Bài văn mẫu Phân tích truyện Tam đại con gà dưới đây nhằm giúp các em thấy được thói dốt hay chơi chữ, dốt học làm sang của một bộ phận nhân dân, một tật xấu phổ biến. Qua đó nhắc nhở chúng ta không nên giấu dốt và khuyên mọi người phải không ngừng học hỏi, rèn luyện tri thức cho bản thân mình. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để nắm vững hơn về nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tam đại con gà.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu về thể loại truyện cười: Là thể loại tự sự dân gian thông qua tiếng cười để đả kích, phê phán
- Giới thiệu khái quát về truyện cười Tam đại con gà: Là truyện cười trào phúng đặc sắc, phê phán sự dốt nát và thói bảo thủ che che đậy sự dốt nát của một ông thầy và cũng là của một bộ phận nhân dân bằng tiếng cười sâu cay.
b. Thân bài:
* Tình huống truyện
- Anh học trò dốt nát nhưng lại hay khoe khoang lên mặt văn hay chữ tốt, có người mời anh ta về dạy học
→ Sự xuất hiện của nhân vật đã gây ra tiếng cười bằng cách tạo ra những mâu thuẫn: Dốt mát – hay khoe khoang, dốt nát, hay khoe khoang – được là thầy.
- Anh ta bị đẩy vào hai tình huống éo le:
+ Đi dạy học trò nhưng không biết mặt chữ vì có nhiều nét rắc rối, lại bị học trò hỏi gấp, cuống quá phải nói liều.
+ Bị người nhà phát hiện giảng sai, thầy phải bao biện, giấu dốt.
→ Thầy đồ dốt nát, đến chữ vỡ lòng còn không biết. Không những thế còn giấu dốt và lừa gạt người.
* Giải quyết tình huống
- Giải quyết tình huống 1:
+ Thầy nhắm mắt nói liều, sợ sai nên bảo học trò đọc khẽ, trong lòng vẫn thấp thỏm.
→ Thầy đồ dốt nát nhưng lại biết cách che đậy sự dốt nát ấy.
→ Cách nói mỉa mai “thầy cũng khôn” là sự châm biếm của dân gian về sự khôn lỏi của kẻ dốt.
+ Khấn thổ công, xin đài âm dương xem chữ đó có đúng không. Được đài, thầy đắc chí ngồi bệ vệ trên giường bảo học trò đọc to.
→ Thầy đã dốt còn mê tín, huênh hoang, tự đắc. Tiếng cười được mở rộng, cái dốt của thầy càng lộ rõ.
- Giải quyết tình huống 2:
+ Người lật tẩy cái sai của thầy là chủ nhà, một người nông dân vô học.
+ Thầy thầm nghĩ “mình đã dốt, thổ công nhà nó còn dốt hơn mình”
→ Thầy đồ ý thức được cái dốt của mình nhưng lại bảo thủ, cố tình bao biện, che giấu. Cách nghĩ của thầy khiến cho ta phải bật cười
+ Thầy ngụy biện bằng việc giảng giải tận gốc vấn đề: dạy cháu để biết đến tận tam đại con gà “dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà”
→ Thầy là kẻ ma lanh, láu cá, lí sự cùn để che đậy bản chất dốt nát của mình. Tiếng cười bật ra.
* Ý nghĩa phê phán của câu chuyện
- Phê phán thói dốt hay chơi chữ, dốt học làm sang của một bộ phận nhân dân.
- Phê phán thói giấu dốt, một tật xấu phổ biến trong nhân dân.
- Phê phán hiện thực xã hội: kẻ dốt, kẻ ma lanh, láu cá được trọng dụng.
- Khuyên mọi người phải không ngừng học hỏi, không nên giấu dốt
* Nghệ thuật
- Kết cấu ngắn gọn, chặt chẽ
- Xây dựng những tình huống mâu thuẫn, trái tự nhiên, gây ra tiếng cười
- Cách giải quyết tình huống bất ngờ, hài hước
- Cách sử dụng từ ngữ tạo ra tiếng cười sâu cay.
c. Kết bài:
- Khái quát nội dung và nghệ thuật truyện cười Tam đại con gà
- Mở rộng: Ngoài “Tam đại con gà, truyện cười trào phúng dùng tiếng cười để đả kích phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội rất phong phú như: Nhưng nó phải bằng hai mày, lợn cưới áo mới, đẽo cày giữa đường,...Mỗi truyện lại đem lại những bài học sâu cay đằng sau tiếng cười sảng khoái. Tất cả đã làm nên đặc sắc của thể loại truyện cười.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy phân tích bài Tam đại con gà dưới dạng một bài văn ngắn.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Tục ngữ có câu: “Biết thì thưa thốt – Không biết dựa cột mà nghe”, lắng nghe người khác nói giảng giải sẽ giúp ta có thêm hiểu biết, khám phá ra được nhiều điều trong cuộc sống. Nếu hiểu rõ về nó, biết về nó thì hãy cùng nhau đàm đạo, nói chuyện. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người lại có xu hướng ngược lại, rõ ràng là ngu dốt, không hiểu biết nhưng lại luôn thích thể hiện, thích ra vẻ ta đây.
Có một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về vấn đề này đó chính là Tam đại con gà. Tam đại con gà là một trong những câu chuyện ngụ ngôn đặc sắc của kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Truyện viết về một anh đồ đã dốt nhưng lại “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, anh ta bản thân đã kém cỏi, dốt nát, theo lẽ thường thì nên học tập trau dồi cho bản thân nhưng ở đây lại bày đặt đi làm thầy đồ. Thử hỏi thầy đồ dốt thì còn đòi dậy ai? Dậy rồi các lứa học trò của thầy sẽ học hành ra sao đây?
Quả thật quá trình dạy học của anh đồ này cũng đầy gian truân. Khi nhìn thấy chữ “kê” nghĩa là con gà thầy cũng không biết là chữ gì, thầy đồ này không phải là kém hiểu biết mà thực sự là quá dốt, không cả biết nhận mặt chữ, đọc chữ. Thầy cũng biết về sự kém cỏi ấy của mình nên mới ngại ngùng mà bảo học trò đọc nhỏ “Dủ dỉ là con dù dì”.
Thầy đã dốt nhưng lại dùng sự khôn lỏi, những mánh khóe lừa lọc của mình để lấp liếm đi cái sự dốt nát ấy. Thầy sợ người nhà học trò phát hiện ra sẽ cười chê, sẽ khinh bỉ mình thậm chí là đuổi mình. Và nếu không ai phát hiện ra thì cái sự thật thầy đồ dốt nát sẽ còn tiếp diễn mãi, thầy sẽ cứ như vậy mà đi dậy lớp lớp những học trò mới.
Nụ cười càng dâng cao khi thầy bảo trò đọc khẽ vì sợ người khác nghe thấy sẽ để lộ ra cái dốt của mình, làm người dạy học mà lại không biết chữ. Mánh khóe giấu dốt đầy láu cá của anh ta tạo nên tiếng cười giòn giã cho người đọc. Thứ hai: dốt sinh ra mê tín (khấn đài âm dương, Thổ công cho cả ba). Sự xuất hiện của nhân vật Thổ Công khiến nghệ thuật trào phúng và ý nghĩa phê phán của truyện càng thêm sâu sắc. Hóa ra, thánh thần cứ tưởng là thiêng liêng, nhưng thực chất cũng là kẻ dốt nát.
Sở dĩ nói như vậy là bởi khi thầy xin đài âm dương hỏi chữ đó có đúng là chữ "dù dì", Thổ Công đã cho được cả 3 đài. Như vậy, Thổ Công cũng nhất trí với thầy đồ. Thế là cái dốt được bộc lộ hoàn toàn khi anh ta tự tin mình đúng, cho học trò gân cổ lên gào "Dủ dỉ là con dù dì! Dủ dỉ là con dù dì…"
Chủ nhà cuối cùng cũng phát hiện ra sự dốt nát của thầy đồ không biết mặt chữ. Nhưng anh ta vẫn không chịu thừa nhận cái dốt của mình mà trách Thổ Công "mình đã dốt nó còn dốt hơn", rồi tìm mọi cách giải "oan", nhưng mỗi câu chữ đều luẩn quẩn và nực cười.
Rõ ràng, anh "thầy đồ" này là kẻ dốt toàn diện. Khi không biết, dáng ra anh ta phải tra trong sách vở, đằng này lại làm việc ngược đời là hỏi Thổ Công. Đây là một chi tiết rất đắt giá của Truyện, thể hiện sự sáng tạo, nghệ thuật phát triển vấn đề. Những hành động phi lý của anh ta được nâng dần lên theo trình tự. Đây cũng là một thủ pháp đặc trưng trong truyện cười ngụ ngôn dân gian.
Bằng tiếng cười, truyện tập trung phê phán thói giấu dốt phổ biến ở nhiều đối tượng trong cuộc sống. Và thật buồn thay, hiện tượng giấu dốt hiện nay vẫn còn phổ biến nhiều trong giới trẻ. Nhiều người sợ người khác biết mình dốt, mình không hiểu biết. Thế nên, ngại nói, không dám nói. Đặc biệt, nhiều bạn học sinh còn cố tỏ ra mình hiểu biết, trong khi đó, không hiểu gì về bản chất thực sự của vấn đề. Truyện cười Tam đại con gà không chỉ có ý nghĩa đối với thời xưa, mà còn là một bài học cảnh tỉnh, nhắc nhở sâu sắc cho cả ngày hôm nay.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Truyện Tam đại con gà là một câu chuyện hay và mang ý nghĩa phê phán sâu sắc. Phê phán thói dốt hay chơi chữ, dốt học làm sang của một bộ phận nhân dân, một tật xấu phổ biến và rút ra được nhiều bài học cho chính bản thân mình.
Mở đầu truyện, tình huống mâu thuẫn đã được bộc lộ, tức là cái cười đã được mai phục: "Xưa có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt". Ở anh học trò này chứa đựng mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, sự trống rỗng, dốt nát bên trong và sự khoe mẽ, lên mặt ta đây giỏi bề ngoài. Từ sự giới thiệu khái quát chung đó, câu chuyện đi vào những chi tiết cụ thể: anh được mời dạy trẻ vì người ta tưởng anh vẫn hay chữ tốt thật.
Vì thực chất kém cỏi, dốt nát mà lại nhận đi làm thầy dạy chữ nên tất nhiên anh học trò dốt phải đối mặt với những tình huống khó xử. Nhân buổi dạy sách Tam thiên tự, có chữ “kê” là gà với nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều "dủ dỉ là con dù dì". Yếu tố hài hước là ở chỗ: thầy đi dạy chữ mà chữ tối thiểu cũng không biết, đã thế lại giấu dốt, dạy sai một cách liều lĩnh.
Do học trò hỏi gấp nên thầy cuống, nói liều chứ thầy cũng biết mình dốt nên bảo học trò đọc khẽ, "trong lòng vẫn thấp thỏm". Chi tiết thầy khấn thổ công nhà chủ "xem chữ ấy có phải thật là dù dì không" và được thổ công "cho cả ba đài" là chi tiết dẫn dắt hợp lí, tạo cho kịch tính trong truyện tiếp tục phát triển. Trước khi khấn thổ công, thầy còn thấp thỏm, "bảo học trò đọc khẽ".
Đây giống như một tình huống gây cười và trào phúng châm biếm nhất, thầy đồ nhờ tới thần linh xem kiến thức của mình ra sao. Khi đã an tâm, thầy cho học trò đọc lớn lên, càng thấy buồn cười, bởi lẽ học trò thì k biết thầy sai mà thầy cũng k biết mình sai nên dốt lại càng dốt.
Nhưng bất ngờ chạm trán với chủ nhà, biết được cái sai của mình, không những không nhận mà còn tìm cách chối cãi và ngụy biện cho cái dốt của mình: Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà. Yếu tố bất ngờ nhất của truyện khép lại thì cũng là lúc tiếng cười phê phán vang lên không dứt.
Thấy bác nông dân nói dạy thầy đồ rởm liền nói rằng: “Tôi vẫn biết chữ ấy là “kê”, mà ,“kê” nghĩa là gà, nhưng tôi dạy thế là dạy cho cháu biết đến tận tam đại con gà kia”. “Thế này nhé ! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà!”. Anh ta càng cố che giấu thì người nghe càng nhận thấy sự dốt nát nhưng liều lĩnh, bất chấp đúng sai của anh ta.
Cách phản ứng tức thời của thầy để nói gở cho mình: “Dạy cho cháu biết đến tâm tam đại con gà” vô hình chung đã tự phơi bày không chỉ bản chất dốt nát mà quan trọng hơn còn cả thói giấu dốt, sĩ diện hão. Tiếng cười phê phán đến đây bật lên thật mạnh mẽ và sâu sắc. Đây là biểu hiện của mâu thuẫn dốt nhưng lại thích khoe chữ. Và cũng chính vì thói thích khoe như vậy nên bao nhiêu cái dốt của thầy không chỉ được phô bày đầy đủ mà còn được khuếch đại.
Truyện Tam đại con gà là một câu chuyện hay và mang ỹ nghĩa phê phán sâu sắc. Phê phán thói dốt hay chơi chữ, dốt học làm sang của một bộ phận nhân dân, một tật xấu phổ biến. Nhắc nhở chúng ta không nên giấu dốt và khuyên mọi người phải không ngừng học hỏi, rèn luyện tri thức cho bản thân mình.
Câu chuyện “Tam đại con gà” là câu chuyện ngắn gọn xoay quanh một chữ kê nhưng đã vẽ ra được chân dung thảm hại của nhân vật thầy đồ dốt nát cũng là một phần nhỏ trong thời xưa. Đó là một con người “dốt lòi” nhưng lại hay “chối quanh và tài ngụy biện" và luôn cố tìm cách giấu dốt bằng thói ba hoa. Chi tiết nhẹ nhàng đơn giản nhưng lại khiến cho chúng ta có một cái nhìn sâu sắc không chỉ nhân vật mà cả những nét tính cách và thói hư tật xấu của một bộ phận nhỏ trong thời xưa.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----