YOMEDIA

Viết đoạn văn ngắn kể về đêm hội trung thu - Văn mẫu lớp 3

Tải về
 
NONE

Học247 xin giới thiệu đến các em bài văn mẫu Viết đoạn văn ngắn kể về đêm hội trung thu dưới đây nhằm giúp các em biết cách viết đoạn văn hay và đặc sắc nhất. Chúc các em có được những đoạn văn kể lại đêm hội trung thu thật hay nhé!

ATNETWORK

Đề bài: Em hãy viết đoạn văn ngắn kể về đêm hội trung thu mà em ấn tượng nhất.

Gợi ý làm bài:

1. Đoạn văn mẫu số 1

Hằng năm, cứ đến 15 tháng 8 là ngày hội Tết Trung thu. Vào ngày đó, trẻ em trong làng em rất háo hức mặc đồ đẹp, cầm đồ chơi hòa vào chúng bạn đón tết thiếu nhi. Trước ngày hội, mẹ em đã đi chợ chuẩn bị cho em một chiếc đèn ông sao thật đẹp. Đúng bảy giờ tối, trẻ em ru nhau đi rước đèn. Em cũng xin phép bố mẹ để đến cùng bố mẹ. Chúng em sẽ đi từ cuối làng lên đến đình làng. Dẫn đầu đoàn quân là anh chị thanh niên. Mỗi anh chị sẽ cầm theo một cái trống để đánh từng bài một rất đồng điệu. Rồi có chị sẽ bắt cái để chúng em hát nhiều bài thiếu nhi khác nhau. Ở cuối đoàn sẽ có một số người lớn đi theo con mình, rồi cùng lên đình phá cỗ. Ban đầu, đoàn sẽ chia làm hai hàng. Nhưng chỉ một lúc sau, các bạn đã nháo nhào chạy lại gần nhau hơn để nói chuyện, cười nói vui vẻ. Ngày hội năm nào cũng để lại cho em những kỉ niệm khó quên. Những cảm xúc khác nhau khi trải qua từng năm là khi em trưởng thành hơn, biết suy nghĩ hơn. Đó là những nốt nhạc vui trong bản nhạc tuổi thơ của em.

2. Đoạn văn mẫu số 2

“Tùng rinh rinh… tùng tùng tùng rinh rinh…”. Mới chợp tối, khắp mọi nơi đã rộn vang tiếng trống, tiếng nhạc mừng đêm Trung thu. Ai ai cũng háo hức chờ giây phút được rước đèn, phá cỗ. Trên sân khấu, chú Cuội và chị Hằng đã cười nói để bắt đầu đêm hội. Các bạn nhỏ lần lượt biểu diễn những bài hát trung thu vui nhộn. Chúng em ngồi xếp thành hàng, vừa vẫy tay vừa ca hát theo. Trên vòm trời, ông Trăng sáng vằng vặc, tròn xoe như một chiếc mâm bạc. Đêm Trung thu, thiếu ông chắc sẽ buồn lắm. Hình như ông biết, lũ trẻ chúng em mừng vui nên càng lúc ông càng lên cao, đổ muôn tia sáng xuống mặt đất. Những chiếc đèn ông sao trên tay chúng em nhờ ánh trăng chiếu mà đẹp lấp lánh hơn. Một hồi trống vang lên để báo hiệu màn múa lân sắp bắt đầu. Ba chú lân khoác trên mình bộ áo choàng đỏ rực. Các chú cứ nhảy lên rồi uốn lượn. Chúng em đứng xung quanh xem và hát vang “Đêm Trung thu rước đèn ông trăng…”. Chúng em còn được ăn rất nhiều bánh kẹo. Đó là đêm Trung thu vui nhất của em. Em mong mùa thu mau tới để em lại được rước đèn, phá cỗ.

3. Đoạn văn mẫu số 3

Rằm tháng tám, ở quê em đẹp lắm. Mặt trăng to tròn, sáng vằng vặc. Màu vàng nhàn nhạt của ánh trăng chiếu xuống mặt mặt đất làm mọi vật như đều được dát vàng. Không khí đêm nay mát mẻ lạ kỳ, thỉnh thoảng có vài cơn gió dịu dàng thổi qua mang theo một mùi thơm lạ lùng, là mùi bánh, mùi hoa hay mùi của sự viên mãn, đủ đầy? Chúng em trông đợi ngày này lắm, chỉ mong đi học về thật nhanh để được diện đồ đẹp, đi rước đèn. Mới bảy giờ tối, em đã nghe tiếng nhạc rộn ràng “Tùng rinh rinh… tùng tùng tùng rinh rinh”, bài hát huyền thoại của tuổi thơ, em cùng các bạn trong làng, vội vàng ùa về nhà văn hóa của xóm. Tay ai cũng đều xách một chiếc đèn lồng đủ hình dáng màu sắc, nào là hình ông sao, hình con cá, hoặc hình lồng đèn, có bạn mang theo chiếc đèn chạy bằng pin, vừa phát ra cả tiếng nhạc, vừa nhấp nháy trông rất đẹp. Đến nơi chúng em rất trật tự ngồi thành hàng, xem mấy tiết mục văn nghệ xóm tự chuẩn bị, rồi sau đó lần lượt lên nhận phần thưởng, mặc dù chỉ là quyển vở, cây bút, với vài cái bánh, cái kẹo, nhưng chúng em cảm thấy rất hạnh phúc. Chờ mong mãi mới đến màn rước đèn, cả đoàn nối đuôi nhau xách đèn đi khắp xóm, vừa đi vừa hát vang “Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường” không khí thật náo nhiệt, hạnh phúc làm sao.

4. Đoạn văn mẫu số 4

Trong một năm thì có rất nhiều ngày lễ. Mỗi ngày lễ lại gắn liền với những ý nghĩa khác nhau. Ở Việt Nam, một trong những ngày lễ mà trẻ con yêu thích nhất đó là lễ hội Trung thu. Mỗi dịp mùa thu về, ai cũng háo hức chờ đón ngày được rước đèn ông sao. Trung thu là lễ hội truyền thống lâu đời của dân tộc. Nó diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm. Đó là dịp con cháu quây quần bên gia đình, cùng nhâm nhi món bánh Trung thu ngọt ngào và thưởng thức vẻ đẹp của trăng rằm dưới một bầu không khí trong lành, thoáng mát của những ngày cuối thu. Hình như, trăng rằm tháng 8 là trăng to nhất, tròn nhất và tỏa sáng nhất trong mười hai tháng của một năm. Ánh trăng hắt xuống từng mảnh sân, xuống những con đường và trăng hòa chung niềm vui với con người. Những ngày trước đêm Trung thu, các bạn nhỏ lại hồ hởi và vui mừng vì được ba mẹ dẫn đi mua đèn lồng, đèn ông sao. Ở những khu chợ bày rất nhiều các loại đèn khác nhau. Chúng đa dạng cả về màu sắc và hình dáng. Có những chiếc đèn hình búp bê ngộ nghĩnh hay hình thỏ, hình bươm bướm dành cho các bạn nữ. Lại có cả những chiếc đèn hình siêu nhân hay ô tô phần các bạn nam. Chúng được làm bằng những màu sắc rực rỡ và bắt mắt. Chỉ cần một hai viên pin là chúng sẽ phát ra những ánh sáng đủ màu sắc và còn có cả những bản nhạc vui nhộn. Chỉ cần nhìn thấy thôi, đứa trẻ nào cũng mong muốn có được một vài chiếc để đi chơi Trung thu.

5. Đoạn văn mẫu số 5

Mỗi năm một lần, hội rước đèn đêm Trung thu ở xã em diễn ra tại sân vận động của xã rất tưng bừng, náo nhiệt. Tối mười bốn tháng tám âm lịch, trên bãi sân rộng, thiếu nhi trong xã xếp hàng từng đội theo xóm. Tay bạn nào cũng cầm theo một cái lồng đèn được mua hoặc tự làm hay ống tre làm thành đuốc. Ban tổ chức gọi tổ trưởng lên bàn nhận bánh kẹo về cho tổ mình. Sau khi tổ trưởng phát xong kẹo bánh, có vài tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” diễn ra ở sân rộng, thiếu nhi đồng vỗ tay theo nhịp, ủng hộ những nghệ sĩ không chuyên nghiệp của xã nhà. Tiếp đó là lệnh đốt nến. Tất cả các lồng đèn, đuốc được thắp sáng. Lúc bấy giờ sân bãi đẹp lung linh, kỳ ảo với hàng trăm ánh nến xanh, vàng, đỏ và ánh hồng của cây đuốc làm bằng ống tre. Lễ rước đèn Trung thu bắt đầu bằng bài hát “Rước đèn Trung thu”. Thiếu nhi vừa cầm lồng đèn, vừa hát. Đoàn rước đèn đi một vòng quanh xã. Các cô chú đội sản xuất và các anh chị thanh niên xã đoàn đi kèm thiếu nhi đều giữ hàng ngũ ngay ngắn, trật tự. Dọc đường, có bạn cầm lồng đèn từ trong nhà chạy ra nhập vào đoàn thiếu nhi đang “rồng rắn” rước đèn. Trên đường về, bạn nào nhà gần đường đi rước đèn có thể tách hàng về nhà. Trăng lúc này đã lên cao, tròn vành vạnh soi ánh vàng trong trẻo xuống mặt đất. Đoàn thiếu nhi vừa đi, vừa hát trở lại chỗ xuất phát. Các anh chị xã đoàn bắt nhịp bài hát”Như có Bác trong ngày đại thắng”. Kết thúc ngày hội, chúng em chia tay nhau và ra về. Buổi lễ rước đèn là sinh hoạt rất vui của thiếu nhi xã em và đã trở thành thông lệ không thể thiếu trong ngày lễ Trung Thu. Em rất yêu quê và yêu ngày hội Trung thu ở quê hương mình.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON