YOMEDIA

Bộ 3 đề thi HSG môn Ngữ văn 9 năm 2022 Trường THCS Sơn Hà có đáp án

Tải về
 
NONE

Việc sưu tầm và giải các đề thi trước đó sẽ giúp ích cho các em học sinh lớp 9 đạt kết quả cao trong kì thi HSG sắp tới. Để giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn luyện kiến thức và kĩ năng viết văn, HOC247 xin gửi đến các em học sinh lớp 9 Bộ 3 đề thi HSG môn Ngữ văn 9 năm 2022 Trường THCS Sơn Hà có đáp án. Mời các em cùng tham khảo.

ATNETWORK

TRƯỜNG THCS

SƠN HÀ

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI

MÔN NGỮ VĂN 9

NĂM HỌC 2021-2022

Thời gian làm bài 120 phút

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU: (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Mỗi chúng ta đều giống một đóa hoa. Có những bông hoa lớn và cũng có những bông hoa nhỏ, có những bông nở sớm và những bông nở muộn, có những đóa hoa rực rỡ sắc màu được bày bán ở những cửa hàng lớn, cũng có những đóa hoa đơn sắc kết thúc “đời hoa” bên vệ đường.

Sứ mệnh của hoa là nở. Cho dù không có những ưu thế để như nhiều loài hoa khác, cho dù được đặt ở bất cứ đâu, thì cũng hãy bừng nở rực rỡ, bung ra những nét đẹp mà chỉ riêng ta mới có thể mang đến cho đời.

[...]

Hãy bung nở đóa hoa của riêng mình dù có được gieo mầm ở bất cứ đâu.

(Kazuko Watanabe, Mình là nắng việc của mình là chói chang,
                                                   Vũ Thùy Linh dịch, NXB Thế giới, 2018)

Câu 1: (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: (1 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu văn: Có những bông hoa lớn và cũng có những bông hoa nhỏ, có những bông nở sớm và những bông nở muộn, có những đóa hoa rực rỡ sắc màu được bày bán ở những cửa hàng lớn, cũng có những đóa hoa đơn sắc kết thúc đời hoa” bên vệ đường.

Câu 3: (1,5 điểm) Văn bản đã chỉ ra sứ mệnh của hoa là gì? Em hiểu như thế nào về câu: Hãy bung nở đóa hoa của riêng mình dù có được gieo mầm ở bất cứ đâu.

Câu 4: (1,0 điểm) Thông điệp mà em tâm đắc nhất qua văn bản là gì?

II. LÀM VĂN: (16 điểm)

Câu 1: (6,0 điểm)

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) với chủ đề: Tôi là một đóa hoa.

Câu 2: (10,0 điểm)

Mỗi bài thơ của chúng ta

Phải như một ô cửa

Mở tới tình yêu

(Trích Liên tưởng tháng Hai, Lưu Quang Vũ)

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc thơ, hãy viết về một bài thơ “như một ô cửa/mở tới tình yêu” trong em.

--------------------HẾT-------------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU

1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận.

2. Phép tu từ được sử dụng trong câu văn: điệp từ “Có những...cũng có những...”.

- Tác dụng: Liệt kê những cuộc đời khác nhau của hoa.

3. Sứ mệnh của hoa: bừng nở rực rỡ, bung ra những nét đẹp riêng mang đến cho đời

- “Hãy bung nở đóa hoa của riêng mình dù có được gieo mầm ở bất cứ đâu” có thể hiểu là: Dù ta không có ưu thế được như nhiều người khác, cho dù ta sống trong hoàn cảnh nào thì cũng hãy bung nở rực rỡ, phô hết ra những nét đẹp mà chỉ riêng ta mới có thể mang đến cho đời, hãy luôn nuôi dưỡng tâm hồn con người và làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.                                                            4.Thông điệp:

- Mỗi người là một đóa hoa tuyệt vời trên thế giới này, tựa như mỗi một món quà độc đáo.

- Mỗi người đều có năng lực và phẩm chất tốt đẹp riêng của mình để làm đẹp cho cuộc đời

II. LÀM VĂN

1. Viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) với chủ đề: Tôi là một đóa hoa

a. Đảm bảo cấu trúc của bài nghị luận xã hội

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Tôi là một đóa hoa hữu ích cho cuộc đời

c. Triển khai nội dung của bài viết 

Học sinh có thể chọn các cách viết khác nhau nhưng đảm bảo các ý sau:

- Giải thích: Hoa là biểu tượng của vẻ đẹp. Tôi là một đóa hoa là cuộc sống đẹp đẽ, tích cực, dâng tặng cho đời hương sắc đẹp nhất

- Phân tích:

+ Là một đóa hoa để biết rằng cuộc sống vô cùng ngắn ngủi và mỗi chúng ta phải sống có ý nghĩa.

Hãy cống hiến, hãy sẻ chia hết mình, để cuộc đời mình luôn tươi đẹp như cuộc đời một bông hoa.

+ Những bông hoa cũng có lúc phải run rẩy trong cơn mưa rào nhưng rồi vẫn mạnh mẽ chờ đón nắng về để tiếp tục tỏa hương, khoe sắc. Con người cũng vậy, trên đường đời luôn gặp những khó khăn, gian khổ thì cũng phải luôn kiên cường vượt qua, sẽ gặt hái được thành công.

+ Con người cũng như hoa vậy, cho dù là người giỏi giang, hoàn hảo, làm được những điều người khác không thể làm hay chỉ là một người bình dị với những việc làm nhỏ bé nhưng ý nghĩa thì đều là những bông hoa đẹp với hương sắc riêng tô điểm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.

- Mở rộng vấn đề: Phê phán những người sống nhạt nhòa, không một lần tỏa ngát hương thơm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về nội dung trên. Có cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo, giàu cảm xúc.

2

Mỗi bài thơ của chúng ta

Phải như một ô cửa

Mở tới tình yêu

           (Trích Liên tưởng tháng Hai, Lưu Quang Vũ)

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc thơ, hãy viết về một bài thơ “như một ô cửa/mở tới tình yêu” trong em.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ với dẫn chứng.

Học sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều hướng khác nhau: bình luận vấn đề; phân tích một hay nhiều tác phẩm cụ thể chứng minh vấn đề; kết hợp giữa chứng minh và bình luận; … Sau đây là một hướng giải quyết đề bài:

I. Mở bài

- Dẫn lời thơ của tác giả Lưu Quang Vũ

- Nêu vấn đề nghị luận

II. Thân bài

- Giải thích vấn đề nghị luận: khi đọc thơ, ta sẽ hiểu thêm và yêu thêm con người, quê hương, cuộc sống,… Nói cách khác mỗi văn bản thơ sẽ như một ô cửa dẫn ta đến với tình yêu gia đình, thiên nhiên, đất nước,… 

- Chứng minh bằng những trải nghiệm trong quá trình đọc thơ: Học sinh tự chọn phân tích một bài thơ (trong hoặc ngoài SGK) để chỉ ra tình yêu mà bài thơ ấy mở ra trong mình. Cảm nhận của học sinh cần chân thành, tinh tế, sâu sắc. Bài làm cần có lí lẽ làm sáng tỏ vấn đề chứ không chỉ dừng lại ở việc phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. 

- Khái quát, đánh giá, bàn luận vấn đề: Học sinh đưa ra các ý kiến, suy nghĩ khác nhau về vấn đề. Có thể là:

+ Một bài thơ hay, một đoạn thơ hay phải khơi mở những tình cảm tốt đẹp, những suy nghĩ sâu sắc ở con người.

+ Để mở cửa tình yêu trong trái tim người đọc, trước hết tâm hồn nhà thơ cũng phải dạt dào tình yêu đối với cuộc đời. Để thấy được những gì mà ô cửa mở ra, người đọc phải có trình độ thưởng thức, có sự am hiểu văn học.

III. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề nghị luận

- Đánh giá lại lời của tác giả Lưu Quang Vũ

d. Sáng tạo, có quan điểm riêng, suy nghĩ phù hợp

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.                         

ĐỀ THI SỐ 2

Câu 1: (8,0 điểm)

Câu chuyện quả táo

Một em bé đáng yêu đang cầm hai quả táo trong tay. Mẹ em bước vào phòng và mỉm cười hỏi cô con gái nhỏ: “Con yêu, con có thể cho mẹ một quả táo được không?”

Em bé ngước nhìn mẹ trong một vài giây, rồi sau đó lại nhìn xuống từng quả táo trên hai tay mình. Bất chợt, em cắn một miếng trên quả táo ở tay phải, rồi lại cắn thêm một miếng trên quả táo bên tay trái.

Nụ cười trên gương mặt bà mẹ bỗng trở nên gượng gạo. Bà cố gắng không để lộ nỗi thất vọng của mình.

Sau đó, cô gái nhỏ giơ lên một trong hai quả táo vừa bị cắn lúc nãy và rạng rỡ nói: “Quả táo này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ!”.

(Theo https://gpcantho.com/tao)

Suy nghĩ của em về câu chuyện trên.

Câu 2: (12,0 điểm) Có ý kiến cho rằng: Hình tượng con người vô danh trong tác phẩm thường được các nhà văn xây dựng một cách chỉn chu, có số phận, có cá tính, tâm lý và đôi khi hội tụ đầy đủ mọi phẩm hạnh. Tuy nhiên nhà văn không định danh, và vì không định danh nên nhân vật mãi mãi là những ám ảnh day dứt trong tâm hồn bạn đọc.

(Mạc Ngôn – Nhà văn đạt giải Nobel văn học của Trung Quốc, dẫn theo https://thayhieu.net, ngày 15/6/2020).

Suy nghĩ của em về ý kiến trên và chọn một hoặc hai tác phẩm văn học đã học trong Chương trình Ngữ văn cấp trung học cơ sở để chứng minh.

---------------------HẾT---------------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

Câu 1. Suy nghĩ về câu chuyện: Câu chuyện quả táo                                                                    

1. Yêu cầu về kỹ năng                                                                                                                         

Đáp ứng yêu cầu một bài văn nghị luận xã hội; luận điểm, luận cứ rõ ràng, xác đáng; đảm bảo tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.                                                                                          

Có kiến thức xã hội, dẫn chứng phù hợp; bày tỏ được chính kiến cá nhân đối với vấn đề nghị luận.

a) Ý nghĩa của câu chuyện: Mượn câu chuyện về đứa bé và hai quả táo để gửi gắm thông điệp: Đừng vội vàng đánh giá hay phán xét người khác khi ta chưa hiểu rõ sự việc.

b) Bình luận

- Con người thường có thói quen nhìn nhận, đánh giá sự việc vội vàng theo góc nhìn chủ quan của mình khi chưa thấu hiểu tường tận mọi việc. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có nhận định đúng đắn, mà có lúc mắc phải sai lầm.

- Hậu quả của việc đánh giá sai lầm có khi sẽ dẫn đến hành động sai trái, quyết định thiếu sáng suốt trong công việc hoặc tạo nên năng lượng tiêu cực ảnh hưởng đến mối quan hệ tình cảm tốt đẹp.

- Việc quan sát hành vi, biểu hiện bên ngoài và đưa ra những phán đoán là rất cần thiết nhưng không chủ quan, vội vàng mà cần phải có sự kiên nhẫn để thấu hiểu vấn đề trước khi đưa ra quyết định hoặc lời nói đánh giá người khác.

c) Bài học liên hệ bản thân

- Đừng vội vàng, cảm tính quy chụp thói ích kỉ vào người khác mà phải biết quan sát và tìm hiểu nguyên nhân trước khi quyết định một vấn đề hay phán xét một ai đó.

- Luôn có ý thức rèn luyện phẩm chất, đạo đức và có nhìn cảm thông chia sẻ, có suy nghĩ lạc quan, tạo nên năng lượng tích cực trong cuộc sống.

* Trân trọng những bài làm sáng tạo và có vốn hiểu biết rộng, đúng đắn, sử dụng đa dạng các thao tác lập luận. Không chấp nhận kiểu viết chung chung.

Câu 2. Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Hình tượng con người vô danh trong tác phẩm thường được các nhà văn xây dựng một cách chỉn chu, có số phận, có cá tính, tâm lý và đôi khi hội tụ đầy đủ mọi phẩm hạnh. Tuy nhiên nhà văn không định danh, và vì không định danh nên nhân vật mãi mãi là những ám ảnh day dứt trong tâm hồn bạn đọc.

  1. Yêu cầu về kỹ năng

Đáp ứng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học, luận điểm, luận cứ rõ ràng, xác đáng; đảm bảo tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn; dẫn chứng tiêu biểu, đa dạng, phong phú, hợp lý; lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục; sáng tạo.                                                                                                     

2. Yêu cầu về kiến thức

a) Giải thích ý kiến

b) Bình luận ý kiến

c) Chứng minh: Thí sinh chọn lựa dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp và phân tích làm sáng tỏ ý kiến (có thể chọn 1 trong 2 tác phẩm, hoặc cả hai trong Chương trình Ngữ văn THCS, có nhân vật vô danh như cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn An – đéc – xen (Ngữ văn 8), anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long (Ngữ văn 9).

d) Nhận xét, liên hệ

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

Câu 1: (2,0 điểm)

Vẻ đẹp của hai câu thơ:

“Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”

(Trích “Truyện Kiều” - Nguyễn Du)

Câu 2: (6,0 điểm)

“Hỏi một câu, chỉ dốt trong chốc lát, không hỏi sẽ dốt nát cả đời”.

Trình bày suy nghĩ của em về quan niệm trên bằng một bài văn nghị luận xã hội (không quá 2 trang giấy thi).

Câu 3: (12,0 điểm) 

Dựa vào truyện cổ tích “Vợ chàng Trương” nhưng “Chuyện người con gái Nam Xương” đã khẳng định được những sáng tạo tài hoa của Nguyễn Dữ.

Hãy làm sáng tỏ những sáng tạo của tác giả được thể hiện trong tác phẩm đó.

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

Câu 1

Về hình thức:

Học sinh trình bày thành một đoạn văn theo qui ước, ngôn ngữ trong sáng, có chất văn, không mắc lỗi thông thường về chính tả, ngữ pháp ...

Học sinh trình bày được vẻ đẹp của hai câu thơ:

- Hai câu thơ là bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân: gam màu nền: thảm cỏ xanh non ; sự vật: cỏ xanh, hoa lê trắng.

Màu sắc hài hòa gợi nên vẻ đẹp riêng mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi đầy sức sống của cỏ non, khoáng đạt trong trẻo của xanh tận chân trời, nhẹ nhàng tinh khiết của trắng điểm. Chữ "điểm" đã làm cho bức họa mùa xuân sinh động, đầy sức sống gợi cảm có hồn…

(Có thể so sánh với hai câu thơ cổ của Trung Hoa "Phương thảo liên thiên bích. Lê cho sổ điểm hoa" để thấy được sự sáng tạo của Nguyễn Du và vẻ đẹp riêng của bức họa mùa xuân trong hai câu thơ của ông.)

Bức tranh thiên nhiên thể hiện nghệ thuật miêu tả bậc thầy, tình yêu thiên nhiên tha thiết của Nguyễn Du -> Khơi gợi trong ta tình yêu, niềm tự hào, gắn bó với cảnh sắc thiên nhiên của đất nước…

* Nghệ thuật:

- Thể thơ lục bát, ngôn ngữ thuần Việt, giàu hình ảnh, nhạc điệu.

- Bút pháp tả thực, điểm xuyết, chấm phá.

Câu 2

Yêu cầu về kĩ năng:

Hiểu được yêu cầu của đề ra. Tạo lập được một văn bản nghị luận xã hội, có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Viết đúng chính tả, ngữ pháp...

Yêu cầu về kiến thức:

I. Giới thiệu vấn đề nghị luận

II. Phân tích bàn luận:

1. Giải thích:

- “Hỏi” là nói ra điều mình vốn băn khoăn, không hiểu với mong muốn người khác sẽ cho mình biết câu trả lời.

2. Phân tích bàn luận

2.1. Vì sao cần biết hỏi:

2.2. Vì sao “Hỏi một câu, chỉ dốt trong chốc lát, không hỏi sẽ dốt nát cả đời”?

- Học hỏi không có gì xấu hổ mà là biểu hiện của tính ham học, ham hiểu biết. Vì thế không nên lo sợ bị người khác chê cười, đánh giá thấp mà im lặng dấu dốt. Tuy nhiên cần chịu khó suy nghĩ, tự học.

- Khi đã cố gắng hết sức mà không nghĩ ra, không giải quyết được cần hỏi người đáng tin cậy để bổ sung kiến thức kịp thời và tránh tâm lí ngại hỏi, giấu dốt để rời trở thành người dốt nát.

- Khi hỏi, những vấn đề thắc mắc mà bản thân chưa biết, chưa lí giải được sẽ dần sáng tỏ, bỏi thế sự “dốt” chỉ có tính chất nhất thời. Khi ta đã hiểu vấn đề, cái “dốt” tất không còn nữa. Nhưng nếu không hỏi mãi mãi sẽ là không biết điều muốn biết và vô tình vì dấu dốt mà tự biến mình thành kẻ dốt nát vĩnh viễn.

2.3.  Mở rộng vấn đề:

- Cần suy nghĩ về cách hỏi và vấn đề đem ra để hỏi.

- Nên lựa chọn người đáng tin cậy để hỏi và tiếp thu có chọn lọc câu trả lời.

- Biểu dương những người có tính ham học hỏi, phê phán những người dốt và giấu dốt. (dẫn chứng)

3. Bài học nhận thức và hành động:

- Nhận thức được vai trò của việc học hỏi trong cuộc sống đặc biệt trong học tập, nhằm nâng cao sự hiểu biết cho bản thân, đồng thời hoàn thiện nhân cách.

- Học sinh thường phải đối diện với những vấn đề khó khăn, phức tạp, không biết cách giải quyết. Vì thế việc hỏi là cần thiết để có được cách nghĩ, cách làm đúng đắn phù hợp.

III. Kết thúc vấn đề nghị luận

- Khẳng định lại vấn đề.

- Liên hệ bản thân. 

Câu 3

Yêu cầu về kĩ năng:

Đảm bảo là một bài văn nghị luận văn học có bố cục mạch lạc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, thuyết phục, có cảm xúc, chất văn chữ viết sạch đẹp không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể bằng nhiều cách lập luận khác nhau nhưng về kiến thức cần đạt được:

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

2. Giải quyết vấn đề:

Luận điểm 1: Giải thích

- Ý kiến trong đề bài đã nhấn mạnh tài năng sáng tạo của nhà văn Nguyễn Dữ. Đây là một ý kiến đúng bởi vì: Để tạo ra một tác phẩm văn học nhà văn không chỉ có cái “tài”. Cái tài của một nhà văn là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu. Đó là cái tài biết đưa hiện thực cuộc sống vào trong tác phẩm. Nhưng nhà văn không chỉ phản ánh cuộc sống hay dựa vào những điều có sẵn để tạo nên tác phẩm văn học mà còn phải có tính sáng tạo. Tính sáng tạo thể hiện ở sự đào sâu, tìm tòi, vận dụng để đưa vào tác phẩm những vấn đề mới, thậm chí chưa có trong cuộc sống nhằm mục đích góp phần thể hiện được chủ đề của tác phẩm.

- Tính sáng tạo trong tác phẩm văn học có thể được thể hiện ở nhiều phương diện như nội dung, nghệ thuật của tác phẩm đó.

“Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ đã thể hiện nhiều tài năng sáng tạo của tác giả.

Luận điểm 2: Chứng minh tính sáng tạo của Nguyễn Dữ trong “Chuyện người con gái Nam Xương”:

* Tóm tắt cốt truyện. (Có thể tóm tắt một tác phẩm hoặc cả hai tác phẩm. Nếu tóm tắt cả hai phải chú ý đến những chi tiết sáng tạo của Nguyễn Dữ trong “Chuyện người con gái Nam Xương” nhưng để ngắn gọn học sinh nên tóm tắt cốt truyện “Vợ chàng Trương” từ đó so sánh đối chiếu phân tích để làm rõ sự sáng tạo của Nguyễn Dữ.

Tóm tắt truyện "Vợ chàng Trương":

Ngày xưa ở làng Nam Xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, xinh đẹp lại thùy mị nết na lấy chồng là Trương Sinh vốn người cùng làng. Trương Sinh có tính cả ghen hay để tâm xét nét vợ nhưng vợ chàng thường giữ gìn khuôn phép nên không có chuyện gì xảy ra. Hai người đang sum họp đầm ấm, xảy có nạn binh đao, Trương Sinh phải đăng lính, nàng ở nhà phụng dưỡng mẹ già, nuôi con nhỏ. Để dỗ con, nàng thường chỉ bóng mình trên tường mà bảo đó là cha nó. Khi Trương Sinh về thì con đã biết nói. Đứa bé ngây thơ kể với Trương Sinh về người đêm đêm vẫn đến với mẹ con nó. Chàng nổi máu ghen, mắng nhiếc vợ thậm tệ rồi đánh đuổi đi, khiến nàng phẫn uất chạy ra bến sông tử tự. Khi hiểu ra nỗi oan của vợ, Trương Sinh chạy ra bến sông nhưng chỉ biết nhìn theo dòng nước chảy xiết.

Như vậy, truyện cổ tích "Vợ chàng Trương" chỉ thiên về kể những sự kiện dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương.

* Mối quan hệ giữa hai tác phẩm: Có mối quan hệ mật thiết. Cùng viết về đề tài người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Trên cơ sở của cốt truyện "Vợ chàng Trương", Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm nhiều chi tiết có ý nghĩa ở “Chuyện người con gái Nam Xương”.

*Những sáng tạo của Nguyễn Dữ trong “Chuyện người con gái Nam Xương”:

a. Về cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện:

Trên cơ sở cốt truyện có sẵn, tác giả đã sắp xếp lại một số tình tiết thêm bớt hoặc tô đậm những tình tiết có ý nghĩa, có tính chất quyết định để quá trình diễn biến của truyện cho hợp lí tăng cường tính bi kịch đồng thời làm cho truyện hấp dẫn hơn.

- Thêm vào chi tiết Trương Sinh đem trăm lạng vàng cưới Vũ Nương làm vợ. -> Cuộc hôn nhân có tính chất mua bán không bình đẳng nhằm làm nổi bật thân phận người phụ nữ trong XHPK…

- Những lời nói đầy tình nghĩa tiễn chồng đi lính -> Thể hiện Vũ Nương là người hết mực yêu thương chồng, luôn quan tâm lo lắng với những gian nan vất vả mà chồng sắp phải gánh chịu nơi chiến trận.

- Lời trăn trối của mẹ chồng -> Khẳng định một cách khánh quan nhân cách vào công lao của Vũ Nương đối với gia đình chồng -> Người con dâu hiếu thảo (nhấn mạnh phẩm chất)….

- Những lời phân trần, giãi bày của Vũ Nương khi bị nghi oan -> hành động bình tĩnh (tắm gội sạch) có sự chỉ đạo của lí trí chứ không chỉ là sự uất ức bột phát, tức thời như ở truyện cổ tích “Vợ chàng Trương”.

b. So với truyện cổ tích “Vợ chàng Trương”, “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ có nhiều lời thoại, lời tự bạch của nhân vật góp phần không nhỏ vào việc khắc họa tính cách nhân vật.

c.  Đặc biệt là việc sử dụng các yếu tố kì ảo trong phần cuối truyện sau khi Vũ Nương tử tự.

d. So với truyện dân gian, kết thúc truyện của Nguyễn Dữ làm tăng thêm sự trừng phạt đối với Trương Sinh. Vũ Nương không trở về, Trương Sinh càng cắn rứt ân hận vì lỗi lầm của mình.

e. Nguyễn Dữ còn sáng tạo trong nghệ thuật: Dùng lời văn biền ngẫu, những hình ảnh ước lệ, nghệ thuật thắt mở nút…góp phần làm cho tác phẩm đậm sắc màu trung đại, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.

3. Kết thúc vấn đề

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

- Suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.                 

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 9 năm 2022 Trường THCS Sơn Hà có đáp án. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !                                                              

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON