Bài thơ Chiều tối viết về không gian chiều tà nhưng không mang đến cảm nhận về sự cô đơn, lạc lõng mà thắp sáng trong lòng mỗi độc giả bằng sự ấm áp của ngọn lửa hồng đầy yêu thương, cùng niềm tin mạnh mẽ vào cuộc đời của tâm hồn lạc quan của Bác. Tài liệu Phân tích bức tranh thiên nhiên trong Chiều tối – Hồ Chí Minh nhằm giúp các em có thêm tài liệu ôn thi đồng thời cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm. Mời các em cùng tham khảo!
Phân tích bức tranh thiên nhiên trong Chiều tối – Hồ Chí Minh
A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
B. DÀN BÀI CHI TIẾT
I. Mở bài
-Giới thiệu tác giả.
-Giới thiệu tác phẩm: Trong một lần chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo, Bác đã viết bài thơ Chiều tối để ghi lại khung cảnh thiên nhiên trên đường chuyển lao, đồng thời gửi gắm những tâm sự, cảm xúc thầm kín.
II. Thân bài
- Những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca cổ
– Trên đường chuyển lao, Bác đã ghi lại khung cảnh thiên nhiên chiều tối rộng lớn nhưng tịch mịch của vùng sơn cước
– Cánh chim mỏi mệt, đám mây cô đơn là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca cổ điển.
–> sự xuất hiện của những hình ảnh quen thuộc này góp phần làm cho không gian vũ trụ trở nên rộng lớn, gia tăng nỗi buồn, sự cô đơn của người tù nơi đất khách quê người.
+ Cánh chim mỏi mệt trong thơ Bác vừa gợi ra cái rộng lớn, tịch mịch của không gian vừa gợi ấn tượng về chiều thời chiều tà, khi bóng tối bắt đầu bao trùm không gian.
+ Đám mây cô đơn lại gợi ra trạng thái ung dung, tự tại nhưng lại đơn độc, cô đơn của người tù khi lưu lạc nơi đất khách.
- Không gian rộng lớn, hoang vắng
– Bức tranh thơ vẫn không ngừng chuyển động, từ không gian rộng lớn của thiên nhiên, Bác đã hướng sự chú ý đến sự sống của con người.
àGợi sự cô đơn, mỏi mệt, lạc lõng
– Hình ảnh thơ giản dị mang những nét đời thường, tuy nhiên chính cái đời thường ấy lại gợi ra bao cảm xúc nồng nhiệt trong tâm hồn của người thi sĩ.
- Hình ảnh ngọn lửa hồng cùng niềm tin mạnh mẽ vào cuộc đời
– Hình ảnh cô gái xay ngô tối thể hiện sức sống mạnh mẽ, dáng vẻ trẻ trung sống động đã xua đi ấn tượng về không gian tịch mịch, về nỗi cô đơn, nỗi buồn triền miên trước đó.
– Sự xuất hiện của con người như dấu hiệu của sự sống, nó mang đến hơi ấm của sự sống, mang đến niềm vui và niềm tin trong tâm hồn của người chiến sĩ.
– Bếp lửa rực hồng được coi là ánh sáng hi vọng, là nhãn tự của cả bài thơ, sự xuất hiện của ánh hồng báo hiệu cho độc giả biết về thời gian chiều tà đã bị bóng tối của màn đêm bao phủ, một dấu hiệu độc đáo.
III. Kết bài
Bài thơ Chiều tối viết về không gian chiều tà nhưng không mang đến cảm nhận về sự cô đơn, lạc lõng mà thắp sáng trong lòng mỗi độc giả bằng sự ấm áp của ngọn lửa hồng đầy yêu thương, cùng niềm tin mạnh mẽ vào cuộc đời của tâm hồn lạc quan của Bác.
C. BÀI VĂN MẪU
Chiều tối được Hồ Chí Minh sáng tác vào năm 1942 khi Bác đang bị giam giữ bởi nhà tù Tưởng Giới Thạch. Trong một lần chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo, Bác đã viết bài thơ Chiều tối để ghi lại khung cảnh thiên nhiên trên đường chuyển lao, đồng thời gửi gắm những tâm sự, cảm xúc thầm kín. Qua bài thơ độc giả có thể phần nào cảm nhận được nét đẹp trong tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản ấy.
Sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt khi Bác bị xiềng xích chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm về tự do, phải trải qua vô vàn những đọa đầy về thân xác nhưng xuyên suốt bài thơ Bác không một lần thể hiện sự bi quan hay than thở về hoàn cảnh là lại hướng tâm hồn tự do của mình đến cảnh sắc của tự nhiên, sự sống của con người. Thế mới thấy chính quyền Tưởng Giới Thạch chỉ có thể giam cầm tự do nhưng sức sống tinh thần lại chẳng sức mạnh bạo tàn nào có thể giam giữ nổi.
Trên đường chuyển lao, Bác đã ghi lại khung cảnh thiên nhiên chiều tối rộng lớn nhưng tịch mịch của vùng sơn cước:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
Dịch:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây nhẹ trôi giữa tầng không
Cánh chim mỏi mệt, đám mây cô đơn là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca cổ điển. Cũng giống như những thi nhân xưa, mượn hình ảnh cánh chim, đám mây để diễn tả nỗi cô đơn, lạc lõng thì trong bài Chiều tối, sự xuất hiện của những hình ảnh quen thuộc này góp phần làm cho không gian vũ trụ trở nên rộng lớn, gia tăng nỗi buồn, sự cô đơn của người tù nơi đất khách quê người.
Cánh chim mỏi mệt trong thơ Bác vừa gợi ra cái rộng lớn, tịch mịch của không gian vừa gợi ấn tượng về chiều thời chiều tà, khi bóng tối bắt đầu bao trùm không gian. Hướng theo cánh chim mỏi mệt bay về rừng Bác đã gửi vào đó sự lưu luyến bất tận với từng dấu hiệu nhỏ nhoi của sự sống, cánh chim mỏi mệt còn tạo ra sự kết nối với hoàn cảnh của người tù. Sự mỏi mệt của cánh chim hô ứng với sự moi mệt của đôi chân người tù trên hành trình chuyển lao đầy mất vả.
Không gian mênh mông của vùng sơn cước còn được điểm xuyết bởi hình ảnh đám mây cô đơn đang lặng lẽ trôi vô định trên bầu không. Hình ảnh này gợi cho người đọc liên tưởng đến hình ảnh đám mây đơn độc trong thơ Thôi Hiệu “Ngàn năm mây trắng bây giờ con bay”.
Nếu đám mây trong thơ Thôi Hiệu gợi đến sự phiêu diêu, mênh mang mang ý vị vĩnh hằng thì trong thơ Bác đám mây cô đơn lại gợi ra trạng thái ung dung, tự tại nhưng lại đơn độc, cô đơn của người tù khi lưu lạc nơi đất khách, khi lí tưởng làm cách mạng, cứu dân cứu nước của người chiến sĩ bị gián đoạn.
Bức tranh thơ vẫn không ngừng chuyển động, từ không gian rộng lớn của thiên nhiên, Bác đã hướng sự chú ý đến sự sống của con người:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
Dịch:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Ngô vừa xay xong lò than đã rực hồng
Hình ảnh thơ giản dị mang những nét đời thường, tuy nhiên chính cái đời thường ấy lại gợi ra bao cảm xúc nồng nhiệt trong tâm hồn của người thi sĩ. Hình ảnh cô gái xay ngô tối thể hiện sức sống mạnh mẽ, dáng vẻ trẻ trung sống động đã xua đi ấn tượng về không gian tịch mịch, về nỗi cô đơn, nỗi buồn triền miên trước đó. Sự xuất hiện của con người như dấu hiệu của sự sống, nó mang đến hơi ấm của sự sống, mang đến niềm vui và niềm tin trong tâm hồn của người chiến sĩ.
Bếp lửa rực hồng được coi là ánh sáng hi vọng, là nhãn tự của cả bài thơ, sự xuất hiện của ánh hồng bếp lửa báo hiệu cho độc giả biết về thời gian chiều tà đã bị bóng tối của màn đêm bao phủ, một dấu hiệu về thời gian độc đáo. Tuy nhiên, bóng tối không mang đến những lãnh lẽo, âm u như ấn tượng thông thường bởi hơi ấm của lò lửa có thể xua đi mọi u tối, mang đến ánh sáng của hi vọng, hơi ấm của sự sống.
Bài thơ Chiều tối viết về không gian chiều tà nhưng không mang đến cảm nhận về sự cô đơn, lạc lõng mà thắp sáng trong lòng mỗi độc giả bằng sự ấm áp của ngọn lửa hồng đầy yêu thương, cùng niềm tin mạnh mẽ vào cuộc đời của tâm hồn lạc quan của Bác
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----