YOMEDIA

Phân tích truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên

Tải về
 
NONE

Con Rồng cháu tiên là văn bản giải thích nguồn gốc sự hình thành của loài người thông qua việc sinh nở kì lạ của mẹ Âu Cơ. HOC247 mời các em học sinh lớp 10 tham khảo tài liệu văn mẫu Phân tích truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên dưới đây. Tài liệu nhằm giúp các em có thêm kiến thức về văn bản, đồng thời giải thích được nguồn gốc giống nòi, dân tộc và quá trình dựng nước, giữ nước của các vua Hùng. Chúc các em học vui vẻ!

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

- Giới thiệu về truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên

2.2. Thân bài

- Việc kết duyên giữa hai vị thần:

+ Lạc Long Quân thuộc nòi rồng sống dưới nước, có nhiều phép lạ giúp dân trừ yêu diệt quái

+ Âu Cơ thuộc dòng Tiên, xinh đẹp tuyệt trần

-->  Nguồn gốc cao quý

- Việc sinh nở kì lạ:

+ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ta trăm người con

+ 100 người con đẹp đẽ, khôi ngô, lớn nhanh như thổi

-->  Chi tiết tưởng tưởng sáng tạo thể hiện niềm tự hào về nguồn gốc tiên rồng và mối quan hệ gắn bó của con người Việt Nam.

- Cuộc chia tay:

+ 50 người con theo cha xuống biển

+ 50 người con theo mẹ lên núi

-->  Cùng nhau cai quản các phương.

+ Người con trưởng lên ngôi, lấy hiệu là Hùng Vương.

=> Truyện lí giải nguồn gốc con Rồng cháu Tiên và mối quan hệ gắn bó, đoàn kết của con người Việt Nam.

2.3. Kết bài

- Khái quát đặc sắc nội dung và nghệ thuật truyện.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Phân tích truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

“Xưa mẹ Âu Cơ sinh được trăm con. Năm mươi xuống biển năm mươi lên non. Nay triệu cháu con chung tình nước non, là hoa một gốc là con một nhà”… Những ca từ ấy được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác lấy cảm hứng từ tác phẩm “Con Rồng, cháu Tiên” trong dân gian. Đây là một trong những truyền thuyết nổi tiếng của dân tộc ta giải thích về nguồn gốc giống nòi, dân tộc và quá trình dựng nước, giữ nước của các vua Hùng.

Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có yếu tố tưởng tượng kì ảo, thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với những điều được kể. Lạc Long Quân được giới thiệu là một vị thần “thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ”. Thần hay ở dưới nước, “thỉnh thoảng lên sống trên cạn”, có sức khỏe vô địch và nhiều phép lạ. Lạc Long Quân đã giúp nhân dân diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, những con cá, con cáo, những cây sống lâu năm biến thành yêu quái làm hại đến cuộc sống, tính mạng của dân lành. Vị thần ấy còn dạy nhân dân ta “cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở”. Sau đó, Lạc Long Quân thường về thủy cung, “khi nào có việc cần, thần mới hiện lên”.

Còn Âu Cơ là một nàng tiên thuộc “dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần”. Do nghe nói vùng đất Lạc có nhiều hoa thơm cỏ lạ nên tìm đến thăm. Tại đây, nàng và Lạc Long Quân đã gặp nhau, “đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng, cùng chung sống trên cạn ở cung điện Long Trang”. Hai nhân vật này đều có nguồn gốc xuất thân cao quý. Nhắc đến “Rồng” là nhắc đến loài vật vô cùng thiêng liêng, được nhân dân ta tôn thờ, thành kính. Nhắc đến “Tiên” là nhắc đến một vẻ đẹp tuyệt thế, cao sang. Phải chăng thông qua nguồn gốc của Lạc Long Quân và Âu Cơ, nhân dân ta muốn ngợi ca nguồn gốc của dân tộc, của những con người Việt Nam máu đỏ da vàng?

Chi tiết Âu Cơ có mang và sinh ra cái bọc trăm trứng, “trăm trứng nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường”, đặc biệt hơn, “đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khỏe mạnh như thần”. Đây quả là một chi tiết kì lạ mang tính kì ảo, hoang đường nhưng cũng dễ hiểu bởi thực tế rồng và chim đều là loài vật đẻ trứng. Chi tiết này còn hàm chứa ý nghĩa biểu tượng nhằm giải thích nguồn gốc của giống nòi. Mọi người dân Việt Nam đều được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, bởi vậy nên được gọi là đồng bào, là anh em của nhau, cùng yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tất cả những con người Việt Nam phải biết gắn bó, đoàn kết với nhau để tạo nên sức mạnh dân tộc, chống lại mọi sự xâm lược của kẻ thù.

Do không quen với cuộc sống trên cạn nên Lạc Long Quân đã từ biệt Âu Cơ và mang theo năm mươi người con xuống biển, năm mươi người con còn lại theo Âu Cơ lên núi để chia nhau cai quản các phương. Kẻ ở “chốn non cao”, kẻ ở “miền nước thẳm” nên khi nào có việc thì giúp đỡ lẫn nhau. Cuộc chia tay ấy đã thể hiện ý nguyện mở rộng đất đai để làm ăn, sinh sống của con người. Qua đó, hành động này cũng thể hiện tình đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Họ không phân chia tôn giáo, ngôn ngữ, giới tính, nơi ở, tuổi tác mà luôn sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm và các thế lực thù địch trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Truyền thống ấy đã được đúc kết qua câu ca dao của dân gian:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Có thể nói, chính sức mạnh đoàn kết đã giúp dân tộc ta không ngừng lớn mạnh, phát triển và hội nhập với các nước trên thế giới như ngày hôm nay. “Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang”, thiết lập triều đình, dựng xây đất nước. Triều đình có đầy đủ cả tướng văn và tướng võ, con trai của vua được gọi là “lang”, con gái được gọi là “mị nương”, “khi cha chết thì ngôi được truyền cho con trưởng, mười mấy đời truyền nối ngôi vua đều lấy hiệu là Hùng Vương”. Cũng từ sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ mà người Việt Nam chúng ta đều tự hào khi nhắc đến nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên” của mình. Để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, nhân dân ta đã xây lăng tưởng niệm. Hằng năm, vào ngày mùng mười tháng ba âm lịch, người dân ở khắp mọi miền đất nước đổ về  xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để tham gia lễ hội tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng. Nghi lễ giỗ tổ này đã trở thành tín ngưỡng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhân dân ta dù có đi đâu, làm gì thì cũng đều ghi nhớ:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”

Truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” đã giúp chúng ta có được sự lí giải về nguồn gốc giống nòi, về truyền thống đoàn kết của dân tộc. Bên cạnh đó, các chi tiết kì ảo cũng góp một phần không nhỏ tạo nên sự thành công và sức hấp dẫn của tác phẩm.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Dân tộc Việt Nam có kho tàng truyền thuyết vô cùng phong phú, đặc sắc. Các truyền thuyết thường tập trung giải thích về nguồn gốc ra đời của con người, các hiện tượng tự nhiên,… Và để giải thích về nguồn gốc ra đời của nòi giống Lạc Hồng ta không thể không nhắc đến truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên".

Lạc Long Quân và Âu Cơ là hai nhân vật chính của truyền thuyết này, nhân vật là sản phẩm của sự hư cấu, trí tưởng tượng dân gian. Lạc Long Quân và Âu Cơ được các tác giả dân gian vẽ nên chân dung vô cùng đẹp đẽ, toàn mĩ.

Lạc Long Quân là thần biển, mình rồng, có nhiều tài lạ, sức khỏe phi thường, thường xuyên giúp đỡ dân lành, không chỉ vậy, thần còn dạy dân ta cách trồng trọt cấy cày, bởi vậy thần rất được mọi người yêu quý. Nàng Âu Cơ là một người con gái vô cùng xinh đẹp, con của thần Nông, nàng yêu hoa cỏ và nghe ở vùng đất Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ đẹp, bởi vậy nàng đã đến đây thăm thú. Giữa thiên nhiên xinh đẹp, hai vị thần, hai còn người toàn tài là Lạc Long Quân và Âu Cơ đã gặp nhau. Cảm mến vì dung nhan và tài năng họ đã kết duyên với nhau.

Lấy nhau không bao lâu, nàng Âu Cơ mang thai và kì lạ thay, khi nàng hạ sinh, thì sinh ra một bọc trăm trứng và bọc trứng đó nở ra trăm con. Những đứa con được sinh ra khôi ngô, đẹp đẽ, khỏe mạnh như thần. Việc nàng Âu Cơ hạ sinh ra những đứa con xinh đẹp, mạnh khỏe cũng chính là cách dân tộc ta lí giải về nguồn gốc của mình, đề cao nguồn cao quý của dân tộc Việt. Dân tộc Việt đều có chung một người cha, một người mẹ đó là Âu Cơ và Lạc Long Quân - những vị thần cao quý, tài năng. Qua đó cũng đồng thời khẳng định nguồn gốc của dân tộc ta đều là con Rồng, cháu Tiên – nguồn gốc cao quý.

Hơn nữa, tác phẩm còn thể hiện ý thức cộng đồng rất rõ nét qua việc một trăm đứa con được chia đôi, năm mươi con lên rừng, năm mươi con xuống biển, chia nhau cai quản các phương, khi có việc thì giúp đỡ nhau. Như vậy, theo truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên dân tộc Việt dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều có chung một nguồn gốc, đều được sinh ra từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ. Hai chữ "đồng bào" để chỉ những người cùng chung một nước, thật thiêng liêng, cao quý. Bởi vậy, người trong cùng một nước cần phải yêu quý, đoàn kết với nhau, chung tay xây dựng đất nước.

Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên ngoài giải thích nguồn gốc cao quý của dân tộc ta còn ca ngợi Lạc Long Quân và Âu Cơ đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, phát triển đất nước. Trước hết hết Lạc Long Quân và Âu Cơ có công mở mang bờ cõi khi đưa năm mươi con lên rừng, năm mươi con xuống biển, khiến cho dân cư phân bố đều khắp cả nước, mở rộng địa bàn cư trú. Không chỉ vậy, hai vị thần còn giúp dân phát triển sản xuất, xây dựng các phong tục, tập quán đẹp đẽ của dân tộc. Long Quân "giúp dân diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh" , ngài còn "dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở" . Mẹ Âu Cơ có công mở ra thời đại các vua Hùng, mở ra thời kì nhà nước thái bình, thịnh trị.

Văn bản đã sử dụng nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo để giải thích về nguồn gốc dân tộc ta. Các yếu tố như nguồn gốc xuất thân cao quý, thần linh của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã đề cao nguồn gốc dân tộc Việt, đồng thời ca ngợi công lao những người đã khai sinh ra giống nòi và mở mang bờ cõi đất nước.

Con Rồng cháu Tiên với những chi tiết kì ảo, hấp dẫn là truyền thuyết đặc sắc của dân tộc ta. Tác phẩm thể hiện niềm tự hào về nguồn gốc cao quý, niềm biết ơn với hai vị thần đã có công gây dựng và mở mang bờ cõi. Đồng thời tác phẩm cũng nêu cao truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON