đã đem cả sinh mệnh của mình để trả lại màu xanh cho chiếc lá đã úa vàng, để đổi lấy màu hồng trên đôi má của người thiếu nữ đã xanh xao, trả lại niềm tin, nghị lực cho con người yếu đuối. Chiếc lá chính là sự hi vọng, sự hồi sinh được xây dựng bằng tình người.

    Như vậy, với nghệ thuật xây dựng tình huống độc đáo, giàu kịch tính, bất ngờ qua hai lần đảo lộn: Johnsy ốm yếu tưởng sẽ chết lại được hồi sinh, cụ Behrman khỏe mạnh bỗng dưng lại chết vì bệnh. Những câu văn giản dị mà thấm thía, nghệ thuật trần thuật không theo trình tự thời gian, tăng thêm sự kịch tính cho tác phẩm. Đặc biệt, việc xây dựng hình tượng chiếc lá mang ý nghĩa biểu tượng cao. Như một “chi tiết biết nói”, nó đã khẳng định ý nghĩa nhân văn tác phẩm cũng như tấm lòng và quan điểm của nhà văn. Với ông, tình yêu thương là cội nguồn của mọi sức mạnh và vẻ đẹp trong cuộc đời. Nó đem lại sự sống, niềm tin và biến cuộc đời này trở nên đẹp hơn. Với ông, “trên đời, chỉ có một điều ấy thôi. Đó là yêu thương nhau”, như lời của Victor Hugo đã phát biểu qua hình tượng Jean Valjean trong “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”.

    Một chiếc lá cứu sống một con người, một tác phẩm đưa con người ta đến gần hơn với cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống. “Nghệ thuật vị nhân sinh”, là hướng ta tới chân, thiện, mĩ là vì thế!

      bởi Bao Chau 25/02/2021
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON