YOMEDIA

Cảm nhận về nhân vật Tiểu Thanh trong Đọc Tiểu Thanh kí

Tải về
 
NONE

Bài văn mẫu Cảm nhận về nhân vật Tiểu Thanh trong Đọc Tiểu Thanh kí dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được nỗi bất hạnh của một thân phận hồng nhan bạc phận. Qua đó, Nguyễn Du thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của mình về những người phụ nữ bất hạnh trong xã hội phong kiến. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Đọc Tiểu Thanh kí.

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Tiểu Thanh là tên hiệu của cô gái họ Phùng sống vào đời Minh, Trung Quốc. Nàng làm lẽ, bị vợ cả ghen, bắt ra ở Cô Sơn cạnh Tây Hồ. Vì cô đơn sầu muộn, nàng chết lúc tuổi vừa tròn mười tám, chỉ để lại một tập thơ “Tiểu Thanh kí”. Đọc phần dư cảo của nàng, Nguyễn Du xúc động làm bài thơ: Đọc tập Tiểu Thanh kí.

- Ghi bài thơ và chuyển mạch.

b. Thân bài:

* Hoàn cảnh của Tiểu Thanh:

Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang

- Nguyễn Du hình dung cảnh Tây Hồ, nơi Tiểu Thanh bị vợ cả bắt ra ở đấy, nay đã thành gò hoang, cũng như Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh qua mảnh giấy tàn tức là phần dư cảo của nàng. Gò hoang lạnh chôn cất người tài sắc mà bạc mệnh, thật là đáng thương cảm. Thương cảm nên tưởng niệm, và chỉ biết tưởng niệm người xưa bằng cách đọc những bài thơ cũ còn sót lại của nàng bên song cửa sổ, nên thổn thức ngậm ngùi: Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

* Số phận bất hạnh của Tiểu Thanh:

- Tiểu Thanh là kẻ cô đơn, người viết cũng là kẻ cô đơn. Hai tâm hồn cô đơn dường như giúp nhau, và người hôm nay cảm thông trọn vẹn nỗi đau đớn của người xưa

Son phấn có thần, chôn vẫn hận.

Văn chương không mệnh, đốt còn vương.

- Son phấn như có tinh anh, nên người chết rồi mà vẫn xót hận. Văn chương không có số mệnh, sao lại văn vương lụy phiền.

- Sắc đẹp và văn chương là hai thứ gắn bó với Tiểu Thanh lúc sinh thời của nàng. Son phấn làm gì có thần, nhưng Nguyễn Du đã tạo thần cho để rồi tự hận, để thương hận cho Tiểu Thanh. Văn chương cũng vậy, làm gì có mệnh, nhưng Nguyễn Du cũng gắn mệnh cho để rồi vương vấn xót thương cho Tiểu Thanh

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

- Từ câu thực, Nguyễn Du đi đến câu luận có tính cách triết lí. Nỗi hờn kim cổ là nỗi hờn muôn đời. Nhà thơ như dồn cái hận muôn đời vào niềm thương hận cho số kiếp của Tiểu Thanh. Muốn hỏi trời vì sao có nỗi hận này, không hỏi được lại càng thêm hận.

- Còn khách phong lưu lẽ ra đáng được hưởng những thú phong lưu, sao lại phải mang cái án lạ lùng?

- Không trả lời được, nhà thơ đành thở than: Ta tự thấy mình là người cùng hội cùng thuyền với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhà.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

- Tiếu Thanh mất vào thế kỉ XVI thì ba trăm năm sau, vào thế kỉ XIX có một người là Tố Như (tức Nguyễn Du) làm thơ khóc nàng. Nhưng chẳng biết ba trăm năm sau khi Tố Như mất đi trong thiên hạ ai là người khóc cho?.

