Bảo vệ tài nguyên đất và nước
Các quần xã sinh vật đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn, những HST vùng đệm, giảm nhẹ mức độ lũ lụt và hạn hán cũng như duy trì chất lượng nước. Tán cây và các lớp lá rụng dưới đất ngăn cản sức rơi của những giọt mưa làm giảm tác động của mưa lên đất; rễ cây và các vi sinh vật đất làm thông thoáng không khí trong đất và giảm bớt khả năng xảy ra lũ lụt khi có mưa lớn và làm cho dòng chảy chậm lại đến hàng ngày, hàng tuần sau khi mưa.
Việc huỷ hoại thảm thực vật do khai thác gỗ, do khai hoang làm nông nghiệp và những hoạt động khác của con người làm tốc độ xói mòn đất và sạt lở đất tăng lên rất nhanh, làm giảm giá trị sử dụng đất đối với con người. Đất bị suy thoái khiến thảm thực vật không thể phục hồi được và rất có thể làm cho đất không thể dùng vào mục đích sản xuất nông nghiệp được nữa. Thêm vào đó tầng đất màu khi bị rửa trôi theo nước sẽ chảy tràn xuống HST thuỷ sinh, có thể gây ra ô nhiễm làm chết các động vật sống trong nước. Phù sa trôi vào sông, suối còn làm đục nước thậm chí gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Việc xói mòn đất cũng gây bồi lấp các hồ chứa nước của các trạm thuỷ điện, làm suy giảm khả năng phát điện hoặc làm cản trở các tàu bè đi lại trên các sông và cảng. Những trận mưa lụt chưa từng thấy ở khắp nơi trên toàn cầu trong thời gian gần đây nguyên nhân chủ yếu là do phá rừng, khai thác quá mức trên các khu vực rừng đầu nguồn. Điều này đã buộc chính phủ nhiều nước phải ra sắc lệnh hạn chế khai thác gỗ hoặc đóng cửa rừng, nhiều nơi phải phát động phong trào trồng cây gây rừng. Giá trị hạn chế lũ lụt của những vùng đầm lầy nói riêng và các vùng ĐNN nói chung cũng hết sức quan trọng.
Điều hoà khí hậu
Quần xã thực vật có vai trò rất quan trọng trong việc điều hoà khí hậu địa phương, khí hậu vùng và ngay cả khí hậu toàn cầu. Trong khuôn khổ địa phương, cây cối cung cấp bóng mát và khuyếch tán hơi nước làm giảm nhiệt độ không khí khi thời tiết nóng nực. Cây cối trong vườn, trong công viên còn có tác dụng chắn gió và hạn chế sự mất nhiệt từ các toà nhà lớn trong điều kiện khí hậu lạnh giá.
Phân huỷ các chất thải
Các quần xã sinh vật có khả năng phân huỷ các chất gây ô nhiễm kim loại nặng, thuốc trừ sâu và các chất thải sinh hoạt khác đang ngày càng tăng do các hoạt động của con người. Các loài nấm và vi khuẩn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những quá trình phân huỷ này. Khi những HST như vậy bị tổn thương hay bị suy thoái thì cần phải thay thế bằng một hệ thống nhân tạo để kiểm soát ô nhiễm với giá tiền đắt gấp nhiều lần với chức năng tương tự.
Khả năng sản xuất của hệ sinh thái
Khả năng quang hợp của các loài thực vật và các loài tảo lam làm cho năng lượng mặt trời được cố định lại trong những tế bào sống. Năng lượng được tích luỹ trong thực vật được con người thu lượm để sử dụng một cách trực tiếp như khi họ thu lượm củi hoặc cắt cỏ làm thức ăn cho gia súc, hay hái lượm các loài rau, thực phẩm trong thiên nhiên. Những vật liệu có nguồn gốc thực vật cũng là điểm khởi đầu của các chuỗi thức ăn. Việc huỷ hoại thảm thực vật trên một khu vực mà nguyên nhân là do chăn thả động vật nuôi, do khai thác gỗ một cách quá mức hoặc do nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên đã huỷ hoại khả năng tận dụng năng lượng mặt trời để sản xuất của các HST, do vật sẽ dẫn đến việc mất những sản phẩm do thực vật sản sinh nên các quần thể động vật sống trong vùng (kể cả con người) đều phải gánh chịu hậu quả (Odum, 1993). Tương tự như vậy, ở các khu vực cửa sông, dải ven biển là nơi thực vật và tảo thường phát triển rất mạnh. Những thực vật và tảo là mắt xích đầu tiên của hàng loạt các chuỗi thức ăn tạo thành các hải sản như trai, sò, tôm, cua. Sự đánh bắt quá mức dẫn đến việc huỷ hoại các vùng cửa sông và vùng duyên hải làm cho nước Hoa Kỳ mất đi trên 200 triệu đôla mỗi năm, trong đó chủ yếu là mất đi các loài cá thương mại và mất đi những khu vui chơi, giải trí cùng các dịch vụ đánh bắt cá thể thao. Dù cho các HST đã bị huỷ hoại hoặc suy thoái này đều có thể phục hồi nhưng phải trả với cái giá rất đắt và thường l à không thể phục hồi đầy đủ được các chức năng sinh thái như đã có, còn tính ĐDSH thì không bao giờ có thể khôi phục được.
Những giá trị kinh tế gián tiếp của ĐDSH như các quá trình xảy ra trong môi trường và các chức năng của HST là những mối lợi không đo đếm được và nhiều khi là vô giá. Do những lợi ích này không phải là hàng hoá hay là dịch vụ nên thường không tính đến trong quá trình tính toán giá trị GDP của quốc gia. Tuy vậy, chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì các sản phẩm tự nhiên mà nền kinh tế các nước không bị phụ thuộc.