YOMEDIA

Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu và bài Phú sông Bạch Đằng

Tải về
 
NONE

Nhằm giúp các em học sinh lớp 10 có thêm nhiều gợi ý ôn tập, hình dung được cách thức, các bước đi và hướng giải quyết vấn đề nêu ra trong đề bài. Từ đó nhanh chóng biết cách viết thành một bài văn thuyết minh hay, hoàn chỉnh hấp dẫn sát đúng với yêu cầu của đề bài. Học247 mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu và bài Phú sông Bạch Đằng dưới đây nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Phú sông Bạch Đằng.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu về Trương Hán Siêu và bài "Phú sông Bạch Đằng".

- Trong "Cảm tưởng đọc Thiên gia thi", Hồ Chí Minh từng viết: "Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông". Thi nhân xưa thường tức cảnh mà tức cảnh sinh tình như thế. Trương Hán Siêu khi đối diện với Bạch Đằng giang cũng trào dâng những cảm xúc bồi hồi, xúc động như thế. Niềm xúc cảm khôn nguôi ấy thôi thúc thi nhân cầm bút viết lên "Bạch Đằng giang phú" có giá trị nhân văn cao đẹp.

b. Thân bài:

* Giới thiệu về Trương Hán Siêu

- Trương Hán Siêu là một nhân vật lớn đời Trần. Ông tên chữ Thăng Phủ, quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, Ninh Bình. Trương Hán Siêu lúc trẻ làm môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trương Hán Siêu là một người cương trực, học vấn uyên thâm, thông hiểu sâu sắc đạo Nho, đạo Phật, có tài thơ văn được vua, dân nể trọng, lại giàu lòng yêu nước và có nhiều công lao đối với triều Trần.

- Năm 1308, vua Trần Anh Tông phong ông làm Hàn Lâm học sĩ. Đời Minh Tông ông giữ chức Hành khiển. Đời Trần Dụ Tông, năm 1339, ông làm Hữu ti Lang trung ở Môn hạ. Đời Trần Dụ Tông đổi sang Tả Tư Lang kiêm chức Kinh Lược sứ ở Lạng Giang, năm 1345 ông được thăng chức Gián nghị Đại phu tham chính sự. Ông được vua Dụ Tông sai cùng với Nguyễn Trung Ngạn hợp soạn bộ "Hoàng Triều Đại Điển" và bộ "Hình Luật Thư". Năm 1351, ông được phong Tham tri Chính sự. Năm 1354, ông cáo bệnh xin nghỉ nhưng trên đường về Bắc chưa kịp đến nhà thì mất, sau được truy tặng Thái phó và cho phối thờ ở Văn Miếu, Thăng Long. Sau khi mất, Trương Hán Siêu được truy tặng chức Thái phó và được đưa vào thờ tại Văn Miếu ngang với các bậc hiền triết xưa.

- Sáng tác của ông còn lại không nhiều: hai bia văn, bốn bài thơ và một bài phú.

* Giới thiệu về "Phú sông Bạch Đằng"

- "Bạch Đằng giang phú" được viết theo thể phú, là thể văn có vần hoặc xen lẫn văn vần, văn xuôi, thường tả cảnh, kể về phong tục, kể sự việc, bàn chuyện đời.

- Có thể dự đoán Trương Hán Siêu viết bài phú này vào khoảng năm mươi năm sau chiến thắng quân Mông - Nguyên lần thứ ba. Đây là giai đoạn cuối của nhà Trần - triều đại lúc ấy đang suy vong như ánh hoàng hôn cuối ngày song hào khí Đông A một thời vẫn vang vọng trong tâm khảm những danh sĩ nặng lòng với giang sơn xã tắc.

- Bài phú viết về sông Bạch Đằng - dòng sông của lịch sử, văn hóa và thi ca. Đây là dòng sông đã ghi dấu lại những chiến tích anh hùng của cha ông. Bởi vậy, bài phú mang cảm hứng hoài niệm, hoài cổ rõ nét. Đây là tác phẩm thể hiện đỉnh cao của tài hoa viết phú đồng thời là áng văn tràn đầy lòng yêu nước, tráng chí chất ngất, cùng tinh thần tự hào dân tộc và hàm chứa một triết lý lịch sử sâu sắc khi nhìn nhận nguyên nhân thành công của dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.

* Phân tích bài phú "Phú sông Bạch Đằng"

- Mở đầu bài phú là lời giới thiệu nhân vật khách và tâm trạng của khách trước dòng sông Bạch Đằng: "Khách có kẻ ... Tiếc thay dấu vết luống còn lưu". Đoạn văn đã làm hiện lên chân dung con người với tư thế ung dung đang mở rộng tâm hồn khoáng đạt để thu vào tất cả những bao la, rộng lớn của đất trời. Hành động "giương buồm giong gió", "lướt bể chơi trăng" đã mở ra không gian khoáng đạt cùng những hình ảnh kỳ vĩ của thiên nhiên, thể hiện niềm say mê bất tận của khách khi được đắm mình với thú ngao du sơn thủy.

- Nhịp điệu đoạn văn tự do, linh hoạt, có câu ngắn, câu dài đan xen giống như nhịp con thuyền đi trên sông, có lúc dừng lại để thưởng ngoạn, có lúc lại lướt băng băng.

- Khách là người đi nhiều, biết nhiều, đã từng đi nhiều miền sông bể. Đó là những địa danh của Trung Quốc như Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Tam Ngô, Bách Việt,... Đây đều là những thắng cảnh nổi tiếng chủ yếu gắn với không gian sông nước. Cách nói ước lệ có phần khoa trương: "Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương / Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt", "Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều" chứng tỏ có những địa danh khách đã đi qua bằng thực tế, cũng có những địa danh khách đi du ngoạn bằng sự tưởng tượng, bằng sự hiểu biết qua sách vở.

- Biện pháp liệt kê đã mở ra một không gian bao la với những địa danh khác nhau đồng thời cho ta hiểu biết về khách: mặc dù đã đi qua nhiều nơi nhưng vẫn luôn khao khát được khám phá bốn phương. Phải chăng khách cũng muốn đặt chân lên mọi miền đất nước để viết nên lịch sử về nước mình?

- Đứng trước sông Bạch Đằng là đứng trước vẻ đẹp của bức tranh diễm lệ về sông nước. Bạch Đằng một bức tranh vừa hùng vĩ vừa nên thơ: "Bát ngát sóng kình muôn dặm / Thướt tha đuôi trĩ một màu". Sông nước, đất trời cuối thu xanh biếc một màu tưởng như đất trời nối liền một dải: "Nước trời: một sắc, phong cảnh ba thu". Cảnh hiện lên không chỉ hùng vĩ, thơ mộng mà còn mang màu sắc ảm đạm, hắt hiu với bờ lau, bến lách san sát đôi bờ, với "sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô" gợi nhắc sự hoang tàn của chiến trường xưa.

- Trước cảnh sông nước Bạch Đằng, tâm trạng khách đan xen nhiều cung bậc: vui, tự hào trước cảnh nước trời hùng vĩ; buồn vì cảnh đôi bờ trước mắt đều hoang vắng, đìu hiu; thương tiếc, tưởng nhớ những người anh hùng đã khuất; tiếc nuối nuối vì chiến trường xưa một thời oanh liệt giờ phai nhạt dấu vết vì thời gian.

- Nhân vật khách cũng chính là sự phân thân của tác giả. Đến với dòng sông lịch sử này, tác giả có một phong thái ung dung để thưởng ngoạn, đồng thời cũng bày tỏ niềm xúc động tự hào và nuối tiếc trước trận chiến trường xưa.

- Đoạn văn thứ hai là lời kể của các bô lão về những chiến công trên sông Bạch Đằng. Sau những cảm xúc chung của khách trước sông Bạch Đằng là lời của các bô lão. Hình thức đối đáp giữa khách và chủ là thủ pháp đặc trưng của thể cổ phú, giúp cho lời kể thêm chân thực, sự việc trở nên khách quan, đáng tin cậy. Các bô lão đến với khách bằng một thái độ nhiệt tình, trân trọng.

- Qua lời kể của các bô lão, sông Bạch Đằng hiện lên là nơi ghi dấu những chiến công chói lọi. Đó là chiến công hào hùng của các thế hệ trước: "Ngô chúa phá Hoằng Thao", đó là chiến công của "Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã".

- Khi nói về quân địch, các bô lão đã nhấn mạnh vào sức mạnh vật chất của chúng, còn về phía ta thì nhấn mạnh vào sức mạnh tinh thần. Điều đó cho thấy cuộc chiến đó không chỉ là sự đối đầu về lực lượng mà còn là về ý chí.

- Cảnh chiến sự dữ dội, ác liệt được miêu tả bằng những hình ảnh giàu sức biểu cảm, mang tầm vóc của đất trời: "Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ, / Bầu trời đất chừ sắp đổi".

- Miêu tả sức mạnh của kẻ địch trước hết để nói đến tình thế cam go của trận đánh, cũng là một cách để làm nổi bật sức mạnh của quân ta, thể hiện niềm tự hào của các bô lão về những chiến công. Lời kể ngắn gọn nhưng cụ thể, sinh động khi dồn dập, gấp gáp với những câu ngắn; khi chậm rãi với những câu dài đã tái hiện một cách sinh động về diễn biến, không khí của trận đánh.

- Đoạn văn thứ ba là những suy ngẫm và bình luận của các bô lão về chiến công. Trong lời suy ngẫm, bình luận của các bô lão về chiến công trên sông Bạch Đằng, có thể nhận thấy nguyên nhân của chiến thắng theo các bô lão là nhờ có địa linh nhân kiệt. Nhắc tới hình ảnh Trần Hưng Đạo với câu nói lưu cùng sử sách, so sánh với những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Hoa: "vương sư họ Lã, quốc sĩ họ Hàn", lời suy ngẫm của các bô lão đã chỉ ra vai trò quyết định của con người trong việc làm nên chiến thắng. Đó cũng là một tư tưởng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

- Đoạn văn cuối cùng là lời ca của các bô lão. Lời các bô lão mang ý nghĩa tổng kết quy luật lịch sử: bất nghĩa thì tiêu vong, còn có nhân nghĩa thì lưu danh thiên cổ.

- Lời ca của khách là sự tiếp nối lời ca của các bô lão không chỉ ở hình thức đối đáp trong phú mà còn là sự tiếp nối và mở rộng về tư tưởng, đề cao vai trò của đức sáng trong con người. Đó chính là hạt nhân của mọi chiến thắng.

- Lợi kết thúc bài phú thể hiện niềm tự hào dân tộc và tư tưởng nhân văn cao đẹp: đề cao vai trò, vị trí con người trong lịch sử đồng thời cũng là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và chất trữ tình trong phú.

* Đánh giá

- Nghệ thuật: Bài phú là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam. Bài phú với bố cục chặt chẽ, lời văn linh hoạt ngôn từ vừa trang trọng vừa gợi cảm, bút pháp miêu tả linh hoạt, xây dựng thành công hình tượng chủ - khách, kết hợp hài hòa giữa chất văn xuôi và chất thơ.

- Nội dung: Bài phú thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc qua tiếng nói ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, truyền thống lịch sử hào hùng, truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lý nhân nghĩa sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Bài phú cũng chứa đựng tư tưởng nhân văn cao đẹp: đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử.

c. Kết bài:

- Khẳng định lại vị trí, thành công của Trương Hán Siêu và "Bạch Đằng giang phú", nêu suy nghĩ bản thân.

- "Phú sông Bạch Đằng" của Trương Hán Siêu là một tác phẩm tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước và là lời nhắc nhở mỗi người, mỗi dân tộc lòng tự hào truyền thống, đạo lý nhân nghĩa sáng ngời của dân tộc Việt Nam, thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp qua việc để cập vai trò và vị trí của con người.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu và bài Phú sông Bạch Đằng.

GỢI Ý LÀM BÀI

3.1. Bài văn mẫu số 1

Nhắc đến triều đại nhà Trần, ta không thể không nhắc đến một nhân vật lớn, nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến nhân dân là Trương Hán Siêu. Ông là một người có trình độ học vấn vô cùng sâu rộng, uyên bác, lại trải qua những bốn đời vua nhà Trần là Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông và cả hai cuộc chiến chống quân Nguyên xâm lược, ông đã đóng góp rất nhiều cho nhà Trần, được các vị vua thời này tôn kính như một bậc thầy.

Trương Hán Siêu cũng là người biên soạn nhiều tác phẩm nổi tiếng, là những áng văn bất hủ mỗi khi nhắc lại. Đó là Bạch Đằng Giang phú, Linh tế thập kỷ, Quang Nghiêm Tự bi văn… Năm 1308, ông được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ ở đời vua Trần Anh Tông. Đến đời vua Trần Minh Tông, ông giữ chức hành khiển, làm Môn hạ hữu ty lang tông ở đời Trần Hiến Tông năm 1339. Và đến năm 1342, vào đời vua Trần Dụ Tông thì ông giữ chức Tả ty lang trung kiêm Kinh lược. Vào tháng 11 năm 1353, Trương Hán Siêu xin cáo bệnh về quê nhưng chưa kịp đến kinh sư thì ông mất. Sau khi ông mất, vua đã truy tặng cho ông các chức danh lần lượt là hàm thái bảo và thái phó. Năm 1972 được thờ tại Văn miếu Quốc tử giám. Trong suốt cuộc đời của mình, Trương Hán Siêu đã nhiều lần được giữ những chức vụ quan trọng và đóng góp đáng kể cho đất nước. Kể cả cho đến khi ông mất thì vua và các quan trong triều cũng vô cùng đau xót, truy tặng cho ông những danh huy chương đáng giá. Đặc biệt, việc Trương Hán Siêu được thờ tại Văn miếu Quốc tử giám sau khi ông mất cho thấy sự coi trọng của quân vương đối với ông. Vai trò của Trương Hán Siêu đối với đất nước được ví như những bậc hiền triết thời xưa.

Những tác phẩm của Trương Hán Siêu thường là những áng văn bất hủ, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc. Một trong những nét điển hình cho phong cách của Trương Hán Siêu là cái nhìn về lịch sử, mang dấu ấn hoài niệm, hoài cổ nhưng vẫn đầy trữ tình. Và bài Bạch Đằng Giang Phú (Phú sông Bạch Đằng) chính là một tác phẩm minh chứng cho điều này.

Trương Hán Siêu vốn có tính tình cương trực, thẳng thắn và giàu lòng yêu nước, có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên. Ông cũng là người có học vấn uyên thâm và sâu rộng. Để lại nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng như Cúc hoa bách vịnh, Hoá Châu tác, Dục Thuý sơn. Trương Hán Siêu từng soạn bài ký tháp Linh Tế. Ông được coi là nhà văn hóa lớn của thời đại. Các tác phẩm của Trương Hán Siêu đều thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam hay tình yêu thiên nhiên. Ngôn ngữ trong thơ ông tinh tế, giàu cảm xúc lắng đọng, hình ảnh giàu sức gợi và tính thuyết phục cao.

Phú sông Bạch Đằng được xem là một tuyệt tác của Trương Hán Siêu, một đỉnh cao của văn học Việt Nam. Bài thơ viết theo thể phú viết xen lẫn văn vần và văn xuôi, được viết bằng chữ Hán. Bài phú sáng tác sau kháng chiến Mông Nguyên thắng lợi, đã thể hiện được tình yêu đất nước và sự tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Có ý nghĩa lớn trong việc đúc kết lại những chiến thắng Bạch Đằng lúc bấy giờ.

"Khách có kẻ:

Giương buồm giong gió chơi vơi,

Lướt bể chơi trăng mải miết.

Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,

Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt.

Cửu Giang, Ngũ Hồ,

Tam Ngô, Bách Việt.

Nơi có người đi,

Đâu mà chẳng biết.

Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,

Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.

Bèn giữa dòng chừ buông chèo,

Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.

Qua cửa Đại Than,

Ngược bến Đông Triều,

Đến sông Bạch Đằng,

Thuyền bơi một chiều.

Bát ngát sóng kình muôn dặm,

Thướt tha đuôi trĩ một màu.

Nước trời một sắc,

Phong cảnh ba thu.

Bờ lau san sát,

Bến lách đìu hiu

Sông chìm giáo gãy,

Gò đầy xương khô.

Buồn vì cảnh thảm,

Đứng lặng giờ lâu."

Khách xuất hiện với vẻ đẹp của một con người có tâm hồn tự do với hoài bão lớn. Khách dạo chơi đâu chỉ ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn bồi thêm vốn hiểu biết của mình. Những địa danh lần lượt hiện lên khiến tâm hồn của tao nhân chứa đựng những xúc cảm lẫn lộn, vừa vui, vừa buồn, vừa tự hào lại vừa tiếc nuối.

Ngay sau những câu giới thiệu về nhân vật “khách”, tác giả đã đưa người đọc đến với câu chuyện của bô lão về chiến thắng trên dòng sông Bạch Đằng:

"Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã

Cũng là bãi đất xưa thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao

Đương khi ấy:

Thuyền bè muôn đội, tinh kỳ phấp phới

Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói

Trận đánh được thua chửa phân

Chiến lũy bắc nam chống đối

Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ

Bầu trời chừ sắp đổi"

Tác giả đã chọn lọc những hình ảnh, những điển tích làm nổi bật sự thất bại của quân thù và cái vẻ vang trong chiến thắng của quân ta. Có thể nhận thấy ở đây niềm tự hào, sảng khoái của các bô lão, cái điềm tĩnh qua sự chiêm nghiệm của “khách”. Các bô lão đã lấy cái vận động, trôi chảy của dòng nước, dòng đời tương phản với nỗi nhục quân thù bởi nỗi nhục quân thù nghìn năm không rửa nổi cũng có nghĩa là những chiến thắng của ta vĩnh viễn lên ngôi:

"Đến nay nước sông tuy chảy hoài

Mà nhục quân thù khôn rửa nổi"

Sau lời kể, các bô lão có lời bình như sự tổng kết về nguyên nhân làm nên chiến thắng: có thiên thời, địa lợi, trong đó đề cao yếu tố con người - một quan niệm vừa đầy tiến bộ, vừa mang tính nhân văn:

"Quả là trời đất cho nơi hiểm trở

Cũng nhờ: nhân tài giữ cuộc điện an"

Và đến đoạn ba, đó là lời ca của các bô lão và khách. Các bô lão bừng sáng niềm tin, niềm tự hào về chân lý vĩnh hằng như cái dằng dặc, bao la của Bạch Đằng giang cuộn sóng hồng, đổ về biển Đông tự bao đời. Còn trong lời ca của khách, bến cạnh việc ngợi ca công đức của các vua Trần, còn đề cao và khẳng định tài đức con người, xem đó là yếu tố quyết định để làm nên chiến thắng.

Với việc xây dựng cặp nhân vật “chủ- khách”, việc lựa chọn các hình ảnh và điển tích cùng việc kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố tự sự, trữ tình và lối nói khoa trương, bài phú đã sống dậy hào khí Đông A. Bài phú không chỉ truyền cho ta lòng yêu nước, tự hào dân tộc mà còn là lời nhắc chúng ta hôm nay và mãi sau này được hưởng thành quả mà cha ông ta đã làm nên thì hãy biết trân trọng và phát huy!

3.2. Bài văn mẫu số 2

Lịch sử của một dân tộc không chỉ là những chiến công với những chiến thắng chống giặc ngoại xâm mà còn la lịch sử với bề sâu văn hiến, là lịch sử được ghi lại bằng hồn người qua những áng văn chương. Nhắc đến những bài thơ mang âm hưởng hào hùng của một thời đại một đi không trở lại, chúng ta không thể nhắc đến bài phú “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu. Bài thơ đã được viết từ lâu rồi nhưng đến nay và mãi sau, người ta vẫn không thôi nhắc đến nó như một khúc ca về thời đại nhà Trần.

Nhắc đến Trương Hán Siêu là người ta nhớ đến một người con quê tại vùng đất Ninh Bình, là môn khách của vị tướng tài ba Trần Quốc Tuấn, ông đã từng tham gia kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược. Ông là người vừa có tài lại vừa có đức, sinh thời, ông được các vua nhà Trần gọi là “thầy”. Ông là một người phóng khoáng, nặng lòng yêu nước và mang trong mình một nỗi ưu hoài về lịch sử dân tộc. Vì lẽ đó, đến với “Bạch Đằng giang phú”, người đọc như được sống với năm tháng hào hùng trong lịch sử dân tộc, vừa nhận ra những nỗi lòng của một con người từng trải.

Bài phú được đánh giá là không chỉ nổi tiếng ở thời Trần mà còn là một trong những bài phú viết bằng chữ Hán hay bậc nhất nước ta thời trung đại. Theo các nhà nghiên cứu, có lẽ bài thơ được Trương Hán Siêu viết vào thời vãn Trần.

Bài Phú sông Bạch Đằng được sáng tác sau chiến thắng Bạch Đằng được viết thời Trần Dụ Tông khi triều Trần đang trong thời kì suy vong. Chính vì thế là đại thần mang trọng trách lớn, địa vị cao, công lao nhiều mà không có cách gì làm cho triều đình trở lại quang minh nên ông cảm thấy hổ thẹn, hổ mặt với người xưa nhất là trước lịch sử Bạch Đằng, âm hưởng hào hùng như vẫn còn sục sôi cuộn cháy.

Bài được chia làm bốn phần gồm mở, giải thích, bình luận và kết. Mở là tráng trí và cảm xúc của nhân vật khách trước cảnh sắc trên sông Bạch Đằng. Giải thích là trận Bạch Đằng qua sự hồi tưởng của các bô lão. Bình luận là suy ngẫm và bình luận của các bô lão về nguyên nhân làm nên chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Kết là lời ca của bô lão và khách khẳng định vai trò đức độ của con người.

Nhân vật khách sự phân thân của tác giả với mục đích thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên xuất hiện trong không gian biển lớn giương buồm giong gió, lướt bể chơi trăng. Không gian sông hồ với Ngũ Hồ, Nguyên Tương. Những vùng đất nổi tiếng của Trung Quốc như Tam ngô Bách Việt, đầm Vân Mộng,.. hay những địa danh của Việt Nam Cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng các địa danh cụ thể, hình ảnh cụ thể. Với các từ miêu tả chơi vơi, mải miết, tha thiết, tiêu dao, thướt tha được sử dụng với tần suất dày đã mở ra một không gian tung hoành cho khách. Đó là không gian nghệ thuật bốn phương, mênh mông, bát ngát thơ mộng và tràn đầy ánh trăng. Các hình ảnh thời gian sớm ở Nguyên Tương, chiều thăm Vũ Huyết. Cảnh sắc thiên nhiên hiện lên thật đẹp “bát ngát…ba thu” đó là dòng sông thơ mộng, hùng vĩ, diễm lệ, hoành tráng. Nhìn hai bên sông là “bờ lau, xương khô” là Bạch Đằng hoang vu, đìu hiu, lạnh lẽo, Bạch Đằng của cõi chiến trường xưa chốn tử địa của quân thù.

Trận chiến Bạch Đằng qua lời kể các bô lão với quân ta xuất thân với khí thế hào hùng “hùng hổ sáu quân” sức mạnh khí thế như hổ báo của các chiến sĩ thời nhà Trần, với lòng yêu nước với sức mạnh chính nghĩa. Còn quân địch ra oai “Những tưởng gieo roi một lần/ Quét sạch Nam bang bốn cõi” sự huênh hoang, hung hăng kiêu ngạo. “Thế cường” với bao mưu mô chước quỷ.

Nhưng các bô lão lại suy ngẫm thời thế thuận lợi trời cũng chiều người, địa thế núi sông trời đất cho nơi hiểm trở, con người có tài có đức lại giữ vai trò quyết định quan trọng. Tác giả gọi lên hình ảnh Trần Quốc Tuấn và những hình ảnh so sánh với người để khẳng định sức mạnh, tài năng và đức đạo của con người.

Lời ca của các bô lão khẳng định sự tồn tại vĩnh hằng của dòng sông và những chiến công, sự vĩnh hằng của chân lý “Bất nghĩa tiêu vong, anh hùng lưu danh thiên cổ”. Lời ca ngợi của khách cùng tiếp nối niềm tự hào về non sông hùng vĩ nhưng thể hiện quan niệm về nhân tố quan trọng trong công cuộc đánh giặc giữ nước là con người mà rõ hơn là người anh hùng.

Bài phú với nhân vật khách cách đối đáp, dùng hình ảnh điển cố có sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn yếu tố trữ tình hoài cổ với yếu tố tự sự tráng ca lối diễn đạt khoa trương mà làm rõ hào khí nhà Trần âm hưởng không khí chiến thắng trên sông Bạch Đằng.

Đọc xong bài phú mà đọng lại trong lòng người đọc bao cảm xúc về con người, quê hương đất nước. Vì thế chúng ta ngày nay phải có ý thức xây dựng quê hương đất nước phát triển hơn.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF