YOMEDIA
NONE

Soạn bài Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề - Ngữ văn 10 Tập 1 Cánh Diều

Để trình bày kết quả nghiên cứu về một vấn đề dựa trên các dữ liệu khách quan, chính xác, đáng tin cậy các em cần viết báo cáo. Nhằm giúp các em cần nắm những yêu cầu và cách làm kiểu đề này, HOC247 xin giới thiệu đến các em bài soạn Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề nằm trong chương trình mới - Cánh Diều dưới đây. Từ đó trau dồi kĩ năng viết văn ngày càng tốt hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé! 

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Kiểu bài

- Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề là viết thu hoạch sau khi nghiên cứu về một đề tài đã thực hiện. 

1.2. Các lưu ý khi viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề

- Lựa chọn một vấn đề cần phải viết báo cáo tổng kết.

- Tiến hành nghiên cứu theo một quy trình: Xác định mục đích và cách thức nghiên cứu, thu thập và lựa chọn tài liệu; ghi chép, sử dụng các công cụ tra cứu như từ điển, sách, báo, Internet,...; tổng hợp kết quả nghiên cứu.

- Xây dựng dàn ý (đề cương) của báo cáo kết quả nghiên cứu. Đề cương của báo cáo kết quả nghiên cứu thường có các nội dung lớn sau đây:

a. Phần mở đầu

+ Nêu vấn đề (đề tài) được lựa chọn để nghiên cứu.

+ Lí do, mục đích và phương pháp nghiên cứu.

b. Phần nội dung

+ Lần lượt trình bày các kết quả nghiên cứu về đề tài đã chọn. Triển khai các lí lẽ, dẫn chứng, lập luận chứng minh cho các luận điểm được nêu ra.

+ Cách trình bày: Có thể trích dẫn ý kiến người khác, chú thích và sử dụng các phương tiện hỗ trợ phù hợp (bằng biếu, sơ đồ, thống kê về đối tượng nghiên cứu,...) để báo cáo sinh động hơn.

+ Nên có sự so sánh giữa các vấn đề được tìm hiểu, các vấn đề trong và ngoài phạm vi đề tài để tạo thêm sức thuyết phục cho báo cáo.

c. Phần kết luận

+ Khái quát ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đã được trình bày.

+ Nêu các đề xuất, khuyến nghị của người nghiên cứu (nếu có).

- Cần mạnh dạn tìm hiểu, cố gắng để có được những phát hiện của riêng mình, trích dẫn đầy đủ, đúng quy cách, tránh việc đạo văn hoặc vay mượn từ công trình, bài viết của người khác mà không dẫn nguồn tài liệu. Phần cuối báo cáo nêu rõ các tài liệu tham khảo (nếu có).

2. Soạn bài Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề Ngữ văn 10 tập 1 Cánh Diều

Câu hỏi: Em hãy viết báo cáo kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thức thơ Đường luật qua một số bài thơ trung đại đã học.

Trả lời:

Bài báo cáo tham khảo

1. Giới thiệu

Trong văn học trung đại, thơ Đường luật là một hình thức không thể thiếu góp phần làm lên vẻ đẹp của thời kì này. Nhiều nhà thơ không chỉ nhà thơ Trung Quốc mà cả những nhà thơ Việt Nam cũng sử dụng thể loại thơ này để gửi gắm tâm tư, tình cảm sâu lắng của mình vào trong đó qua những lời thơ rất đỗi giản dị và thân thuộc. Bởi vậy, hiểu được hình thức của một bài thơ Đường luật sẽ giúp ta dễ dàng hiểu hơn về nội dung của toàn bài thơ.

2. Cách thức tiến hành nghiên cứu

Căn cứ vào các tác phẩm văn học trung đại trong kho tàng văn học Việt Nam, ta có thể dễ dàng bắt gặp những tác phẩm được làm theo thể thơ Đường luật của một số tác giả như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… Dựa trên việc phân tích một số bài thơ tiêu biểu nhằm làm nổi bật lên đặc điểm hình thức của thơ Đường luật.

3. Bài thơ Đường luật

* Hai thể thơ chính được sử dụng nhiều trong kho tàng văn học Việt Nam là

- Thất ngôn bát cú Đường luật: Câu cá mùa thu, Tự tình

- Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật: Bánh trôi nước, Tỏ lòng

* Bố cục chung của một bài thơ Đường luật

- Gồm 4 phần: đề, thực, luận, kết

- Về nguyên tắc, thơ Đường luật là đối, nó được  thể hiện ở chữ thứ nhất, thứ 2, thứ 3… của câu trên phải đối với chữ thứ nhất, thứ 2, thứ 3… của câu về âm và về ý. Để nới lỏng hơn về luật thơ, người ta thường quy ước đối chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm không cần theo luật.

Ví dụ: trong bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến, trong câu 1 và câu 2 của bài thơ ta bắt gặp sự đối ý:

Câu 1: ao thu, trong veo

Câu 2: một chiếc thuyền câu, tẻo teo

- Về đối âm (luật bằng trắc), thơ Đường luật dựa trên thanh bằng và thanh trắc, thường xuất hiện ở các chữ 2, 4, 6 và 7 trong một câu thơ. Nếu chữ thứ hai của câu đầu tiên dùng thanh bằng thì gọi là bài có “luật bằng” và nếu chữ thứ hai câu đầu dùng thanh trắc thì bài thơ có “luật trắc”. Trong một câu, chứ thứ 2 và 6 phải giống nhau về thanh điệu và chữ thứ 4 phải khác hai chữ kia. Nếu nằm ngoài hai cách kia thì bài thơ được làm theo thể thất luật.

Ví dụ: trong hai câu thơ đầu bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến, ta có thể nhận thấy bài thơ được làm theo luật bằng:

Ao   thu   lạnh   lẽo   nước   trong   veo

B      B     T         T     T        B         B

Hay trong bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương, bài thơ cũng sử dụng luật bằng:

Đêm    khuya    văng    vẳng    trống     canh    dồn,

B           B          B           T        T           B         B

- Về nguyên tắc, câu 3-4 và 5-6 phải đối nhau. Đối là sự tương phản về nghĩa của cả từ đơn, từ láy hoặc từ ghép hay đối động từ-động từ, danh từ-dạnh từ. Đối cảnh thường là cảnh động-cảnh tĩnh, cảnh trên-dưới… Nếu trong thơ luật câu 3-4 hoặc 5-6 không đối nhau thì được gọi là thất đối.

Ví dụ: Trong bài thơ Tự tình của Xuân Quỳnh, câu 5-6 đối với nhau cả về động từ, danh từ và đối cảnh:

Động từ: xiên-đâm

Danh từ: rêu-đá

Đối cảnh: mặt đất-chân mây

4. Kết luận

Trên đây là một số điểm nổi bật trong hình thức thơ Đường luật Việt Nam. Đó là sự kết hợp giữa luật lệ, phép đối tạo nên một sự cân đối, hài hòa trong lời thơ, ý cảnh của từng tác phẩm. Mặc dù nó đã được các tác giả tinh giản đi trong cách sử dụng cũng như luật lệ, nhưng nó vẫn mang sự đặc trưng của thơ ca Việt Nam giản dị, gần gũi và thấm đượm tình cảm của tác giả.

Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về vấn đề “Văn hóa, đời sống của người Ê-đê từ sử thi Đăm Săn đến đời thực”.

Trả lời:

“Văn hóa, đời sống của người Ê-đê từ sử thi Đăm Săn đến đời thực”

 Đăm Săn là tác phẩm sử thi kinh điển của Việt Nam, chiếm vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của nền văn học nước nhà. Thiên sử thi không chỉ miêu tả những chiến oanh liệt, phản ánh thực tế những khát vọng anh hùng của con người Ê-đê mà còn mở ra bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà của người Ê-đê qua những chi tiết trong truyện. Cho đến nay đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu về sử thi này. Những nhà nghiên cứu người Pháp đã có công lớn trong việc sưu tầm, dịch thuật và công bố sử thi Đăm Săn đầu tiên trên thế giới. Sau đó, vào năm 1957, tác giả Đào Tử Chí đã dịch tác phẩm Đăm Săn từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, công bố trên Tạp chí Văn nghệ với tên gọi: Bài ca chàng Đăm Săn. Khi sử thi Đăm Săn được dịch ra tiếng Việt, công cuộc nghiên cứu tác phẩm này được chú ý nhiều hơn. Nhìn chung, các tác giả đều giành sự quan tâm cho sử thi Đăm Săn và đạt được những kết quả tự hào. Tuy nhiên, sử thi Đăm Săn còn khai thác được vẻ đẹp văn hóa Ê-đê qua sử thi Đăm Săn, góp thêm điểm nhìn mới mẻ về bản sắc văn hóa cộng đồng người Ê-đê nói chung và sử thi Đăm Săn nói riêng.

Trước tiên, có thể thấy, ngôi nhà là điểm nổi bật trong giá trị văn hóa vật chất của người Ê-đê. Trong sử thi Đăm Săn, ngôi nhà của người anh hùng Đăm Săn được miêu tả rất kỹ: “nhà chàng Đăm Săn dài đến nỗi tiếng chiêng đánh đằng trước nhà, người đứng sau nhà không nghe thấy. Mái hiên nhà chàng con chim bay mỏi cánh mới hết”. Nhà của Đăm Săn có những “chiếc khiên chói lọi như đèn đuốc”, “vải sợi nặng trĩu làm cong các sào phơi. Thịt bò thịt trâu treo đầy xung quanh”, “bát đĩa bằng đồng để khắp sàn nhà” (2). Người Ê đê thường cất nhiều đồ dùng ở trong nhà, đặc biệt ở gian khách, ví dụ như ché rượu cần, cồng chiêng, nồi đồng, thịt trâu bò... vì đây là những tài sản giá trị, thể hiện sự giàu có. Ngôi nhà ấy không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc người Ê đê, nơi đánh dấu sự phồn thịnh, hùng cường của bộ tộc, bộ lạc. Thực tế nhà ở của người Ê-đê cũng chia không gian nội thất làm hai phần theo chiều dọc, phần phòng khách vừa là nơi sinh hoạt vừa là nơi gắn kết cả đại gia đình. Phần cuối thì dành cho các cặp hôn nhân ở trong từng buồng có vách ngăn. Những ngôi nhà dài không chỉ là biểu tượng vật chất của thế chế gia đình mẫu hệ mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người Ê Đê qua năm tháng. Ngôi nhà sàn được làm bằng tre, nứa hoặc bằng gỗ, mặt sàn và vách tường bao quanh nhà làm bằng thân cây bương hay thân cây tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Điều đặc biệt của ngôi nhà dài là luôn có hai cầu thanh đực dành cho những thành viên nam và cầu thang cái dành cho nữ giới. 

Đời sống của người Ê-đê còn được thể hiện qua món ăn hàng ngày. Ẩm thực Ê Đê là sự hòa trộn, tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống với những phong cách nấu nướng đặc biệt. Những món ăn luôn có sự kết hợp hài hòa giữa vị chua, cay và đắng. Ẩm thực Ê Đê đã góp phần tạo nên sự độc đáo cho nền ẩm thực Việt Nam.và đồng thời là yếu tố thu hút khách du lịch. Trong những bữa ăn, cơm tẻ là một món ăn chủ yếu, muối ớt là thức ăn không thể thiếu đối với đồng bào Ê Đê. Những món ăn tiêu biểu của Ê Đê với nhiều loại gia vị, thảo dược có thể kể đến như món thịt bò xào xả gừng, các loại thịt thú rừng, các món hầm như canh làm từ bột gạo xay nhuyễn, canh môn rừng, cá lóc suối, gà nướng. Trong sử thi Đăm Săn, Đăm Par Kvây đã tiếp đãi Đăm Săn trước khi lên đường bắt Nữ Thần Mặt Trời “đốt một gà mái ấp, giết một gà mái đẻ, giã gạo trắng như hoa êpang”. Ẩm thực Ê Đê phản ánh phong tục, lối sống phóng khoáng, gần gũi giữa con người với thiên nhiên thông qua cách nguyên liệu, chế biến theo phong cách vừa dân dã, vừa đậm chất núi rừng.

Bản sắc văn hóa của cộng đồng người Ê đê được thể hiện rõ nét qua trang phục và các hoạt động lao động sản xuất. Người anh hùng Đăm Săn được miêu tả với thân hình khỏe khoắn, cường tráng trong trang phục: “cái khố có hoa sao, cái áo có hoa me”, “Trên đầu, chàng quấn một cái khăn màu tím. Quanh lưng, chàng thắt một chiếc khăn màu đỏ”. Trang phục của Đăm Săn chính là trang phục điển hình của đàn ông Ê đê xưa. Y phục của họ gồm áo và khố: áo của nam thường có phần tay khá dài, vạt sau dài hơn vạt trước và khố dùng để che chắn nửa thân dưới của họ. Ngoài ra, họ cũng thường mang hoa tai, vòng cổ hoặc quấn khăn đen nhiều vòng trên đầu. Chính những bộ trang phục này đã tôn lên vẻ đẹp độc đáo, đầy nam tính của họ. Bên cạnh đó, những người vợ của Đăn Săn cũng mang những bộ trang phục rất bắt mắt “Mỗi nàng mặc một chiếc váy có hoa me và chiếc áo có hoa sao”. Trang phục của nữ giới là váy tấm, áo chui, chúng được làm bằng thổ cẩm với gam màu chàm, màu đen chủ đạo và điểm những hoa văn sặc sỡ đậm chất thiên nhiên núi rừng. Trang phục còn kết hợp với trang sức bằng vàng hoặc đồng, vòng tay thường được đeo thành bộ kép để nghe tiếng va chạm của chúng vào nhau. 

Phương tiện đi lại phổ biến nhất của người Ê đê xưa là voi, là ngựa: “Mặt đất in dấu chân ngựa nhiều như chân rết. Mặt đất in đầy dấu chân voi như đáy cối giã gạo”. Đăm Săn đã cưỡi voi dẫn dân làng đi lao động bắt cua, tôm, cá; cưỡi voi đi chiến đấu với M’tao Grứ và M’tao M’xây để bảo vệ thị tộc, bảo vệ vợ của mình. Đó là những “con voi đực đuôi dài chấm đất, có bộ ngà rộng, mặt nó như bông hoa đẹp, khiến cho người người trông thấy nó đều phải vui mừng”. Không chỉ có voi mà ngựa cũng là một người bạn đồng hành cùng Đăm Săn đi bắt nữ thần Mặt Trời “con ngựa chạy nhanh như gió thổi, vượt lên đỉnh núi, nhảy qua bao dòng thác, bao con suối” đã cùng Đăn Săn băng qua mọi khó khăn ở rừng sáp đen của bà Sun Y Rít và cùng Đăm Săn hy sinh trên con đường chinh phục tự nhiên.

Đặc điểm văn hóa nổi bật của người dân Ê-đê là chế độ mẫu hệ. Điều này được thể hiện rõ qua sử thi Đăm Săn. Chế độ mẫu hệ của người Ê đê in đậm trong kiến trúc và trang trí chiếc đầu cầu thang vào nhà. Chúng được trang trí đôi bầu sữa và hình vầng trăng khuyết - những biểu tượng sống động của tính nữ. Khi Đăm Săn đến nhà của Nữ Thần Mặt Trời “cầu thang trông như cái cầu vồng”. Văn hóa người Ê đê còn mãi với tục nối dây (Juê nuê) - một luật tục cổ truyền trong hôn nhân của người Ê đê. Tục này quy định khi chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người đàn ông khác để làm chồng. Ngược lại khi vợ chết, người chồng phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, miễn là người đó chưa có chồng. Theo tục Juê nuê, trong hôn nhân của người Ê đê, khi bà của H’Nhí và H’Bhí chết, hai nàng phải nối dây với chồng bà là ông M’tao Y Kla (cậu của Đăm Săn). Nhưng cậu của Đăm Săn chết, Đăm Săn phải thay cậu nối sợi dây hôn nhân với H’Nhí và H’Bhí. Trong sử thi, Đăm Săn đã thực hiện nhiệm vụ làm lụng gắn với các hoạt động chăn nuôi, săn bắt, trồng trọt. Khát vọng của chàng mang ý nghĩa khẳng định sức mạnh của bản thân mình, đặt sức mạnh con người sánh ngang với tự nhiên. Đăm Săn kiên cường đi tìm nữ thần Mặt Trời. Đứng trước nữ thần Mặt Trời vô cùng xinh đẹp, chàng đã nói rõ ý định của mình: “Tôi đến đây tìm người dệt chăn cho tôi, dệt áo dệt khố cho tôi mặc, tìm người nấu cơm cho tôi ăn”. Nhưng nữ thần Mặt Trời đã từ chối. Chàng thất vọng lên ngựa trở về, nhưng ngựa của Đăm Săn không chạy đua kịp với tốc độ của ánh sáng mặt trời nên cuối cùng chàng chết ngập trong rừng đất đen đang tan chảy của bà H’Sun Y Rít. Người anh hùng đã hy sinh nhưng lý tưởng thì vẫn được tiếp nối mãi với sự xuất hiện của Đăm Săn cháu sau này, những người dân Ê đê khác sẽ tiếp tục đi tiếp con đường của chàng Đăm Săn, tiếp tục hoàn thiện lý tưởng, khát khao khẳng định mình, chinh phục thiên nhiên, những miền đất lạ để mở rộng sự giàu có, trù phú của buôn làng mà người anh hùng này đã mở ra trước đó…

Sử thi Đăm Săn là một trong những tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn học dân tộc. Qua hình tượng Đăm Săn, chúng ta hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa và con người Ê đê vùng đất Tây Nguyên. Sử thi Đăm Săn đã tô đậm thêm những nghi thức, nghi lễ độc đáo với những tập tục đặc biệt của tộc người Ê đê không thể trộn lẫn với các dân tộc khác. 

4. Hỏi đáp về bài Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề Ngữ văn 10 tập 1 Cánh Diều

Khi có vấn đề khó hiểu về bài soạn này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON