YOMEDIA

Phân tích đoạn trích Sau phút chia li

Tải về
 
NONE

Sau phút chia li là bài thơ trích trong khúc ngâm diễn tả nỗi nhớ da diết của người chinh phụ sau khi tiễn chồng ra lên đường ra nơi binh đao loạn lạc. Để hiểu hơn về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ này, Học247 mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Sau phút chia li dưới đây. Chúc các emm học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Sau phút chia li.

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả Đặng Trần Côn và các bản diễn Nôm

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc và đoạn trích Sau phút chia li (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)

b. Thân bài:

* Nỗi buồn của lòng người trước cuộc chia li

- Hai câu thơ đầu

"Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn"

+ Chàng, thiếp: cách xưng hô thân mật, gần gũi, thể hiện cuộc sống vợ chồng đang mặn nồng, yên ấm, hạnh phúc → Nhưng lại phải gặp cảnh chia xa không biết ngày gặp lại.

+ Các hình ảnh mang tính tượng trưng:

  • Cõi xa mưa gió - chỉ nơi chiến trường hiểm nguy, xa xôi mà người chồng đi đến - khiến người vợ lo lắng khôn kể
  • Buồng cũ chiếu chăn - chỉ ngôi nhà, mái ấm của đôi vợ chồng, đồng thời còn mang ý chỉ những kỉ niệm mặn nồng quấn quít của 2 người thuở chưa chia xa.

→ Các hình ảnh được xuất hiện trong thế đối lập;

  • Cõi xa mưa gió – buồng cũ chiếu chăn
  • Chàng đi – thiếp về

→ Hành động đối ngược đi - về khiến khoảng cách giữa 2 người ngày càng xa, cùng với đó khiến cho sự nuối tiếc, nhớ thương của người chinh phụ ngày càng da diết

→ Chàng thì ra nơi chiến trận hiểm nguy, thiếp trở về với tổ ấm hạnh phúc cô đơn, từ đó, nhấn mạnh sự xa cách khắc nghiệt và hiện thực chia li phũ phàng.

- Hai câu thơ sau

"Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh"

+ Hành động "đoái trông" chỉ trạng thái quay đầu nhìn lại phía sau của nhân vật

→ Cuộc chia li đã kết thúc, người chinh phu cũng đã đi về nơi chiến trường xa xôi

→ Nhưng người chinh phụ vẫn cố quay đầu lại để tìm kiếm, níu giữ thêm một chút hình ảnh người chồng của mình.

→ Nhưng tiếc thay, nàng không thể nhìn thấy hình ảnh mà mình vẫn mong chờ.

+ Những hình ảnh mà người chinh phụ nhìn thấy khi quay đầu nhìn lại:

  • Tuôn màu mây biếc
  • Ngàn núi xanh

→ Đây không phải là những hình ảnh tả thực - mà đều là các hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng:

  • Những đám mây trên trời không ngừng trôi - từ "tuôn" khiến những đám mây như dòng lệ chảy không ngừng
  • Núi xanh trở thành rào cản khổng lồ, dày đặc ngăn cách đôi vợ chồng không thể nhìn thấy nhau

→ Thiên nhiên trong mắt người chinh phụ đã trở thành một vách ngăn kiên cố khiến cho nàng không thể nhìn thấy chồng mình.

⇒ Khúc ngâm một đã vẽ nên không gian rộng lớn vô cùng, vô tận khắc họa sâu sắc tình cảnh chia xa bi thương đến nao lòng của nàng chinh phụ.

* Nỗi buồn xót xa, quyến luyến khi phải xa cách 

"Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng"

- 2 địa danh Hàm Dương và Tiêu Tương là 2 địa danh có thực những cách nhau rất xa

→ Ở đây, 2 địa danh này được sử dụng với ý nghĩa tượng trưng cho sự xa cách của 2 vợ chồng - mỗi người ở một nơi, quá xa xôi, không thể nhìn thấy nhau được.

- Hình ảnh bến Tiêu Tương và Hàm Dương được lặp lại nhiều lần trong khổ thơ:

  • Nhấn mạnh sự xa cách của đôi vợ chồng chinh phu
  • Tượng trưng cho chính hình ảnh 2 người, người vợ chính là bến Tiêu Tương, người chồng là cây Hàm Dương - họ mong ngóng nhau nhưng không thể gặp được, như 2 mảnh đất ở 2 miền xa xôi không ngày chạm được vào nhau.

→ 2 con người, 2 miền đất xa nhau đến "mấy trùng" - sự xa cách không thể đoán định, ước lượng được, giống như nối nhớ thương, đau buồn không gì ngăn trở nổi của 2 vợ chồng.

- Hình ảnh đôi vợ chồng chinh phu:

  • Xưng hô: thiếp - chàng → Thể hiện tình cảm mặn nồng
  • Hành động: ngảnh lại - trông sang → Hành động mang sự tương đồng về trạng thái và mục đích - cả 2 người đều muốn nhìn thấy đối phương, tìm kiếm hình ảnh đối phương trong đau buồn, nhớ thương → Thể hiện tình cảm đậm sâu, quyến luyến, đồng điệu của 2 vợ chồng

→ Chính 2 người càng yêu thương, mặn nồng thì nỗi đau buồn khi phải cách xa không biết ngày gặp lại được đẩy lên đến đỉnh điểm, khiến người đọc không khỏi xót xa.

→ Từng câu chữ, hành động trong câu thơ thể hiện một cách rung động những da diết, nhớ nhưng sầu thương đến đau lòng của người chinh phụ dành cho chồng mình khi đã chia xa.

* Nỗi sầu thương trước cảnh vật rộng lớn

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

- Một lần nữa, hành động, tình cảm của đôi vợ chồng chinh phu lại đồng điệu với nhau: Cùng trông lại - cùng chẳng thấy

→ Điệp ngữ "cùng" giúp người đọc cảm nhận được sự đồng cảm trong suy nghĩ của 2 người - rằng cả 2 vợ chồng đều đang nghĩ, đang nhớ đến nhau.

→ Tiếc thay họ lại đều không nhìn được nhau - đây là bi kịch vô cùng đau khổ của đôi vợ chồng yêu thương nhau thắm thiết.

- Hình ảnh "ngàn dâu" mang tính ước lẹ, tượng trưng, được sử dụng để chỉ khoảng cách xa xôi, bất tận giữa 2 người → Đôi với người vợ đó là khoảng cách vô cùng vô tận, không có điểm cuối - thể hiện sự tuyệt vọng, đau khổ, dày vò trong lòng nàng.

- Phép điệp từ vòng (điệp từ chuyển tiếp):

  • Điệp từ "thấy" - thể hiện sự triền miên, kéo dài của hành động nhìn về phía nhau của 2 vợ chồng - dù không nhìn thấy nhau nhưng họ vẫn đứng vọng về đối phương mãi không ngừng
  • Điệp ngữ "ngàn dâu" - nhấn mạnh sự xa cách dằng dặc giữa 2 vợ chồng, khi nối tiếp nhau là vô tận những ngàn dâu

→ Những hình ảnh điệp ấy đã góp phần thể hiện sâu sắc tình cảm nhớ thương da diết và nỗi đau khổ đến bất lực giữa không gian ngăn cách rộng lớn. Đồng thời khiến cho nhịp điệu câu thơ trở nên nhịp nhàng, tha thiết hơn.

- Câu hỏi cuối bài là một câu hỏi tu từ: "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?"

→ Câu hỏi này như một tiếng thở dài đầy u oán, não nề và bất lực của người chinh phụ - khi nỗi buồn đâu, nhớ thương dồn nén, chất chứa trong lòng không biết phải tỏ với ai

→ Thể hiện nỗi cô đơn, trống trải đến tột cùng của người chinh phụ - khắc họa rõ nét tình cảnh đáng thương của người chinh phụ.

→ Lên án, tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa khiến cho cuộc sống người dân lầm tha, chịu cảnh xa cách trong xã hội phong kiến ngày xưa.

c. Kết bài:

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích

+ Nội dung: nỗi sầu muộn của người chinh phụ và sự lên án, tố cáo chiến tranh phi nghĩa

+ Nghệ thuật: ngôn từ điêu luyện, nghệ thuật đối lập, sử dụng điệp ngữ…

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết một bài văn phân tích đoạn trích Sau phút chia li của Đặng Trần Côn.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

"Sau phút chia li" trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn là khúc ngâm cứa sâu vào lòng người đọc nhiều nỗi niềm xót xa. Có người cho rằng đoạn trích này là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhưng có người lại nói của Phan Huy Ích. Tuy nhiên của nhà thơ nào thì nó vẫn là những áng thơ phản ánh chân thực, sâu sắc nhất tình cảnh lẻ loi, đơn độc của người phụ nữ khi có chồng ra trận. Đoạn trích này thực sự đã lột tả được tình cảnh thê lương của những cặp vợ chồng trẻ trong năm tháng chiến tranh ác liệt.

Thời kì phong kiến, có nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa diễn ra đã lôi kéo rất nhiều người vào vòng xoáy này. Cuộc sống cơ cực, nỗi chia ly, tan tác cứ triền miên không có lối thoát. Khúc ngâm này chính là tiếng khóc ai oán của người chinh phụ khi có chồng ra trận mà không hẹn ngày về. Với những đặc trưng của thể ngâm cũng như của thơ Nôm, tác giả đã lột tả được diễn biến tâm lí một cách sâu sắc nhất.

Ngay từ những câu thơ đầu đã nói lên tình cảnh chia ly đầy đau đớn và xót xa của đôi vợ chồng trẻ. Tác giả đã diễn tả một cách chân thực, sâu sắc tâm trạng u sầu này:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh

Chỉ với 4 câu thơ nhưng đã khắc họa rõ nét tâm trạng của người vợ trẻ sau khi tiễn chân chồng ra trận. Một tình cảnh đối lập, khắc nghiệt đến tái tê được gợi lên trong không gian dài và rộng, sâu và xa. Chàng và thiếp, mỗi người một ngả, mỗi người một nơi. Biện pháp tương phản được tác giả sử dụng một cách khéo léo. Là vợ chồng trẻ, gắn bó mặn nồng với nhau nhưng lại chia ly đau lòng nhưng chỉ biết câm nín.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Những địa danh Hàm Dương, Tiêu Tương không phải dùng để tả thực mà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho hai vị trí xa cách của đôi vợ chồng. Ở khổ thơ thứ hai này, cũng vẫn bằng cách nói tương phản "Chàng còn ngoảnh lại... Thiếp hãy trông sang" phối hợp cách điệp từ và đảo vị trí của hai địa danh "Chốn Hàm Dương - Bến Tiêu Tương, Bên Tiêu Tương - Cây Hàm Dương", tác giả muốn chia đều cảm xúc của hai người, nhấn mạnh nỗi sầu xa cách. Tình cảm buồn thương, nhung nhớ cứ tăng dần, tăng dần.

Điều đó cho thấy sự chia li ở đây là chia li về cuộc sống và thể xác, còn trong tình cảm, tâm hồn hai vợ chồng ấy vẫn gắn bó thiết tha. Họ vẫn hướng về nhau, dõi theo, để tìm nhau, nhìn thấy nhau. Nhưng càng hướng về nhau thì không gian, thời gian càng đẩy họ xa nhau. Ở đoạn trên chỉ là "cách ngăn" đến đây sự cách ngăn thành "cách mấy trùng". Do đó, lời thơ không chỉ biểu hiện nỗi sầu chia li mà còn nhấn mạnh sự oái oăm, nghịch chướng: gắn bó mà phải chia xa, càng dõi nhìn nhau, càng không thấy nhau... Đến khổ thơ thứ ba thì nỗi sầu chia li, cảnh nghịch chướng càng tăng thêm nữa:

Càng trông lại mà càng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Ở đoạn này, nghệ thuật đối nghịch được bổ sung bằng những điệp từ, điệp ngữ rất ấn tượng : cùng, thấy, xanh xanh, xanh ngắt, ngàn dâu,... Ở trên, ít ra còn có tên hai địa danh Hàm Dương và Tiêu Tương gợi một ý niệm về địa điểm cụ thể, về vị trí hai người để có thể hướng tới nhau. Đến đây, mọi địa điểm, vị trí bị xoá mờ, hai hình hài chàng và thiếp cũng bị xoá mờ. Chỉ còn lại ngàn dâu, rất nhiều ngàn dâu nối nhau "xanh xanh" rồi "xanh ngắt" mênh mông khắp trời. Choán tất cả vũ trụ là màu xanh, xanh đến rợn ngợp, xanh não né, nhức buốt tận đáy lòng. Từ ghép "xanh ngắt" với thanh "sắc" ở tiếng "ngắt" như mũi kim chích vào da thịt vậy.

Câu hỏi tu từ ở cuối đoạn trích như dao cứa "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?" Hỏi người nhưng cũng là tự hỏi bản thân mình. Hỏi người có sầu hơn không nhưng câu thơ lại không có ý so sánh ai sầu hơn ai. Dường như nó chỉ muốn nhấn mạnh rằng nỗi sầu thương đã rơi vào bế tắc đến cùng cực mà thôi.

Đoạn trích "Sau phút chia ly" đã khắc họa được diễn biến tâm lí của người ở lại khi phải chứng kiến cảnh chồng ra trận không hẹn ngày về. Qua đó tác giả tố cáo chiến tranh phi nghĩa đẩy con người vào tình cảnh đó.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Trong văn chương từ khúc Việt Nam, Chinh phụ ngâm khúc nổi lên như một viên kim cương óng ánh sắc màu. Cả bản nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn và bản diễn nôm của Đoàn Thị Điểm đều là những kiệt tác nghệ thuật bất hủ.

Chinh phụ ngâm khúc ra đời vào đầu thế kỉ XVIII, cái thời mà chiến tranh loạn lạc kéo dài dẫn đến bao cảnh chia li bi thương sâu thiết:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiên Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cũng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

(Sau phút chia li - Trích Chinh phụ ngâm khúc)

Mười hai câu song thất lục bát với giọng điệu lâm li, vừa bùi ngùi xót xa cho chính mình, vừa vời vợi nỗi sầu nhớ thương, đọc xong rồi cứ ám ảnh mãi. Người chinh phu và người chinh phụ còn trẻ tuổi, đang trong tình vợ chồng gắn bó yêu thương bỗng vì đâu mà ra nông nỗi:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Chàng thì đi - Thiếp thì về, hai hình ảnh tương phản nhau như hình sự ngăn cách nghiệt ngã. Dường như người vợ cũng cảm nhận thấm thía điều đó. Và nỗi sầu đã nhuốm cả không gian: Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh. Ngàn núi xanh đã chia cách họ mà tâm lòng nhớ thương vẫn cứ đau đáu dõi về nhau:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Từ Chốn Hàm Dương- Bến Tiêu Tương đến khói Tiêu Tương- Cây Hàm Dương thì sự xa cách đã lên đến mấy trùng, cũng như nỗi sầu đã dâng lên trùng trùng lớp lớp trong lòng người chinh phụ:

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Lòng có hướng về nhau, có “cùng” nhưng khoảng cách nơi xa xôi vẫn “cùng chẳng thấy”, trước mắt chỉ là ngàn dâu với một màu xanh. Chữ “xanh” như bao phủ lấy những câu thơ, cả không gian bao phủ bởi chỉ một màu xanh. Xanh ấy ban đầu chỉ là “xanh xanh” rồi thành “xanh ngắt” cũng như nỗi sầu buồn của “thiếp” ngày càng dâng cao, đến mức cực điểm rồi. Các câu thơ cứ trùng trùng điệp điệp như những con sóng với phép điệp ngữ vòng như những đợt sóng lòng nơi người chinh phụ cứ miên man không dứt, cứ để nỗi buồn tràn ra ngoại cảnh, trong ngàn dâu chẳng biết đâu là bến bờ. Câu thơ cuối cất lên đầy ám ảnh: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” Khi con người không còn đủ tỉnh táo, họ chỉ có thể đặt ra những câu hỏi mình không trả lời, cũng chẳng để ai trả lời. Ai đâu có biết nỗi buồn của “thiếp” sâu đến nhường nào cũng như “thiếp” đâu có biết lòng chàng đến đâu, chàng sống chết ra sao rồi?

Chỉ 12 câu thơ mà cả biển trời nhung nhớ với những đợt sóng lòng trào lên không dứt, ngày một dữ dội hơn. Nỗi cô đơn và đợi chờ trong khắc khoải, vô vọng có gì giống chăng với người cung nữ cất tiếng ai oán cho cuộc đời mình khi dành cả thanh xuân tươi đẹp trong cung để chờ đợi và hi vọng vua sẽ tới. Vì sao họ lại khổ đau như thế? Câu thơ là tiếng nói tố cáo mạnh mẽ chiến tranh phi nghĩa đã tước đi quyền được sống, được hạnh phúc của con người. Từ đó, có thể thấy từng giọt lệ của tác giả đang nhỏ trên trang viết, lòng cảm thương sâu sắc, đồng cảm với khát vọng hạnh phúc sau mỗi con chữ. Đó mới chính là điều tạo nên giá trị và sức sống cho những câu thơ qua hàng thế kỉ.

Có những con người đã nằm xuống, những trang sử đã sang trang theo thời gian nhưng những dòng thơ, những con chữ thì còn mãi. “Chinh phụ ngâm” là một tác phẩm như thế.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON