YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Trần Suyền

Tải về
 
NONE

Xin gửi đến các em học sinh lớp 12 tài liệu Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Trần Suyền đã được Học247 sưu tầm và chọn lọc dưới đây, tài liệu được biên soạn nhằm giúp các em củng cố kiến thức môn Ngữ văn để chuẩn bị tốt nhất cho kì thi sắp tới.

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT TRẦN SUYỀN

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Thành công đến từ việc bạn biết chủ động trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Nhiều trường hợp, sự chủ động rất quan trọng.Nó sẽ giúp bạn ứng phó linh hoạt, vượt qua khó khăn và thay đổi kịp thời để chớp lấy thời cơ. Thiếu tính chủ động thì cho dù có kiến thức, có tầm nhìn thì sự do dự cũng sẽ làm lỡ mất cơ hội.

Người có tính chủ động sẽ suy nghĩ, hành động độc lập, làm chủ được tình thế. Khi có vấn đề xảy ra trước hết họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua.

Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm. Nếu bạn dám hành động, hành động có suy nghĩ, chủ động và kiên quyết thì mọi việc đều dẫn đến thành công.

Những người có tính chủ động là những người tự tin và biết mình cần làm gì trong cuộc sống. Họ theo đuổi đam mê bằng tất cả lòng nhiệt huyết và quyết tâm, không những thế họ còn thành công trên hầu hết mọi phương diện của cuộc sống, đặc biệt khi có cạnh tranh. Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi.

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt trong văn bản trên.

Câu 2. Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra, họ sẽ làm gì?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm”.

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ.Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá.Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy.Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bờ bên trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử.Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến.Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền.Chỉ còn vẳng tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa.Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó.Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được

(Người lái đò sông Đà - Ngữ văn lớp 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

Cảm nhận của anh /chị về vẻ đẹp hình tượng ông lái đò trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. Đọc hiểu

Câu 1. 

Phương thức biểu đạt: nghị luận (0.5 điểm)

Câu 2. 

Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua. (0.5 điểm)

Câu 3.

Có thể hiểu câu nói: chủ động không phải là tùy tiện, bạ đâu làm đó, mà họ đều có những dự tính. Người chủ động thường suy nghĩ chín chắn và hành động kiên quyết. (1 điểm)

Câu 4.

- Thí sinh thể hiện rõ quan điểm: có thể đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần. (0.25 điểm)

- Thí sinh lí giải được quan điểm của mình một cách hợp lý. (0.75 điểm)

II. Làm văn

Câu 1. Viết đoạn văn về giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25 điểm)

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0.25 điểm)

Giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận (1 điểm)

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.

Có thể triển khai theo hướng:

- Xây dựng một kế hoạch công việc rõ ràng

- Tự tin trong mọi tình huống

- Không quay đầu lại trước khó khăn

- Quyết đoán trong suy nghĩ và hành động

- Có tinh thần cầu tiến và thái độ học hỏi….

d. Chính tả, ngữ pháp (0.25 điểm)

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn sau khi việc học hành hoàn tất hay có gia đình, có công việc ổn định. Nhưng khi đã có được những điều ấy rồi, chúng ta lại bị chi phối bởi nhiều mối bận tâm và lo lắng khác nữa. Chúng ta thường không hài lòng khi cuộc sống không như những gì mình mong muốn.

Có mấy ai nhận ra rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống? Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh. Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình. Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình.

Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn. Đừng đợi đến khi bạn thật rảnh rỗi hay đến lúc tốt nghiệp ra trường, đừng đợi đến khi kiếm được thật nhiều tiền, thành đạt, có gia đình, hoặc đến khi được nghỉ hưu mới thấy đó là lúc bạn được hạnh phúc.

Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này?

Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá trên chuyến hành trình ấy. Hãy dành thời gian quan tâm đến người khác và luôn nhớ rằng, thời gian không chờ đợi một ai! Nhưng chắc chắn không bao giờ là quá muộn – và thời gian là người bạn tốt nhất của bạn, của tất cả mọi người.

Hãy làm việc say mê như thể bạn không còn cơ hội để làm lại một lần nữa. Hãy yêu chân thành và trọn vẹn như thể bạn chưa từng đau khổ vì tình yêu. Bạn hãy đón nhận cuộc sống với tất cả những điều bình dị, tinh khôi nhất của nó, như thể bạn chưa từng trải qua những năm tháng khổ đau, những phút giây tuyệt vọng. Như thế bạn vừa khám phá được ý nghĩa thật sự của tình yêu, và hơn hết là điều bí ẩn giản dị của hạnh phúc.

(Theo Hạt giống tâm hồn)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2. Theo tác giả thì khi nào bạn khám phá được ý nghĩa của tình yêu và điều bí ẩn giản dị của hạnh phúc?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình”.

Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Anh/chị hãy viết đoạn văn (không quá 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến “Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.”

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về khổ thơ sau:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Ðể ngàn năm còn vỗ

(“Sóng”-Xuân Quỳnh)

Từ đó liên hệ tới khát vọng sống của Xuân Diệu trong bài thơ “Vội vàng”.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2: Là khi bạn đón nhận cuộc sống với tất cả những điều bình dị, tinh khôi nhất của nó như thể bạn chưa từng trải qua những năm tháng khổ đau, những giây phút tuyệt vọng.

Câu 3: Hạnh phúc hay không là do quan niệm của mỗi người cũng như cách sống cách tạo dựng nắm bắt hạnh phúc trong từng hoàn cảnh từng thời điểm. Hạnh phúc là do mình tạo ra.

Câu 4: Tuỳ vào cảm nhận của mỗi học sinh để trình bày thông điệp mà bản thân cho là tâm đắc: cách tạo nên hạnh phúc, sự trân trọng và nắm giữ hạnh phúc, đón nhận cuộc sống và hạnh phúc từ những điều bình dị.

II. LÀM VĂN

Câu 1: Trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến “Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.”

- Phân tích vấn đề

a) Giải thích:

+ Hạnh phúc là gì?Hạnh phúc là niềm vui của con người khi đạt được mục đích lí tưởng của cuộc sống và thỏa mãn về nhu cầu vật chất hoặc tinh thần ở thời điểm nhất định trong cuộc sống.

+ Phép màu là gì? Là những cách thức phương pháp bất ngờ do một thế lực siêu nhiên nào đó giúp con người tạo ra niềm vui hạnh phúc.

+ Ý cả câu: Hạnh phúc do chính ta tạo ra ở mọi thời điểm và hoàn cảnh trong cuộc sống.

b. Phân tích, bàn luận, chứng minh:

+ Cuộc sống luôn có những niềm vui và nỗi buồn, thành công và thất bại. Đó là sự tồn tại hai mặt của cuộc đời thường bởi những cặp phạm trù tương ứng và con người phải đối mặt với những điều ấy trong quá trình tạo ra hạnh phúc cho đời mình.

+ Con người ta ai cũng phải có lí tưởng và mục đích khát vọng của cuộc đời. Khi đạt được những điều ấy chúng ta sẽ cảm thấy thỏa mãn và có động lực để tiếp tục cống hiến cho xã hội. Đó là hạnh phúc.

+ Cá nhân phải tận dụng mọi cơ hội mọi thời điểm để làm việc và thực hiện mục tiêu khát vọng của mình. Khi gặp khó khăn không hề nản chí, gặp nghịch cảnh không hề do dự, luôn chủ động trong mọi tình huống, không ỷ nại trông chờ lệ thuộc vào ai hay thế lực nào. Có như thế hạnh phúc mới có ý nghĩa có giá trị.

+ Phát huy tác dụng của tập thể và tận dụng cơ hội để tạo ra hạnh phúc.

+ Lấy một số dẫn chứng về những tấm gương biết tạo ra hạnh phúc cho mình vượt lên nghịch cảnh để trở thành người Hạnh phúc: Nick Vujiccic.

- Bài học nhận thức:

+ Cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hạnh phúc của cuộc đời mình.Không nên lệ thuộc và ỷ nại trông chờ vào hoàn cảnh hay người khác.

+ Cần tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể xã hội để tìm kiếm và tạo ra hạnh phúc.

a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn thơ trích trong bài Sóng

b. Cảm nhận được vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ

- Sự lo lắng, hoài nghi của Xuân Quỳnh về sự ngắn ngủi của đời người, tình yêu.

- Xuân Quỳnh gửi tình yêu vào sóng để bất tử hóa tình yêu của mình.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4

Tuổi trẻ, tự thân nó đã là một tài sản, tự thân nó đã hàm chứa ánh sáng và hạnh phúc, khi bị vùi xuống bùn, cơ hội để nó tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi. Lúc đó phép thử trong tay còn mầu nhiệm, con tốt đó trong tay còn có thể phong Hậu, bạn có thời gian làm hậu thuẫn và chân trời vẫn còn nhiều thôi thúc. Còn khi bạn lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại, nếu bạn bị rớt xuống bùn, thì rất có thể, bạn sẽ tặc lưỡi nằm đó một mình, hoặc sẽ cố gắng vùng vẫy sao cho người đó cũng lem luốc giống với bạn.

Tuổi trẻ có một thứ vốn ngầm rất đáng quý mà không phải ai cũng biết: sự cô đơn. Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức. Hạnh phúc làm cho người ta mềm yếu, người ta vui tươi với mọi thứ, người ta quên mất việc phải làm, người ta còn bắt đầu tặc lưỡi nhiều hơn với những thói quen xấu. Tình yêu là một giống dây leo khó chiều. Nó cần được thử thách và bị tấn công. Nếu bạn móm cơm hàng ngày, chăm sóc nó quá no đủ nó sẽ chết yểu.

(Theo kênh 14.vn)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5đ)

Câu 2. Vì sao tác giả lại cho rằng: “Tuổi trẻ, tự thân nó là một tài sản”? (0,5đ)

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: “... khi bạn đã lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại”? (1.0đ)

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức? (1.0đ)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm )

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ đoạn trích trong phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị của tuổi trẻ.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn văn sau:

[…] Thường khi đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu dậy ra dóm lửa để bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm. Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên ngồi thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi lửa như đêm trước.

(Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, tr13, NXB GD 2008)

[…] Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắc lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “ Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”.

Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy.

(Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập 2, tr71-72, NXB GD 2008)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: nghị luận.

Câu 2: Tác giả lại cho rằng: Tuổi trẻ, tự bản thân nó là một tài sản. Vì:

- Tuổi trẻ, tự thân nó đã là một tài sản, tự thân nó đã hàm chứa ánh sáng và hạnh phúc, khi bị vùi xuống bùn, cơ hội để nó tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi.

- Tuổi trẻ có thời gian làm hậu thuẫn và chân trời vẫn còn nhiều thôi thúc.

Câu 3: Ý kiến: “... khi bạn đã lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại” được hiểu như sau:

- Khi lớn tuổi hơn, nghĩa là con đã không còn như tuổi trẻ với sức khỏe, nhiệt huyết.

- Hơn nữa, khi lớn tuổi hơn, họ không còn thời gian để thử thách, thay đổi hoặc ngại thay đổi. Vì vậy những khó khăn, thử thách và có thể là những thất bại phía trước, những người lớn tuổi hơn sẽ ngần ngại.

Câu 4: Đồng tình với quan điểm trên vì:

- Trái tim là biểu tượng tình cảm của con người, nó vốn rất nhạy cảm. Nó giống như một con người. Phải đặt nó trong môi trường thử thách và bị tấn công. Như thế nó sẽ trưởng thành và sẵn sàng đối mặt với biến cố của cuộc đời.

- Hạnh phúc dễ làm cho con người ta yếu mềm. Nếu trái tim con người được chăm sóc, vuốt ve thì dễ sinh ra thỏa mãn và hư hỏng như một điều tất yếu bởi chưa trải qua bất kì đau thương nào.

II. LÀM VĂN

Câu 1: Dàn ý tham khảo

a. Mở bài: Nêu vấn đề nghị luận: Suy nghĩ về tuổi trẻ

b. Thân bài:

  • Tuổi trẻ là tuổi thanh xuân, là giai đoạn con người sung mãn nhất cả về thể xác, trí tuệ lẫn tâm hồn.
  • Tuổi trẻ là độ tuổi mỗi người vạch ra cho mình những ước muốn, những khát khao và nỗ lực hết mình để đạt được nó.
  • Tuổi trẻ là độ tuổi để cống hiến, để trưởng thành và để tự mình đứng lên sau mỗi lần vấp ngã
  • Tuổi trẻ là quãng thời gian quý báu đối với mỗi người, chúng ta cần trân trọng và phát huy hết quãng thời gian này. Tuy nhiên, hiện nay có một số người đang lãng phí tuổi trẻ vào những thú vui vô bổ.

c. Kết bài

- Suy nghĩ của bản thân về tuổi trẻ: Quãng thời gian tươi đẹp, quý giá nhất đối với mỗi người, cần trân trọng nó.

- Liên hệ bản thân: Trong những năm tháng tuổi trẻ, cần đề ra mục đích cho bản thân và nỗ lực hết mình để thực hiện nó, nỗ lực cống hiến cho quê hương,...

Câu 2: Hướng dẫn làm bài

a. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

b. Cảm nhận về đoạn trích

- Nội dung:

  • Đoạn văn miêu tả nỗi buồn, sự cô đơn héo hắt, sự chai sạn vô cảm lạnh lùng của Mị trước nỗi đau khổ, tuyệt vọng của A Phủ cũng như hành động độc ác, thô bạo của A Sử.
  • Qua đoạn văn người đọc thấy được tội ác của bọn thống trị miền núi đã chà đạp lên nhân phẩm, quyền sống của con người, làm cho con người bị tê liệt về ý thức phản kháng và cạn khô nguồn nhựa sống.

- Nghệ thuật:

  • Miêu tả nội tâm sâu sắc, tinh tế, ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm, lắng đọng.
  • Hình ảnh ngọn lửa miêu tả đầy sức ám ảnh, làm nổi bật sự lạnh lẽo, tê dại trong tâm hồn Mị và chuẩn bị cho hành động, tình huống có ý nghĩa nhân đạo tiếp theo.

c. Đoạn văn trong Chiếc thuyền ngoài xa

- Nội dung:

  • Đoạn văn miêu tả hành động vũ phu, thô bạo của lão đàn ông đối với vợ và thái độ cam chịu, nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài.
  • Nỗi khổ của người dân sau chiến tranh trong cuộc sống sinh thường nhật. Vì nghèo đói mà con người trở nên độc ác, đày đọa lẫn nhau.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Trần Suyền. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON