YOMEDIA
NONE

Suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình

tục ngữ:" Con hơn cha nhà có phúc" Em có suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (3)

  • Kho tàng ca dao tục ngữ đã có nhiều câu ghi lại những kinh nghiệm quý báu đó. Câu tục ngữ Con hơn cha là nhà có phúc là một trong những câu tiêu biểu và có ý nghĩa sâu sắc.

    Câu tục ngữ rất ngắn gọn nhưng nội dung ý nghĩa thật phong phú. Con và cha ở đây ngoài việc nêu mối quan hệ máu thịt trong gia đình, còn có ý nghĩa tượng trưng cho thế hệ trước và thế hệ kế cận trong xã hội. Do đó nhà ngoài nghĩa đen là một gia đình, còn có nghĩa rộng là đất nước, dân tộc. Vì hơn ở đây là hơn về mặt năng lực, hơn về trình độ, hơn về cách sống, cách làm ăn. Cách diễn đạt của câu tục ngữ mang tính khẳng định rõ rệt: Con phải hơn cha thì nhà mới ấm no sung sướng, thế hệ sau phải hơn thế hệ trước thì xã hội mới tiến bộ, dân tộc mới hạnh phúc phồn vinh.
     
    Trước tiên, ta thấy câu tục ngữ đã khái quát được một vấn đề xã hội hoàn toàn đúng. Con hơn cha, thế hệ sau hơn thế hệ trước là một hiện tượng phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Trong cuộc sống, mỗi thế hệ đều học tập quá khứ và tích lũy thêm những kinh nghiệm của thế hệ mình Vì vậy trình độ thế hệ sau thường cao hơn thế hệ trước và cứ như thế xã hội phát triển không ngừng. Trong lịch sử phát triển, xã hội loài người đã trải qua nhiều giai đoạn, từ thô sơ mông muội tiến dần lên trình độ văn minh như hiện nay. Quá trình phát triển đó đã khẳng định thế hệ sau ngày càng tiến bộ hơn thế hệ trước và làm cho xã hội con người tiến bộ.
     
     Ngược lại ta thử đặt một giả dụ, nếu thế hệ sau không hơn thế hệ trước, chỉ bằng thế hệ trước thôi thì xã hội sẽ như thế nào? Chắc chắn xà hội sẽ dậm chân tại chỗ, thời gian trước như thế nào, thời gian sau vẫn y nguyên như vậy và xã hội loài người vẫn chìm trong tối tăm lạc hậu mà thôi. Còn nếu thế hệ sau lại kém thế hệ trước? Một tai họa sẽ đến, xã hội loài người sẽ lùi dần về thời kì đồ đá cũ. Trong một gia đình cũng vậy, con giỏi hơn cha tức là con đã học tập hết được những kinh nghiệm do cha truyền dạy và đúc kết thêm được những kinh nghiệm của bản thân mình. Con hơn cha như vậy thì con sẽ lao động tốt hơn cha, làm việc đạt hiệu quả hơn cha và do đó cuộc sống của gia đình sẽ ấm no hơn, hạnh phúc hơn. Trái lại, nêu con kém cha thì chẳng những con không làm được gì hơn cha mà những thành quả cha làm được cũng có nguy cơ bị con phá tan. Rõ ràng nội dung câu tục ngữ đã là một chân lí phù hợp với sự phát triển của xã hội loài người nói chung, phù hợp với thực tế trong từng gia đình nói riêng.
     
    Như vậy câu tục ngữ đã khẳng định một chân lí để làm bài học cho mọi người mọi thời. Có lẽ bài học đó là: muốn nhà có phúc thì phải làm cho con hơn cha, muốn xã hội phồn vinh thì phải làm cho thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước. Để đạt được điều đó, cha phải dạy bảo, rèn luyện con, đồng thời khuyến khích, động viên con nỗ lực phát triển. Nói rộng ra trong xã hội, thế hệ đi trước phải chăm lo giáo dục thế hệ kế cận, thế hệ tương lai, đồng thời phải tin tưởng, giúp đỡ thế hệ kế cận, thế hệ tương lai suy nghĩ, sáng tạo. Mặt khác, thế hệ con phải trân trọng học tập, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm và toàn bộ kho tàng văn hóa của thế hệ cha, đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo do nâng cao, bổ sung và phát triển những kiến thức kinh nghiệm của các thế hệ trước. Câu tục ngữ đã phản đối thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của thế hệ cha anh đối với việc giáo dục thế hệ con em, đặc biệt phản đối tâm lí và thái độ coi thường hoặc tị hiềm của thế hệ trước đối với thế hệ sau, không muốn thế hệ sau vượt mình. Câu tục ngữ cũng không đồng tình với hiện tượng thế hệ con em coi thường, phủ nhận thế hệ cha anh, đặc biệt không đồng tình với thái độ lười biếng, dựa dẫm vào thế hệ đi trước để đến nỗi cửa nhà tan nát. Rõ ràng câu tục ngữ đã là bài học sâu sắc cho mọi thế hệ, cả thế hệ cha anh và thế hệ con em trong việc làm cho con hơn cha để nhà có hạnh phúc.
     
    Do có ý nghĩa lớn lao như vậy nên câu tục ngữ đã được lưu truyền từ nhiều đời nay và đã có tác dụng to lớn đến từng gia đình và đến toàn xã hội ta trong trường kì lịch sử. Hiện tượng cha mẹ hi sinh tất cả cho con, chịu vất vả gian lao để con được học hành, để con khôn lớn hơn mình là hiện tượng phổ biến trong các gia đình Việt Nam. Hiện tượng con cái trong nhà chăm chỉ học tập rèn luyện theo lời khuyên bảo, dạy dỗ của bố mẹ để nối nghiệp nhà, để làm vẻ vang cho dòng họ cũng không hiếm ở khắp nơi. Rộng ra trong phạm vi cả nước và toàn xã hội, ngay từ ngày xưa, việc chăm lo bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, thế hệ kế cận cũng được đặt ra thường xuyên và cấp thiết. Nếu không có điều đó thì làm sao trong triều Trần, các thế hệ kế tiếp nhau ba lần đánh thắng được giặc Nguyên hùng mạnh? Và liên tiếp các thời đại về sau, các thế hệ sau đã kế thừa và phát huy được trí tuệ và kinh nghiệm của thế hệ trước, liên tiếp đánh đuổi kẻ thù ngoại xâm, giữ vững bờ cõi và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn? Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo tư tưởng của Bác Hồ. Việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau được đặt ra một cách toàn diện và đồng bộ. Thế hệ cha anh để vừa làm tấm gương chói sáng về tinh thần chiến dấu, lao động để bảo vệ và xây dựng đất nước, vừa hết lòng chăm lo giáo dục bồi dưỡng thế hệ mai sau để thế hệ mai sau có đủ đức đủ tài tiếp tục sự nghiệp cách mạng mà mình đã suốt đời theo đuổi. Và các thế hệ kế cận cũng không phụ lòng tin của lớp người đi trước, đã không ngừng học hỏi, tu dưỡng đạo đức và tài năng, tiếp nối con đường các thế hệ trước đã đi và đã lập được những chiến công thần kì trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng ấm no hạnh phúc. Có được điều đó, phải chăng ít nhiều do câu tục ngữ đã thấm vào nếp nghĩ, nếp làm của các thế hệ chúng ta.
     
    Tóm lại, câu tục ngữ đã là một hạt ngọc quý trong kho tàng châu báu các kinh nghiệm sống và chiến dấu của dân tộc ta. Câu tục ngữ cũng như cả kho tàng kinh nghiệm quý đó đã giúp dân tộc ta sống, tồn tại và phát triển trước trăm ngàn khó khăn và thử thách. Học tập vốn quý của người xưa, chúng ta quyết tâm làm hết sức mình để con hơn cha, để thế hệ sau trưởng thành hơn thế hệ trước, để đất nước XHCN muôn quý ngàn yêu của chúng ta ngày càng giàu mạnh, dân tộc bất diệt của chúng ta ngày càng hạnh phúc tự do.

    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Mỗi câu tục ngữ là một triết lí sâu sắc, một bài học quý báu mà ông cha ta – những thế hệ đi trước muốn nhắn gửi đến thế hệ đi sau. Và câu tục ngữ “Con hơn cha là nhà có phúc” cũng không phải là một ngoại lệ. Đây chính là lời dạy mà thế hệ đi trước muốn gửi tới lớp người đi sau.

    Giống như những câu tục ngữ khác, câu tục ngữ này cũng ẩn chứa hai lớp nghĩa: lớp nghĩa đen và lớp nghĩa bóng. Lớp nghĩa đen là lớp nghĩa mà người đọc, người nghe dễ dàng nhận ra qua những từ ngữ, còn lớp nghĩa bóng là lớp nghĩa mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra, buộc người đọc người nghe phải suy luận mới hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ.

    Từ định nghĩa trên, ta dễ dàng nhận ra nghĩa đen của câu tục ngữ là trong một gia đình nếu con cái mà thành đạt hơn cha của mình thì gia đình đó được xem là một gia đình “có phúc”, tức là có tài lộc và may mắn. Nhưng về lớp nghĩa bóng của câu tục ngữ thì không bó hẹp trong phạm vi một gia đình, không chỉ đơn thuần là giữa mối quan hệ cha con mà nó mở rộng ra trong phạm vi một quốc gia, dân tộc, mối quan hệ đã được phát triển thành mối quan hệ giữa cả một thế hệ người đi trước và lớp người đi sau.

    Từ sự phân tích trên ta có thể hiểu nghĩa bóng của câu tục ngữ muốn nói về lớp người đi sau không chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ kế tục, gìn giữ những thành quả, những kinh nghiệm quý báu của ông cha ta là những thế hệ đi trước mà còn phải phát triển hơn những thành quả ấy, nếu được như vậy thì đất nước mới thực sự phồn thịnh, giàu đẹp. Câu tục ngữ đưa ra một lời nhắn nhủ hay đúng hơn là một lời dạy với thế hệ trẻ – thế hệ được coi là tài năng, giàu sức sáng tạo, chủ nhân tương lai của đất nước, hãy cố gắng học tập và rèn luyện, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

    Bác Hồ đã có một câu nói nổi tiếng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, thế hệ đi sau không chỉ có trách nhiệm xây dựng đất nước mà còn phải thực hiện một nhiệm vụ lớn lao là gìn giữ và bảo vệ những thành quả mà cha ông ta đã mất bao công sức tạo dựng nên.

    Nền độc lập của dân tộc ta không tự nhiên mà có, để có được độc lập thống nhất đất nước, hạnh phúc tự do cho nhân dân, cha ông ta đã phải đánh đổi cả bằng máu và nước mắt, biết bao vị anh hùng đã ngã xuống, hy sinh quyền lợi của cá nhân mình để đổi lấy quyền lợi của cả một dân tộc. Chính vì vậy, thế hệ đi sau cần bằng mọi cách để bảo vệ thành quả ấy, chống lại mọi ý đồ, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đồng thời cần tích cực lao động, học tập để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh sánh vai được với các cường quốc trên thế giới.

    Như lời của Bác Hồ – vĩ cha già kính yêu, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong bức thư gửi các trường học trong buổi khai giảng đầu tiên đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các cháu”. Câu nói của Bác giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai đất nước. Ngày nay, đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vai trò của lớp thế hệ đi sau ngày càng quan trọng nó quyết định vận mệnh của đất nước.

    Câu tục ngữ như một lời dạy quý báu của ông cha ta gửi đến thế hệ đi sau hãy biết gìn giữ những thành quả của lớp người đi trước đồng thời hãy phấn đấu, cố gắng hết mình trong công cuộc xây dựng đất nước để đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, phồn thịnh hơn.

      bởi ミ★Bạch Kudo★彡 22/02/2019
    Like (1) Báo cáo sai phạm
  • Đối với tôi, trên đời này tình cảm cao cả và thiêng liêng nhất chính là tình cảm gia đìình. Tình cảm ấy luôn nhắc nhở cá nhân tôi cũng như tất cả các bạn, phận làm con phải có trách nhiệm với gia đình. Trách nhiệm có nghĩa là mỗi người cần phải ý thức tự giác làm những gì mình được giao và những gì người khác muốn mình làm, cụ thể ở đây chính là cha mẹ. Đó là bổn phận mà con cái phải hoàn thành, đây cũng chính là đạo làm con từ xưa đến nay. Mỗi con người cần phải xác định rõ và thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Bởi trên thế gian này, không có tình thương yêu nào sánh bằng tình thương yêu của cha mẹ dành cho con. Nó lớn lao như núi cao biển rộng. Vì thế, mỗi người con đều phải có trách nhiệm làm tròn chữ hiếu để không phụ lòng cha mẹ. Vậy phận làm con chúng ta phải làm gì để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình? Bổn phận lớn nhất của con cái là phải biết vâng lời cha mẹ, nghe theo những lời hay lẽ phải của cha mẹ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải học tập thật tốt để có thể xây dựng một tương lai tươi đẹp cho bản thân, không phụ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Ngoài ra còn phải biết tránh xa những thói hư tật xấu của xã hội và rèn luyện những đức tính tốt đẹp cho bản thân như cư xử đúng mực với những người xung quanh, nhất là người lớn, yêu thương và tôn trọng mọi người, không xa hoa đua đòi.. Và quan trọng hơn hết, chúng ta phải biết quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ từ những việc nhỏ nhất. Đó là tất cả những gì mà một người con phải có trách nhiệm thực hiện để làm tròn chữ hiếu của mình. Người phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, đặc biệt xem trọng chữ hiếu. Trong mười bốn điều dạy của Phật cũng có nói rằng: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”. Hiếu là nền tảng của đạo lý và luân thường của con người, vì thế ai mà không đối xử tốt với cha mẹ và người thân của mình thì sẽ bị xã hội lên án. Hiếu với cha mẹ không những chỉ cốt giữ được lòng kính mến là đủ mà còn làm cho cha mẹ vui lòng. Cha mẹ là người sinh ra con cái, và có một kỳ vọng lớn lao vào con cái, con cái hạnh phúc, cha mẹ hạnh phúc. Vì vậy hiếu thảo với cha mẹ là mội nền tảng của tình yêu thương trong xã hội chúng ta. Con cái dù có thành công hay thất bại, gia đình vẫn là mái ấm duy nhất luôn cùng con trên bước đường đời. Trong thực tế có rất nhiều đứa con không có trách nhiệm với gia đình, cha mẹ. Họ chỉ biết quan tâm đến bản thân, vui chơi mà không hề nghĩ đến cha mẹ đang ngày đêm lao động, đổ mồ hôi nước mắt để cho con một cuộc sống ấm êm, sung sướng. Có phút giây bất chợt nào đó, những người con chợt nghĩ ra rằng mình vẫn còn một người mẹ, một người cha sống trên cõi đời này không? Nếu sau này cha mẹ mất đi mà có hối tiếc thì cũng đã muộn mất rồi. Mọi người con đều phải sống có trách nhiệm với gia đình của mình, nhất là khi còn có cha mẹ để yêu thương, để làm chỗ dựa cho mình những khi vấp ngã trong đời. Tình cảm gia đình là một dòng suối ấm áp, hiền hòa nuôi dưỡng tâm hồn ta, giúp ta có thể đứng vững trên đường đời đầy chông gai, thử thách. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy sống thật có trách nhiệm với cha mẹ, không bao giờ làm cha mẹ buồn lòng để không phải hối hận khi họ đã mãi mãi ra đi.

     

      bởi Lê Trần Khả Hân 22/08/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF