Các em đã được cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích thông qua các văn bản thông tin ở Bài 5: Từng bước hoàn thiện bản thân. Đồng thời, rèn luyện kĩ năng viết văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong hoạt động. Bài học Ôn tập Bài 5 thuộc sách Chân trời sáng tạo dưới đây sẽ giúp các em học sinh hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức đã học và lên kế hoạch phù hợp để ôn tập. Chúc các em học tập vui vẻ!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại Văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hay luật lệ trong hoạt động
- Giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động là một trong các kiểu văn bản thông tin. Trò chơi được giới thiệu có thể là trò chơi truyền thống hay hiện đại hay hoạt động sinh hoạt, lao động và học tập…
- Các văn bản này thường có bố cục rõ ràng, các đề mục kết hợp hiệu quả phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ.
- Thông tin cơ bản là thông tin chính, quan trọng toát ra từ toàn bộ văn bản.
- Chi tiết trong văn bản thông tin là đơn vị làm cơ sở và góp phần làm sáng tỏ thông tin chính. Thông tin chính thường được triển khai qua các đề mục hoặc các phần, các đoạn trong văn bản bao gồm cả chi tiết biểu đạt ngôn ngữ lẫn phi ngôn ngữ.
- Khái niệm chi tiết được hiểu linh hoạt theo nhiều cấp độ có thể sơ đồ hóa như sau:
[Thông tin cơ bản→Thông tin chi tiết bậc 1→Thông tin chi tiết bậc 2→…]
- Cước chú là lời giải thích liên quan đến từ ngữ, chi tiết, nguồn trích dẫn… được dùng trong từng tang văn bản và được đặt ở chân trang.
- Tài liệu tham khảo là danh mục các tài liệu được tác giả văn bản trích dẫn, tham khảo và trình bày theo một quy cách nhất định.
1.2. Ôn lại kiểu bài văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong một hoạt động
1.2.1. Kiểu bài
- Thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong một hoạt động: là kiểu bài người viết dùng phương tiện giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ, thuyết minh để người đọc hiểu rõ quy tắc hay luật lệ trong một trò chơi hay hoạt động.
1.2.2. Các yêu cầu
Yêu cầu đối với kiểu bài:
- Nhan đề nêu được tên quy tắc/luật lệ của trò chơi hay hoạt động
- Nội dung bài viết cần đảm bảo những phần sau:
+ Giới thiệu ngắn gọn về thời gian, không gian thực hiện hoạt động, mục đích, ý nghĩa của trò chơi hay hoạt động.
+ Liệt kê một số phương tiện cần chuẩn bị cho trò chơi hay hoạt động.
+ Lần lượt thuyết minh về quy tắc/luật lệ của trò chơi hay hoạt động: những điều khoản, quy ước nhằm đảm bảo cho trò chơi hay hoạt động.
- Cấu trúc bài gồm các phần:
Mở đầu: nêu tên trò chơi/hoạt động, lý do giới thiệu quy tắc trò chơi/hoạt động.
Phần chính: thuyết minh về bối cảnh thực hiện quy tắc và các nội dung/điều khoản trong quy tắc, luật lệ.
Kết thúc: khẳng định lại quy tắc, ý nghĩa của quy tắc trong trò chơi/hoạt động.
Bài tập minh họa
Bài tập: Hãy viết bài văn thuyết minh về một số quy tắc trò chơi của địa phương em.
Hướng dẫn giải:
+ Đó là trò chơi gì? Diễn ra ở đâu?
+ Mục đích của trò chơi ấy là gì? Đối tượng tham gia là ai?
+ Có những quy định gì về trò chơi ấy?
+ Giá trị và ý nghĩa của trò chơi là gì?
Lời giải chi tiết:
Đập niêu đất là trò chơi không biết có từ bao giờ nhưng đến nay, nó đã trở thành hoạt động không thể thiếu trên quê hương em trong những ngày đầu xuân năm mới.
Đập niêu đất là một trò chơi thú vị. Vì vậy, nó đã thu hút sự tham gia cổ vũ của rất nhiều người. Trò chơi thường được làng em tổ chức vào mồng 4 Tết hàng năm. Trong làng lại có các thôn, xóm nhỏ nên các thôn, xóm sẽ cử ra hai người làm thành một đội chơi tham gia tranh tài.
Để chơi trò chơi, người ta dựng đoạn tre to, chắc khỏe cao khoảng hai mét xuống đất. Sau đó, nối hai cây lại với nhau bằng một đoạn tre nằm ngang. Lúc này ba đoạn tre đã tạo thành hình giống như một cái cổng nhà. Trên thanh tre nằm ngang, ban tổ chức sẽ treo khoảng năm, sáu niêu đất lủng lẳng. Nhiệm vụ của các đội chơi là phải cầm gậy gỗ đập hết các niêu đất đó trong thời gian sớm nhất để giành chiến thắng. Để cho cuộc chơi thêm phần hấp dẫn, ban tổ chức đã yêu cầu một đội chơi phải có một người cõng một người trên lưng, cả hai người sẽ cùng bị bịt mắt và dựa vào trí nhớ của mình để đập niêu đất.
Để công bằng, các đội chơi sẽ lần lượt chơi và có trọng tài bấm giờ. Mỗi khi có hiệu lệnh xuất phát, các đội chơi sẽ phải dựa vào trí nhớ của mình và sự chỉ dẫn của dân làng để xác định và tiến đến vị trí của niêu đất; người được cõng trên lưng sẽ cố gắng đập vỡ niêu đất, còn người cõng sẽ cố gắng đứng vững và di chuyển theo sự chỉ dẫn của dân làng. Vì thế, mỗi khi một đội chơi xuất phát là tiếng hò reo, cổ vũ lại vang lên tạo thành một bầu không khí rất vui nhộn.
Sau khi các đội chơi của các thôn, xóm đã chơi xong, người dân trong làng và du khách có thể trực tiếp tham gia trò chơi để tự mình trải nghiệm cảm giác đập niêu đất.
Em rất yêu thích và mong chờ trò chơi đập niêu đất. Trò chơi đã trở thành niềm vui, thành nét văn hóa độc đáo trên quê hương em. Nó giúp cho mọi người cảm thấy vui vẻ hơn khi tết đến, xuân về và nó cũng làm cho con người ở làng quê trở nên gần gũi, thân thuộc với nhau hơn.
Lời kết
- Học xong bài Ôn tập Bài 5, các em cần:
+ Nắm được các kiến thức về văn bản thông tin
+ Nắm được yêu cầu và quy trình viết bài văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong một hoạt động
Soạn bài Ôn tập Bài 5 Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Bài học Ôn tập Bài 5 nhằm hệ thống hóa lại những kiến thức đã học trong Bài 5: Từng bước hoàn thiện bản thân (Văn bản thông tin). Đồng thời, các em hiểu được yêu cầu và quy trình viết bài văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong một hoạt động. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Ôn tập Bài 5 Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247