YOMEDIA
NONE

"Ở đời không có bước đường cùng chỉ có những ranh giới điều quan trọng là có đủ sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy"?

"Ở đời không có bước đường cùng chỉ có những ranh giới điều quan trọng là có đủ sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy"?

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (2)

  • Triết lý nhà phật có nhắc đến cái gọi là thuyết luân hồi: Một con người, sự vật chết đi sẽ hóa thân, chuyển kiếp sang một kiếp sống mới, dưới một hình hài mới. Bản thân tôi không hoàn toàn tin vào nó, tôi cảm nhận được nó dưới một khía cạnh khác. Đọc “Mùa lạc” của Nguyễn Khải tôi nhận ra được một điều đó: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”

    Sự sống ở đây, theo tôi là những giá trị hiện sinh, đó là sự sống của con người, cỏ cây, chim muông. Đó cũng có thể hiểu là sự sống trong tâm hồn, trong nhận thức. Sự sống và cái chết; hạnh phúc và hy sinh gian khổ là những khái niệm trái ngược nhau, thế nhưng “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ”.

    Tại sao lại như thế? Theo tôi, trước hết là bởi không có gì trường tồn mãi với thời gian, không có cuộc sống, số phận nào là luôn luôn hạnh phúc. Cái chết phải luôn song hành cùng sự sống, có hy sinh gian khổ mới có hạnh phúc. Cuộc sống vốn rất phức điệu và đa chiều. Nó có muôn màu, muôn vẻ thiên hình và vạn trạng.Ông cha ta đã từng khẳng định: “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Đó chính là một dẫn chứng cho ý kiến trên. Không ai cấm, trên xác cây khô kia nảy sinh những mầm xanh, qua mùa đông tàn tạ úa vàng mới đến ngày xuân trăm hoa đua nở. Đó chính là vì “sự sống nảy sinh từ trong cái chết”.

    Ở đây là một câu nói có tính chất khẳng định. Từ trong cái chết – cái tàn tạ, úa vàng sẽ nảy sinh ra sự sống – giá trị hiện sinh. Sự sống ấy dĩ nhiên không thể chung sống, phát triển trong môi trường ấy nhưng đó là nơi nó “nảy sinh”. Bản thân sự vật luôn biến đổi không ngừng nghỉ, ẩn đằng sau - tận bên trong cái khô héo không ai ngăn trở được những biến đổi vận động không ngừng để nảy sinh ra sự sống. Ai biết được, những hạt lúa đã được phơi khô kia cấy xuống nước lại có thể mọc ra cây lúa xanh tươi. Tôi lại chợt nhớ đến bài kệ của một bậc thiền sư thời Lý căn dặn học trò trước lúc ra đi.

    Xuân khứ bách hoa lạc

    Xuân đáo bách hoa khai

    Sự trục nhãn tiền quá

    Lão tòng đầu thượng lai

    Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

    Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

    Dịch thơ

    Xuân đi trăm hoa rụng

    Xuân đến trăm hoa cười

    Trước mắt việc đi mãi

    Sau lưng già đến rồi

    Ai bảo xuân tàn hoa rụng hết

    Đêm qua sân trước một cành mai

    (Mãn giác thiền sư)

    Xuân đến và đi là quy luật của tạo hoá. Đó là vòng quay của thời gian. Thế nhưng, trong cái giá rét của đêm đông ấy, trên cái cành khô mà tưởng như hoa đã “lạc tận” – rụng hết ấy vẫn bừng lên vẻ đẹp của “nhất chi mai”. Cái hình ảnh cành mai dẫu đơn độc nhưng thật cứng cỏi ấy như tạc vào đêm tối chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự sống ở giữa cái nơi mà vạn vật tưởng đã úa tàn. Sự sống và cái chết, đau khổ và hạnh phúc, đó chính là một vòng tròn của số phận, của tạo hoá; đó chính là nguyên cớ cho sự nảy sinh – hiện hình.

    Với “Mùa lạc”, Nguyễn Khải cũng đã chứng minh được điều đó. Có ai ngờ đâu trên mảnh đất đầy bom đạn của Điện Biên, nơi từng bị bom thù giày xéo từng tấc đất, tưởng như không một sự sống lại mọc lên một nông trường Điện Biên cây cối tốt tươi, có cả cuộc sống con người với đủ mọi cung bậc cảm xúc.Đối với con người cũng vậy, hạnh phúc hiện hình từ trong hy sinh, gian khổ. Bác Hồ cũng đã từng nói:“Nếu không có cảnh đông tàn Thì sao có cảnh huy hoàng ngày xuân”. Con người từ khi sinh ra, không ai có được quyền hưởng hạnh phúc suốt đời mà không phải chịu sự khổ đau, hi sinh nào. Cũng như, không có ai là suốt đời đau khổ mà không tìm được hạnh phúc. Trong vất vả, đớn đau, hạnh phúc vẫn có thể hiện hình. Một người đã “quá lứa lỡ thì” như Đào, đã từng mất chồng mất con, từng lang bạt tứ xứ tối đến đặt lưng ở đâu là nhà – một con người từng chịu bao nhiêu đau khổ, mặc cảm – cuối cùng cũng tìm được một bến đỗ bình yên nơi nông trường, tìm được một hạnh phúc dẫu muộn màng bên người đội trưởng.

    Phải chăng đó chính là sự hiện hình của hạnh phúc. Hay với “Vợ nhặt” của Kim Lân chẳng hạn. Trong cái nạn đói khủng khiếp từng giết chết hai triệu đồng bào ta, giữa cái không khí dày đặc nỗi ám ảnh về cái chết mà Kim Lân đã dựng rất thành công, người đọc vẫn cảm động biết bao khi bắt gặp hạnh phúc – dẫu mới chớm nở và đang ngập chìm trong nỗi lo toan của Tràng của “Thị” và của bà cụ Tứ. Vâng, trong đau khổ, đói nghèo, kề cận với cái chết hạnh phúc vẫn hiện hình và trở thành nguồn động viên với họ. Không trải qua hy sinh, gian khổ làm sao đòi hỏi được có hạnh phúc. Hạnh phúc – sự sống cứ như được gieo mầm từ trong cái chết – trong gian khổ hy sinh. Đó chính là lý do để thôi thúc tôi không nguôi hy vọng, không thôi chiến đấu vì niềm tin đó. Đó là bởi “ở đời này không có con đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”…

    Vai trò của con người đã được khẳng định: con người phải chiến đấu, luôn luôn chiến đấu để vượt qua ranh giới – ranh giới của sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc và hy sinh, đau khổ. Vâng, ở đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Sự sống, hạnh phúc chưa và sẽ không bao giờ đi đến chỗ tận diệt cả, có chăng đó chỉ là những thử thách, ranh giới đòi hỏi con người phải vượt qua, phải chiến thắng nó. Đó mới là vai trò, sứ mệnh của con người. Vậy, “điều cốt yếu” là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy.

    Giữa sự sống – cái chết, hạnh phúc – khổ đau luôn có những ranh giới. Và chỉ có chúng ta, những con người mới có đủ khả năng vượt qua nó. Mị trong “vợ chồng A Phủ” là một minh chứng về sức mạnh vượt qua những ranh giới của con người.Từ một cô gái xinh đẹp, thổi sáo hay nức tiếng khắp nơi, bị bắt về “cúng trình ma” nhà A Sử, sau khi muốn tự tử mà không được vì thương bố, Mị phải chấp nhận làm dâu - làm con trâu, con ngựa cho nhà thống lý Pá Tra. Bị hành hạ, đối xử tàn tệ, tưởng như Mị đã mất hết sức sống, mất hết ý chí mà trở thành cái xác vô hồn. Nhưng không, trong con người Mị vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt không gì dập tắt nổi. Đó là ngày xuân muộn ở Hồng Ngài, Mị đòi đi chơi xuân (dù sau đó bị A Sử bắt trói vào cột nhà). Đó là ngày tết Mị lén lấy rượu uống từng ngụm lớn. Và tiêu biểu nhất, đỉnh cao của tác phẩm là khi cô cắt dây trói cho A Phủ và xin đi theo. Đó chính là hành động giải thoát cho người khác và cho chính bản thân mình. Tưởng chừng như, sau biết bao hy sinh đau khổ, sự sống, khát khao hạnh phúc trong cô đã bị dập tắt. Nhưng không, nó vẫn cháy âm ỉ thành một sức mạnh giúp cô vượt qua cái ranh giới ấy mà tìm tới hạnh phúc, tìm lại sự sống (và quả thật, tới Phiềng Sa, tìm được ánh sáng của cách mạng Mị và A Phủ đã có cuộc sống đúng nghĩa). Một con người như Mị, tưởng như bị đẩy tới “bước đường cùng” nhưng vẫn đủ sức mạnh để vượt qua. Đó chính là minh chứng: trên đời này không có bước đường cùng mà đó chỉ là ranh giới mà chúng ta phải vượt qua mà thôi. Vậy tại sao, con người lại không đủ dũng khí để tiến bước! Hay như nhân vật Đào của “Mùa lạc”, cảnh ngộ ấy, cuộc đời ấy như bị đẩy tới tột cùng của đau khổ. Có lúc, Đào mặc cảm không dám đón nhận và chiến đấu vì hạnh phúc. Vậy mà sau đó cô cũng nhận thức được, cũng khao khát được hạnh phúc, đón nhận nó. Và cuối cùng, hạnh phúc đã đến với cô, một gia đình hạnh phúc với người yêu cô trên cái nông trường Điện Biên thân yêu. Đó chính là ranh giới và sự vượt qua ranh giới.Trên đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Vâng, và vì thế, đứng trước những ranh giới đó con người phải biết chiến đấu, phải có sức mạnh để vượt qua. Đó chính là điều cốt yếu ! Là con người, hạnh phúc và sự sống không thể chờ đợi ai mang đến cho mình mà phải chiến đấu mà giành lấy và gìn giữ nó. Đứng trước những ranh giới ấy, bản lĩnh con người mới được bộc lộ và phát huy. Không bao giờ được nguôi tắt hi vọng – phải chăng phần nào Nguyễn Khải muốn nhắn gửi với chúng ta điều đó.

    Trong cái chết, trong gian khổ hy sinh vẫn có thể nảy sinh, hiện hình hạnh phúc và sự sống. Xung quanh chúng ta cũng có biết bao tấm gương như vậy. Những học sinh hoàn cảnh khó khăn, mất bố mẹ, gia đình nghèo khó mà vẫn vươn lên học tốt không phải là những tấm gương cho ta học tập sao? Những người thương binh, hy sinh một phần máu thịt cho Tổ quốc, những người không còn sức khoẻ mà vẫn vươn lên làm kinh tế giỏi, những người đó có làm ta khơi lại suy nghĩ? Cuộc sống dường như đã đẩy họ đến bước đường cùng, nhưng họ đã chứng minh cho ta thấy, đó chỉ là những ranh giới và thực tế bằng ý chí, quyết tâm, sức mạnh họ đã vượt qua cái ranh giới khó khăn ấy!.

    Vâng, từ trong cái chết sự sống vẫn hiện hình. Nó thôi thúc ta hy vọng, chiến đấu để vượt qua tất cả. Hạnh phúc, sự sống nảy sinh hiện hình từ trong gian khổ và cái chết mới khiến ta trân trọng biết bao! Vấn đề nhân sinh mà Nguyễn Khải đặt ra trong “Mùa lạc” là rất đáng để suy ngẫm chiêm nghiệm.

    Kết thúc bài viết, tôi lại nhớ đến một bài thơ (cũng của một nhà sư) mà tất cả mọi người trong lớp tôi đều yêu mến. Dường như giữa Nguyễn Khải và Khuông Việt có gì gặp nhau chăng?

    Mộc trung nguyên hữu hoả

    Nguyên hỏa phục hoàn sinh

    Nhược vị mộc vô hoả

    Toàn toại hà do minh

    Tạm dịch:

    Lửa sẵn có trong cây

    Vơi đi chốc lại đầy

    Ví cây không có lửa

    Xát lửa sao bùng ngay.

    Cái “ngọn lửa đầu tiên” thắp sáng lên hy vọng ấy phải chăng đã được Nguyễn Khải đưa vào “Mùa lạc” mà phát triển, bổ sung thành một triết lý mới.

      bởi can tu 20/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Viết về con đường Lỗ Tấn nói: "Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi", Nhà thơ Robert Frost viết: "Trong rừng có nhiều lối đi, và tôi chọn lối đi không có dấu chân người",và trong Mùa lạc Nguyễn Khải đã nhắc đến con đường cùng: "Ở đời này không có con đường đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là có đủ sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy". Có thể nói khác với nhiều nhà văn khi nói đến con đường đời là nói đến sự khai phá, tìm kiếm một phương thức, một lối đi riêng mang dấu ấn cá nhân, thì Nguyễn Khải lại là người đem đến suy tư về những trở ngại, ranh giới gặp trên con đường đời ấy, mà đôi lần nó vẫn bị nhầm tưởng thành con đường không thể bước tiếp - con đường cùng. Câu nói của ông là một triết lý sâu sắc, nó vừa khích lệ, động viên một bộ phận lớn những con người luôn mang trong mình tư tưởng cùng đường khó khăn, cũng mở ra cho những người khác nữa một niềm tin, một ý chí tất thắng để sẵn sàng cho những chặng đường mình sắp đi qua.

    Vậy đường cùng là gì? Một cách đơn giản thì đó là con đường không lối thoát, dẫn đến những ngõ cụt không thể giải quyết, đem đến cho con người sự bất lực, bế tắc và chán nản. Cón "ranh giới" chính là giới hạn phân chia giữa cái này với cái kia, nó có thể hữu hình như ranh giới lãnh thổ, vô hình như ranh giới giữa người với người, giữa sự sống và cái chết, giữa thành công và thất bại,... Và trong đa số các trường hợp theo nghĩa bóng thì ranh giới luôn là một thứ gì đó rất mỏng manh nhưng lại khó có thể vượt qua, quá trình vượt qua nó là cả một thử thách mà yêu cầu con người phải có tính kiên trì nhẫn nại vô cùng. Con đường trong câu nói của Nguyễn Khải chính là đường đời, và mỗi một con người đều có cho mình một lối đi riêng, từ khi thơ bé đến khi trưởng thành, bất kể lúc nào chúng ta cũng đều gặp phải những khó khăn tưởng chừng khó có thể vượt qua được. Khi còn đi học, đó là đống bài tập không lời giải, khi đã lớn lên rồi đó là những ngày tháng chông chênh, thất tình, thất nghiệp, thậm chí đến tiền để ăn một bữa đàng hoàng cũng không có đủ. Đó có phải bước đường cùng không, xin thưa rằng đối với một vài người đó thực sự là khó khăn và bế tắc vô cùng, nhưng xét lại nó đâu phải là con đường cùng, chẳng qua là nội tâm chúng ta tự mặc định nó như thế thôi. Và theo như ý Nguyễn Khải nói, chỉ cần bản thân chúng ta đủ sức mạnh đủ kiên trì thì chắc hẳn rằng khó khăn nào, đường cùng, ngõ cụt nào cũng trở thành một cái ranh giới mà chúng ta có thể vượt qua được, mặc dù có thể nó sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và sự nỗ lực không ngừng nghỉ.

    Như đã nói ở trên, cuộc sống chính là đề toán lô-gíc nhiều bẫy và nhiều câu đố nhất, nhiệm vụ của chúng ta là phải giải ra kết quả của từng câu để có thể bước tiếp đến những chặng tiếp theo. Đặc biệt chúng ta không thể mong một cuộc đời bình phàm trong cái xã hội lắm đổi thay này được, Khổng Tử đã nói: "Ở đời đừng cầu không khó khăn bởi không có khó khăn thì kiêu sa dễ nổi dậy", hay một ý khác cũng có nghĩa tương đồng "Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường". Có thể nói rằng chính những cái chông gai, những cái tưởng như là bước đường cùng ấy lại là sự rèn luyện, giúp con người trở nên mạnh mẽ, cường đại hơn trước cuộc sống, càng trải nghiệm nhiều, con người càng có tri thức có kinh nghiệm, thì có lẽ đến một lúc nào đó họ sẽ không bao giờ còn biết đến khái niệm đường cùng, có chăng chỉ là ranh giới. Như lời Van Gogh đã nói: "Chúng ta càng tiến bước trên đường đời, mọi việc lại càng khó khăn hơn, nhưng chính trong khi chống lại gian khổ mà sức mạnh nội tâm của con tim được hình thành.", bởi suy cho cùng khái niệm đường cùng là xuất phát từ nội tâm yếu mềm của mỗi chúng ta, chỉ khi nó trở nên lớn mạnh thì sẽ chẳng còn thứ gì có thể lay động được nó nữa, và dĩ nhiên việc có một trái tim kiên cường cần phải có thời gian rèn luyện thách thức, những "con đường cùng" chính là bài tập của chúng ta mỗi ngày.

    Câu nói của Nguyễn Khải mục đích chính yếu là muốn thay đổi khái niệm của mỗi chúng ta về con đường cùng, bởi xét thấy khái niệm này luôn khiến người ta chùn bước và sinh ra tính ỷ lại, phó mặc cho số phận. Trái ngược thì khái niệm "ranh giới" lại khiến người ta thấy dễ dàng hơn, bởi trong tiềm thức con người, ranh giới luôn là một cái gì đó mong manh và chỉ cần một bước chân thôi cũng sẽ vượt qua được. Chính sự chuyển đổi câu từ triết lý đã làm cho câu nói của Nguyễn Khải có sức thuyết phục và hấp dẫn đối với đa số người đọc. Đó là một lời khuyên chân thành đối với những con người còn bi quan, chán nản về cuộc đời, những con người có nội tâm yếu đuối, chúng ta đừng bao giờ chán nản và buông xuôi bất kỳ điều gì, bởi phàm là việc gì khi bắt đầu ta cũng thấy khó khăn nhưng khi đã đi được bước thứ nhất, thứ hai ta lại thấy rằng hóa ra nó chẳng khó như ta nghĩ. Điều ấy giống như một sinh viên bắt đầu một luận văn tốt nghiệp, họ phải bắt đầu với một đề tài mà họ chưa thấy bao giờ, không ai hướng dẫn, chỉ bảo, không thể tra được tài liệu liên quan, quả thực rất bế tắc, thế nhưng một khi đã viết được phần tổng quan, một khi đã nắm được điểm mấu chốt thì dường như họ đã đặt được nửa bàn chân sang ranh giới phía bên kia rồi. Và đường cùng đã được khai sáng như thế đấy, nói cho vui thì nếu như ngõ cụt của bạn bị chắn bởi một bức tường, bạn có hai cách một là lấy sức nhảy bật sang bên kia, hai là kiếm búa và dùi đến đục một lỗ trên bức tường để chui qua.

    Les Brown cũng đã nói rằng: "Bạn không thể yếu đuối trên con đường theo đuổi giấc mơ. Hãy dám vượt qua các rào chắn để tìm con đường của riêng mình". Đúng như vậy, chỉ có sức mạnh mới có thể nâng bước chúng ta trên đường đời, khi đã trưởng thành đôi cánh của cha mẹ đã dần mỏi mệt, chúng ta phải tự sải cánh để bay xa, nhưng nếu như bạn cứ mãi tự ti về đôi cánh chưa mọc đủ lông, mãi sợ hãi những cái "đường cùng" mà thực tế nó là "ranh giới" có thể bước qua được, thì tin tôi đi, bạn là người thất bại. Mỗi chúng ta phải biết học cách mạnh mẽ và vươn lên trong cuộc sống, bởi sức mạnh ấy giúp chúng ta hạnh phúc hơn, sống hữu ích hơn trong cuộc đời. Ai đó đã nói rằng: "Hạnh phúc không phải là không có rắc rối mà là có khả năng đối phó với chúng", phải vậy khi khó khăn ập đến từ nhiều phía, dù là khách quan hay chủ quan nhưng chúng vẫn luôn đem đến cho chúng ta thật nhiều bài học kinh nghiệm, một khi ta đã vượt qua được khó khăn ấy thì tin chắc rằng bản thân ta cũng sẽ có cái niềm hạnh phúc vì đạt được thành tựu, vì thấy mình sống không uổng phí, không vô dụng. Từ những điều tưởng nhỏ nhoi ấy sẽ gây dựng cho chúng ta một tâm thế tự tin, sẵn sàng vượt qua bão to sóng lớn, dần dà chúng ta sẽ ngày càng trưởng thành hơn, bởi sự trưởng thành là dựa trên những khó khăn, kinh nghiệm bạn trải qua chứ chẳng phải là dựa vào số tuổi. Như Samuel Johnson đã nói: "Cuộc sống không có lạc thú nào hơn ngoài vượt qua gian khó, bước từng bước tiến tới thành công, lập nên những ước vọng mới và chứng kiến chúng được thỏa mãn". Hơn tất cả, không có người thành công nào chưa từng cảm thấy bế tắc, chán nản và tuyệt vọng nhưng họ đã vượt qua nó bằng chính ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, bằng một trái tim kiên cường, bằng một niềm tin chắc thắng. Bởi vậy nên khi nghe một doanh nhân thành đạt kể về những tháng ngày khởi nghiệp thất bại, gia đình không tin tưởng, người yêu chia tay họ luôn có thái độ trân trọng và vui vẻ bởi chính những thứ ấy đã khiến họ trở thành được như ngày hôm nay.

    Khi nghe một ai đó than thở, chán nản và cho rằng cuộc sống đang dồn họ đến đường cùng tôi thường không cho đấy là điều đúng đắn. Điều đó chỉ cho thấy rằng bạn là một kẻ yếu đuối, thiếu tự tin và nhu nhược trước cuộc đời mà thôi. Bạn đừng bao giờ đổ lỗi rằng cuộc đời bất công không cho bạn may mắn, ngược lại đem cho người khác, bạn cũng đừng bao giờ cảm thấy đỏ mắt khi người khác có cuộc sống tốt hơn bạn, bởi biết đâu sau bề nổi ấy là một tảng băng chìm to lớn, sự thật còn có mặt trái nữa cơ mà. Tôi tương đối thích những người nói ít làm nhiều, cái họ cho người khác thấy chính là kết quả, còn ngược lại những kẻ luôn mang tâm thế bị động và đổ lỗi cho hoàn cảnh thì thường chẳng làm nên được cái gì đáng kể. Đặc biệt có một điều rằng những người thiếu niềm tin, nghị lực vào cuộc sống thường có xu hướng kéo theo cả người khác, họ không muốn vươn lên nhưng lại muốn kéo người khác xuống cùng với họ để họ bớt đi cái cảm giác thu kém, chán nản, đó là bản tính ích kỷ và vô cùng thiển cận.

    Bản thân chúng ta khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường cũng phải tự ý thức mà rèn luyện cho mình một tâm thế vững chắc, một nội tâm mạnh mẽ, một tấm lòng kiên trì không đổi, bài toán giải không ra thì cố tìm cho ra, không tìm được thì đi hỏi thầy hỏi bạn, chớ có buông xuôi, phó mặc. Quan trọng hơn cả, là thế hệ trẻ chúng ta cũng cần xác định cho mình một ước mơ hoặc một niềm đam mê để chúng ta thấy cuộc sống có hy vọng có đích đến, để rồi lấy đó làm động lực. Nếu không, ngay cả khi còn trẻ tuổi mà đã có tư tưởng tiêu cực, tương lai mù mịt thậm chí xem nó là đường cùng thì rất nguy hại, bởi khi càng lớn tuổi, khi bước chân ra xã hội khó khăn không chỉ là bài tập về nhà mà đó chính là cơm, áo, gạo, tiền, các rắc rối trong mối quan hệ xã hội thì liệu ta có thể đủ sức để vượt qua hay không?

    Thế nên, các bạn trẻ à cuộc sống cũng như thời tiết vậy, mùa thu kiểu gì chẳng có vài cơn mưa tầm tã, nhưng dẫu mưa có lớn đến đâu thì cũng chẳng thắng nổi ánh mặt trời, trời sẽ lại quang, mây sẽ lại tạnh, giống như lời Jack Ma đã nói "Hôm nay đầy rẫy những khó khăn, và ngày mai cũng không có điều gì dễ dàng. Nhưng sau ngày mai, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp". Chúng ta đừng quá e ngại về những gì đang và sắp sửa xảy ra, bởi suy cho cùng trời không tiệt đường sống của ai bao giờ, đường cùng hay ngõ cụt, cũng chỉ là thứ để thử thách trí thông minh và nghị lực của mỗi chúng ta mà thôi, khi đã qua được rồi nhìn lại thì ôi chao nó chỉ là một cái ranh giới quá ư bình thường.

      bởi Vũ Minh Khang 01/03/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF