YOMEDIA
NONE

Bình giảng bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên?

Bình giảng bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên?

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Tiếng hát con tàu lôi cuốn chúng ta trước hết bằng âm hưởng thật dào dạt. Người đọc bị lôi cuốn vào từng đợt cảm xúc lúc sôi nổi trào dâng, lúc lắng sâu trầm tĩnh để rồi đi đến cao trào ở cuối bài thơ thật bay bổng, say mê và mơ mộng:

    Lấy cả những cơn mơ!

    Ai bảo con tàu không mộng tưởng

    Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng

    Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống

    Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân

    Trong sóng nhạc tâm tình ấy, ánh lên lớp lớp những hình ảnh lung linh, với những so sánh, ẩn dụ, tượng trưng mỗi lúc một mới lạ, bất ngờ. Cái thi tứ chủ đạo Tâm hồn ta đã hóa những con tàu với hình ảnh trung tâm là con tàu đang hăm hở băng về những miền xa, những chân trời rộng rãi, đã làm “bệ phóng” cho mọi tưởng tượng sáng tạo, kết liền cả hoài niệm quá khứ về cuộc kháng chiến chống Pháp với những trăn trở và dự cảm về tương lai.

    Cái ấn tượng nổi đậm tiếp theo ở bài thơ này là sự kết hợp giữa thực và ảo, thật và mơ. Hình tượng con tàu lên Tây Bắc đã là một tưởng tượng đầy mơ mộng: Sự thực thì cho đến nay cũng chưa có đường tàu lên Tây Bắc, nhưng điều đó không ngăn cản nhà thơ hình dung ra con tàu tâm tưởng của mình vượt trăm ga ngói đỏ, đêm đêm lại uống một vầng trăng... Trong bài, chúng ta còn gặp rất nhiều hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng biến hóa được sáng tạo từ sức tưởng tượng phong phú của nhà thơ. Nhưng mặt khác, bài thơ cũng lại chất chứa những hình ảnh thật cụ thể như được kết tinh từ những kỷ niệm, những cảnh sống thực đã đã trải của tác giả, những so sánh dung dị lấy từ đời sống quen thuộc mà không kém rung động (Những hình ảnh cụ thể về nhân dân và kỷ niệm kháng chiến ở phần hai bài thơ). Có thể nói, cảm xúc của tác giả đi về giữa thực và ảo, giữa thật và mơ, làm cho thi tứ của bài luôn vận động bất ngờ, mới lạ, tạo ra sức cuốn hút nhiều mặt cho tác phẩm.

    Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu,

    Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

    Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.

    Bây giờ chắc ít ai còn nhớ đến sự kiện kinh tế - xã hội đã khơi gợi cảm hứng cho Chế Lan Viên viết bài Tiếng hát con tàu. Đó là cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên xây dựng kinh tế vùng núi Tây Bắc diễn ra vào những năm 1958 - 1960 ở miền Bắc. Nhưng bài thơ không phải là một sự minh họa đơn giản, phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ kinh tế và chính trị. Sự kiện thời sự ấy chỉ là điểm xuất phát, gợi ý cho tác giả khơi dậy những ấn tượng, cảm xúc, suy ngẫm về nhân dân, đất nước và thơ ca. Bài thơ là niềm hân hoan và lời giục giã của một tâm hồn đã thức tỉnh một chân lý lớn, lẽ sống lớn của đời người và đời thơ: đó là nhân dân... được cảm nhận như là ngọn nguồn của đời sống, của thơ ca.

    Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc, Tây Bắc ở đây chỉ là một biểu tượng của những miền xa xôi của Tổ quốc, nơi đã ghi sâu những kỷ niệm kháng chiến, nơi đang vẫy gọi, nơi tình dân đang chờ những cánh tay và tấm lòng đốn chung sức xây dựng. Nhưng tiếng gọi của Tây Bắc, của cuộc sống đất nước cùng là tiếng gọi của chính lòng mình: Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi. Lên với Tây Bắc cũng là về với chính lòng mình, với những kỷ niệm và nghĩa tình sâu nặng của nhân dân trong những năm kháng chiến gian lao vừa qua. Bởi thế Khi lòng ta đã hóa những con tàu giữa cảnh sôi động dựng xây, hồi sinh của đất nước bốn bề lên tiếng hát thì soi vào lòng mình mà có thể tìm thấy Tây Bắc, và tâm hồn nhà thơ cũng chính là Tây Bắc, chứ còn đâu. Cái điều tưởng chừng như nghịch lý (tâm hồn đã hóa con tàu, lại có thể cũng là Tây Bắc) lại nói lên một quy luật của tâm lý, của đời sống tâm hồn con người, đó là cái sự thật của nội tâm dưới cái vẻ ngoài dường như vô lý kia.

    Bài thơ kết câu theo trình tự diễn biến tâm trạng. Ngoài bốn câu đề từ, hai khổ đầu là sự trăn trở, lời giục giã lên đường. Chín khổ tiếp là thể hiện khát vọng về với nhân dân, với Tây Bắc, được gợi lên qua những hình ảnh, kỷ niệm nặng nghĩa tình của nhân dân trong kháng chiến chống Pháp. Bốn khổ cuối là khúc hát lên đường say mê, sôi nổi, rạo rực.

    Âm hưởng, giọng điệu của bài thơ cũng biến đổi theo diễn biến của mạch tâm tư ấy. Ở đoạn đầu, lời giục giã với những câu hỏi ngày càng thôi thúc (Anh đi chăng? Anh có nghe, Sao chửa ra đi?). Đây là sự phân đôi chủ thể trữ tình để đối thoại, như là lời thuyết phục một người khác: Tàu gọi anh sao chửa ra đi? Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép. Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kìa. Ở đoạn giữa, những kỷ niệm kháng chiến được gợi lại trong giọng hồi tưởng thiết tha, cảm động, với lối xưng hô thân mật: Con nhớ anh con - Con nhớ em con - Con nhớ mế. Xen với những hình ảnh lung linh của hồi tưởng là những đúc kết chiêm nghiệm triết lý trong giọng trầm lắng. Đoạn cuối là khúc hát lên đường say mê lôi cuốn, giàu chất lãng mạn với nhiều hình ảnh biến hóa bất ngờ, kỳ ảo, với sự trùng điệp tăng tiến của từ ngữ và hình ảnh tạo ra âm hưởng dồn dập, hối hả như một con tàu đang băng băng tới chân trời xa rộng.

    Tiếng hát con tàu là sự bừng sáng trong tâm và trí của nhà thơ về một chân lý lớn:

    Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

    Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

    Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

    Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

    Sự sống bình dị của thiên nhiên và con người

    Đó là những câu thơ thật chân thành và cảm động của một hồn thơ khi nhận ra cái lẽ sống, nguồn sống của đời mình, của thơ mình. Trong khổ thơ trên, Chế Lan Viên dùng liên tiếp tới năm hình ảnh so sánh như để nói cho đủ, khắc cho sâu tư tưởng này: hồn thơ ấy đã thuộc về nhân dân, đã tìm thấy nguồn nuôi dưỡng từ nhân dân, đã được hồi sinh trong cuộc đời rộng lớn của nhân dân. Những hình ảnh so sánh ở khổ thơ này đều rất dung dị, gần gũi với sự sống bình dị của thiên nhiên và con người, nó rất ít dấu vết của trí tuệ, của lý lẽ, mặc dù là để nói về chân lý lớn của cuộc đời mình.

    Nhân dân trong tâm cảm của nhà thơ không phải là một ý niệm trừu tượng, đó là những con người cụ thể, với những số phận cụ thể. Nhân dân đó là người anh du kích với “Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách. Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con”, là em liên lạc đưa đường, là cô gái với “vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng”, là bà mế “lửa hồng soi tóc bạc. Năm con đau mế thức một mùa dài”. Những câu thơ bằng chi tiết cụ thể, bình dị khắc họa được hình ảnh nhân dân với những tấm lòng rộng lớn và hy sinh thầm lặng, đồng thời cũng biểu hiện lòng biết ơn sâu nặng, những xúc động thấm thía của một tấm lòng, nó là tâm cảm của Chế Lan Viên, là những trải nghiệm của tác giả qua những năm kháng chiến.

    Theo dòng hoài niệm, mạch thơ dẫn đến những câu thơ chất chứa những khái quát, triết lý về cuộc sống được kết tinh từ những chiêm nghiệm:

    Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

    Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương

    Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

    Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn

    Nói đến Chế Lan Viên, chúng ta nghĩ ngay đến một giọng thơ triết lý với trí tuệ sắc sảo, những hình ảnh ý niệm. Cái đặc sắc của những câu thơ “triết lý” trên đây là ở sự tự nhiên, bình dị mà sâu sắc của tư tưởng đã được rút ra bằng chính sự sống, bằng những trải nghiệm của lòng người. Câu thơ có thể gợi nghĩ đến nhiều điều, nhưng trước hết là nói đến cái quy luật của đời sống tâm hồn; tâm hồn con người đã được bồi đắp, tạo dựng nên bằng chính những gì người ta đã trải qua, đã gắn bó, chia sẻ. Cái khách thể đã hóa thành chủ thể, cái ở ngoài ta đã hòa nhập và làm phong phú cho đời sống bên trong của mỗi cuộc đời. Một lần khác, Chế Lan Viên đã viết:

    Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào

    Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ

    Con ngọc trai đêm hè đáy bể

    Uống thủy triều bỗng hóa hạt châu.

    (Chim lượn trăm vòng)

    Thì cũng là nói về chân lý ấy, về sự tái sinh và giàu có của tâm hồn nhà thơ khi đã được hình hài của đất nước, đời sống của nhân dân in dấu, soi bóng vào đó.

    Mạch thơ chuyển sang sự rung cảm và suy tưởng về tình yêu:

    Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

    Tình yêu ta như cánh kiến hóa hoa vàng

    Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

    Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

    Cũng được dẫn dắt từ những cảm xúc và hình ảnh cụ thể đến một triết lý khái quát như ở khổ trên, nhưng ở đây, khi nói về tình yêu, câu thơ bỗng ngời lên lấp lánh trong những hình ảnh rực rỡ sắc màu. Chúng ta lại bắt gặp nét quen thuộc của phong cách Chế Lan Viên: hồn thơ ấy ham triết lý ngay cả khi đắm mình trong những xúc cảm của tình yêu. Nhà thơ phát hiện một quy luật của tình yêu qua những so sánh từ đời sống tự nhiên: sự gắn bó của hai trái tim, hai tâm hồn trong đời sống tình yêu là một tất yếu như cái rét với mùa đông, như mùa xuân với bộ lông biếc của chim rừng. Đến đây, tâm trí nhà thơ như reo lên khi phát hiện một tương quan gắn bó giữa tình yêu và đất lạ:

    Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

    Đoạn thơ nói về tình yêu, nhưng rốt cuộc thì cũng là nói về sự gắn bó với đất nước, nhân dân. Có điều là ở đây, sự gắn bó ấy đã được bền chặt và sâu xa như tình quê hương, bởi chất “kết dính” tâm hồn và đất lạ chính là tình yêu! Chính vì thế mà bốn câu thơ về tình yêu có vẻ như bất ngờ chuyển mạch đột ngột giữa mạch thơ hoài niệm về nhân dân, thực ra lại vẫn là nằm trong mạch suy tưởng ấy, thậm chí, như là sự kết tinh những suy ngẫm và xúc cảm về nhân dân, đất nước của bài thơ.

    Phần cuối (4 khổ thơ) là khúc hát lên đường trong một nhịp điệu lôi cuốn, dồn dập, say mê, đồng thời tiếp tục mạch suy tưởng của bài thơ, với những hình ảnh kết hợp giữa thực và mộng, cảm xúc và tưởng tượng lãng mạn, bay bổng.

    Tiếng gọi của đất nước, của tình dân cũng là lời giục giã của chính tâm hồn tác giả (Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi), thành sự thôi thúc, nỗi khát khao bồn chồn không thể cưỡng lại (Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng; Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga).

    Tạo ra âm hưởng dồn dập lôi cuốn của đoạn thơ này có vai trò của thủ pháp trùng điệp, những từ ngữ và hình ảnh ở khổ trên được láy lại và mở rộng ở khổ dưới, làm cho các khổ thơ liền mạch, nhịp điệu trở nên dồn dập, tuôn chảy dạt dào (mắt ta thèm... / Mắt ta nhớ mặt người... Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao / Nhựa nóng cần lao...). Trong sóng nhạc xúc cảm dồn dập lại ánh lên những hình ảnh phong phú, biến hóa sáng tạo, chủ yếu là những hình ảnh ẩn dụ, những biểu tượng, tượng trưng. Hình ảnh con tàu ở phần đầu được trở lại như hình ảnh trung tâm, cùng với hình ảnh mùa nhân dân giăng lúa chín, vàng ta đau trong lửa, uống một vầng trăng, mặt hồng em v.v.. Các hình ảnh được tạo ra bằng những liên tưởng độc đáo, tưởng tượng táo bạo nhưng không xa lạ. Câu thơ của Chế Lan Viên như được xâu chuỗi bằng hình tượng, hình tượng liên kết từng chùm, tầng tầng, lớp lớp, với nhiều dạng thức cấu tạo: so sánh, liên tưởng, biểu tượng.

    Tiếng hát con tàu là một trong những thành công nổi trội nhất của thơ Chế Lan Viên. Bài thơ đạt đến cái mà người ta thường gọi là độ chín. Không phải là cái hay của một hồn thơ non tơ tươi trẻ mới phát lộ, mà là sự nhuần nhuyễn của tài năng, tư tưởng và tâm hồn. Kỹ thuật và chữ nghĩa điêu luyện (cái tài) ở trường hợp này không lấn át mà nhuần nhuyễn với tình cảm chân thành, cảm xúc hòa quyện với suy tưởng, triết lý,... tất cả, tạo cho bài thơ có một vẻ đẹp riêng, mang đậm phong cách Chế Lan Viên và cũng tiêu biểu cho giai đoạn “Ánh sáng” và “Phù sa” của tác giả.

      bởi trang lan 10/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON