Các văn bản thông tin trong bài Bài 8: Nét đẹp văn hóa Việt (Văn bản thông tin) giúp các em có thêm nhiều kiến thức bổ ích về quy tắc các trò chơi dân gian và thú chơi hoa truyền thống trong văn hóa người Hà Nội. Đồng thời, rèn luyện kĩ năng viết văn bản tường trình. Bài học Ôn tập Bài 8 thuộc sách Chân trời sáng tạo dưới đây sẽ giúp các em học sinh hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức đã học. Chúc các em học tập vui vẻ!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản thông tin đã học
a. Cấu trúc và đặc điểm hình thức văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động
- Về cấu trúc, loại văn bản này thường có 3 phần:
+ Phần 1: Giới thiệu mục đích của quy trình thực hiện trò chơi hay hoạt động bằng một đoạn văn hoặc nhan đề bài viết (tên quy trình) (Ví dụ: Cách đọc sách hiệu quả, ...)
+ Phần 2: Liệt kê những gì cần chuẩn bị trước khi thực hiện trò chơi hay hoạt động,
+ Phần 3: Trình bày các bước cần thực hiện. Đối với trò chơi, đó là quy tắc, luật lệ, hướng dẫn cách chơi; đối với các hoạt động khác đó là thứ tự các bước thực hiện hoạt động.
- Một số văn bản có thể có thêm phần giải thích sự cần thiết của mỗi bước thực hiện.
- Về đặc điểm hình thức: loại văn bản này thường sử dụng các con số (1,2,3,.. .) từ ngữ chỉ thời gian (đầu tiên, tiếp theo, sau cùng,...) hoặc số từ chỉ số lượng chính xác (hai, ba…) để giới thiệu trình tự thực hiện, từ ngữ miêu tả chi tiết cách thức hành động và một số thuật ngữ liên quan sử dụng câu chứa nhiều động từ, câu khiến để chỉ hành động hoặc yêu cầu thực hiện; dùng hình ảnh minh hoạ, sơ đồ chỉ dẫn, đề mục để tóm tắt thông tin chính; từ ngữ xưng hô ngôi thứ hai để chỉ người đọc
b. Cách triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản thông tin
- Văn bản thông tin có thể triển khai ý tưởng và thông tin theo một số cách sau: theo trật tự thời gian; theo quan hệ nhân quả; theo mức độ quan trọng của thông tin.
1.2. Ôn lại văn bản tường trình
1.2.1. Kiểu bài
- Tường trình là kiểu văn bản thông tin, trình bày tường tận, rõ ràng, đầy đủ về diễn biến của một sự việc “đã gây hậu quả và có liên quan đến người viết”, trong đó nêu rõ mức độ thiệt hại (nếu có) và xác định trách nhiệm của người viết đối với sự việc.
1.2.2. Yêu cầu
a. Về bố cục, văn bản cần đảm bảo các phần sau:
b. Về nội dung, văn bản cần đảm bảo những yêu cầu sau:
- Cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin về thời gian địa điểm, sự việc, họ tên những người có liên quan, đề nghị của người viết, người gửi, người nhận và ngày tháng, địa điểm viết tường trình.
- Nội dung sự việc được tường trình phải đảm bảo chính xác, đúng với thực tế diễn ra.
- Xác định trách nhiệm của người viết đối với sự việc đã xảy ra: gốm một số trường hợp sau:
- Nếu người viết trực tiếp tham gia vào sự việc thì cần trình bày rõ trách nhiệm của người viết đối với những gì đã diễn ra.
- Nếu người viết chỉ chứng kiến sự việc thì cần nêu rõ trách nhiệm của người viết là chứng kiến và ghi lại trung thực tất cả những gì đã diễn ra.
Bài tập minh họa
Bài tập: Viết bài văn thuyết minh về một trò chơi truyền thống ở địa phương em.
Hướng dẫn giải:
- Giới thiệu về trò chơi dân gian bạn sẽ thuyết minh
- Tìm hiểu về nguồn gốc của trò chơi:
+ Trò chơi ra đời khi nào, lấy cảm hứng từ đâu?
+ Ngày nay trò chơi có còn phổ biến không hay được lưu giữ tại bảo tàng?
- Nêu những đặc điểm đặc trưng của trò chơi:
+ Số lượng người chơi
+ Độ tuổi thường chơi
+ Thời gian chuẩn bị
+ Thời gian chơi
+ Các kỹ năng cần thiết
- Các dịp tổ chức trò chơi (lễ hội, thi đấu...)
- Đối tượng tham gia trò chơi: độ tuổi, giới tính, ...
- Giới thiệu về cách thức chơi và luật chơi
- Ý nghĩa của trò chơi dân gian:
+ Giải trí, tạo niềm vui cho con người
+ Nét văn hóa truyền thống của dân tộc
Lời giải chi tiết:
Thuyết minh trò chơi bịt mắt bắt dê
Nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện qua rất nhiều hình thức, một trong những hình thức đó là các trò chơi dân gian. Từ xưa đến nay, chúng ta được biết đến với rất nhiều những trò chơi dân gian mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Bịt mắt bắt dê được xem là một trong các trò chơi có từ lâu đời và vô cùng độc đáo.
Bịt mắt bắt dê là trò chơi đã xuất hiện từ rất lâu. Ngay từ trong những bức tranh cổ, chúng ta còn lưu lại những hình ảnh về một miền kí ức xưa kia với những cô bé, cậu bé chơi trò chơi hay những người lớn cùng nhau đứng trong một vòng tròn, bịt mắt để bắt dê. Như chính cái tên của trò chơi này, đây là trò chơi nhiều người cùng tham gia, bịt mắt để bắt được dê. Chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao là "bắt dê" chứ không phải bắt một con vật nào khác. Điều này được lí giải bởi loài dê là loài có tính hiền lành, nhút nhát, linh hoạt và rất thích vận động. Chính vì thế, người bắt được nó đòi hỏi phải có sự tinh ý, nhanh nhẹn, thậm chí là cả chiến thuật nhất định. Mở mắt để bắt dê đã khó, bịt mắt để bắt được dê lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế, đây được coi là trò chơi khá khó khăn nhưng lại vô cùng thú vị, hấp dẫn.
Thông thường, theo cách chơi trước kia, đúng nguyên bản của trò chơi, đây là trò chơi thường được tổ chức trong các lễ hội. Với sự tham gia của những người lớn là chủ yếu, đặc biệt là những bạn nam thanh nữ tú tham gia lễ hội. Có hai người chơi chính, họ được bịt mắt để tìm bắt dê. Con dê sẽ được đeo một vật để phát ra được tiếng động giúp cho người tìm dễ nhận biết được. Những người xung quanh không tham gia chơi sẽ đóng vai trò làm khán giả, hò reo cổ vũ người chơi. Tất cả tạo nên một không khí sôi nổi, sinh động và thú vị của lễ hội. Sau một quãng thời gian nhất định, người chơi phải tìm ra được con dê. Nếu cả hai không tìm được, trò chơi kết thúc và nhường lượt chơi cho những người tiếp theo.
Sau này, trò chơi bịt mắt bắt dê có rất nhiều những biến thể khác nhau. Có khi là hai hay nhiều người cùng chơi, họ vẫn bịt mắt nhưng điều khác biệt là không có con dê nào được bắt cả. Một người chơi chính sẽ bắt những người còn lại, những người còn lại hóa thân thành những chú dê, có thể phát ra những tiếng động để người chơi chính dễ tìm thấy. Vì thế, với biến thể này, nhiều đối tượng có thể tham gia chơi, ngay cả trẻ em cũng có thể chơi trò chơi này để rèn luyện tính phán đoán, sự nhanh nhạy và linh hoạt, rèn luyện các giác quan khác nhau. Cũng chính vì tính phổ biến của trò chơi, bịt mắt bắt dê được tổ chức ở rất nhiều địa điểm, những dịp khác nhau. Trong nhà trường, các hội thi, các lễ hội đều có thể tổ chức trò chơi này.
Ngày nay, khi xã hội hiện đại phát triển, khi nhu cầu giải trí, đời sống tinh thần của con người ngày một cao, có rất nhiều những trò chơi hiện đại, tiên tiến ra đời. Vậy nhưng, những trò chơi dân gian, trong đó có trò chơi bịt mắt bắt dê luôn là một phần kí ức của tuổi thơ, luôn là một mảnh kí ức đẹp trong tâm hồn người Việt. Cũng chính vì nét đẹp văn hóa này, chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh của trò chơi này trong các tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh hay thơ ca.
Lời kết
- Học xong bài Ôn tập Bài 8, các em cần:
+ Nắm được kiến thức về các văn bản đã học
+ Nắm được quy trình viết văn bản tường trình
Soạn bài Ôn tập Bài 8 Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Bài học Ôn tập Bài 8 nhằm hệ thống hóa lại những kiến thức đã học trong Bài 8: Nét đẹp văn hóa Việt (Văn bản thông tin). Đồng thời, các em nắm được kiểu bài và yêu cầu văn bản tường trình. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Ôn tập Bài 8 Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247