YOMEDIA
NONE

Em hãy nêu suy nghĩ về hiện tượng lạm dụng Internet của học sinh, sinh viên thời nay

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (2)

  • Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, thì internet dường như là một thứ không thể thiếu. Nhưng việc lạm dụng internet quá mức đã trở thành một mặt tiêu cực của internet.

    Internet là một phương tiện tuyệt vời. Nó là một thành tựu khoa học công nghệ hữu ích đối với con người. Internet có rất nhiều mặt tích cực. ví dụ như nó là một công cụ để con người cập nhật tin tức, thông tin liên quan đến công việc cũng như cuộc sống của họ. Không chỉ là cập nhật thông tin mà nhờ có internet con người có thể liên lạc với nhau mà không cần lo ngại khoảng cách cũng như điều kiện khí hậu. Mọi người có thể nhìn thấy nhau, nói chuyện, chia sẻ với nhau mà không cần lo lắng những điều kiện khách quan không cho phép. Internet còn rất nhiều điểm mạnh. Tuy nhiên cũng chính vì những điểm mạnh ấy mà đã dẫn đến hiện tượng nghiện internet đặc biệt là trong giới trẻ. Nghiện internet là hiện tượng con người dành qua nhiều thời gian sử dụng internet. Nghiêm trọng hơn, họ còn coi internet là thứ không thể thiếu, là quan trọng nhất hơn cả những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như ăn, ngủ, nghỉ,… Tại sao nghiện internet lại là một hiện tượng xấu? Một ngày mỗi người có 24 giờ để làm việc và sinh hoạt. Nhưng 24 giờ đó, chúng ta đã mất 12 giờ để ăn, ngủ, sinh hoạt. Còn 12 giờ còn lại để làm việc. Tuy nhiên nếu bạn nghiện internet thì thời gian bạn làm việc thực sự rất ít có thể là bằng 0. Điều đáng nói là đa số người nghiện internet là học sinh sinh viên. Thời gian học tập ở trường thường là cả ngày rồi, vì vậy nếu nghiện, họ sẽ không có thời gian để tập trung vào việc học của mình. Ai cũng biết chỉ học ở trường thôi thì không đủ để bạn lĩnh hội kiến thức một cách đầy đủ.

    Theo một nghiên cứu cho rằng, việc học trên lớp chỉ có thể giúp học sinh tiếp thu được tối đa 5% kiến thức, còn lại là nhờ vào việc học tập ở nhà. Nếu nghiện internet, tôi dám chắc bạn sẽ không bao giờ có thể học tốt được. Không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc học, nghiện internet còn có hại cho sức khỏe của người sử dụng. Dành quá nhiều thời gian cho việc ngồi trước màn hình máy tính không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Theo một nghiên cứu cho rằng 45% stress là do ngồi trước màn hình máy tính quá lâu. Không chỉ bị căng thẳng, người dùng còn có một số triệu chứng khác như trầm cảm, tự kỷ… Không chỉ thế một số bệnh lý khác cũng có thể xảy ra. Sức khỏe của người nghiện internet sẽ bị đe dọa nếu tình trạng này diễn ra quá lâu mà không có sự biến chuyển. Ngoài sức khỏe, học tập, công việc, nghiện internet còn ảnh hưởng đến kinh tế của bạn. Số tiền bạn phải bỏ ra để phục vụ cho nhu cầu sử dụng internet của mình không phải là nhỏ. Kéo dài sẽ khiến kinh tế bị kiệt quệ một cách nhanh chóng. Bản thân internet không hề gây nghiện mà là những ứng dụng của nó. Như những trò chơi giải trí, trang mạng xã hội. Việc bỏ ra hàng giờ để lướt facebook, zalo, instagram… là điều thường thấy trong giới trẻ. Việc đắm chìm trong các trang mạng xã hội dẫn tới cụm từ rất quen thuộc: "sống ảo". Vâng, chắc hẳn ai cũng biết cụm từ này. Căn bệnh này đã được đề cập bởi không ít bài báo cũng như truyền hình. căn bệnh sống ảo đang trở thành thực trạng lớn của giới trẻ hiện nay. Việc lạm dụng internet đã trở thành mối nguy hiểm lớn đối với xã hội. Không chỉ trong bộ phận giới trẻ mà những ngời lớn tuổi hơn cũng xảy ra hiện tượng này. Nhưng giới trẻ là một lực lượng lao động mới sau này, là bộ phận quyết định phần lớn tới sự phát triển của đất nước sau này. Chính vì vậy, nghiện internet thực sự là một vấn đề đáng được quan tâm, và việc giảm thiểu tình trạng này cũng là cấp thiết. Trước hết để nghiện internet được giảm thiểu thì ý thức của giới trẻ về vấn đề này phải được nâng cao. Giới trẻ phải hiểu được thế nào là đủ với inernet, và sử dụng như thế nào là hợp lý. Có được như vậy, những tích cực, lợi ích mà internet đem lại mới được khai thác một cách tốt nhất. Bởi internet nếu sử dụng đúng cách, nó sẽ là công cụ hỗ trợ con người phát triển không chỉ trong công việc mà còn là đời sống tinh thần. Để làm được điều đó, việc giáo duc và tuyên truyền về sử dụng internet không bao giờ là thừa thãi. Không chỉ nhà trường mà gia đình cũng cần có những biện pháp phù hợp để giáo dục thế hệ trẻ. Ý thức tự giác sẽ được hình thành nếu ta biết cách gây dựng nó.Chính vì thế mà những yếu tố khách quan tác động luôn là cần thiết. Những quán nét, quán game cần phải được quản ký chặt chẽ theo qui định của pháp luật. Chúng ta cần thắt chặt quản lý và nghiêm túc hơn trong vấn đề này. Bởi lẽ nếu chỉ từ phía chủ quan là ý thức của người dùng thì việc hạn chế, đẩy lùi tình trạng nghiện internet thực sự quá khó khăn. Những thói xấu rất dễ nhiễm vào tâm trí của con người nhưng ngược lại thói quen tốt, tích cực thì cần thời gian, cần quá trình rèn luyện. Cho nên để đạt được kết quả cao nhất, cần phải có sự kết hợp, phối hợp giữa các bên trong vấn đề này.

    Internet không phải là xấu. Nó xấu bởi cách con người sử dụng và khai thác nó. Hãy để nó trở nên tích cực trong mắt mọi người. Giới trẻ hãy thức tỉnh, bớt sống ảo. Hãy rèn luyện cho tương lai sắp tới của bạn. Đừng đắm chìm mãi vào thế giới game, trang mạng xã hội, hãy biết lo cho cuộc sống của bản thân mình. Không đoạn đường nào dẫn tới thành công mà ngọt bùi trong nhung lụa. Cũng không có đoạn đường nào quá gập ghềnh không thể vượt qua. Điều quan trọng là ý chí của bạn, niềm tin của bạn. Đừng để niềm tin chết yểu để đổi lấy những tháng ngày đắm chìm trong những thứ không đáng.

      bởi Thanh Thanh 11/06/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Gõ một cụm từ "Nghiện Internet" khi tìm kiếm trên mạng, bạn có thể thu được tới 4.930.000 kết quả. Những tiêu đề bài viết như "Nghiện Internet, sống ảo và quên sống thật", "Nghiện Internet và tác hại khôn lường" hay "Địa ngục trần gian trong trại cai nghiện Internet"... khiến chúng ta không khỏi bất ngờ về thực trạng nghiện Internet trong bộ phận giới trẻ ngày nay, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên. Điều này gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với thực trạng nghiện Internet hiện nay.

    Internet trong thời đại hiện đại hóa, công nghệ hóa đã phát huy những mặt tích cực đáng kể. Nhờ có Internet, chúng ta có thể tiếp cận với thế giới muôn màu trong từng phút, từng giây. Thế nhưng Internet ở một mặt khác lại là sự hạn chế, tiêu cực đối với việc lạm dụng quá mức. Nghiện Internet là hiện tượng con người dành quá nhiều thời gian của mình để sử dụng Internet. Có nhiều người "nghiện nặng" khi họ coi Internet là thứ không thể thiếu trong cuộc sống, là quan trọng nhất. Họ coi Internet hơn cả những nhu cầu ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc của bản thân. Biểu hiện của những người này là họ quên đi thời gian, không quan trọng những nhu cầu cá nhân. Họ luôn có trạng thái tinh thần bất an hay căng thẳng khi không thể lên Internet. Họ cũng không quan tâm nhiều đến thế giới xung quanh bao gồm cả gia đình, bạn bè. Họ luôn muốn tách biệt với thế giới thực tại. Các bạn học sinh, sinh viên sao nhãng học tập, các hoạt động vui chơi thưc tế mà chỉ chăm chăm "ôm" những thiết bị thông minh để "lướt Internet". Nghiện Internet đang là một hiểm họa đối với giới trẻ ngày nay, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên. Các bạn thường bỏ bê việc học tập, bỏ qua những tác động của thầy cô hay gia đình. Các bạn luôn trong tình trạng thiếu ngủ, chán ăn, tâm trạng, cảm xúc không ổn định. Đa phần các bạn nghiện Internet trong độ tuổi học sinh, sinh viên thường nghiện game hay nghiện mạng xã hội.

    Nghiện Internet gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập, làm giảm sút kết quả, chất lượng học tập. Việc mất tập trung trong các nhiệm vụ, hoạt động trong và ngoài giờ lên lớp khiến các bạn không có đủ kiến thức và kĩ năng để lĩnh hội tri thức. Bên cạnh đó, nó còn có tác hại vô cùng tiêu cực đối với sức khỏe. Việc dành hàng giờ đồng hồ ngồi trước màn hình máy tính hay điện thoại sẽ gây tác hại trực tiếp đến mắt...Thêm vào đó, việc nghiện Internet khiến dễ mắc bệnh trầm cảm, tự kỉ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên đang có sự biến đổi liên tục về cảm xúc. Việc nghiện Internet không chỉ khiến bạn mất đi quỹ thời gian tích cực mà còn tiêu hao đáng kể kinh tế của bạn. Bạn sẽ phải mất một khoản tiền thậm chí là khá lớn để đầu tư cho những thú vui trên Internet hàng giờ. Hội chứng "sống ảo" khiến cho rất nhiều những bạn học sinh, sinh viên tìm đến với những nơi được gọi là "trại cai nghiện Internet". Tại đây, dường như sẽ giúp cho các bạn thoát khỏi tình trạng nghiện Internet nhưng có những khoảng tối để lại hậu quả khôn lường. Một bài báo của Trung Quốc là People's Daily đã có bài viết về sự thực trong các trại cai nghiện Internet tại đất nước này. Theo đó, để con được chữa bệnh trong trại cai nghiện Internet, các phụ huynh phải đóng một khoản tiền tương đương khoảng 103 triệu đồng Việt Nam trong vòng nửa năm. Trong bài viết có nêu học viên tại đây bị đánh bằng thước sắt và sợi dây thép dài gấp 30 lần, nhốt trong căn phòng kín không có cửa sổ trong suốt một tuần...Bài báo ví trại cai nghiện này như "nấm mồ" chôn "thây" thanh thiếu niên. "Liu, một nam thanh niên 18 tuổi đã chết sau khi được đưa vào trại cai nghiện Internet ở tỉnh An Huy vài ngày. Trường hợp khác vào cuối tháng 7 tại trại cai nghiện ở Tây An, một cậu bé 16 tuổi tự tử bằng cách nhày từ tầng 5 xuống hay câu chuyện cô bé 16 tuổi tỉnh Hắc long Giang đã giết mẹ đẻ và treo cổ tự vẫn khi bị đưa vào trại ca nghiện Internet 4 tháng". Tại Anh, hội chứng nghiện Internet được xem như một chứng "nghiện cờ bạc". Theo đó, nghiện Internet cũng giống như việc nghiện heroin. Hậu quả lớn nhất của Internet khiến cho con người ngày càng xa rời với lối sống thực tế, yêu thích việc "sống ảo". Các bạn học sinh, sinh viên luôn tìm kiếm những hình mẫu lí tưởng, thậm chí bạn trai, bạn gái trên những trò chơi ảo. Họ tìm kiếm những thú vui, thậm chí là những văn hóa phẩm đồi trụy trên các trang mạng tiêu cực. Điều này khiến họ xa rời thực tế, tách biệt với thế giới và đặc biệt mất niềm tin vào cuộc sống. Trong cuốn Alone Together, nhà tâm lý học Sherre Turkle đã viết "Một dòng mô tả trên facebook hoặc một chiếc avatar trong game cũng khiến chúng ta phân tâm trong cuộc sống thật". Trong cuốn sách cũng nêu rõ hội chứng nghiện Internet khiến "Họ không có khả năng tìm kiếm một người ngoài đời thật để bạn chia sẻ khi bạn cô đơn".

    Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng nghiện Internet. Có thể từ tác động bên ngoài như những sự lôi kéo, dụ dỗ của bạn bè, người khác nhưng phần lớn là do chính bản thân mỗi con người. Biết được hậu quả, tác hại vô cùng to lớn của việc nghiện Internet, mỗi chúng ta cần có những giải pháp tích cực để hạn chế cũng như chấm dứt tình trạng này trong giới trẻ, đặc biệt là với các bạn học sinh, sinh viên. Giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, đặc biệt là cần sự hỗ trợ và hợp tác từ nhiều phía liên quan như gia đình, nhà trường, bạn bè...Việc giáo dục cũng như tuyên truyền về việc sử dụng Internet là điều cần thiết. Những buổi học ngoại khóa hay những khóa học kĩ năng về vấn đề này tại nhà trường góp phần lớn giúp học sinh, sinh viên định hướng việc sử dụng Internet của mình. Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình cũng cần sát sao hơn với tình hình học tập và vui chơi của con em, tránh tình trạng sao nhãng để dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng sau này. Rộng hơn là sự can thiệp của các cơ quan chức năng trong việc quản lý mạng lưới các trung tâm tư vấn hay các trại cai nghiện Internet cùng với đó là những biện pháp điều trị về thể chất và tâm lí phù hợp. Có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công với những phác đồ, giải pháp điều trị việc nghiện Internet. Ở Trung Quốc, những người nghiện Internet sẽ tìm cách cai nghiện bằng cách ghi danh vào các lớp học quân sự. Ở Anh, họ tìm đến các tu viện như việc điều trị tinh thần hữu hiệu. Tại Mỹ, họ đến sa mạc, sống ở nơi hoang dã và tách biệt với mọi công nghệ. Tại Hàn Quốc, chính phủ đã cho mở 140 trung tâm tư vấn cai nghiện và 100 bệnh viện điều trị hội chứng này...Tại Việt Nam, việc cai nghiện Internet đang dần dần được chú trọng hơn rất nhiều, điển hình là các trung tâm tư vấn tâm lý ngày càng phát triển, mở rộng.

    Xã hội ngày càng phát triển. Sống, học tập, lao động, cống hiến...là quyền và nghĩa vụ của riêng mỗi con người. Con người có quyền tự lựa chọn cho mình cách sống. Tôi, bạn và chúng ta sẽ tự quyết định về cuộc sống của chính bản thân mình. Vậy tại sao chúng ta không chọn cho mình một lối sống văn minh, lành mạnh và tích cực? Hãy trở thành những người sử dụng Internet thông minh và hãy để Internet phát huy hết được những mặt tích cực của nó, biến nó trở thành công cụ, phương tiện để hỗ trợ, phục vụ con người trong công việc, cuộc sống. Và xin đừng trở thành nô lệ của Internet!

      bởi Huất Lộc 26/07/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF