Chuyên đề Phân loại Động vật có xương sống Hoc247 tổng hợp và biên soạn các kiến thức có liên quan đến động vật có xương sống thuộc chương trình Sinh học 7 nhằm giúp các em ôn tập hiệu quả nhất. Mong rằng với tài liệu giúp các em ôn tập tốt nhất. Nội dung chi tiết xem tại đây!
PHÂN LOẠI ĐỘNG VẬT CÓ XƯƠNG SỐNG
Câu 1: Loài trên quan điểm di truyền hocvà cấu trúc của loài.
Trả lời:
"Loài" trên quan điểm di truyền học
- "Loài" ở các sinh vật sinh sản giao phối: ở các loài giao phối có 2 điểm dặc trưng sau:
- Mỗi loài có một kiểu gen hoàn chỉnh được hình thành trong quần thể phát triển lịch sử, dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên. Trong kiểu gen đó các gen tương tác thống nhất, đảm bảo sự phản ứng thích nghi với những điều kiện nhất định trong môi trường.
- Mỗi loài là một hệ gen kín, tức là đơn vị sinh sản độc lập. Giữa hai loài khác nhau không có sự trao đổi gen.
→ Như vậy: ở các sinh vật giao phối có thể xem loài là một quần thể hay một nhóm quần thể có những tính trạng chung về hình thái sinh lý, có khu phân bố xác định, trong đó cá thể có khả năng giao phối với nhau và cách ly sinh sản với những nhóm quần thể khác. Trong đó cách ly sinh sản hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên là dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt loài, sự cách ly sinh sản đã làm cho các loài giao phối là một tổ chức tự nhiên, có tính toàn vẹn.
- " Loài" ở các sinh vật sinh sản vô tính:
- Ở các sinh vật sinh sản vô tính, Mỗi dòng vô tính gồm những cá thể có kiểu gen đồng nhất (Trừ trường hợp có đột biến). Vì không có quá trình giao phối và thụ tinh nên mỗi dòng vô tính là một hệ thống gen cách ly với các dòng khác.
→ Như vậy, ở các sinh vật sinh sản vô tính có thể xem loài là một nhóm dòng vô tính có những tính trạng tương tự, thích nghi với môi trường theo kiểu giống nhau, mỗi loài là một hệ thống các kiểu sinh vật gần nhau, chiếm cứ những khu vự xác định và có chung một lịch sử phát triển.
Cấu trúc của loài
- Các đơn vị dưới loài: Theo K.M.Zavmetxki (1961) phân chia các đơn vị dưới loài như sau:
- Loài nửa (Semispecies) là một nòi địa lý hay nòi sinh thái đang biến đổi gần đạt tới mức hình thành loài mới.
- Phân loài (Subspecies) tức là nòi địa lý.
- Kiểu hình thái (Ecotypa) tức là nòi sinh thái
- Quần thể địa phương
- Yếu tố sinh thái (Ecoelamant) là một dạng trong quần thể đặc trưng bởi một phức hệ di truyền không phân ly và có khả năng tách khỏi quần thể thành một nòi sinh thái.
- Nhóm sinh thái - sinh học: Là một nhóm cá thể trong quần thể có một cơ sở di truyền giống hoặc khác nhau, khác biệt về một tính trạng hình thái xác định và phản ứng theo một kiểu giống nhau trước điều kiện môi trường.
- Kiểu sinh vật (Biotype): Là nhóm cá thể có kiểu gen đồng nhất, khác với các nhóm khác chỉ ở một đột biến.
- Cách phân chia này chủ yếu áp dụng cho các loài thực vật bậc cao.
- Quan niệm chung, trong thiên nhiên loài tồn tại như một hệ thống các quần thể địa phương. các quần thể có thể phân bố gián đoạn tạo thành các nhóm khác khu hoặc chúng cùng chung sống trong một khu vực địa lý và được gọi là các nhóm cùng khu. Hai nhóm quần thể khác khu thương không giao phối được với nhau (vẫn có thể giao phối với nhau khi tiêp xúc) được gọi là hai nòi địa lý. Hai nhóm quần thể cùng khu giao phối với nhau cho nhiều dạng trung gian, được gọi là hai nòi sinh thái hoặc nòi sinh học.
- Các nòi địa lý phát triển thành các loài khác khu. Nòi sinh thái, nòi sinh học phát triển thành các loài cùng khu.
- Việc phân biệt loài, loài nửa, nòi dựa vào mức độ cách ly sinh sản. loài nửa là trường hợp mức độ phân hóa về hình thái có lớn hơn nòi nhưng còn có thể giao phối được với nhau. Sự cách ly sinh sản hoàn toàn với dạng gốc đã đánh dấu sự hình thành loài mới.
Câu 2: Những tiêu chuẩn xác điịnh loài trong thực hành
Trả lời:
- Đặc điểm tổ chức: Loài là tổ chức sống ở bậc trên cá thể, loài nằm trên một tổ chức thống nhất có quan hệ với nhau (sinh sản, dinh dưỡng, phát triển) đồng thời đối với các quần thể khác là nhóm độc lập.
- Đặc tính di truyền: Loài có cơ sở di truyền (vốn gen riêng cho loài ). Sự thống nhất được thể hiện ở chỗ có hệ thống ADN, protein đặc trưng, ARN. Vốn gen từng cá thể không tồn tại vĩnh viễn mà vốn gen chống lại sự xâm nhập các gen lạ làm đảo lộn cấu trúc di truyền quần thể, nó quyết định đặc điểm chung của loài.
- Đặc tính sinh sản của loài: Loài là một tập hợp tự sinh sản trong tự nhiên, mà trong suốt thế hệ này sang thế hệ khác vẫn giữ được chất lượng.
- Đặc điểm về hình thái: Loài bao giờ cũng có cấu trúc đặc trưng cho mình, đơn vị cơ sở của loài là các quần thể địa phương. Quá trình phân ly di truyền kéo theo sự phân ly hình thái (nếu không loài sẽ không được bảo tồn). Ngược lại sự phân ly hình thái không diễn ra đồng thời, khe hở giữa các quần thể chưa rõ ràng sinh ra dạng chuyển tiếp dẫn đến loài không được bảo tồn.
- Đặc tính sinh thái: Loài thích nghi với điều kiện sống nhất định mà còn có khả năng cạnh tranh với các loài khác. Loài muốn tồn tại phải chiếm vùng riêng biệt trong hệ sinh thái và là mắt xích trong chu trình vật chất tự nhiên.
- Đặc tính địa lý: Loài phân bố trên vùng lãnh thổ nhất định trong tự nhiên.
- Đặc điểm sinh học: Loài là hệ thống có khả năng phát triển, tiến hóa và lịch sử loài thể hiện tồn tại với thời gian và nó như là nhánh riêng biệt trong cây phát sinh chủng loại.
Câu 3: Tổ tiên của động vật có xương sống và sự tiến hoá của động vật có xương sống
Trả lời:
1. Tổ tiên động vật có xương sống là động vật ở nước ngọt
- Trong giới động vật ngành Dây sống là ngành trẻ nhất. Các loài động vật có xương sống cổ xưa nhất đã được hình thành vào cuối kỷ xilua (khoảng 500 triệu năm trước). Trước đây dựa vào đặc điểm của các nhóm Dây sống nguyên thủy như Có bao, Đầu sống và đa số nhóm có sọ bậc thấp đều sống ở biển nên người ta cho rằng tổ tiên động vật Có xương sống chắc phải sống ở biển. Tuy vậy những dẫn liệu cổ sinh học cho biết các di tích hóa thạch của động vật trong nhóm Có sọ cổ xưa nhất không bao giờ tìm thấy cùng với di tích của loài động vật không xương sống ở biển. Vì thế gần đây có khuynh hướng cho rằng tổ tiên động vật Có xương sống là động vật nước ngọt.
2. Sự tiến hóa của động vật Có xương sống
- Trong động vật Có xương sống nhóm cổ nhất là cá có giáp (ostracodermi). Di tích hóa thạch của chúng tìm thấy trong lớp đá kỉ Ordovic. Chúng là những loài vật không có hàm, gọi chung là cá Có giáp Ostracodermi thuộc nhóm không hàm (Agnatha).
- Dòng không hàm phát triển mạnh ở kỉ silua, đevon và phân thành nhiều nhóm riêng biệt. Cuối kỉ đevon đại bộ phận cá không hàm bị tuyệt diệt chỉ còn lại những cá miệng tròn có đời sống nửa kí sinh còn sống sót đến ngày nay.
- Cuối kỉ silua, từ cá không hàm đã hình thành dòng động vật Có xương sống khác, nhóm cá có hàm (Gnathosoma) và ngay từ kỉ đevon cá đã phân hóa đa dạng tạo thành nhiều lớp cá khác nhau: cá Móng treo (Placodermi), cá Sụn (Chondrichthyes) , cá Xương (osteichthyes).
- Vào cuối kỉ đevon từ một nhóm cá xương đã phát sinh ra Lưỡng cư (Amphibia) là nhóm có xương sống ở cạn đầu tiên. Tới giữa kỉ thạch thán, Lưỡng cư lại phát sinh ra Bò sát(Reptilia). Bò sát là nguồn gốc của hai lớp có xương sống bậc cao là chim và thú, hình thành từ cuối kỉ tam điệp.
Câu 4: Những đặc điểm thích nghi từ nước lên cạn của động vật có xương sống?
- Động vật có xương sống trên cạn bao gồm động vật 4 chân (Tetrapoda) gồm các lớp lưỡng cư, bò sát, chim và thú.
- Những động vật có xương sống đầu tiên lên cạn sinh sống là ếch nhái Giáp đầu (Stegocephalia). Tổ tiên của chúng là những cá vây tay (Crossopterygii).
- Quá trình chuyển đổi từ đời sống ở nước lên sống ở cạn là quá trình tiến hóa rất quan trọng của động vật và thực vật. Trong quá trình tiến hóa thích nghi với đời sống ở cạn động vật phải có những biến đổi cấu tạo cơ thể để thích nghi với đời sống thiếu nước, tránh khỏi chết khô và di chuyển được trên giá thể cứng, gồ ghề.
- Mang là cơ quan hô hấp của động vật ở nước, không thích hợp với môi trường khô trên cạn. Cơ quan hô hấp oxi không khí là phổi. Sự hình thành lỗ mũi trong (khoan) là sự thích ứng quan trọng để phổi có thể tiếp xúc với không khí tự do.
- Tỷ trọng của nước xấp xỉ bằng tỷ trọng cơ thể động vật. động vật sống trong nước được nước nâng đỡ. Tỷ trọng không khí rất nhỏ so với cơ thể. Để chống lại trọng lực trong môi trường không khí cơ thể động vật cần bộ xương vững chắc, chi khỏe để nâng cơ thể. Động vật không xương sống có bộ xương ngoài. Động vật có xương sống có bộ xương trong. Bộ xương trong như là cái khung của cơ thể. Vây cá không thể nâng đỡ cơ thể trên mặt đất. Chi động vật có xương sống ở trên cạn là kiểu chi 5 ngón. Các thành phần xương chi sắp xếp theo nguyên tắc đòn bẩy. Nhờ đó chi có thể nâng đỡ cơ thể khi con vật di chuyển.
- Các loài động vật ở nước thường đẻ trứng và phóng tinh trùng vào môi trường nước. Sự thụ tinh và phát triển của trứng diễn ra ở trong môi trường nước, nên không bị khô. Lưỡng cư , lớp động vật có xương sống đầu tiên sống trên cạn, sinh sản còn liên hệ chặt chẽ với môi trường nước. Các lớp khác, bò sát, chim, thú khi giao phối con đực đưa tinh trùng trực tiếp vào cơ thể con cái. Tinh trùng ở trong tinh dịch. Trứng có vỏ bao bọc hoặc phát triển ngay trong cơ thể mẹ. Nhờ đó tinh trùng, trứng và phôi được bảo vệ tốt hơn, không bị khô.
Sự khác biệt giữa môi trường nước và môi trường trên cạn.
Môi trường sống của động vật ở nước và ở cạn có những sai khác rõ rệt.
a) Hàm lượng oxy trong không khí giầu hơn trong nước 20 lần. Một lít không khí có 210 mililit oxy, còn trong 1 lít nước chỉ có 3- 9 ml oxy. Độ khếch tán của oxy trong nước phụ thuộc vào nhiệt độ và sự có mặt của các chất hòa tạn khác trong nước và độ bão hòa oxy.
b) Nhiệt độ trong nước ít thay đổi so với nhiệt độ không khí. Nhiệt độ ở đại dương ổn định trong ngày. Nhiệt độ không khí dao động lớn. Mùa đông băng giá, khi băng tuyết tan, mùa khô cạn hay mùa lụt lội đều có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của động vật ở cạn.
c) Môi trường sống trên cạn rất đa dạng: rừng cây lá nhọn, rừng ôn đới, rưnhgf nhiệt đới, đồng cỏ, sa mạc, vùng đồi, đảo đại dương, miền cực...Động vật ở cạn thích nghi với một dạng môi trường nhất định. Do chúng rất đa dạng hơn nhiều so với động vật ở nước.
d) Điều kiện bảo vệ đối với trứng và con non trên cạn cũng đầy đủ hơn so với trong môi trường nước.
Câu 5: Sơ lược hệ thống phân loại động vật có xương sống?
Phân ngành Có xương sống (Vertebrata)
Tổng lớp không hàm (Agnatha): không có hàm.
1) Lớp cá Miệng tròn (Cyclostomata): Cá myxin, cá bám.
Tổng lớp có hàm (Gnathostomata): có hàm.
Nhóm cá (Pisces)
Hô hấp bằng mang. Chi là vây bơi. Sống ở nước.
2) lớp cá Móng treo (Placodrermi hay Aphetohyoidei) đã bị tuyệt diệt.
3) Lớp cá sụn ( Chondichthyes): Bộ xương là sụn. Đuôi dị vĩ. Có 5 -7 đôi mang thông thẳng ra ngoài. Không có nắp mang.
4) Lớp cá xương (Osteichthyes): Bộ xương là xương. Có nắp mang. Có bong bóng hơi hay phổi.
Nhóm bốn chân (Tetrapoda)
Sống trên cạn. Chi kiểu 5 ngón. Thở bằng phổi.
5) Lớp lưỡng cư (Amphibia).
6) Lớp bò sát (Reptilia).
7) Lớp chim (Aves).
8) Lớp thú (Mammalia).
Dựa vào sự phát triển của phôi chia động vật có xương sống ra làm hai nhóm:
Động vật không màng ối (Anamniota): phôi cá, lưỡng cư phát triển trong nước.
Động vật có màng ối (Amniota) : phôi của bò sát, chim, thú phát triển trong một túi chứa đầy dịch, túi ối. Ngoài ra Bò sát và Chim có nhiều nét chung, có quan hệ họ hàng gần gũi, nên thường được xếp thành nhóm dạng Thằn lằn (Sauropsida).
Câu 6: Phân loại tự nhiên lớp chim:
Lớp chim gồm hai phân lớp:
- Phân lớp đuôi thằn lằn (Saururae). Lông đuôi mọc hai bên cột sống đuôi; gồm một số loài hóa thạch kỉ jura.
- Phân lớp đuôi quạt (Ornithurae). Lông đuôi mọc ở mút cột sống đuôi; gồm cá bộ đang sống và ít bộ hóa thạch kỉ bạch phấn.
Chim hiện đại có trên 25.000 loài, chia ra 3 tổng bộ : chim chạy, chim bơi và chim bay.
Tổng bộ chim chạy (Gradientes) hay chim không lưỡi hái (Ratites):
Cánh không có hoặc phát triển yếu không bay được. Lông phủ kín thân. Phiến lông rời rặc, không có râu lông thứ cấp, thiếu móc câu. Xương ức không có xương lưỡi hái, thiếu xương đòn hoặc yếu. Chân có 2 hoặc 3 ngón. Chim chạy có chân dài khoẻ, ít ngón, chạy nhanh. Chim non khoẻ. Hiện nay chim chạy chỉ còn sống ở một số vùng, ít loài. Có 4 bộ:
1. Đà điểu Phi (Stuthioniformes): Một loài đà điểu Phi (Stuthio camelus) cao 2,7 mét, nặng 135kg, 2 ngón.
2. Đà điểu Mỹ (Rheiformes). Sống ở nam Mỹ.
3. Đà điểu úc (Casuariiformes). Phân bố ở Australia. Cao1,5 mét.
4. Chim không cánh hay kivi ( Apterygiformes). To bằng con gà. ở New Zealand.
Tổng bộ chim bơi (Natantes)
Đại diện :
Chim cánh cụt (Aptenodytes) sống ở bờ biển Nam cực.
Mình có lông ngắn, mau (dày). Bơi giỏi, cánh biến đổi đẻ bơi. Có gờ lưỡi hái. Chân có màng bơi. Chân lùi về phía sau, ngón có màng bơi, ngón cái nhỏ, chim bơi lặn giỏi, ăn cá và thân mềm. Sống thành từng đàn ở Nam cực. Chỉ có một bộ. Bộ chim cánh cụt (Sphenisciformes): Có 10 loài, chỉ phân bố ở các biển phía Nam bán cầu, từ Nam cực đến đảo Galapagos.
Tổng bộ chim bay (Volantes) hay chim lưỡi hái (Carinatae)
Cánh, xương ức, bộ lông có cấu tạo điển hình của chim. Có khoảng 35 bộ. Việt nam có 20 bộ. Các bộ chính:
1. Bộ gà (Galliformes): Gà là một bộ lớn, có đầu nhỏ, cánh ngắn và tròn bay kém. chân to khoẻ có 4 ngón to, móng sắc để bới đất kiếm mồi, ngón cái cao. Mỏ ngắn và khoẻ, mỏ trên rộng trùm lên 1 phần mỏ dưới. Con trống có bộ lông đẹp hơn con mái, có 1-2 cựa phía sau chân. Phần lớn làm tổ dưới đất. Chim non khoẻ. Bộ gà có tầm quan trọng trong chăn nuôi nhất là họ gà Lôi (Phaisianidae). Họ gà Lôi có ngón cái ngắn hơn, cao hơn các ngón khác. Con trống thường có cựa. Phân bố khắp vùng ôn đới và nhiệt đới.
- Gà Lôi đỏ (Phasianus torquatus) : Có lông đuôi rất dài, có vòng trắng ở cổ. Phân bố ở các nước Châu á và ở Việt Nam.
- Gà Lôi trắng (Lophura nycthemerus) : Lưng và đuôi có vân đen. Đầu, mào, cổ, ngực và bụng đều đen bóng.
- Đa đa (Francolinus pintadeanus) : Rất phổ biến ở Việt Nam, lủi rất nhanh trong các bụi cây thấp ở các đồng cỏ tự nhiên.
- Công (Pavo multicus imperator) : Bộ lông đẹp màu xanh lam và màu lục. Đầu có mào cao, chân có cựa lớn, lông trên đuôi con trống rất dài, đẹp có những vòng tròn đồng tâm gọi là "gương". Các lông này có thể dựng lên hay xoè ra như cánh quạt. Công sống ở các rừng thưa miền Hoà Bình, Phú Thọ...
- Gà Tây (Meleagrit gallopavo) : Chim lớn có dáng nặng nề, bay rất kém. Đầu và cổ trụi lông. Con trống có mào thịt co giãn được, thường buông thõng xuống. Lông đuôi có thể xoè cánh quạt như công.
- Gà rừng hay gà cỏ (Gallus gallus) : Con trống có mào thịt lớn, lông trên đuôi dài. Gà mái đẻ từ 5-9 quả trứng. Sống ở khắp các vùng rừng núi nước ta, chúng thường ra kiếm ăn ở các nương bãi ven rừng vào buổi sáng sớm và chiều.
- Gà nhà (Gallus gallus domesticus) : Được thuần hoá từ lâu đời, là loài chim nuôi phổ biến của nhân dân ta.
2. Bộ le hôi (Podicipediformes): Chim lặn giỏi, chân ngắn, ngón chân có màng da. Đại diện Le hôi.
3. Bộ hải âu (Procellariformes): Chim biển, lỗ mũi hình ống. Sải cánh dài nhất (hơn 3,6m). Hải âu, Báo bão...
4. Bộ cò (Ciconiiformes): Chim lội nước, cổ dài, cẳng dài. cò, giang, vạc, diệc...
5. Bộ bồ nông (Pelecaniformes). Chim bơi, có túi họng. Bốn ngón có màng da nối với nhau. Bồ nông, cốc...
6. Bộ ngỗng (Anseriformes). Ngỗng vịt là chim bơi, chân có màng nối liền 3 ngón trước. Mỏ dài rộng, lớp da bọc mỏ có nhiều vi thể xúc giác, bờ mỏ có những tấm sừng ngang mỏng, lưỡi có khía răng cưa. Mỏ và lưỡi có tác dụng như một cái sàng giữ lại trong miệng các động vật nhỏ, hạt ở dưới nước.
- Chân ngắn, ngón cái nhỏ và cao. Dáng đi chậm chạp, nặng nề nhưng bơi lội rất nhẹ nhàng.
- Con đực có ngọc hành dài xoắn ốc.
- Trong bộ này có họ vịt (Anatidae) có ý nghĩa kinh tế lớn.
- Ngỗng trời (Anser anser rubrirostris) : có lông xám, sống và làm tổ ở phương Bắc, mùa rét di trú về Nam.
- Ngỗng nhà (Auca) : cổ dài, chân vàng, lông xám
- Mòng két (Anas cresca cresca) : nhỏ hơn vịt trời, mùa rét di trú về ta thành từng đàn hàng vạn con.
- Vịt trời (Anas acuta) : có mỏ xám, chân xám, mùa đông di trú về Việt Nam.
- Vịt nhà (Anas platyrhynchos domesticus) : 6 tháng tuổi nặng khoảng 1-1,8kg hàng năm đẻ 150 trứng, mất khả năng ấp trứng.
- Ngan (Cairina moschata) : Có mào thịt đỏ khoảng giữa mỏ và mắt.
7. Bộ cắt (Fanconiformes). Chim ăn thịt ngày. Bay khỏe. Mỏ quắp vuốt cong sắc. Kền kền, cắt, diều, đại bàng... Gồm những chim ăn thịt ban ngày. Mỏ lớn, cong và nhọn, mỏ trên dài hơn và quặp xuống. Gốc mỏ có màng da với 2 lỗ mũi. Chân to khoẻ có 4 ngón lớn có máng sắc. Chim cắt dùng mỏ và móng chân để quắp và xé mồi. Đôi cánh rộng, bay lượn nhẹ nhàng, mắt tinh. Con mái lớn hơn con trống.
- Đa số chim cắt ăn chuột, rắn và xác chết gieo rắc mầm bệnh từ nơi này đi nơi khác. Một số bắt gà, vịt con, ăn cá.
- ở phía Bắc có 3 họ : Cắt (Falconidae), Kền kền (Aegypiidae) và chim Ưng (Accipitridae). Đều là những chim tương đối lớn. Chim cắt về mùa đông di trú về nước ta. Có nhiều loài như : Chim Cắt lớn (Falco peregrinus ieucogenus)
- Kền kền rừng (Gyps indicus nudiceps)
- Diều hâu (Milvus migrans)
- Đại bàng (Aquilla rapax)
8. Bộ sếu (Gruiformes). Chim nước đầm lầy, chạy giỏi. Cun cút, cuốc, sếu, sít...
9. Bộ dẽ (Charadriiformes). Chim bờ nước, đầm lầy. chân cao. Dẽ gà, dẽ giun, choắt...
10. Bộ bồ câu Columbiformes). Bồ câu có đầu nhỏ, chân ngắn, mình to. Xương lưỡi hái và cơ ngực rất phát triển. Đi chậm, vụng về nhưng bay rất giỏi nhờ đôi cánh dài và nhọn. Gốc mỏ có màng da, nhưng khó phân biệt. Chân có 4 ngón ngang hàng nhau và móng sắc. Chim mẹ nuôi con bằng "sữa" từ diều tiết ra.
- Cu xanh (Treron curvirostra) : lông có nhiều màu sắc, chủ yếu là màu xanh lục. Mỏ mềm, ngón chân rộng. ăn quả trên cây, thường sống và đi kiếm ăn từng đàn rất đông ở nước ta.
- Bồ câu rừng (Columba livia) : Mỏ cứng hơn cu xanh, ăn các thứ hạt trên mặt đất. Sống ở Châu Âu, là tổ tiên của bồ câu nhà.
- ở nước ta không có loài bồ câu rừng nào cả.
- Cu sen (Streptopelia orientalis) : Có bộ lông xám và nâu, mỏ nâu, chân đỏ, hai bên cổ có đốm đen.
- Cu gáy (Streptopelia chinensis tigrina) : là một trong những loài chim phổ biến nhất ở nước ta. Lông xám và nâu hung, cổ có vòng cườm đen, đốm trắng.
11. Bộ vẹt (Psittaciformes). Chân chèo, mỏ quắp, mỏ trên khớp động với hộp sọ. Màu sắc đẹp.
12. Bộ cu cu (Cuculiformes). Chân trèo, hai ngón hướng phía trước, hai ngón hướng phía sau. Nhiều loài có tập tính đẻ trứng vào tổ chim khác, nhờ ấp và nuôi con hộ. Tìm vịt, tu hú, bắt cô trói cột...
13. Bộ cú vọ (Strigiformes). Cú là chim ăn thịt ban đêm. Mỏ và chân giống chim Ưng, đầu to, cổ ngắn, hốc mắt rộng lớn hướng về phía trước. Lông mặt xếp thành 2 vòng quanh mặt gọi là "đĩa mặt". Gốc mỏ có lông cứng, bộ lông rậm, mềm, nhẹ và dài, có khi phủ kín cả ngón chân. Cú có mắt lớn, tai ngoài phát triển, thích nghi với săn mồi ban đêm. Ban ngày cú ẩn nấp trong hang hay bụi rậm, chập tối mới ra kiếm ăn cho đến sáng. Chúng ăn chuột, ếch nhái và chim khác. Bay nhanh không có tiếng động nên đến sát gần mồi. Ban ngày tuy bị ánh nắng chói mắt nhưng vẫn trông rõ và bay được, có 1 số loài ăn cả ban ngày. cú làm tổ trong hang, đẻ từ 2-10 trứng, chim non yếu, lông tơ thưa.
- Cú mèo (Strix leplogrammica) : Đầu có 2 mào lông dựng lên phía sau mắt.
- Cú lợn (Tylo alba streralens) : Có 2 đĩa mặt nối liền nhau, đầu không có mào. Tai ngoài có vành tai chưa phát triển.
14. Bộ én (Apodiformes). Cánh dài nhọn, chân yếu không đứng được. Ngón chân có vuốt sắc giúp chim bám vào vách đá. én, yến...
15. Bộ trả (Coraciiformes). Các loài có cấu tạo và sinh học rất sai khác. Bói cá, trẩu, bòng tranh, niệc...
16. Bộ gõ kiến (Piciformes). Chân chèo. Đuôi gồm nhiều lông cứng có tác dụng như lò so, mỏ thẳng, lưỡi dài. Cu rúc, gõ kiến lớn, gõ kiến nhỏ...
17. Bộ sẻ (Passeriformes). Là một bộ lớn chiếm gần 50% số lượng loài chim, có 50 họ, khoảng 2.600 loài. Chân có 4 ngón, 3 ngón trước và 1 ngón sau. Móng chân ngón sau bao giờ cũng lớn hơn móng ngón giữa. Chim non thường yếu. Phần lớn chim thuộc bộ Sẻ ăn côn trùng, thịt chuột và các xác chết, bắt các chim non, ăn quả, hạt, cho nên bộ sẻ có ý nghĩa rất lớn trong việc tiêu diệt côn trùng làm hại cây trồng. Nhưng có 1 số ăn thịt sống, xác chết lan truyền các bệnh dịch cho người và động vật nuôi.
- Chim sẻ (Passer montanus malaccensis) : mỏ ngắn, dày, hình nón, là một loài phổ biến nhất, sống khắp nơi.
- Sáo mỏ gà (Acridotheres cristatellus brevipennis) : chim nhỏ, trung bình, chân khoẻ, cánh nhọn. Mỏ màu trắng ngà là 1 trong những loài phổ biến nhất ở nước ta. Sống thành đàn thường kiếm ăn trên lưng trâu, bò, bắt ve, ruồi, muỗi, mòng.
- Bách thanh (Lanius schach) : đầu xám, lưng hung vàng, cánh và đuôi đen, thường đậu trên ngọn cây rình mồi, ăn côn trùng, chim con và chuột...
- Quạ đen (Corvus macrorhynchus) : bộ lông đen tuyền, mỏ đen, chân đen, sống từng đôi hay từng đàn ở khắp nơi. Ăn sâu bọ, quả, hạt, bắt cả chim con, ăn xác chết nên có thể lan truyền các bệnh dịch.
- Quạ khoang (Corvus torquatus) : lớn hơn quạ đen, nhưng mỏ nhỏ hơn, cổ có khoang trắng, cũng ăn sâu bọ và xác chết.
Việt Nam có 828 loài chim / tổng số 9.040 loài chim thế giới.
{-- Để xem đầy đủ nội dung Phân loại động vật có xương sống Sinh học 7 vui lòng xem online hoặc tải về --}
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Chuyên đề Phân loại động vật có xương sống Sinh học 7. Để xem toàn bộ nội dung các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
- Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm: Bài tập trắc nghiệm ôn tập Lớp Cá - Lớp Lưỡng Cư Sinh học 7