- Một câu hỏi làm nao lòng người, thể hiện nỗi bi thương tột độ. Cuộc đời vẫn hiếm hoi mừng tri âm, tri kỉ. Nguyễn Du đang xót thương cho Tiểu Thanh, bỗng quay ra tự xót thương mình. Bởi lẽ Nguyễn Du và Tiểu Thanh cùng chung một số kiếp tài tử giai nhân đầy lận đận.

c. Kết bài:

- Tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du thể hiện sâu sắc trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là bài thơ này. Thương người đang sống (Sở kiến hành), thương người chịu kiếp đọa đày (Truyện Kiều), thương người bất hạnh (Văn chiêu hồn), còn thương cả người đã khuất (Đọc Tiểu Thanh kí). Thật như lời thơ Tố Hữu: Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Cảm nhận về nhân vật Tiểu Thanh trong Đọc Tiểu Thanh kí dưới dạng một bài văn ngắn.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh cũng “định mệnh” như Thuý Kiều đến với Đạm Tiên vậy. Ngày tết Thanh minh mà sao sắc xuân không đến với Đạm Tiên trên nấm cỏ. Sắc cỏ vàng úa giữa mùa xuân thật hợp cho cuộc gặp gỡ giữa hai con người có tên trong sổ đoạn trường. Nguyễn Du với Tiểu Thanh không chỉ là sự cách biệt âm dương. Đó còn là sự cách biệt của khoảng cách thời gian vời vợi: ba trăm năm lẻ. Nhưng không phải vì có nhiều khoảng cách mà thiếu đi sự cảm thông. Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du chính là tiếng lòng vượt lên bao khoảng cách để mà cảm thông và thương xót cho một kiếp người.

Nguyễn Du gặp gỡ Tiểu Thanh mà sao giống như cuộc gặp trong định mệnh. Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai người tài hoa và đầy duyên nợ với văn chương:

“Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kỳ oan ngã tự cư

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Cảnh được tả thật hoang tàn. Nguyễn Du nhắc đến một địa danh trong câu thơ thứ nhất: Tây Hồ (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), nơi có núi Cô Sơn, chỗ Tiểu Thanh, một cô gái sắc tài nhưng bất hạnh từng sống. Một sự đổi thay được cảm nhận như là bước đi của lẽ đời dâu bể. Đó là sự đổi thay tuyệt đối từ quá khứ sang hiện tại, từ vườn hoa thành gò hoang và từ có đến không. Từ tẫn trong nguyên bản “hoa uyển tẫn thành khư” gợi sự thay đổi dữ dội, khốc liệt: thay đổi hết, không còn chút dấu vết gì. Hoá ra câu thơ không phải nói lẽ đời dâu bể. Nguyễn Du đang thương cho cái đẹp bị dập vùi. Câu thơ mới chỉ tả cảnh mà đã gợi đến bao nỗi xót xa. Toàn bộ câu chuyện đau thương năm xưa về nàng Tiểu Thanh hiện về. Câu thơ nói chuyện riêng tư nhưng cũng là nỗi lòng nhân thế.

Sau khi Tiểu Thanh qua đời, vợ cả Phùng Sinh vẫn không thôi ghen tức. Tập thơ cùng ảnh của nàng đều bị đốt hết. May còn một chân dung, là bức họa thứ hai và mấy bài thơ làm nháp dùng gói đồ tặng cô con gái người ở già không bị thiêu hủy.

Son phấn là nỗi oan của sắc. Văn chương là nỗi oan của tài. Hai vật vô tri được nhân cách hoá để có thần, có mệnh, làm nên cái thần, cái mệnh của Tiểu Thanh. Tập sách kia dẫu có bị đốt đi nhưng cuộc đời Tiểu Thanh vẫn luôn hiển hiện để mà tiếp tục kêu than, đau đớn thay cho những kiếp như mình. Hai câu thơ viết bằng cảm hứng xót xa và ngợi ca cái đẹp, cái tài.

Bốn câu thơ sau là hai sự đổi thay về ý. Từ thương một người con gái tài hoa, Nguyễn Du thương cho muôn kiếp tài hoa; từ thương người, Nguyễn Du ngậm ngùi trong nỗi thương mình.

Nỗi oan, nỗi hận của Tiểu Thanh được Nguyễn Du khái quát thành nỗi hờn, nỗi oan của bao kẻ cùng hội cùng thuyền. Câu thơ chất chứa bao nỗi hờn kim cổ thành một câu hỏi lớn treo lơ lửng giữa không trung không lời đáp. Tại sao khách má hồng lại gặp nỗi truân chuyên? Tại sao những kẻ tài hoa lại hay yểu mệnh? Câu thơ là nỗi lòng nhân thế, là những nghịch cảnh thường gặp trong cuộc đời: khách phong lưu lại phải oan, phải khổ. Câu hỏi như hướng vào vô vọng, không lời đáp. Nỗi hận, nỗi oan cũng vì thế mà càng nhức nhối.

Đọc Tiểu Thanh kí còn là sự day dứt cả đời của Nguyễn Du. Đó là niềm day dứt của thi nhân về nỗi bấp bênh của thế thái nhân tình. Niềm day dứt ấy phải vì thế mà ôm trọn sự bế tắc của “thời đại Nguyễn Du”.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Tiểu Thanh là một người con gái tài sắc, nhưng phải làm lẽ mọn, bị hành hạ vì ghen tuông và đã chết khi còn trẻ. Tập thơ của Tiểu Thanh bị vợ cả đốt hết, chỉ còn lại một số bài gọi là “Phần dư”. Nguyễn Du đã đọc những bài thơ này, viếng nàng và khóc thương cho số phận của nàng.

Bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí thể hiện tình thương cảm, xót xa trước số phận người phụ nữ tài hoa bị vùi dập và chết trong oan ức. Nguyễn Du cũng tự cảm nhận về thân phận bi thương của chính mình:

“Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kỳ oan ngã tự cư

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Nhan sắc xưa chỉ còn là nấm mộ. Tài hoa xưa chỉ còn lại một “phần dư”. Nhưng cuộc đời ấy, những câu thơ ấy đã khiến Nguyễn Du xúc động.

Cảnh Tây Hồ vốn đẹp đẽ khiến bao người mê đắm với những bông hoa tươi thắm, với thiên nhiên trong lành tuyệt diệu giờ chỉ là cái gò hoang. Quá khứ đẹp đẽ kia đã không còn nữa, giờ đây chỉ còn lại sự tàn lụi mà thôi. Phải chăng, khung cảnh ấy cũng như cuộc đời Tiểu Thanh vậy, sắc đẹp hương trời, thơ ca đàn múa đều giỏi khiến bao người ngợi khen lại phải chịu phận làm lẽ, chịu bao bất công, cuối đời chỉ nhận lại được sự buồn chán, cô đơn. Mảnh giấy tàn nhà thơ nâng niu bên song cửa là chút tâm tư nàng gửi gắm vào thơ còn may mắn sót lại, có lẽ thơ nàng mang nỗi đau nhân thế, nỗi oán hận số kiếp bạc mệnh của mình khiến Nguyễn Du phải thổn thức, đau đáu, nghẹn ngào.

Cuộc đời nàng chịu nhiều ngang trái khiến những vật tưởng như vô hình, vô tri ấy vẫn mang nỗi tiếc hận khôn nguôi. Và có lẽ, dù có chết đi rồi nhưng sắc đẹp, nhân cách và tài năng của nàng vẫn luôn tồn tại mãi với thời gian, chẳng gì có thể làm mất đi được những điều đó cả. Dù cho bao kẻ vô lương tâm muốn hủy cùng diệt tận thì bởi một lẽ nào đó nó vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục sống cuộc đời nàng.

Số phận truân chuyên của nàng Tiểu Thanh khiến ai ai cũng phải tiếc thương, dù mấy trăm năm trước hay bây giờ niềm tiếc hận ấy vẫn khôn nguôi, khiến lòng người không khỏi xót xa và tự vấn. Sao số kiếp con người thiên lương lại phải chịu đọa đày? Tại sao những người tài hoa lại chẳng được trân trọng, nâng niu? Trời cao có thấu được nỗi lòng kẻ phong lưu mang nỗi niềm nhân thế?

Bài thơ là tiếng khóc thương của Nguyễn Du cho cuộc đời nàng Tiểu Thanh- người cố nhân chịu nhiều oan trái. Qua đó, không chỉ khắc hoạ được hình ảnh nàng Tiểu Thanh tài hoa bạc mệnh mà còn thấy được cảm hứng nhân văn cao cả của một tấm lòng thiết tha với cuộc đời, với con người.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON