HỌC247 mời các em cùng tham khảo tài liệu Đề khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 12 năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Thuận Thành do HOC247 sưu tầm và biên soạn kĩ càng với đáp án chi tiết nhằm giúp các em học sinh lớp 12 kiểm tra mức độ nắm kiến thức trước khi vào năm học mới. Hi vọng tài liệu này sẽ có ích cho các em, chúc các em có kết quả học tập tốt!
TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ I |
ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM MÔN NGỮ VĂN 12 NĂM HỌC 2023-2024 Thời gian làm bài: 120 phút |
ĐỀ THI
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Để trưởng thành, tất cả chúng ta đều phải trải qua hai cuộc đấu tranh: một cuộc đấu tranh bên ngoài và một cuộc đấu tranh ngay trong tâm trí mỗi người. Nhưng cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất chính là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại những thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo…. Những cuộc đấu tranh như thế diễn ra liên tục và thật sự rất gian khó, nhưng lại là điều kiện giúp bạn nhận ra cảnh giới cao nhất của mình. Hãy luôn cẩn trọng và can đảm. Hãy tiếp thu ý kiến những người xung quanh nhưng đừng để họ chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn. Hãy giải quyết những bất đồng trong khả năng của mình nhưng đừng quên đấu tranh đến cùng để hoàn thành mục tiêu đề ra. Đừng để bóng đen của nỗi lo sợ bao trùm đến cuộc sống của bạn.
Bạn phải hiếu rằng, dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được điều gì đó bổ ích cho mình. Vì vậy, hãy tin tưởng vào con đường mình đang đi và vững vàng trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả.
Với sự hi sinh, lòng kiên trì, quyêt tâm nỗ lực không mệt mỏi và tính tự chủ của mình, nhất định bạn sẽ thành công. Bạn chính là người làm chủ số phận của mình…”
(Trích Đánh thức khát vọng, nhiều tác giả, First News tổng hợp NXB Hồng Đức, 2017, tr.67,78)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Theo đoạn trích, cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất là gì?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu văn sau: Hãy luôn cẩn trọng và can đảm. Hãy tiếp thu ý kiến những người xung quanh nhưng đừng để họ chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn. Hãy giải quyết những bất đồng trong khả năng của mình nhưng đừng quên đấu tranh đến cùng để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến: Dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được một điều gì đó bổ ích cho mình không? Vì sao ?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của việc trải nghiệm cuộc sống để trưởng thành.
Câu 2 (5,0 điểm)
“ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp;
Con thuyền xuôi mái nước song song;
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu;
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”.
( Trích Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2012, tr 29)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét vẻ đẹp cổ điển và hiện đại được thể hiện trong đoạn thơ.
-----------HẾT----------
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận/Phương thức nghị luận
Câu 2: Theo đoạn trích, cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất là: cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại các thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo...
Câu 3:
- Biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc (Hãy…. nhưng…)
- Tác dụng:
+ Nhấn mạnh cần cân bằng giữa việc giải quyết những vấn đề, những tác động từ bên ngoài với các vấn đề trong nội tại mỗi cá nhân.
+ Tạo nhịp điệu nhắc nhở, khuyên bảo ân cần đối với mỗi người trong cuộc đấu tranh với chính mình để đạt được thành công trong cuộc sống.
Câu 4:
- HS bày tỏ quan điểm của bản thân: đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần
- Lí giải hợp, thuyết phục.
- Ví dụ có thể lựa chọn đồng tình theo hướng sau: Mỗi thất bại là một lần chúng ta rút ra những kinh nghiệm, những bài học xương máu cho bản thân trên con đường dẫn đến thành công. Như vậy, thất bại còn là nguồn động lực để ta không ngừng nỗ lực, cố gắng, trau dồi bản thân trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
II. LÀM VĂN
Câu 1: Viết đoạn văn bàn về sự cần thiết của việc trải nghiệm cuộc sống để trưởng thành.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Sự cần thiết của việc trải nghiệm cuộc sống để trưởng thành.
c. Triển khai vấn để nghị luận
- Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được suy nghĩ về sự cần thiết của việc trải nghiệm cuộc sống để trưởng thành theo hướng sau:
- Trải nghiệm là tự mình trải qua một sự việc nào đó để có thể lĩnh hội được kiến thức, kinh nghiệm, bài học về một vấn đề trong cuộc sống. Trải nghiệm cuộc sống có vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình trưởng thành của mỗi người. Trải nghiệm đem lại hiểu biết và kinh nghiệm thực tế; giúp chúng ta mau chóng trưởng thành về cách nghĩ, cách sống, bồi đắp tình cảm, tâm hồn, giúp mỗi người gắn bó và góp phần cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước. Trải nghiệm giúp mỗi người khám phá chính mình để có những lựa chọn đúng đắn và sáng suốt cho tương lai. Trải nghiệm giúp mỗi người dấn thân, thử nghiệm để sáng tạo; biết cách vượt qua những trở ngại khó khăn, tôi luyện bản lĩnh, ý chí để thành công. Thiếu trải nghiệm cuộc sống của mỗi người sẽ nghèo nàn, thụ động, nhàm chán, vô ích; không cảm nhận được sự thú vị của cuộc sống…
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2: Cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ Tràng giang. Từ đó nhận xét vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của đoạn thơ.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ Tràng giang. Từ đó nhận xét vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của đoạn thơ.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Huy Cận, tác phẩm Tràng giang và đoạn trích.
* Cảm nhận về đoạn thơ:
Khổ thơ 1:
+ Nhan đề và lời đề từ đã gợi lên phần nào cảm xúc chủ đạo của bài thơ: bâng khuâng trước vũ trụ mênh mông.
+ Bài thơ mở đầu với dòng sông ngoại cảnh cũng là dòng sông tâm hồn, nỗi buồn trải ra cùng lớp lớp sóng. Khác với trường giang hùng vĩ, cuồn cuộn của Lý Bạch, Đỗ Phủ, tràng giang của Huy Cận lặng lờ (sóng gợn, thuyền xuôi mái), nhuốm nỗi chia li (thuyền về nước lại, sầu trăm ngả). "Củi một cành khô lạc mấy dòng" là hình ảnh đời thực, gửi gắm suy tư của tác giả về thân phận con người.
Khổ thơ 2:
+ Trước thiên nhiên rộng lớn ấy, nhà thơ mong tìm những nơi chốn tụ họp của con người (làng, chợ, bến) những cảnh hoang vắng, trơ trọi. Huy Cận đã học từ câu thơ dịch Chinh phụ ngâm (Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò), nhưng thêm một từ láy (Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu) khiến cảnh vật càng quạnh quẽ. Câu thơ "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều" nói đến âm thanh mà lại làm nổi bật cái vắng lặng.
+ Nếu khổ 1 triển khai chiều rộng, chiều dài thì khổ 2 mở thêm chiều cao. Những cấu trúc đăng đối "nắng xuống - trời lên", "sông dài - trời rộng" nhấn mạnh ấn tượng về không gian được mở ra ở cả ba chiều. Kết hợp độc đáo "sâu chót vót" với cái thăm thẳm của vũ trụ, tô đậm nỗi cô liêu.
- Nghệ thuât:
+ Nhiều hình ảnh được gợi từ thơ cổ. Mặt khác, có những hình ảnh, âm thanh chân thực của đời thường (củi khô, tiếng vãn chợ chiều...).
+ Thể thơ 7 chữ với cách ngắt nhịp, gieo vần, cấu trúc đăng đối; bút pháp tả cảnh ngụ tình, những từ Hán Việt cổ kính (tràng giang, cô liêu...).
=>Tràng giang của Huy Cận không chỉ là một bức phong cảnh mà còn là "một bài thơ về tâm hồn". Bài thơ thể hiện nỗi buồn cô đơn trước vũ trụ, cuộc đời.
* Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của đoạn thơ:
- Cổ điển:
+ Nỗi sầu vạn cổ của con người bé nhỏ, hữu hạn trước thời gian, không gian vô hạn, vô cùng.
+ Hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ (tràng giang, bờ bãi đìu hiu,...),
+ Thể thơ 7 chữ với cách ngắt nhịp, gieo vần, cấu trúc đăng đối; bút pháp tả cảnh ngụ tình, những từ Hán việt cổ kính (tràng giang, cô liêu...).
- Hiện đai:
+‘Nỗi buồn thế hệ" của một "cái tôi" Thơ mới trong hoàn cảnh mất nước "chưa tìm thấy lối ra".
+ Hình ảnh, âm thanh chân thực của đời thường (củi khô, tiếng vãn chợ chiều, bèo dạt...).
+ Những từ ngữ sáng tạo mang dấu ấn xúc cảm cá nhân của tác giả (sâu chót vót, niềm thân mật,…).
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Trên đây là toàn bộ nội dung Đề khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 12 năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Thuận Thành. Để xem toàn bộ nội dung các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:
- Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Tiếng Anh năm học 2023 – 2024 (Có đáp án)
- Đề khảo sát chất lượng đầu năm môn GDCD 12 năm 2023-2024 có đáp án trường THPT chuyên Lam Sơn
Hy vọng bộ đề thi này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong kì thi sắp tới.