YOMEDIA
NONE

Phân tích bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu.

Phân tích bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • I. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Trước sự kiện đó Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc. Đây là bài thơ ân tình cách mạng, gọi lại những kỉ niệm thân thiết và vẻ đẹp của Việt Bắc từ ngày đầu gian khổ chắt chiu xây dựng căn cứ địa cách mạng cho đến khi kháng chiến thắng lợi. Bài thơ kết cấu theo lối hát giao duyên đối đáp nam nữ nhưng lại thể hiện những ân tình cách mạng, và vì thế bài thơ như một chất men say ngấm sâu vào lòng người, trở nên gần gũi, đằm thắm hơn với những cung bậc lan toả của nó.

    II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.

    Mở đầu bài thơ là những lời phảng phất phong vị ca dao, tái hiện cảnh tiễn đưa đầy dùng dằng, quyến luyến:

    Mình về mình có nhớ ta
    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
    Mình về mình có nhớ không
    Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn.

    Con người đang đứng trước một cuộc biệt li nên câu thơ cũng nhuốm màu li biệt. Tác giả đặt đại từ “mình” và “ta” ở hai đầu câu thơ tạo cảm giác xa xôi, cách biệt, ở giữa là tâm trạng băn khoăn của người ở lại: không biết bạn có còn thuỷ chung trước bao đổi thay và cám dỗ của cuộc sống mới. Lòng ngập tràn nhớ thương, người ở lại không nén được lòng mình đã đưa ra những câu hỏi dồn dập: mình có nhớ ta, mình có nhớ không ? …càng làm cho người ra đi thêm lưu luyến, cứ vang lên như một niềm khắc khoải khôn nguôi. Không chỉ đưa ra những câu hỏi, người Việt Bắc còn nhắc lại khoảng thời gian mười lăm năm gắn bó thiết tha. Mới đọc ta bắt gặp tứ thơ quen thuộc từ ca dao tình yêu nam nữ kiểu như: Mình về có nhớ ta chăng, Ta về ta nhớ hàm răng mình cười … trong đó người tình chỉ nhắc đến kỉ niệm mười lăm năm ấy. Nhưng đến cặp lục bát tiếp theo thì nó không còn là tình yêu nữa mà được thay thế bằng tình yêu thương gắn bó với với mảnh đất quê hương Việt Bắc. Nhớ núi, nhớ rừng thực chất là nhớ ngọn nguồn của cách mạng.
    Bốn câu thơ đầu tạo thành hai câu hỏi rất khéo mà mỗi câu hỏi về một khía cạnh khác nhau: thời gian và không gian gói gọn một thời cách mạng, một vùng cách mạng.

    Trước tâm trạng, nỗi niềm bộc bạch của kẻ ở, người đi im lặng lắng nghe:

    Tiếng ai tha thiết bên cồn
    Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

    Người ra đi im lặng là để tri âm, để tiếng ai từ từ ngân vang lắng sâu vào hồn mình cho thật vẹn tròn, đầy đủ. Lặng im nhưng vẫn không kém phần mãnh liệt. Người ở lại nói thiết tha, người đi nghe thiết tha, sự hô ứng ngôn từ này tạo sự đồng vọng trong lòng người. Nhịp thơ lục bát đang đều đặn, nhịp nhàng đến đây như cũng vì chút bối rối ấy trong lòng người mà thay đổi:

    Áo chàm đưa buổi phân li
    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.

    Trong thời khắc chia tay sau một khoảng thời gian dài gắn bó, có biết bao nhiêu kỉ niệm ngọt bùi, sâu nặng, có nhiều điều để nói nhưng khong thể nói đủ, nói trọn vẹn cùng nhau. Vì thế lòng người cũng bâng khuâng, bước chân cũng bồn chồn, và mặc dù người đi không trực tiếp trả lời câu hỏi của người ở lại nhưng hình ảnh áo chàm và hành động cầm tay nhau im lặng đó trả lời thay tất cả, nó chất chứa cả bề sâu cảm xúc của cả người đi và kẻ ở.

    Bao trùm lên tất cả trong tâm trạng của kẻ ở và người đi là nỗi nhớ da diết mêng mang với nhiều sắc thái khác nhau. Người ở lại băn khoăn tự hỏi về lòng thuỷ chung son sắt của người ra đi thì ngược lại người ra đi khẳng định nghĩa tình mãi không phai nhòa trong kí ức. Và cứ thế Việt Bắc hiện lên trong hoài niệm thật sinh động và cụ thể.

    Nhớ đến Việt Bắc là nhớ đến những tháng ngày gian khổ hi sinh: Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù, khó khăn nhiều, gian khổ cũng lắm nhưng cán bộ và đồng bào đồng cam cộng khổ, cùng có mối thù sâu nặng với quân xâm lược: Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai. Đồng thời nhớ đến Việt Bắc cũng là nhớ đến những nghĩa tình đồng bào sâu nặng. Người về khiến núi rừng cũng trở nên trống vắng, ngẩn ngơ, các điệp từ mình về, mình đi được nhắc đi nhắc lại một cách tha thiết khiến cho không gian, thời gian Việt Bắc hiện ra từ trong khói sương của hoài niệm, của tâm trạng chất chứa nhớ nhung trở nên rõ nét và rõ tình hơn.Đại từ “ai” phiếm chỉ được sử dụng để như hỏi vào sự trống vắng nay mai của lòng mình. Với thủ pháp đối lập giữa một bên là lau xám với lòng son, giữa hắt hiu và đậm đà, người ở nhấn mạnh sắc độ của nỗi nhớ. Người ở lại còn bày tở nõi lo âu, dự cảm : Mình về mình lại nhớ mình. Ba chữ mình được dùng liên tiếp trong một dòng thơ làm cho ý thơ trở nên đa nghĩa một cách thú vị. Mình ở đây là tôi, là chủ thể của nỗi nhớ, và mình cũng có thể là khách thể của nỗi nhớ. Và biết đâu đó đây lại là lới nhắc nhở người đi liệu rồi có còn nhớ chính bản thân mình. Cả người đi và kẻ ở đều được gói gọn trong một chữ mình tha thiết. Và nói gì đi nữa cả ta và mình đều là những người kháng chiến, đều là cách mạng nên khong tách rời nhau là lẽ dĩ nhiên, là điều dễ hiểu.

    Đáp lại những băn khoăn của người ở lại, người ra đi khẳng định một điều đinh ninh tình nghĩa của mình vẫn còn sâu nặng, dẫu có thế nào thì sự keo sơn, gắn bó bền chặt vẫn không phai nhạt theo thời gian:

    Ta với mình, mình với ta
    Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh.

    Và cụ thể hơn nữa, người ra đi khặng định: Mình đi mình lại nhớ mình và nghĩa tình mãi dạt dào không bao giờ khô cạn:

    Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu.

    Sự gắn bó sâu nặng với Việt Bắc đã làm cho cảnh Việt Bắc tái hiện trong nỗi nhớ của người về xuôi đã đẹp lại càng trở nên đẹp hơn, càng trở nên lung linh huyền ảo. Nỗi nhớ trong lòng người đi day dứt, thiết tha đến độ cồn cào, ám ảnh như nhớ người yêu. Lấy nỗi nhớ trong tình yêu lứa đôi để đo nỗi nhớ về ngọn nguồn kháng chiến, về nghĩa tình cách mạng, đó là một sáng tạo của hồn thơ Tố Hữu.
    Và cũng chính từ sự gắn bó và nỗi nhớ thương da diết đó, thiên nhiên Việt Bắc mới hiện lên đẹp lộng lẫy như một bức tranh tứ bình về bốn mùa với những nét đặc trưng của Việt Bắc:

    Ta về mình có nhớ ta
    Ta về ta nhớ những hoa cùng người
    Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
    Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
    Ngày xuân mơ nở trắng rừng
    Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
    Ve kêu rừng phách đổ vàng
    Nhớ cô em gái hái măng một mình
    Rừng thu trăng rọi hoà bình
    Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

    Trong bề bộn của kí ức và hoài niệm, bức tranh sáng đẹp về Việt Bắc hiện lên trong nỗi nhớ của người về xuôi như một dấu son tươi nguyên những kỉ niệm.
    Và trong bức tranh thiên nhiên sống động, bừng sáng đó có sự xuất hiện của con người đang cần mẫn lao động: chuốt từng sợ giang, hái măng một mình giữa rừng vàng. Nhưng có lẽ để lại ấn tượng nhất là tiếng hát ân tình thuỷ chung của con người Việt Bắc. Nó vượt qua trập trùng núi rừng, băng qua mênh mông biển cả của thời gian mà vướng vít bước chân người ra đi. Điệp từ nhớ được lặp lại nhiều lần như khiến cả đoạn thơ bao trùm một tình cảm nhớ thương tha thiết.
    Nhớ về Việt Bắc là nhớ cảnh nhớ người, nhưng quan trọng hơn là nhớ về cuộc kháng chiến, một Việt Bắc trong kháng chiến thật hào hùng.

    Nhớ khi giặc đến giặc lùng
    Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây
    Núi giăng thành luỹ sắt dày
    Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
    Mênh mông bốn mặt sương mù
    Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
    Quân đi điệp điệp trùng trùng
    ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
    Dân quân đỏ đước từng đoàn
    Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
    Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
    Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

    Tiết tấu ngân nga, dìu dặt như lời ru đến đây được tác giả phá vỡ để tạo ra một kết cấu khác phi đối xứng làm giọng thơ trở nên gắt, mạnh, dồn dập như âm hưởng bước hành quân vũ bão. Hệ thống từ vựng mở căng cường độ diễn tả, hình ảnh kì vĩ, ý thơ phóng xa vào viễn cảnh … tất cả tạo nên một bức tranh sử thi hoành tráng để ca ngợi sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của nhân dân anh hùng. Miêu tả cảnh hành quân, nhà thơ sử dụng cụm từ “điệp điệp, trùng trùng” thật chính xác. Còn từ ngữ nào để diễn đạt sức mạnh của đoàn binh tràn đầy nhiệt huyết hơn những từ ấy ? Nó vừa diễn tả vẻ đẹp hùng dũng bên ngoài lại vừa miêu tả sức mạnh quật cường bên trong. Trong những con người hiên ngang ấy, họ không chỉ biết làm bạn với khói lửa đạn bom mà họ còn đôi lúc thả hồn theo trăng sao. Sự hài hoà giữa sự dữ dội và vẻ đẹp lãng mạn đã làm nên sự chói sáng trong tâm hồn người lính. Hình ảnh ánh sao đầu núi mặc dù không mới (Đầu súng trăng treo – Đồng chí – Chính Hữu) nhưng vẫn có sức lay động kì lạ cái phần hồn dân tộc trong mỗi con người Việt Nam.

    Và bài thơ khép lại bằng lời khẳng định Việt Bắc mãi là cái nôi, là quê hương của phong trào cách mạng, nơi đặt niềm tin tưởng và hi vọng của người Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc, đặc biệt là những nơi còn u ám quân thù.

    III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ.

    Việt Bắc là bài thơ tiêu biểu nhất của hồn thơ Tố Hữu viết về nghĩa tình cách mạng. Bài thơ không chỉ là lời chia tay dạt dào xúc cảm mà còn là lời khẳng định đinh ninh sự thuỷ chung son sắt của những người cách mạng, là khúc ca bất tận của tình nghĩa được viết với giọng điệu vừa trữ tình ngọt ngào, vừa sôi nổi thiết tha, trong sáng.

      bởi thu thủy 09/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON