YOMEDIA

Phân tích truyện Mẹ hiền dạy con - Mạnh Tử

Tải về
 
NONE

Giáo dục con trẻ là việc làm chưa bao giờ dễ. Bởi phương pháp và nội dung giáo dục phải dựa vào tính cách từng đứa trẻ. Trong văn bản Mẹ hiền dạy con, người mẹ đã có những phương pháp dạy con khá độc đáo và mang ý nghĩa sâu sắc. HOC247 mời các em tham khảo tài liệu văn mẫu Phân tích truyện Mẹ hiền dạy con - Mạnh Tử​ dưới đây để nắm vững kiến thức văn bản đồng thời có thêm tư liệu ôn tập. Chúc các em học tập thật tốt!

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về truyện trung đại (khái niệm, thời gian ra đời, đặc trưng của thể loại,…)

- Giới thiệu về truyện “Mẹ hiền dạy con” (tóm tắt văn bản, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật,…)

2.2. Thân bài

a. Quá trình dạy con của bà mẹ

* Dạy con bằng cách chọn nơi ở

- Nhà gần nghĩa địa: Mạnh Tử bắt chước về nhà đào, chôn, lăn, khóc

→ Bà mẹ dọn nhà ra gần chợ

- Nhà gần chợ: Mạnh Tử về nhà bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo

→ Bà mẹ dọn nhà đến trường học

- Nhà gần trường học: Mạnh Tử học tập lễ phép

→ Bà mẹ vui lòng, nói “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”

⇒ Môi trường sống có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của mỗi đứa trẻ,

⇒ Vai trò của người mẹ trong quá trình phát triển của mỗi đứa con

* Dạy con bằng cách cư xử hằng ngày

- Nói đùa với con “Người ta giết lợn để cho con ăn đấy” sau đó bà hối hận và quyết định mua thịt lợn về cho con ăn

→ Dạy con không được nói dối, phải luôn thành thật

- Khi Mạnh Tử bỏ học đi chơi: người mẹ cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung

→ Dạy con nghiêm khắc, muốn con trở nên tốt hơn

b. Kết quả quá trình dạy con của bà mẹ

Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, sau thành một bậc đại hiền

2.3. Kết bài

- Khái quát nội dung và nghệ thuật của văn bản:

   + Nội dung: đề cao ảnh hưởng của môi trường sống đối với mỗi người và vai trò to lớn của người mẹ

   + Nghệ thuật: cốt truyện theo mạch thời gian, nhiều chi tiết độc đáo, giàu ý nghĩa…

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Phân tích truyện Mẹ hiền dạy con

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Tục ngữ có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là để nhắc nhở phụ nữ cần quan tâm giáo dục con cháu. Thế nhưng phải dạy trẻ như thế nào để đạt được kết quả mong muốn không phải là điều dễ dàng. Có những bà mẹ vì thương mà quá nuông chiều con; có những bà mẹ thì dạy con bằng quan niệm “thương cho roi cho vọt...” mà không hề tìm hiểu đặc tính của con cái mình. Mẹ hiền dạy con có lẽ là một truyện giúp các bà mẹ ấy thêm chút kinh nghiệm để nuôi dạy con cái nên người.

Truyện chỉ có hai nhân vật: người mẹ và con trai mà sau này được mọi người tôn vinh là “Thầy Mạnh Tử”. Người mẹ ấy là người như thế nào? Thuở nhỏ Mạnh Kha là đứa trẻ ra sao? Truyện không giới thiệu một dòng nào, nhưng từ những tình huống được mô tả trong truyện người đọc có thể nhận ra đặc tính của từng nhân vật.

Sự việc hay tình huống thứ nhất xảy ra do nhà “ở gần nghĩa địa”. Chính chi tiết thuộc về nơi chốn này làm bộc lộ đặc tính hay bắt chước của trẻ con. Nghĩa địa là nơi để chôn cất người chết. Nhà lại ở gần, tính lại tò mò nên chắc “cậu bé” Mạnh Kha thường ra xem. Cảnh đào huyệt, cảnh khóc thương người chết khiến cậu bé làm theo. Có thể những bà mẹ lấy đó làm vui, cho rằng con mình hay, giỏi. Nhưng mẹ của Mạnh Kha thì khác, bà cho rằng: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Nghĩ như thế rồi bà dọn nhà ra gần chợ.
Ở gần chợ, “cậu bé” Mạnh Kha lại “bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo”. Người mẹ lại bảo: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Cũng như lần đầu, nghĩ như thế là bà dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Ở giần trường học, cậu bé Mạnh Kha ngày ngày thấy bạn sinh hoạt ở trường, “về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở”.

Bà mẹ thấy con trai mình như thế, trong lòng thấy vui và tự nhủ rằng “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”.
Nhà văn với vai trò dẫn truyện đã kể lại như thế bằng văn miêu tả. Bà mẹ quyết định dời chỗ ở là do kinh nghiệm sống và sự quan tâm đến con cái của bà. Kinh nghiệm sống giúp bà nhận ra ngoại cảnh có sức tác động mạnh vào trí óc non nớt của tuổi thơ. Có thể bà không hiểu tâm lí học nhưng cái nhìn, cái “thấy thế” của bà không khác với lí thuyết về đặc tính tập nhiễm của trẻ thơ. Bà đã sớm nhận ra trẻ con có đặc tính “bắt chước”. Bắt chước nhiều lần thì sẽ trở thành thói quen, mà đã là thói quen thì khó mà sửa, bỏ.
Đức tính thứ hai mà người đọc có thể học được ở người mẹ là tính quyết đoán, dứt khoát. Đã xác định trong tư tưởng rằng “không phải chỗ con ta ở được” là dọn nhà ngay, cũng như mua thịt lợn về cho con ăn, hay cắt đứt tấm vải đang dệt.

Sau hai tình huống dọn nhà, nhà văn kể chuyện nhà hàng xóm giết lợn. Cậu bé Mạnh Kha hỏi, và người mẹ trả lời. Qua sự việc ấy, người đọc có thể nhận ra thêm tính tò mò, ưa thắc mắc của trẻ thơ, ngoài tính bắt chước. Cậu bé Mạnh Kha hỏi nhà hàng xóm giết lợn để làm gì. Người mẹ trả lời: “Để cho con ăn đấy”. Trong lúc vui đùa với con, bà đã nhanh miệng trả lời thế. Nhưng chợt nghĩ lại nếu không đi mua thịt “thì chẳng hoá ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Thế là bà đi mua thịt lợn về cho con ăn để con có ấn tượng về sự thật. Ai cũng nhận ra nói dối là một tính xấu, có thế gây tai hại khôn lường. Để dạy trẻ không dối trá thì cách tốt nhất là giúp chúng thấy rõ sự thật trước mắt. Bà mẹ đã ứng xử như thế.

Cuối cùng là sự việc bỏ học của Mạnh Kha. Đang dệt vải, thấy Mạnh Kha bỏ học về nhà bà liền cắt đứt tấm vải và nói: “Con đang đi học mà bỏ học, thi cũng giống như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”. Sự việc xảy ra khá nhanh và dứt khoát, đồng thời giải thích bằng cách so sánh hành vi của mẹ với việc làm của con. Thật khó có người mẹ nào ứng xử một cách linh hoạt và dứt khoát như người mẹ của Mạnh Kha.

Đoạn kết của truyện tác giả nêu ngắn gọn về kết quả của “cái công giáo dục quý báu của bà mẹ” là Mạnh Kha chuyên cần học tập, rồi sau này được tôn vinh “thành một bậc đại hiền”, người có đạo đức và hiểu biết sâu rộng. Triết học Trung Quốc biết ơn người mẹ đã giáo dục con trai mình trở thành bậc đại hiền, sau Khổng Tử, trong việc kiện toàn và truyền bá Nho giáo không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở các nước Phương Đông mà người ta thường ghép tên của hai vị thành tên gọi giáo lí Khổng Mạnh.
Truyện tuy ngắn nhưng ý nghĩa nội dung thì thật sâu sắc. Là mẹ thương con nhưng cũng cần biết cách dạy con, biết lúc nào thì quyết đoán, lúc nào thì chiều chuộng; biết cách ly con khỏi môi trường xấu, và đưa con hoà nhập với môi trường tốt.

Với học sinh thì cần biết rằng hoàn cảnh xã hội ngày nay khác xưa rất nhiều, có nhiều cái tốt mà cũng có lắm điều xấu, chỉ có người lớn tuổi như mẹ mới có kinh nghiệm để phân biệt. Bởi vậy, đạo làm con là phải biết vâng lời cha mẹ, tự mình lấy câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” làm châm ngôn.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Mẹ hiền dạy con là câu chuyện bàn về phương pháp giáo dục gia đình đối với sự phát triển của con trẻ. Mẹ cho ta sự sống, cho ta một thân xác khoẻ mạnh và hơn thế mẹ cho ta một tâm hồn, một nhân cách và những tri thức về lễ giáo giúp con đứng vững trên cuộc đời này. Do vậy việc dạy con cực kì quan trọng, hơn thế phải lựa chọn cách dạy con cho phù hợp.

Bà mẹ thầy Mạnh Tử quan tâm trước hết trong, việc dạy con là vấn đề môi trường sống của đứa trẻ. Bà hiểu rằng trẻ con như tờ giấy trắng nó sẽ bị bôi đen nếu như môi trường xung quanh thiếu lành mạnh. Phải tạo cho con một môi trường sống tốt đẹp để đứa trẻ có thể tiếp thu những mặt tích cực, những yếu tố lành mạnh của môi trường sống đó mà tự phát triển và trưởng thành. Trẻ em trình độ nhận thức còn thấp chúng chưa thể phân biệt tốt xấu, trắng đen và do vậy chúng có thể bắt chước, làm theo tất cả những gì người lớn làm, nếu ở môi trường sống không tốt thì sẽ bị ảnh hưởng ngay những điều không tốt đó, như khi ở gần nghĩa địa, thầy Mạnh Tử đã bắt chước người ta đào, chôn, lăn khóc; đến lúc dọn nhà ra gần chợ thì lại bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo. Cuộc sống chợ búa buôn bán làm cho đứa trẻ bị ô nhiễm, và mất đi những ý thức tuổi thơ, thay vào đó là sự đấu đá, bon chen thậm chí còn tồi tệ hơn thế kia. Bà mẹ thấy Mạnh Tử ý thức rõ ràng không thể cho con sống trong môi trường này được, bà dọn nhà đến bên cạnh trường học. Đến đây bà mới yên tâm Chỗ này là chỗ con ta ở được đây, đến ở cạnh trường học, một môi trường sư phạm dạy chữ, dạy người. Thầy Mạnh Tử đã bắt nhập và ảnh hưởng ngay cách Học tập lễ phép, cắp sách vở. Đúng là sự bắt chước học đòi của trẻ nhỏ khá nhanh nhạy, chúng có thể thích ứng ngay với môi trường sống. Môi trường sô'ng lành mạnh, tốt đẹp thì nó có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách. Được giao du, được sống bên cạnh những con người tốt trẻ nhỏ sẽ học tập được cách sống tốt. Và ngược lại nếu giao du với kẻ sấu, sẽ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu, làm ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ nhỏ thậm trí làm cho chúng phát triển lệch hướng trong nhận thức. Do vậy sự lựa chọn môt trường sống cho con, dạy con ra sao cũng là những công việc mà các bậc cha mẹ phải cần chú ý và thận trọng. Bà mẹ thầy Mạnh Tử đã lựa chọn môi trường sống cho con là cạnh trường học. Trong môi trường này thầy Mạnh Tử đã học tập được bao điểm tốt. Cách cư xử trong giao tiếp quan hệ thầy trò, quan hệ bạn bè, đồng môn, anh em...

Tuy nhiên thầy Mạnh Tử không chỉ được sống trong môi trường mà người mẹ hiền thân yêu tạo lập, mà còn được bà dạy bảo ân cần. Bà nhận thấy cần phải làm gương cho con trong mọi công việc từ ăn nói, cử chỉ, hành động. Khi biết mình lỡ mồm bà mẹ đã kịp thời chữa lại ngay. Không phải bà đính chính lại câu nói đùa của mình mà đi mua thịt lợn về cho con ăn thật. Bà muốn chứng tỏ với con câu nói của bà là đúng vì Con ta thơ ấu, tri thức mới mỡ màng mà ta nói dối nó chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?. Cách dạy con của bà thật khéo léo, bởi nếu để trẻ em nói dối từ lúc nhỏ thì thật nguy hiểm vô cùng. Hành động này của bà nhằm khẳng định một điểm rằng trẻ em có thể tiếp thu tất cả những gì mà nó thấy qua biểu hiện của người lớn. Và dĩ nhiên các cụ đã nói Giỏ nhà ai, quai nhà nấy câu nói không đơn thuần là dòng giống, thế hệ mà nó còn mang nặng tư tưởng nhân cách từ gia đình và cha mẹ. Cho nên không thể cho tâm hồn trẻ thơ một chút vẩn đục nào.

Đối lập với cách dạy khéo léo là cách dạy kiên quyết. Phải nói rằng cách dạy này của bà đã gây ấn tượng mạnh và có tác dụng tích cực đối với thầy Mạnh Tử. Bởi không chỉ tỏ thái độ kiên quyết phủ định việc bỏ học di chơi bằng hành động cắt đứt tấm vải đang dệt mà nó còn vang lên trong câu nói Con đang đi học mà bỏ học, thì củng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt dứt đi vậy. Bà mẹ phải đau đớn lắm mới nói như thế, và cũng kiên quyết lắm mới cắt đứt tấm vải như thế. Bà thật kiên quyết, đi học mà bỏ học đi chơi là hư, là thiếu ý thức, không cần cù siêng năng và như vậy tất dẫn đến hư hỏng. Hiện nay không ít những hiện tượng học trò bỏ giờ, trốn học hư hỏng mà cha mẹ không hay biết. Nếu như bà mẹ thầy Mạnh Tử không kiên quyết làm như vậy thì làm sao Mạnh Tử nhận ra lỗi lẳm của mình. Bà yêu thương con nhưng không nuông chiều con quá mức.

Bài học cắt đứt tấm vải đang dệt mà thầy Mạnh Tử được chứng kiến như thức tỉnh trong mình. Đau xót lắm bà mới làm như vậy. Tình yêu thương của bà mẹ dành cho Mạnh Tử vô bờ bến và đúng như dân gian đã nói Dạy con từ thuở còn thơ, Yêu thì cho roi cho vọt. Muốn cho con nên người, phải mẫu mực, nghiêm khắc đồng thời chọn cách dạy phù hợp mới đạt được kết quả cao. Mẹ thương con chưa đủ mà phải biết dạy con. Bà mẹ thầy Mạnh Tử là tấm gương sáng về tình thương và cách dạy con.

Trên thực tế hiện nay cũng không thiếu những tấm gương sáng về sự giáo dục con cái thành người, nhưng bên cạnh đó còn khá phố biến tình trạng nuông chiều con cái quá mức, để rồi các “Cậu ấm”, “Quý tử”, “Công chúa” kia mắc vào con đường tội lỗi từ khi nào mà gia đình không biết.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF