Dưới đây, Hoc247 xin giới thiệu với quý thầy cô và các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh lớp 7 tư liệu văn mẫu cảm nhận về bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của nhà thơ Lý Bạch. Tài liệu giúp thầy cô có thêm tư liệu ra đề thi cũng như ôn luyện cho các em. Đồng thời, giúp các em học sinh rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận nêu cảm nghĩ về tác phẩm văn học được nhuần nhuyễn và hấp dẫn hơn. Mời các em cùng tham khảo! Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Xa ngắm thác núi Lư để nắm vững hơn về những nội dung cần đạt khi học văn bản này.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài
- Lí Bạch (701 – 762) là nhà thơ đời Đường bên Trung Quốc, được người đời gọi là Thi tiên (Tiên thơ).
- Ông có tài sáng tác thơ. Thơ Lí Bạch biểu hiện tâm hồn tự do, phóng khoáng và khả năng cảm nhận tinh tế trước thiên nhiên, trước cuộc đời.
- “Xa ngắm thác núi Lư” viết về một thắng cảnh nổi tiếng là thác nước ở Lư Sơn. Nghệ thuật miêu tả độc đáo đã tạo nên giá trị bất hủ của bài thơ.
b. Thân bài: Vẻ đẹp kì vĩ của thác nước núi Lư
* Câu đầu:
“Nhật, chiếu Hương Lô sinh tử yên”
(Nắng rọi Hương Lô khói tía bay)
- Đỉnh núi Hương Lô là cái phông nền hoành tráng, tương xứng với vẻ đẹp phi thường của thác nước. Thời điểm miêu tả là vào buổi sáng, mặt trời tỏa nắng xuống vạn vật, tạo nên cảnh tượng tuyệt vời: Sương và mây bao phủ đỉnh núi Hương Lô, nắng chiếu xuống, hơi nước bốc lên như khói, phản quang ánh sáng mặt trời, chuyển thành màu tía lung linh, huyền ảo…
- Lí Bạch miêu tả sự sống động của khung cảnh trên bằng động từ “sinh” và coi mặt trời là chủ thể làm cho mọi vật trở nên sống động.
* Câu thứ hai:
“Dao khan bộc bố quải tiền xuyên”
(Xa trông dòng thác trước sông này.)
- Thể hiện cảm nhận ban đầu của nhà thơ trước hình ảnh tuyệt đẹp của thác nước. Từ góc độ và tầm nhìn xa rộng, Lí Bạch thấy thác nước giống như một dải lụa trắng khổng lồ treo dọc trên vách núi.
- Sự kết hợp hài hoà giữa màu tía của khói sương và màu vàng của nắng, màu xanh thẫm của đỉnh núi và màu trắng xoá của dòng thác tạo nên một khung cảnh kì vĩ có một không hai.
* Câu thứ ba:
“Phi lưu trực há tam thiên xích”
(Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước)
- Đặc tả độ cao của ngọn núi Hương Lô và thác nước. Hình ảnh dòng thác tuôn từ đỉnh núi đầy mây phủ xuống chân núi thật hoành tráng và ấn tượng.
* Câu thứ tư:
“Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”
(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)
- Sự liên tưởng độc đáo bắt nguồn từ hiện thực kết hợp với trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ. So sánh thác nước với dải Ngân Hà tuột khỏi mây là một so sánh thân tình khiến câu thơ được đánh giá là danh cú (câu thơ nổi tiếng để đời).
→ Cảm giác kì diệu của nhà thơ khi ngắm thác núi Lư thể hiện rất rõ ở câu thơ này.
c. Kết bài
- Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước Lư Sơn, đồng thời thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm của Thi tiên Lí Bạch.
- Đây cũng là điểm son trong sự nghiệp sáng tác của ông, là niềm tự hào của thơ Đường luật Trung Hoa.
Bài văn mẫu
Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn nghị luận xã hội nêu cảm nghĩ về bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” của Lý Bạch.
Gợi ý làm bài
Lí Bạch (701 – 762), là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường. Tên chữ của ông là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cự sĩ, quê ở tĩnh Cam Túc. Lên năm tuổi, ông cùng gia đình định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc đất Miên Châu (Tứ Xuyên). Từ lúc còn trẻ, Lí Bạch đã thích đi du lịch khắp nơi, tìm cách tạo lập công danh sự nghiệp. Suốt đời, ông ấp ủ lí tưởng cứu đời, giúp dân nhưng chưa bao giờ toại nguyện. Lí Bạch có tài sáng tác thơ và ông được người hâm mộ đặt cho biệt hiệu là Thi tiên. Thơ ông biểu hiện một tâm hồn tự do phóng khoáng. Hình ảnh trong thơ tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên, điêu luyện. Lí Bạch viết nhiều bài rất hay về đề tài chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn. Trong mảng viết về thiên nhiên, “Xa ngắm thác núi Lư” là bài thơ độc đáo có giá trị muôn đời.
Phiên âm chữ Hán:
“Vọng Lư Sơn bộc bố
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.”
Dịch nghĩa:
“Xa ngắm thác núi Lư
Mặt trời chiếu núi Hương Lô Sinh làn khói tía
Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước
Thác chảy như bay đổ thẳng xuống ba nghìn thước
Ngỡ là sông Ngân rơi tự chín tầng mây.”
Dịch thơ:
“Nắng rọi Hương Lô khói tía bay
Xa trông dòng thác trước sông này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.”
Tên chữ Hán của bài thơ là “Vọng Lư Sơn bộc bố”, có nghĩa là trông từ xa, thác nước trên núi Lư chảy xuống như một tấm vải treo trước mặt. Tên bài thơ đã thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận cảnh vật và tài hoa của thi sĩ.
Với những hình ảnh tráng lệ, huyền ảo, bài thơ đã miêu tả một cách sinh động vẻ đẹp nhìn từ xa của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư; qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm và phần nào bộc lộ tính cách mạnh mẽ, khoáng đạt của tác giả.
-- Để xem được đầy đủ tài liệu,mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào HOC247 để dowload tài liệu về máy --
Những vẻ đẹp khác nhau của thác nước được tác giả miêu tả trong ba câu tiếp theo:
“Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.”
(Xa trông dòng thác trước sông này
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây).
Câu: “Dao khan bộc bố quải tiền xuyên” thể hiện cảm nhận ban đầu của nhà thơ trước hình ảnh thác nước được ngắm từ xa. Qua cái nhìn đầy thi vị của Lí Bạch, thác nước vốn tuôn đổ ầm ầm từ đỉnh núi cao xuống đã biến thành một dải lụa trắng khổng lồ được treo trên vách núi. Trên đỉnh núi khói tía bốc mịt mù, dưới chân núi dòng sông tuôn chảy, choáng giữa là thác nước treo cao như dải lụa bạch, quả là một bức tranh hùng vĩ, hoành tráng!
Câu này còn có một cách hiểu khác. “Quải” là treo, “tiền xuyên” là dòng sông phía trước. Có người cho rằng dòng sông phía trước không phải là vị trí nơi thác đổ xuống, mà là hình ảnh dùng để so sánh với dòng thác nhìn từ xa. Nếu vậy thì cả câu có nghĩa là: Đứng xa trông ngọn thác giống như một dòng sông treo trước mặt. Thật là một hình tượng tuyệt mĩ được tạo nên bởi sức liên tưởng vô hạn của nhà thơ.
Ở bản dịch thơ, câu: “Xa trông dòng thác trước sông này” vì đánh rơi mất chữ “treo” là chữ quan trọng nhất của câu thơ nên ấn tượng do hình ảnh dòng thác gợi ra biến mất. Trực tiếp tả thác song đồng thời tác giả lại giúp người đọc hình dung được thế núi cao và sườn núi dốc đứng, nên mới có cảnh: “Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước” thật ấn tượng như vậy.
Vẻ đẹp huyền ảo của thác nước được nhà thơ miêu tả trong câu kết. Tác giả đã tỏ ra xuất sắc trong việc dùng các từ: “Nghi” (ngỡ là), “lạc” (rơi xuống) và hình ảnh “Ngân Hà”. Ví thác nước giống như “dải Ngân Hà tuột khỏi mây” là một so sánh độc đáo đến mức kì lạ. Sông Ngân là dải sáng màu trắng vắt ngang bầu trời do các ngôi sao li ti hợp thành, thường nhìn thấy trong những đêm trời quang. Sự xuất hiện của hình ảnh Ngân Hà ở cuối bài đã được chuẩn bị từ hai câu đầu. Vì ngọn núi, Hương Lô luôn có mây mù bao phủ nên nhìn xa, thác nước đã được hình dung như một tấm lụa bạch lớn treo rủ, khiến người nhìn dễ liên tưởng tới dải Ngân Hà từ chân mây tuôn xuống. Mặt khác, trong thần thoại truyền thuyết Trung Hoa, Ngân Hà cũng đã được quan niệm như một dòng sông thực sự. Chữ lạc dùng rất đắt vì dòng Ngân Hà vốn nằm theo chiều ngang vắt qua bầu trời, còn dòng thác lại đổ theo chiều thẳng đứng từ đỉnh núi cao xuống mặt đất. Câu thơ cuối cùng này được coi là danh cú (câu thơ, câu văn hay nổi tiếng) vì đã kết hợp được một cách tài tình yếu tố chân thực và yếu tố huyền ảo, đặc tả được cảm giác kì diệu do hình ảnh thác nước gợi lên trong tâm khảm nhà thơ và để lại dư vị đậm đà trong lòng người đọc.
Bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" của Lí Bạch ca ngợi một danh thắng của đất nước Trung Hoa. Nhà thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp kì vĩ của thác nước Lư Sơn và gửi gắm vào đó tình yêu thiên nhiên đằm thắm của mình. Văn tức là người. Bài thơ hé lộ cho ta thấy phần nào tầm hồn phong phú, trái tim nhạy cảm và tính cách mạnh mẽ, phóng khoang của bậc Thi tiên họ Lí.
Trên đây chỉ trích dẫn một phần sơ đồ tóm tắt gợi ý được trình bày dưới dạng sơ đồ tư duy, giúp các em dễ dàng trong việc ghi nhớ kiến thức; kết hợp với dàn bài chi tiết và bài văn mẫu. Hi vọng, bài văn nghị luận nêu cảm nghĩ về bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” của Lý Bạch sẽ giúp ích cho quá trình dạy và học của quý thầy cô giáo và các em học sinh, giúp những tiết học Văn sinh động và hiệu quả hơn. Mời thầy cô và các em cùng tham khảo.
--- MOD Ngữ văn HOC247 (Tổng hợp và biên soạn)