YOMEDIA
NONE

Bầu ơi thương lấy

giải thích câu tục ngữ bầu ơi thương lấy bí cùng

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (3)

  • Bài làm

    Các nhà nghiên cứu văn chương truyền khẩu đều cho rằng, tục ngữ là kho tàng trí tuệ, đúc kết kinh nghiệm sống của tổ tiên bao đời, còn ca dao chính là những khúc hát ru, câu hát trữ tình phong phú nhất của dân tộc. Con người có bao nhiêu hoàn cảnh sống là có bấy nhiêu hoặc hơn nữa là bài ca dao. Lao động mệt nhọc ư? Đã có những khúc hát hò dô, hát ví, hát đối... Công cha nghĩa mẹ? Không thiếu! Không thiếu trong biểu đạt tình cảm riêng tư và không thiếu trong cả tình thương của cộng đồng người khác màu da, chủng tộc trên cùng một vùng đất. Không lúc nào chúng ta không nghe điệp khúc:

    Bầu ơi thương lấy bí cùng

    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

    Về nghĩa đen thì hai câu ca dao không có lấy một từ Hán Việt. Bầu, thương, bí, giốn, giàn là những từ gợi hình giữ nhiệm vụ chính cũng không xa lạ gì với người đọc. Bầu bí là hai loại thực vật khác nhau về cây, lá, trái nhưng cùng họ dây leo nên những người miền quê thường gọi là dây bầu, bây bí. Khác với dưa hấu, bí ngô... bò sát đất, bầu và bí cùng phát triển trên cái giàn làm bằng thân, cành cây tre, gồm những chiếc cột và những nức thang gác ngang tạo thành những ô vuông nhỏ. Dù đơn so hay vững chắc, thấp hay cao thì mặt giàn cũng phải cách mặt đất để khoảng trống cho trái bầu, trái bí treo lủng lẳng, đong đưa. Như vậy, dù gốc chúng có khác nhau nhưng xét cho cùng cả bầu lẫn bí kêu gọi thương yêu nhau cũng là lẽ thường tình.

    Đứng lẻ loi, một mình thì bầu, bí là những phần tử mang tính hiển ngôn. Nhưng khi có động từ thương tham dự vào thì chúng còn mang đặc tính hàm ngôn. Bầu, bí trong câu ca dao tượng trưng cho các dân tộc cùng sống chung một giàn, chung một quê hương, tô quốc.

    Tìm về cội nguồn dân tộc trong kho tàng truyện thần thoại, truyện cổ tích. Chúng ta càng hiểu rõ hơn nghĩa của hai câu ca dao trên. Cuộc tình của cha mẹ thuở ua tuy là khác giống nhưng đã nảy sinh trên vùng đất Lạc Việt. Lạc Long Quân nòi Rồng sống dưới biển, Âu Cơ thuộc dòng dõi Thần Nông sống ở trên núi, vì đem lòng thương yêu nhau nên đã cùng nhau chung sống. Hai người sinh ra trăm con, sau này chia năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi người con theo mẹ lên ngàn, chia nhau cai quản mỗi người một phương, cùng hứa hẹn lúc cần sự giúp đỡ thì tìm đến nhau.

    Truyện cổ của người Bana cũng mang ý nghĩa tương tự. Người cha đã giận đứa con út vô tình nên đuổi anh ta ra khỏi nhà. Người anh vội vàng vào rừng báo cho vợ và em biết. Nàng vào rừng sau, núi cao tìm gặp chồng. Họ cùng phá nương rẫy xây dựng buôn làng để thành người Bana. Còn người anh vẫn ở cùng cha ở miền đồng bằng rồi trở thành người Kinh.

    Qua hai truyện cổ tích trêm xem ra các dân tộc trên dải đất hình chữ S này không chỉ cùng giản mà cùng gốc, nhưng vì hoàn cảnh nên phải sống xa nhau và theo hình thể bên ngoài, phong cách sống cũng biến đổi dần theo công việc, theo phong thổ.

    Giờ đây, trên vùng đất được xem như cái bao lơn trông ra Thái Bình Dương này tập hợp trên sáu mươi sắc dân: Tày, Dao, Nùng, Mường, Thái, K''Hor... làm phong phú thêm sắc thái của người dân Việt.

    Phải công nhận rằng, tổ tiên ông cha ta đã sớm nhận ra tâm lí thường ngày của con người trong cuộc sống, đời sống riêng tư của mọi người, của gia đình, của các dòng họ nhiều lúc làm con người quên mất việc quan tâm đến cuộc sống của người khác. Con người chỉ biết vun vén, xây dựng hạnh phúc riêng nên quên mất hạnh phúc chung, quên mất tình thương đối với những người cùng chung đất nước đang lâm vào cảnh ngặt ngèo đói cơm thiếu áo bởi bạn binh đao, bởi thiên nhiên khắc nghiệt...

    Quá khứ giúp chúng ta nhận ra rằng dân tộc chúng ta luôn bị nạn ngoại xâm đe dọa. Mỗi lần quân giặc tràn qua, người dân vùng biên giới lại chịu cảnh nhà tan cửa nát. Vì họ ở tuyến đầu nên phải cầm gươm súng chống lại giặc, chẳng có thì giờ để cầm cuốc cầm cày đi vào xí nghiệp... Nơi nào có bóng dánh của chiến tranh thì nơi ấy chịu cảnh tiêu điều, tang thương. Từ thuở Hùng Vương dựng nước đến nay đã bao lần người dân ở vùng biên giới phương Bắc lại lâm vào cảnh đói cơm, thiếu áo. Từ cậu bé làng Gióng cưỡi ngựa sắt xông ra trận chống lại giặc Ân, Hai Bà Trưng cất quân chống lại nhà Đông Hán, rồi Lê Hoàn, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hồ Chí Minh... và ngay cả vào năm 1979 khi súng vừa im ở biên giới Tây Nam thì đạn lại nổ ở chân trời phía Bắc. Những làng mạc cận kề biên giới Camphuchia từ Quảng Tín đến Hà Tiên đã làm mồi cho ngọn lửa tàn bạo của bè lũ Pôn Pốt. Thành phố, làng mạc chạy dọc theo biên giới sau tỉnh miền Bắc bị đốt cháy, nghiền nát bở đại bác và xe tăng chẳng khác gì cảnh đổ nát tang thương của những năm tháng chống Minh, Nguyên, Thanh xâm lược.

    Những lúc vận mệnh của đât nước lâm vào cảnh nguy khốn ấy thì lại xuất hiện bọn gian bán nước cầu vinh như Nguyễn Trãi dã tường trình trong tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo, hay cụ Phan Bội Châu đã nhận định:

    Sống trong nước mỗi người mỗi khác

    Vốn cùng nhau xung khắc bất hòa

    Nhưng là ta lại hai ta

    Cầu thân dị chúng mà xa đồng bào

    Nhưng nếu số ít người phản bội ấy cũng không thể triệu triệu triệu đồng bào đồng thanh kêu gọi:

    Bầu ơi thương lấy bí cùng

    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

    Tình thương đã tỏ ta thì mọi người đoàn kết lại, ngọn lửa căm hờn sôi sục tạo nên sức mạnh thiêu sạch quân thù!

    Chúng ta cũng cần nhớ đất nước thân yêu ở vào vùng nhiệt đới, kéo dài gần hai ngàn cây số theo đường chim bay, địa thế thuận lợi giao thương nhưng luôn luôn bị đe dọa bởi các thiên tai. Truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh luôn là bài học cảnh giác. Cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều phải hứng chịu bão lụt, nhất là người miền Trung hứng chịu nhiều nhất, sau đó là Miền Bắc và Miền Nam. Miền Bắc có thuận lợi là có lưu vực sông Hồng đất đai màu mỡ, còn miền Nam có vùng châu thổ sông Cửu Long, có những cánh đồng sải cánh cò bay, cá tôm phong phú, vùng duyên hải vừa có đồng ruộng vừa phong phú hải sản thì cũng có những vùng:

    Quê hương anh nước mặn đồng chua

    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

    Đất nghèo chất dinh dưỡng, bão lụt, hạn hán thường xuyên ập đến khiến đất ở đây trở nên mặn, nhiều phèn và phải chịu cuộc sống cay đắng. Người dân ở vùng đất này cày lên sỏi đá phải dốc hết sức lực nhưng cái đói vẫn đeo đẳng không chịu buông tha. Tổ tiên của chúng ta đã không quên đồng bào ở những vùng đất ấy. Mỗi lần thiên tai ập đến là mỗi lần có lời kêu gọi thiết tha vang lên:

    Nhiều điều phủ lấy giá gương

    Người trong một nước phải thương nhau cùng

    Mưa đá, gió lốc ở Cao Bắc Lạng, bão lụt từ Hà Tĩnh - Quảng Nam, nước ngập ở vùng Đồng Tháp, Hậu Giang và mới đây vùng Phú Yên mất trắng cây hoa màu vì thiên tai. Và lời kêu gọi vang lên nhắc nhở mọi người đừng quyên tinh thần tương trợ.

    Bất cứ thời đại nào, người Việt dù sống ở nơi đâu, mỗi khi biết đồng bào gặp những hoàn cảnh khó khăn thì họ lại hát lên câu:

    Bầu ơi thương lấy bí cùng

    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

    có tự bao giờ.

      bởi Mạnh Nguyễn Đức 07/09/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết ra biết bao bài học hay và sâu sắc như bài học về lòng hiếu thảo, sự kiên trì, lòng dũng cảm,..và một trong số đó chính là tinh thần đoàn kết, sẻ chia. Có thể nói, dân tộc ta là một dân tộc giàu truyền thống thương thân, thương ái, lịch sử hàng nghìn năm qua đã chứng minh cho câu tục ngữ của thế hệ trước “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

    Có lẽ, mỗi chúng ta, ai cũng đã từng nghe đến hai loại quả “bầu” và “bí” , đó là hai thứ khá quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt Nam. Cả hai loại quả này đều thuộc dạng cây leo, sống trên giàn. Ở đây, ‘chung một giàn” tức là chúng được người nông dân đem trồng chung trên một giàn cây. Vượt ra khỏi tầng nghĩa ấy, “bầu” và “bí” có thể hiểu là những con người với những hoàn cảnh khác nhau, đến từ những nơi khác nhau, không cùng chung nòi giống, dòng máu,..Hai câu ca dao ngắn gọn nhưng giống như một lời đề nghị tha thiết, chân thành của những người bạn gắn bó sâu sắc, “tuy rằng khác giống” tuy không cùng bản sắc nhưng “chung một giàn” tức là cùng sống trong một tập thể, một xã hội thì hãy “thương” lấy nhau hay chính là giúp đỡ, sẻ chia, đùm bọc nhau cùng vượt qua khó khăn, thử thách, cùng tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc.

    Khi ta sống trong một tập thể, một gia đình, một đất nước,..thì mọi con người trong tập thể ấy đều phải có cùng chí hướng, cùng lý tưởng để đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu. Muốn vậy thì bất cứ ai bên cạnh việc ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình thì cũng phải ý thức được một điều quan trọng không kém, đó chính là tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, sẻ chia lẫn nhau. Nó chính là chiếc chìa khóa để ta có thể vượt qua bất kỳ khó khăn, gian nan, thử thách nào. Có thể thấy rất rõ, mỗi khi Tổ Quốc lâm vào hoàn cảnh gian nan, tinh thần ấy lại sôi sục, cuộn trào lên mạnh mẽ. Trong thời chiến, nhân dân ta đã góp gạo, xây dựng chiến lũy , đồng lòng cùng chiến sĩ đánh giặc, bảo vệ đất nước. Ngày nay, trước mỗi hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhân dân ta lại cùng nhau tổ chức các chương trình, xây dựng quỹ từ thiện để giúp đỡ một phần hoàn cảnh những mảnh đời bất hạnh.

    Một con người không thể tự mình vượt qua bao khó khăn, thử thách mà cuộc đời đặt ra, trong hoàn cảnh ấy, bất cứ ai cũng sẽ cần một bàn tay nắm lấy mình, cùng mình vượt qua. Khi ta nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia, ta sẽ như có thêm sức mạnh để thực hiện được mục đích của mình, ta có thêm sự tự tin để thể hiện bản thân. Chắc hẳn, sẽ khó có ai mà quên được kỳ tích U23 Châu Á vừa qua, những chàng “dũng sĩ” đã đem lại niềm vui, làm dạng ranh dân tộc. Để làm nên kỳ tích ấy, bên cạnh sự quyết tâm, tin tưởng, dũng cảm chiến đấu hết mình, thì không thể không kể đến tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, vượt qua những giờ phút gian nan, khắc nghiệt để đi đến thành công. Sẽ chẳng có một ngôi sao nào tỏa sáng trên đất Thường Châu ngày ấy nếu không có những ngôi sao khác cùng nhau thắp lên, cùng nhau hỗ trợ cho ngôi sao ấy sáng rực rỡ. Đúng hư câu nói “Đoàn kết là sức mạnh”, mỗi một ngọn lửa sức mạnh nhỏ kết lại với nhau sẽ thành một ngọn đuốc rực cháy với sức mạnh phi thường, và chính lịch sử dân tộc từ xưa đến nay đã cho thấy điều đó.

    Ngoài ra, hơn tất cả, cuộc sống này vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn cần đến sự giúp đỡ, sẻ chia. Có những người sinh ra đã thiệt thòi, không được may mắn như những người khác, vậy nên, một tấm lòng, một tình yêu thương, một sự giúp đỡ sẽ là ngọn lửa để họ sưởi ấm, lấp đầy trái tim lạnh giá, thiếu thốn này. Hãy cho đi và ta sẽ nhận lại xứng đáng. Thế hệ chúng ta hôm nay, cần giữ gìn và phát huy tinh thần thương thân thương ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau bằng cách luôn mở lòng, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo để phân biệt được cái đúng cái sai, cái thật cái giả. Tránh ngông cuồng, cổ xúy cho những hiện tượng mà đi ngược lại với quy luật đất nước, không nên sống vô cảm, thờ ơ, ích kỷ. Những con người như vậy sẽ vĩnh viễn chẳng thể nào có được tình yêu thương, sự sẻ chia từ những người xung quanh.

    Cây có một chiếc lá thì không thể gọi là cây, nhưng nhiều chiếc lá thì có thể sẽ thay đổi được kết quả. Dù những chiếc là gặp gỡ nhau có là lá lành hay lá rách, thì khi tụ chung lại, chúng vẫn cùng ở trên một chiếc cây, cùng mang lại màu xanh, mang lại sức sống cho cây. Vậy thì bạn sẽ chọn là chiếc lá duy nhất hay sẽ chọn là một chiếc lá bất kì trong vô vàn chiếc lá khác?

      bởi Lê Trần Khả Hân 19/08/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Trái bầu xanh, trái bí xanh, theo gió trong lành cất tiếng hát vui chung. Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn… Câu ca dao xưa đã thành bài hát ngân nga khắp nơi nơi như một lời nhắn nhủ những người dân nước Việt hãy giữ vững truyền thống thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống.

    Bầu và bí là hai giống cây khác nhau nhưng thường được người nông dân trồng chung trên một rẻo đất ở bờ ao, góc vườn; thường leo chung trên một giàn. Vì thế bầu và bí trở nên gần gũi, thân thiết. Cùng chung một điều kiện sống, cùng chung số phận, cho nên bầu và bí đừng vì lí do nào đó mà xa rời nhau. Bầu chớ chê bí xấu hơn bầu, bí cũng chớ vì hoa bí thì vàng còn hoa bầu thì trắng, quả bí thì dài, quả bầu thì tròn để rồi ganh ghét, xa lánh nhau.
    Vì sao vậy? Bầu và bi tuy hai giống khác nhau nhưng cùng chung một họ. Mưa thuận gió hoà, bầu bí chung hưởng. Gặp khi nắng hạn, bầu bi cùng chịu đựng. Nếu chẳng may gặp cơn gió bão, thân bí giập, quả bí rụng, có lẽ nào bầu một mình tươi tốt như xưa?

     

    Câu ca dao mượn chuyện bầu bí để nói chuyện con người, chuyện cuộc đời. Ông cha ta đã cho con cháu một lời khuyên chân thành, kín đáo mà thiết tha, tế nhị.

    Sống ở trên đời, không ai giống ai. Mỗi người có một nguồn gốc, hoàn cảnh, điều kiện sống riêng. Tuy vậy, mọi người vẫn có những chỗ giống nhau. Anh em ruột thịt có chung cha mẹ. Bạn bè cùng lứa chung trường, chung lớp, chung thầy cô, chung sách vở. Hàng xóm láng giềng chung đường đi lối lại. Dù có khác nhau về điều kiện làm ăn, về lứa tuổi, ngành nghề, nhưng tất cả đều chung quê hương, đất nước.

    Những cảnh ngộ chung, những nét giống nhau đã làm nên mối quan hệ ràng buộc, gắn bó, là cơ sở để gần gũi, cảm thông, Và chính vì cái chung ấy mà mỗi người phải biết thương yêu đùm bọc, nhường nhịn sẻ chia để công việc chung được tốt đẹp, cảnh ngộ chung được cải thiện, hạnh phúc chung được giữ vững. Không ai có thể sống riêng lẻ, tách biệt vì tình thưong làm cho con người gắn bó với nhau hơn và cuộc sống của mỗi người sẽ tốt đẹp hơn.

    Trong những thời kì nước ta bị ngoại bang xâm lược, nhân dân Việt Nam dẫu có người sang, kẻ hèn; người giàu, kẻ nghèo; người hạnh phúc, kẻ bất hạnh… nhưng tất cả đều chung nỗi khổ mất nước, nỗi nhục nô lệ, chung một mong ước độc lập, tự do. Chính vì vậy mà mọi người đã thương yêu, đoàn kết lại thành một khối để chống quận cướp nước. Đó là nhu cầu tình cảm tự nhiên và cũng là điều kiện sống còn trước những hiểm hoạ đe doạ vận mệnh của đất nước, dân tộc.

    Dân tộc ta chủ yếu sống bằng nghề nông. Trong sản xuất, thời tiết và điều kiện tự nhiên ảnh hựởng rất nhiều đến kết quả thu hoạch. Nếu mọi người không chung sức đắp đê chống lụt, trồng rừng ngăn lũ thì khó có thể bảo vệ được mùa màng và thành quả lao động phải vất vả một nắng hai sương mới làm ra được. Trong điều kiện sống khắc nghiệt, nếu không biết nương tựa vào nhau thi làm sao tồn tại nổi? Mối quan hệ chặt chẽ đã làm cho tinh thương nảy nở và người Việt Nam đã coi đó là truyền thống quý báu tự bao đời.

    Ca dao Việt Nam còn có câu:

    Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
    Người trong một nước thì thương nhau cùng.

    Cho dù cuộc sống ngày càng thay đổi, con người hiện đại chú ý nhiều đến quyền lợi cá nhân nhưng truyền thống đoàn kết và lòng nhân ái của dân tộc ta vẫn có giá trị trường tồn.

      bởi Huất Lộc 12/03/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF