-
Câu 1:
Mã câu hỏi: 56645
Phần 1: Đọc – hiểu (3.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
Trên thế giới này có quá nhiều sách dạy con người tương tác và giao tiếp, dạy chúng ta làm thế nào để trở thành một “cao thủ thuyết phục", chuyên gia đàm phán, nhưng lại không có sách nào dạy chúng ta làm thế nào để đối thoại với chính mình. Khi bạn bắt đầu hiểu được tất cả những thứ bên trong của bản thân, bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác một cách rất tự nhiên. Nếu như không hiểu được chính mình, bạn sẽ khiến nội tâm bị nhiễu loạn, làm nguy hại đến môi trường giao tiếp với mọi người. Sự tương tác giả dối với người khác sẽ là mầm họa lớn nhất khiến cho bạn tự trách mình và trách người, nó cũng là mầm mống tạo ra những giông bão cả phía bên trong và bên ngoài của hạn.
Sự đối nhân xử thế rất quan trọng! Nhưng bạn bắt buộc phải hiểu được chính mình, giao tiếp với chính mình, thì lúc đó hạn mới hiểu và tương tác lành mạnh với người khác. Biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì. Điều này sẽ giúp ích cho hành trình xuất phát lại từ đầu của sự nghiệp cũng như sự điều chỉnh lại trong gia đình, tất cả đều bắt đầu từ việc bạn buộc phải hiểu được chính mình!
(Lư Tô Vỹ, Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác, NXB Dân trí, 2017’ tr. 206-207)
-
Câu 2:
Mã câu hỏi: 56646
Theo tác giả, trên thế giới có quá nhiều loại sách nào và còn thiếu loại sách nào?
Xem đáp án
- Theo tác giả, trên thế giới này có quá nhiều sách dạy con người tương tác và giao tiếp nhưng lại thiếu loại sách dạy chúng ta làm thế nào để đối thoại với chính mình.
-
Câu 3:
Mã câu hỏi: 56647
Vì sao tác giả cho rằng, biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì?
Xem đáp án
- Tác giả cho rằng, biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì vì phải hiểu rõ nhu cầu của bản thân mới đủ sâu sắc để hiểu được nhu cầu của người khác. Không hiểu rõ bản thân mình cần gì sẽ khó có được sự cảm thông để hiểu nhu cầu của người khác.
-
Câu 4:
Mã câu hỏi: 56649
Trong văn bản trên, tác giả đề cao việc "làm thế nào để đối thoại với chính mình ”, vì từ “đối thoại với chính mình" mới hiểu được mình để có cách ứng xử và hành động hợp lí.
Theo anh/chị, có thể coi đoạn văn sau (trong tác phẩm Chí phèo của Nam Cao) là lời "đối thoại với chính mình" của Chí Phèo không? Sau những lời này, Chí Phèo có thực sự "hiểu được chính mình" không?
Hắn nhìn bát cháo hành bốc khói mà bâng khuâng [...] Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông lên cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo?
Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời: Có ai nấu cho mà ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa! (Chí Phèo – Ngữ văn 11 Tập 1)
Xem đáp án
- Đoạn văn được trích viết về những lời độc thoại nội tâm, cũng là đối thoại với chính mình của Chí Phèo.
- Sau những lời ấy, Chí Phèo bắt đầu tỉnh táo, ý thức sâu sắc về những buồn tủi, cay cực trong cuộc đời mình.
-
Câu 5:
Mã câu hỏi: 56654
Từ đoạn trích trong phần Đọc hiểu, anh/chị rút ra cho mình thông điệp gì? Hãy bình luận ngắn gọn về thông điệp ấy.
Xem đáp án
- HS có thể tự rút ra cho mình những thông điệp phù hợp và bình luận về thông điệp ấy. Sau đây là một số gợi ý:
- Hãy cố gắng hiểu mình sâu sắc để biết thêm yêu bản thân và mọi người xung quanh
- Đừng sống thờ ơ, vô cảm mà hãy biết cảm thông, yêu thương và thấu hiểu người khác
-
Câu 6:
Mã câu hỏi: 56657
Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)
(2,0 điểm):
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người.
Xem đáp án
- Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của việc hiểu mình, hiểu người.
- Yêu cầu về hình thức: Viết đúng một đoạn văn nghị luận ngắn khoảng 200 từ, yêu cầu trình bày mạch lạc rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.
- Yêu câu về nội dung: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đạt được các ý sau:
- Hiểu mình và hiểu người là biểu hiện cao của trí tuệ.
- Hiểu mình là biết rõ ưu điểm, nhược điểm của mình, hiểu rõ những gì mình thật sự yêu thích và mong muốn cũng như nhưng điều khiến mình không hài lòng trong cuộc sống.
- Hiểu người là phát hiện chính xác nhu cầu, mục đích, nỗi lo lắng, niềm hy vọng, cách nhìn thế giới các mối quan tâm, hiện trạng cảm xúc của người đó.
- Hiểu mình và hiểu người là một trong những điều kiện quan trọng giúp chúng ta biết cách ứng xử và giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Hiểu người, để rồi đáp ứng người, thì kết quả là người cũng sẽ đáp ứng mọi điều mình mong muốn. Nếu không hiểu mình, hiểu người thì mọi suy nghĩ của ta chỉ là áp đặt hoặc hời hợt, mọi vấn đề gặp phải đều khó giải quyết thấu đáo. Hiểu mình để có cái nhìn cảm thông với người khác và hiểu được tất cả những điều người khác nghĩ.
- Phê phán những con người sống ích kỷ, hời hợt, vô tâm, không hiểu mình và cũng không hiểu người, sống lạnh nhạt với mọi vấn đề trong cuộc sống.
- Bài học: Nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm túc để thấy ưu, khuyết điểm của mình, hiểu rõ ước mơ, khát vọng của bản thân. Hãy tập để ý quan tâm đến mọi người mình gặp gỡ thường ngày trong cuộc sống, trong công việc, lắng nghe những điều họ nói, quan sát những việc họ làm.
-
Câu 7:
Mã câu hỏi: 56660
Nhận xét đoạn mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng: “Đoạn mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập”của Chủ Tịch Hồ Chí Minh vừa khéo léo vừa kiên quyết lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc”. Bằng cảm nhận của mình về đoạn trích sau, anh/chị hãy làm sáng tỏ điều đó:
“Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
Người ta sinh ra bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”
(Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
Từ đoạn trích trên, anh/chị hãy liên hệ đến bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh đế thấy được nét thống nhất và đa dạng trong phong cách nghệ thuật của Người. ( 5 điểm)
Xem đáp án
- Nhận xét đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng: “Đoạn mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ Tịch Hồ Chí Minh vừa khéo léo vừa kiên quvết lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc”. Bằng cảm nhận của mình về đoạn trích mở đầu hãy làm sáng tỏ điều đó. Liên hệ đến Chiều tối để thấy đươc sự thống nhất, đa dạng trong phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh.
- Yêu cầu chung
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài phát triển được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đoạn mở đầu Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết rất cao tay: vừa khéo léo vừa kiên quyết lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Biết liên hệ đến bài thơ Chiều tối để nhận xét về phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh.
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm qua việc phân tích để làm sáng tỏ đoạn mở đầu bán Tuyên ngôn và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Yêu cầu cụ thể
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập.
- Phân tích làm sáng tỏ đoạn mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ Tịch Hồ Chí Minh được viết rất cao tay: vừa khéo léo vừa kiên quyết lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.
- Nhiệm vụ của phần mở đầu một bản Tuyên ngôn là nêu nguyên lí làm cơ sở tư tưởng cho toàn bài. Nguyên lí của Tuyên ngôn độc lập là khẳng định quyền tự do độc lập của dân tộc. Nhưng ở đây Bác không nêu trực tiếp nguyên lí ấy mà lại dựa vào hai bản Tuyên ngôn độc lập của Mĩ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791 để khẳng định “Quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” của tất cả các dân tộc trên thế giới. Đây chính là nghệ thuật “Lấy gậy ông đập lưng ông”.
- Bác đã khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc ta bằng chính những lời lẽ của tổ tiên người Mĩ, người Pháp đã ghi lại trong hai bản Tuyên ngôn từng làm vẻ vang cho truyền thông tư tưởng và văn hóa của những dân tộc ấy. Cách viết như thế là vừa khéo léo vừa kiên quyết
- Khéo léo vì tỏ ra rất trân trọng những danh ngôn bắt hủ của người Pháp, người Mĩ để “khoá miệng” bọn đế quốc Pháp, Mĩ đang âm mưu xâm lược và can thiệp vào nước ta (sự thật lịch sử đã chứng tỏ điều này).
- Kiên quyết vì nhắc nhở họ đừng có phản bội tổ tiên mình, đừng có làm dấy bùn lên lá cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng vĩ đại của nước Pháp, nước Mĩ, nếu nhất định tiến quân xâm lược Việt Nam.
- Đặt ba cuộc cách mạng ngang hàng nhau, ba nền độc lập ngang hàng nhau, ba bản Tuyên ngôn ngang hàng nhau (và thực sự, cuộc cách mạng tháng Tám 1945 đã giái quyết đúng nhiệm vụ của hai cuộc cách mạng của Mĩ (1776) và của Pháp (1791).
- Ý kiến “Suy rộng ra” là một đóng góp đầy ý nghĩa của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nó như phát súng lệnh khởi đầu cho bão táp cách mạng ở các thuộc địa sẽ làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân trên khắp thế giới vào nửa sau thế kỉ XX.
- Đoạn trích đã đưa ra căn cứ, lí lẽ xác đáng cho lập luận. Quá trình dẫn dắt tới căn cứ, lập luận chính xác, chặt chẽ. Qua đó có thể thấy tài năng lập luận bậc thầy, sự sâu sắc trong tư tưởng, lí lẽ sắc bén, ngôn ngữ đanh thép hùng hồn tạo nên sức mạnh luận chiến bất ngờ và sức hấp dẫn kì lạ của văn chính luận Hồ Chí Minh.
- Liên hệ bài thơ “Chiều tối” để làm rõ sự thống nhất, đa dạng trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.
- Chiều tối là một trong những bài thơ trích trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Bài thơ tả bức tranh chiều tối nơi núi rừng lúc chiều muộn: Cảnh thiên nhiên núi rừng đang chuyển vào đêm tối khi ánh sáng ban ngày lụi dần và tắt hẳn. Nhưng khi màn đêm buông xuống thì ánh sáng của con người trở thành trung tâm chi phối cái nhìn và cảm xúc của nhân vật trữ tình: “lô dĩ hồng". Ngoại cảnh cũng là tâm cảnh. Qua đó, người đọc cảm nhận được tâm hồn cao đẹp của Hồ Chí Minh: Nhạy cảm trước thiên nhiên, cuộc sống: lòng nhân ái đến mức quên mình, tinh thần lạc quan cách mạng luôn hướng về sự sống ánh sáng của một thi sĩ - chiến sĩ.
- Sự thống nhất, đa dạng trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh:
- Thống nhất: Hồ Chí Minh coi văn học là vũ khí chiến đấu lợi hại, phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn cũng phải ở giữa cuộc đời, góp phần vào nhiệm vụ đấu tranh và phát triển xã hội. Văn chương Hồ Chí Minh đều thống nhất ở lối viết ngắn gọn, hàm súc, đầy thuyết phục.
- Đa dạng: Thơ Bác tinh tế và nhạy cảm, có sự kết hợp rất tự nhiên giữa màu sắc cổ điển và tinh thần thời đại. Qua mỗi vần thơ người đọc luôn thấy bức chân dung tinh thần tự họa của Hồ Chí Minh. Văn chính luận của Người sắc xảo, lý lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục và kết hợp nhiều giọng điệu khác nhau.