PHẦN 1: TÁC GIẢ TỐ HỮU
I. Vài nét về tiểu sử
- Tố Hữu (1920-2002), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.
- Quê ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Tố Hữu tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương.
- Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ và cho đến năm 1986, Tố Hữu liên tục giữ những cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
II. Đường cách mạng, đường thơ
Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Ở Tố Hữu, sự nghiệp thơ gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
1-“Từ ấy” (1937-1946): đánh dấu bước trưởng thành của người thanh niên đi theo Đảng. Tập thơ gồm ba phần “Máu lửa”, “Xiềng xích” và “Giải phóng”.
2- “Việt Bắc” (1946-1954): Tập thơ là tiếng ca hùng tráng về cuộc kháng chiến chống Pháp và những con người kháng chiến, trước hết là công, nông, binh, họ là những người lao động bình thường và cũng rất anh hùng.
3- “Gió lộng” (1955-1961): Tập thơ phản ánh cuộc sống mới ở miền Bắc tràn đầy sức sống và niềm vui xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tập thơ còn thể hiện tình cảm thiết tha, sâu nặng với miền Nam.
4- Hai tập thơ “Ra trận” (1962-1971) ,“Máu và hoa” (1972-1977): “Ra trận” là bản hùng ca về “Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời”. “Máu và hoa” ghi lại một chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh; thể hiện niềm tin, niềm tự hào của con người Việt Nam về quê hương đất nước khi “toàn thắng về ta”.
5-“Một tiếng đờn” (1992), “Ta với ta” (1999): đánh dấu bước chuyển biến mới, tìm đến những chiêm nghiệm mang tính phổ quát về cuộc đời và con người. Tố Hữu vẫn kiên định niềm tin vào lí tưởng và cách mạng.
III. Phong cách thơ tố hữu
1. Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị sâu sắc.
Thơ Tố Hữu luôn hướng tới cái ta với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng và của cả dân tộc. Cái tôi trong thơ Tố Hữu là cái tôi nhân danh Đảng, cộng đồng dân tộc.
Tình cảm lớn là niềm say mê lí tưởng, tình cảm kính yêu lãnh tụ, tình cảm đồng bào, đồng chí, tình cảm quốc tế vô sản.
Niềm vui lớn trong thơ Tố Hữu là niềm vui của toàn dân tộc: sôi nổi, hân hoan, tươi sáng, đặc biệt là những vần thơ về chiến thắng.
2. Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi
Nhà thơ coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là nguồn cảm hứng, thể hiện những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính toàn dân.
Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu thường mang phẩm chất tiêu biểu cho dân tộc, mang tầm vóc lịch sử và thời đại.
3. Giọng điệu trong thơ Tố Hữu là giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết, giọng của tình thương mến.
4. Nghệ thuật biểu hiện trong thơ Tố Hữu mang tính dân tộc rất đậm đà:
Về thể loại, Tố Hữu đặc biệt thành công khi vận dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc: lục bát, song thất lục bát, bảy chữ…
Về ngôn ngữ, Tố Hữu thường sử dụng những từ ngữ và cách nói quen thuộc với dân tộc.
Thơ Tố Hữu giàu nhạc điệu, phong phú về vần và sử dụng tài tình các từ láy, các thanh điệu, các vần thơ.
PHẦN 2: BÀI THƠ “VIỆT BẮC”:
I. Hoàn cảnh ra đời
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 7-1954, hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, hòa bình lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng và bắt tay vào sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Một trang sử mới của đất nước được mở ra.
Tháng 10-1954, những người kháng chiến từ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc”.
II. Giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung tư tưởng:
“Việt Bắc” là khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về kháng chiến và con người kháng chiến. Thể thơ lục bát, kiểu kết cấu đối đáp, ngôn ngữ đậm sắc thái dân gian - tất cả đã góp phần khắc sâu lời nhắn nhủ của nhà thơ: Hãy nhớ mãi và phát huy truyền thống quý báu anh hùng bất khuất, ân nghĩa thủy chung của cách mạng, của con người Việt Nam.