Để học tốt bài Thực hành tiếng Việt trang 90, HỌC247 xin mời các em học sinh cùng tham khảo bài giảng dưới đây bao gồm các kiến thức về khái niệm và cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm chủ - vị, cùng bài tập minh họa giúp các em củng cố kiến thức. Chúc các em học tập vui vẻ!
Tóm tắt bài
1.1. Khái niệm dùng cụm chủ - vị để mở rộng câu
Trong nhiều câu văn, các thành phần câu được cấu tạo bởi cụm từ có hình thức cấu tạo giống câu đơn bình thường, gọi là cụm chủ - vị (cụm C-V). Các câu văn đó được gọi là câu mở rộng thành phần.
1.2. Cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm chủ - vị
Việc mở rộng thành phần chính của câu (chủ ngữ, vị ngữ) bằng cụm chủ vị thường được thực hiện bằng một trong các cách:
- Dùng cụm chủ - vị bổ sung cho từ làm chủ ngữ
Ví dụ: “Điều các bạn nghĩ cũng là điều xưa nay tôi mộng tưởng.” (Tô Hoài)
- Dùng cụm chủ - vị bổ sung cho từ làm vị ngữ
Ví dụ: "Ấy vậy, tôi cho là tôi giỏi.” (Tô Hoài)
- Dùng cụm chủ vị trực tiếp tạo chủ ngữ
Ví dụ: “Gió thổi mạnh làm cho Sơn thấy lạnh và cay mắt” (Thạch Lam)
- Dùng cụm chủ vị trực tiếp tạo vị ngữ
Ví dụ: “Chị Dậu cũng nước mắt chảy ngược qua gò má ròng ròng.” (Ngô Tất Tố)
Bài tập minh họa
Bài tập: Tìm cụm C – V làm thành phần câu hoặc thành phần cụm từ trong các câu sau đây. Cho biết trong mỗi câu, cụm C – V làm thành phần gì.
a) Chị Ba đến khiến tôi rất vui và vững tâm.
(Bùi Đức Ái)
b) Khi bắt đầu kháng chiến, nhân dân ta tinh thần rất hăng hái.
(Hồ Chí Minh)
c) Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen.
(Thạch Lam)
d) Nói cho đúng thì phẩm giá của tiếng Việt chỉ mới thật sự được xác định và đảm bảo từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
(Đặng Thai Mai)
Hướng dẫn giải:
- Xác định cụm chủ vị chính trong mỗi câu
- Cho biết trong mỗi câu, cụm C – V làm thành phần gì
Lời giải chi tiết:
Câu a) Chị Ba đến / khiến tôi rất vui và vững tâm.
C V
=> Chủ ngữ là 1 cụm chủ - vị, vị ngữ là phụ ngữ trong cụm động từ;
Trong đó:
Chị Ba / đến
C V
tôi / rất vui và vững tâm.
C V
Câu b) Khi bắt đầu kháng chiến, nhân dân ta / tinh thần rất hăng hái.
T C V
=>Vị ngữ là 1 cụm chủ vị;
Trong đó:
tinh thần / rất hăng hái.
C V
Câu c) Chúng ta / có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen.
C V
=>Vị ngữ là cụm động từ. Trong cụm động từ ấy phụ ngữ là 2 cụm chủ - vị.
Trong đó:
trời / sinh lá sen để bao bọc cốm
C V
trời / sinh cốm nằm ủ trong lá sen.
C V
Câu d) Nói cho đúng thì phẩm giá của tiếng Việt / chỉ mới thật sự được xác định và đảm bảo / từ ngày Cách mạng tháng Támthành công.
C V T
=>Trạng ngữ là cụm danh từ, trong đó phụ ngữ cho danh từ là cụm chủ - vị.
Trong đó:
Cách mạng tháng Tám / thành công.
C V
Lời kết
- Học xong bài Thực hành tiếng Việt trang 90, các em cần:
+ Nắm được khái niệm, cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm chủ - vị
+ Vận dụng giải bài tập về mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm chủ - vị
Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 90 Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều
Bài học Thực hành tiếng Việt trang 90 sẽ giúp các em có thêm kiến thức nhận biết và phân loại các cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm chủ - vị, từ đó áp dụng vào các bài tập cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo:
Hỏi đáp bài Thực hành tiếng Việt trang 90 Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247