YOMEDIA
NONE

Củng cố, mở rộng Bài 8 - Ngữ văn 7 Tập 2 Kết Nối Tri Thức


Trong cuộc sống chúng ta thường sử dụng văn nghị luận. Thông qua các tác phẩm trong bài Bài 8: Trải nghiệm để trưởng thành dưới đây sẽ giúp các em tiếp cận và phân tích một số đặc điểm của loại văn bản này. Đồng thời nắm được yêu cầu và cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối). Bài học Củng cố, mở rộng Bài 8 thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây sẽ giúp các em học sinh hệ thống hóa lại những kiến thức trên. Mời các em cùng tham khảo!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Ôn lại đặc điểm văn bản nghị luận

a. Các vấn đề được bàn trong văn bản nghị luận

- Mọi vấn đề của đời sống xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học…đều có thể được nêu ra để bàn trong văn bản nghị luận.

- Văn bản nghị luận có giá trị phải được chọn vấn đề đáng quan tâm, có ý nghĩa với nhiều người trước một vấn đề, có thể có nhiều ý kiến khác nhau.

b. Mối liên hệ giữa các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản nghị luận

- Văn bản nghị luận bao giờ cũng thể hiện ý kiến của người viết.

- Sức thuyết phục của ý kiến phụ thuộc vào việc dùng lí lẽ và bằng chứng.

- Mỗi ý kiến thường được làm rõ bằng một số lí lẽ, mỗi lí lẽ được củng cố bởi một số bằng chứng.

- Ý kiến cần mới mẻ, lí lẽ cần sắc bén, bằng chứng cần xác thực, tiêu biểu và tất cả những yếu tố đó phải có mối liên hệ với nhau, tạo thành một hệ thống chặt chẽ.

1.2. Ôn tập cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

1.2.1. Yêu cầu đối với bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

- Nêu được vấn đề, làm rõ thực chất của vấn đề.

- Trình bày rõ ràng ý kiến phản đối của người viết về một quan niệm, cách hiểu khác.

- Đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để chứng tỏ ý kiến phản đối là hoàn toàn có cơ sở.

1.2.2. Quy trình viết bài văn nghị luận về một vấn dề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

* Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

Có thể lựa chọn một số ý kiến sau đây để chọn đề tài cho bài viết của mình:

+ Vệ sinh trường học là trách nhiệm của những cô lao công đã được nhà trường trả lương.

+ Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích.

+ Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn mình có thể vẽ, viết vào nó.

b. Tìm ý

Cần tiến hành tìm ý bằng cách trả lời một số câu hỏi:

- Vấn đề gì cần bàn luận ở bìa viết.

- Trước ý kiến trái ngược với quan điểm của bản thân, cần thể hiện ý kiến của mình như thế nào?

- Làm thế nào để ý kiến của mình thuyết phục người đọc?

c. Lập dàn ý

- Mở bài: Nêu được vấn đề nghị luận và bày tỏ ý kiến phản đối cách nhìn nhận về vấn đề.

- Thân bài:

+ Ý 1: Trình bày thực chất của ý kiến, quan niệm đã nêu để bàn luận.

+ Ý 2: Phản đối các khía cạnh của ý kiến, quan niệm

+ Ý 3: Nhận xét những tác động tiêu cực của ý kiến, quan niệm đối với đời sống.

- Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc thể hiện ý kiến phản đối.

* Viết bài

Khi viết bài, em cần đặt dàn ý trước mặt để thường xuyên tự kiểm soát việc hết từng phần và triển khai từng ý.

- Mở bài: Nêu được vấn đề cần nghị luận

- Thân bài: Các ý chính cần được trình bày rành mạch, mỗi ý được triển khai trong một đoạn văn riêng, rõ ràng, mạch lạc, bằng chứng cụ thể, thuyết phục. Khi viết, cần chú ý mạch văn trôi chảy, kết nối các câu trong đoạn và các đoạn trong bài chặt chẽ, hợp lí, tránh rườm rà.

- Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của việc bàn luận, giúp người đọc suy nghĩ đúng vấn đề để có sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động.

* Chỉnh sửa bài viết

Yêu cầu

Gợi ý chỉnh sửa

Nêu cụ thể vấn đề nghị luận và ý kiến cần phản đối

Chỉnh sửa nếu thấy vấn đề nghị luận và ý kiến cần phản đối còn mơ hồ.

Trình bày rõ sự phản đối của người viết về ý kiến vừa nêu

Diễn đạt cho rõ nếu thấy sự phản đối chưa được thể hiện rõ ràng.

Đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để việc phản đối ý kiến có sức thuyết phục

Củng cố lí lẽ nếu thấy chưa vững chắc, bổ sung bằng chứng nếu còn thiếu.

Nêu được ý nghĩa của việc phản đối ý kiến trái ngược về vấn đề

Bổ sung nếu thấy chưa nêu được ý nghĩa và nêu chưa rõ.

Rà soát lỗi về từ ngữ, câu, đoạn văn, liên kết các câu và các đoạn, cách trình bày bài viết

Sửa những lỗi phát hiện được.

Bài tập minh họa

Bài tập: Viết bài văn nghị luận về vấn đề tệ nạn xã hội (trình bày ý kiến phản đối).

Hướng dẫn giải:

- Dựa vào Quy trình bài văn nghị luận về một vấn dề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

- Lên ý tưởng, lập dàn ý và viết bài văn:

+ Ý 1: Trình bày thực chất của tệ nạn xã hội

+ Ý 2: Phản đối các khía cạnh của vấn đề tệ nạn xã hội

+ Ý 3: Nhận xét những tác động tiêu cực của tệ nạn xã hội đối với đời sống

+ ...

Lời giải chi tiết: 

Chúng ta đang sống giữa những năm tháng thời bình thật tươi đẹp. Đất nước được mở rộng giao lưu với các quốc gia khác trên thế giới. Cùng với sự du nhập của nhiều nền văn hóa thì kéo theo đó là những tệ nạn xã hội ngày một gia tăng. Nếu như con người chúng ta không tự ý thức được mình, tự cảnh tỉnh mình và nói không với các tệ nạn xã hội thì sớm muộn gì đất nước cũng trở về thời kỳ lạc hậu, đói nghèo.

Nói chính xác thì tệ nạn xã hội là một vấn nạn của nước ta hiện nay. Tệ nạn xã hội chính là những hành vi trái với đạo đức xã hội, vi phạm những quy định của luật pháp và những hành vi ấy có thể gây nên những hậu quả khôn lường cho chính bản thân người thực hiện cũng như toàn xã hội. Điển hình cho những tệ nạn đó là hút chích, cờ bạc, mại dâm,… Trong số những tệ nạn ấy thì ma túy, hút chích là tệ nạn đáng báo động nhất hiện nay. Nó khiến cho con người ta lầm đường lạc lối và hủy hoại cả gia đình, xã hội.

Ma túy là một cái gì đó vô cùng khiếp sợ. Nó khiến cho con người ta nếu đã dính vào thì chẳng thể nào từ bỏ được. Dần dần, người ta sẽ không còn là mình nữa. Sẽ sống như một con ma vật vờ nếu không phê thuốc thì sẽ là gào thét điên cuồng vì đói thuốc. Cơ thể dần trở nên hốc hác, xanh xao và tâm tính thì bất ổn. Để có tiền mua thuốc, người ta sẵn sàng làm những việc xấu như trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hành hung người khác. Những người nghiện ma túy tuổi đời thường rất ngắn. Đa phần trong số họ đều bị sốc thuốc mà chết. Nếu không thì ma túy cũng ăn mòn từng người, khiến họ mắc các căn bệnh mà kinh khủng nhất là AIDS. Người nghiện ma túy trở thành gánh nặng của gia đình, gánh nặng của xã hội. Không chỉ họ bị xã hội xa lánh mà những người thân của họ cũng phải chịu hệ lụy tương tự. Một xã hội với những con người như vậy thì thử hỏi làm sao có thể phát triển được đây.

Xung quanh chúng ta, hẳn đã có những người từng chứng kiến cảnh chồng đánh vợ, cha đánh con chỉ vì nghiện rượu. Rượu cũng là một loại tệ nạn xã hội cần phải loại bỏ trong đời sống của con người. Khi say, con người ta không còn là chính mình nữa. Họ đánh đập, họ chửi bới cả những người thân của mình. Thậm chí có không ít trường hợp lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo và hệ quả tất yếu là gây ra tai nạn giao thông. Nó không chỉ khiến họ mất mạng mà còn làm nguy hại đến cuộc sống của người khác.

Rồi còn biết bao nhiêu tệ nạn khác trong xã hội nữa. Chẳng hạn như người hút thuốc lá quá nhiều khiến cho những người xung quanh hít phải và mắc bệnh về phổi. Người cha hút thuốc lá cũng có thể khiến đứa con trong bụng vợ của mình bị dị tật hay từ khi đang thành hình.

Chúng ta có thể ngăn chặn được tệ nạn xã hội hay không? Có, chúng ta hoàn toàn có thể. Tôi và bạn, chúng ta đều là những chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta nắm vận mệnh đất nước trong lòng bàn tay. Vì vậy nếu chúng ta có ý thức nói không với các tệ nạn xã hội và tuyên truyền nó đến với những người thân chúng ta thì chắc chắn là tệ nạn sẽ bị đẩy lùi. Nếu gia đình có người thân bị nghiện, hãy đưa họ ngay vào trại cai nghiện. Đừng nghĩ rằng để họ ở nhà và mua thuốc cho họ hút là thương họ. Đó là đang hại họ một cách từ từ. Đó cũng là đang tự hại chính mình và xã hội. Nếu gia đình có người nghiện rượu, nghiện thuốc, hãy khuyên họ nên từ bỏ. Hãy lấy những ví dụ về hậu quả của các tệ nạn ấy để họ thấy rằng hành vi của họ là xấu.

Khi đi ra ngoài đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp những biển hiệu có dòng chữ “Nói không với tệ nạn xã hội”. Giữa dòng đời hối hả, có thể có nhiều người không để ý tới những tấm biển như vậy. Tại sao chúng ta không thử tổ chức những buổi giao lưu, gặp gỡ với chính người thân của mình để cùng chia sẻ về tác hại của rượu, bia, ma túy, thuốc lá,… nhỉ. Chắc chắn sẽ vô cùng bổ ích và lý thú.

Lời kết

- Học xong bài Củng cố, mở rộng Bài 8, các em cần:

+ Nắm được các đặc điểm chính trong văn bản nghị luận đã học

+ Nắm được yêu cầu và quy trình bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 8 Ngữ văn 7 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Bài học Củng cố, mở rộng Bài 8 nhằm hệ thống hóa lại những kiến thức đã học trong Bài 8: Trải nghiệm để trưởng thành. Từ đó, các em có thể vận dụng viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối). Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:

Hỏi đáp bài Củng cố, mở rộng Bài 8 Ngữ văn 7 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON