YOMEDIA
NONE

Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm nghe tiếng sáo gọi bạn và trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài?

Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm nghe tiếng sáo gọi bạn và trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài?

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Nổi bật lên trong tác phẩm là hình tượng nhân vật Mị - một nhân vật điển hình cho nỗi khổ và sức sống vươn lên của người phụ nữ miền núi. Đoạn hay nhất viết về Mị và cũng là đoạn hay nhất của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ chính là đoạn diễn tả tâm trạng Mị trong đêm mùa xuân nghe tiếng sáo gọi bạn và trong đêm mùa đông cắt dây trói A Phủ. Qua những đoạn văn này người đọc thấy được chiều sâu nhân đạo ngòi bút Tô Hoài và tài năng nghệ thuật của nhà văn trong xây dựng nhân vật.

    Những ngày làm dâu gạt nợ, Mị phải sống trong tâm trạng đau khổ. Từ một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, nết na, Mị đã bị biến thành kẻ làm dâu trừ nợ bị bóc lột, bị đánh đập hành hạ một cách tàn nhẫn. Không cam chịu thân phận nô lệ có lúc cô đã định tìm đến cái chết. Không nên nghĩ rằng tìm đến cái chết là ở Mị đã cạn nguồn sinh lực sống. Con thuyền tự đánh đắm mình trên sông nước còn yêu sông nước hơn là con thuyền cứ để mặc cho dòng đời trôi dạt. Giải thoát bằng cái chết là tiêu cực nhưng điều đó lại chứng tỏ Mị phản kháng lại số phận.

    Không dễ gì chết được khi món nợ gia đình còn đó, khi bản chất Mị lại tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt cô buộc phải sống phải nén căm giận nuốt hờn nuốt tủi vào trong. Ẩn sau vẻ ngoài như một cái bóng vật vờ lầm lũi là tâm hồn hừng hực ngọn lửa sống. Ngọn lửa ấy đã bùng lên dữ dội vào một đêm mùa xuân.

    Mùa xuân của đất trời đã gọi dậy cả sức sống mùa xuân trong lòng Mị. Ngày tết đến, Mị cũng lén lấy rượu uống. Lúc đầu, Mị uống là theo thói quen Tết đến là phải có rượu nhưng sau đó là sự thức tỉnh của tâm linh. Mị uống rượu và uống ừng ực từng bát một, cách uống ấy đâu chỉ là nuốt hờn nuốt tủi vào trong mà còn là để rạo rực men say tuổi trẻ của một thời đã qua Men rượu đã làm nồng thêm men đời.

    Trong trạng thái nửa say nửa tỉnh, Mị nhìn những người lên đồng mà lòng cô đang sống về ngày trước giữa lúc ấy tiếng sáo gọi bạn bồi hồi tha thiết từ xa vọng tới. Mị nhẩm thầm theo bài hát của người đang thổi sáo. Thật kỳ diệu làm sao khi tiếng sáo đã làm lay động, làm thức tỉnh con người tâm linh trong Mị đưa cô từ cõi trần trở về cõi nhớ. Mị nhớ lại những ngày tháng khổ đau trong thân phận dâu trừ nợ. Khi nhớ lại điều đó, Mị đã ứa nước mắt. Lúc ấy cô chỉ muốn chết: nếu có nắm lá ngón khi ấy Mị sẽ ăn để chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Tuy nhiên tha thiết hơn, mãnh liệt hơn tiếng sáo lại đưa Mị về với những ngày hạnh phúc tươi đẹp trong quá khứ, tiếng sáo bay lửng lơ ngoài đường với những lời ngọt ngào tình tứ:

    Anh ném Pao em không bắt

    Em không yêu quả Pao rơi rồi.

    Tiếng sáo làm Mị nhớ lại những ngày chưa làm dâu gạt nợ. Ngày ấy MỊ xinh đẹp lại có tài thổi sáo, cô thổi lá cũng hay như thổi sáo, sắc đẹp và tiếng sáo của Mị đã cuốn hút bao trai bản đến mức miếng đất cạnh vách nơi Mị nằm đã nhẵn thín vì vết chân đợi chờ của bao chàng trai. Những chàng trai Mèo đã từng thổi sáo đi theo Mị hết quả núi này sang quả núi khác.

    Nhớ lại quá khứ hạnh phúc thì MỊ lại khao khát sống, khao khát hạnh phúc trong hiện tại. Viết đến đây dường như tác giả đã hóa thân vào nhân vật để diễn tả tâm trạng tinh vi phức tạp của Mị bằng hình thức ngôn ngữ nửa trực tiếp: Mị còn trẻ lắm, Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết huống chi A Sử với Mị không có lòng với nhau và vẫn ở với nhau.

    Mị muốn thoát khỏi căn buồng chật chội tối tăm. Cô lấy mỡ bỏ thêm vào đĩa đèn cho căn buồng thêm sáng. Cái ánh sáng ngọn lửa đèn ấy cũng là ánh sáng bùng lên từ cuộc đời Mị. Cô sửa lại mái tóc với chiếc váy hoa chuẩn bị đi chơi. Mị thôi làm con rùa lùi lũi trong xó cửa, Mị muốn làm cánh chim bay lên bầu trời để chào đón mùa xuân.

    Giữa lúc Mị sống trong niềm hạnh phúc với giấc mơ và khát vọng thì A Sử trở về hiểu được ý định đi chơi của Mị. Lúc ấy, A Sử lạnh lùng trói đứng Mị vào cột nhà. Hắn trói Mị lạnh lùng vô cảm, lạnh lùng tắt đèn như thản nhiên khép cửa đi chơi không mảy may xúc động. Việc A Sử trói Mị chỉ càng làm dồn tụ thêm sức sống mùa xuân trong cô. Men rượu, tiếng sáo làm Mị ngất ngây như người mộng du, tâm trạng Mị đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại cô quên mình đang bị trói. Lòng Mị hướng theo tiếng sáo gọi bạn để hướng tới cuộc vui xuân. Mị vẫn vùng bước đi mặc dù chân tay đau không cựa được. Sức sống tiềm tàng của Mị được thể hiện ngay cả trong tình huống bi thảm nhất. A Sử có thể giam Mị giữa ngày xuân chứ làm sao giam nổi sức sống mùa xuân trong cô.

    Sau cái đêm mùa xuân nghe tiếng sáo gọi bạn, Mị lại trở về với cuộc sống, với thân phận dâu gạt nợ, lại trở về với trạng thái vô cảm trong sự lầm lũi cam chịu. Giữa lúc ấy một sự việc diễn ra làm thay đổi cuộc sống, số phận Mị đó là việc A Phủ làm mất bò để bò bị hổ ăn thịt và anh trở thành vật thế mạng bị thống lý Pá Tra trói đứng chờ ngày chết khô chết héo.

    Lúc đầu nhìn thấy A Phủ bị trói, Mị trong trạng thái vô cảm vì cô đã quá quen với cảnh này trong nhà thống lý. Mị dậy sưởi lửa là theo thói quen A Phủ có là cái xác chết đứng đó là cũng thế thôi. Mị chỉ biết có ngọn lửa trở thành người bạn thân thiết sưởi ấm cô trong đêm đông lạnh giá.

    Nhưng sau đó Mị nhìn sang và nhận ra từ đôi mắt trừng trừng của A Phủ với những giọt lệ lăn trên gò má sạm đen. Những giọt nước mắt của A Phủ chính là những giọt nước mắt cuối cùng làm tràn đầy cốc nước làm thay đổi con người đi. Và những giọt nước mắt ấy cũng đã làm được điều kỳ diệu là đưa Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ. Mị nhớ lại ngày trước Mị cũng bị trói như A Phủ. Nước mắt chảy tràn trên mặt trên cổ mà không thể nào lau được, nhớ lại quá khứ của mình Mị tự thương.

    Với một tâm hồn nhân hậu của người phụ nữ như Mị thì lòng tự thương sẽ dẫn tới một tình cảm lớn lao cao đẹp đó là lòng thương người. Mị đồng cảm với người cùng cảnh ngộ. Mị nghĩ mình đã bị trình ma thì đến chết rũ xương ở nhà thống lý còn người kia vì sao lại bị trói bị hành hạ như vậy, chúng nó thật độc ác quá. Chỉ vài ngày sau thì người ấy sẽ chết khô chết héo. Từ thương người Mị đã đi tới hành động cứu người. Cô không sợ chết mà sẵn sàng chết thay cho A Phủ nên đã cắt dây trói giải thoát cho A Phủ.

    Sau khi cứu người, Mị lại trở về với lòng tự thương. Cô lại sợ chết, nhưng đó lại là biểu hiện của lòng ham sống, thương mình. Mị phải cứu chính cuộc đời mình. Vả lại Mị đã cắt được dây trói cho người thì lẽ nào lại không cắt được dây trói của chính cuộc đời mình. Hành động Mị vùng chạy theo A Phủ để thoát khỏi nhà thống lý Pá Tra là hoàn toàn hợp logic.

    Trong cả phần một của thiên truyện, Mị luôn sống trong trạng thái câm lặng luôn cúi mặt buồn rười rượi thì đây là lần duy nhất Mị ngẩng cao đầu. Lời nói duy nhất của Mị chính là tiếng nói của khát vọng giải phóng: A Phủ cho tôi đi, ở đây thì chết mất.

    Người ta thường so sánh hình ảnh nhân vật Mị với nhân vật chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Hai người phụ nữ đều có số phận đau khổ đều tiềm tàng một sức sống. Tuy không bằng Mị nhưng sức sống ở chị Dậu là sức sống tiềm ẩn không có điều kiện phát huy còn sức sống của Mị đã đơm hoa kết trái hạnh phúc trong cuộc đời mới. Chị Dậu cũng như Mị đã chạy vùng khỏi cái địa ngục trần gian trong một đêm tối trời. Nhưng không trước mặt chị Dậu là trời tối đen như mực tối, như cái tiền đồ của chị còn trước mặt Mị không phải là đêm đen mà là ánh sáng của sự sống hạnh phúc. Có sự khác nhau này là khi viết Vợ chồng A Phủ Tô Hoài đã được rọi chiếu bởi ánh sáng của cách mạng.

      bởi truc lam 11/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON